Kiến thức
Ý nghĩa thực tiễn của người xuất gia
Chủ nhật, 04/09/2020 07:28
Ý nghĩa xuất gia với những truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, là sự cầu tiến của con người, tìm tự tại giải thóat và chân thành sống với đời. Xuất gia hoàn toàn là một sự tự nguyện cá nhân không có bất kỳ một sự gán ép nào.
Ý nghĩa xuất gia đối với cá nhân
Người xuất gia nhờ giữ gìn giới pháp mà sinh định, do định phát khởi mà trí huệ tăng trưởng, cuối cùng thì chứng đắc giải thoát giác ngộ. Nếu chúng ta dùng niềm tin chân chánh để áp dụng lời Phật dạy vào thực tiễn của cuộc đời, đem lại lợi lạc cho cuộc đời thì chúng ta sẽ hòa hợp giữa mọi người; thế giới ta-bà được an lạc thì đó là Tịnh độ nhãn tiền; người xuất gia đi đến đâu đều được tự tại, đó là một ý nghĩa cao quý của việc xuất gia.
Xuống tóc xuất gia là chính thức dấn thân vào cuộc đời, vì cuộc đời đau khổ chúng ta nguyện xin cứu khổ, lấy niềm vui của mọi người để làm niềm vui của mình, lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc của mình, thực hành hạnh Bồ-tát không vì an lạc cá nhân mà nguyện giúp hết thảy chúng sinh hết khổ được vui. Như vậy chính là đi vào thực tiễn của cuộc đời. Người xuất gia báo ân Tam bảo bằng cách thông cảm và hòa nhập với mọi người, nhu hòa và hiểu được mọi người, dùng từ bi để đối với mọi người, cung kính tôn trọng hết thảy mọi người, cảm ơn hết thảy mọi người.
Xuất gia là tích cực đối diện với cuộc đời
Ý nghĩa xuất gia đối với Phật giáo
Phật giáo được lưu truyền trong thế gian là nhờ hàng ngũ Tăng sĩ, thêm một người xuất gia chân chính thì thêm một sức mạnh hoằng pháp, làm cho Phật pháp ngày thêm hưng thịnh. Phật pháp được hoằng truyền rộng rãi cũng là nhờ sức mạnh của Tăng bảo. Kinh Tán Dương Công Đức Tăng Bảo cho thấy người xuất gia có nhiệm vụ giữ gìn mạng mạch của Tam bảo, tiếp tục ngọn đèn trí huệ của chư Phật; kinh dạy: “Người đệ tử xuất gia là người có thể đảm trách và kế tục Chánh pháp của Như Lai ở đời sau. Nếu đem tất cả công đức của người thế gian gộp lại cũng không thể sánh bằng một người xuất gia hoằng dương thánh giáo”. Lịch sử truyền bá Phật giáo đã khẳng định vai trò to lớn của Tăng bảo trong việc duy trì chánh pháp ở thế gian.
Ngày nay mặc dù kinh sách đầy đủ mà con người vẫn khó tiếp cận với Phật giáo. Chướng ngại lớn nhất của họ là không hiểu được Phật pháp, vấn đề này liên quan đến sự giáo dục lâu dài, đồng thời phản ảnh hoạt động hoằng pháp chưa hiệu quả. Hơn nữa, công việc hoằng pháp chưa song hành với nền giáo dục hiện hành, chưa có một phương tiện nào có đầy đủ tính chính xác và toàn diện để đưa Phật pháp phổ cập trong quần chúng. Cho nên công việc hoằng pháp lợi sinh là một trách nhiệm lớn lao mà người xuất gia phải gánh vác.
Ý nghĩa xuất gia đối với toàn bộ xã hội
Xã hội phát triển không thể chỉ chú trọng văn minh vật chất mà còn phải kiến thiết văn minh tinh thần; nếu không, sự phát triển của xã hội mất cân bằng. Hoằng dương Phật pháp là tích cực đóng góp văn minh tinh thần cho xã hội. Phật pháp là tâm pháp. Thực hành Phật pháp là tự rèn luyện hoàn thiện nhân cách và bình đẳng với tất cả chúng sinh trong pháp giới. Xã hội hiện đại nhấn mạnh vai trò của sự hài hòa, điều này rất khế hợp với tinh thần Phật giáo. Phật giáo không bao giờ nói đến đối lập mà nói đến dung hòa. Mọi người đều có thể học hỏi ở Phật pháp; nếu thế gian này mọi người đều học Phật pháp thì thế giới này không còn chiến tranh, người với người hài hòa thương yêu.
Xuất gia là gánh vác sự nghiệp của chư Phật, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn Chánh pháp. Sức mạnh của một cá nhân tuy nhỏ bé, nhưng nếu có thể nói năng như Chánh pháp, làm những điều Phật dạy thì có thể cảm động tâm thức của nhiều người, cống hiến cho xã hội một giá trị hài hòa thân thiện. Người xuất gia lấy việc lợi ích cho mọi người là sự nghiệp; giúp xây dựng xã hội thanh bình, cải thiện nhân tâm; dùng từ bi mà bổ chính, hỗ trợ cho những thiếu sót của giáo dục; góp phần xây dựng một quốc độ an lành, hạnh phúc cho mọi chúng sinh.
Xuất gia là truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, là sự cầu tiến của con người, tìm tự tại giải thóat và chân thành sống với đời. Xuất gia hoàn toàn là một sự tự nguyện cá nhân không có bất kỳ một sự gán ép nào. Xuất gia là sống với một đoàn thể Tăng già hòa hợp, dung hòa một cá thể vào trong đại chúng để rèn luyện chất lượng bản thân, thực hiện lý tưởng giải thoát; đồng thời, đem năng lượng từ bi và trí huệ của đại chúng chuyển hóa thế gian, thúc đẩy cá nhân và cộng đồng không ngừng tinh tấn.
Mời quý Phật tử xem thêm video: "Tu thân theo lời Phật dạy":