Kiến thức
Ý nghĩa và nội dung Kinh Vu Lan
Thứ sáu, 10/08/2021 04:59
Kinh Vu lan ghi lại những lời Đức Phật dạy về lòng thương yêu, bổn phận của con cái đối với cha mẹ hiện tiền hay quá cố, đối với những người đang trầm luân trong những khổ cảnh, nghịch cảnh và cách thức thể tình cảm, bổn phận ấy bằng những việc làm cụ thể, nhân dịp thưa hỏi của Ngài Mục Kiều Liên.
Hướng dẫn cách tụng và tải kinh Vu Lan
Bài kinh tuy ngắn, nhưng ý nghĩa vừa cao vợi, hướng thượng, lại vừa thiết thực, đáp ứng lòng từ bi, hiếu thảo của mọi người mong muốn đền ơn, đáp nghĩa đấng sinh thành, cứu giúp cha mẹ, người ơn, người thân và những người quen biết hay không quen biết đang phải chịu cảnh khổ. Đồng thời mở ra cho chúng ta những người con, đồng thời là những bậc cha mẹ trong tương lai, con đường thực hành để đi đến giải thoát khổ đau ngay trong kiếp sống hiện tại, hay hơn nữa, là tạo nền tảng để trong tương lai được giải thoát hoàn toàn, tức không còn bị chi phối trong vòng luân hồi nơi lục đạo.
Kinh Vu Lan tuy thuộc Đại thừa, nhưng bên trong vẩn mang tinh thần Nguyên thủy. Thế nên việc tìm hiểu kinh Vu Lan trong sự liên hệ với các bài kinh Tiểu Sư Tử Hống, Ước Nguyện trong Kinh Trung Bộ thuộc Nguyên thủy là điều rất thú vị. Chúng tôi xin mạn phép cùng các bạn tìm hiểu về vấn đề này.
Nội dung sơ lược Kinh Vu Lan
Nội dung Kinh Vu Lan gồm 3 phần:
Phần 1: Nguyên nhân Đức Phật thuyết kinh
Ngài Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Thế Tôn, với lòng hiếu thảo mong muốn giúp đỡ mẹ mình đã lâu, nay nhân dịp Ngài chứng đắc sáu phép thần thông, liền muốn dùng những thần thông ấy tìm xem người mẹ quá cố của mình hiện thời đang ở đâu, để cứu giúp, báo đáp ân đức sinh thành.
Ngài dùng Thiên nhãn thông để nhìn suốt khắp sáu cõi, thì biết rằng mẹ mình đang ở cõi ngạ quỹ, bị bỏ đói chỉ còn trơ da xương, khốn khổ vô cùng. Thấy vậy, Ngài liền mang cơm đến cho mẹ ăn.
Được cơm, mẹ Ngài vội lấy tay trái che dấu không cho ai thấy, tay phải bốc cơm mà ăn. Nhưng thương thay, nắm cơm vừa tới miệng liền biến thành cục lửa than cháy bỏng, nên không thể nào ăn được, cứ như thế tái diển mãi, tình cảnh rất thương tâm.
Ngài Mục Kiền Liên không thể nào cứu giúp mẹ, rất bi ai, liền trở về bạch với Đức Phật sự việc như thế để nhờ Thế Tôn giúp đỡ.
Phần 2: Thế Tôn chỉ dạy Ngài Mục Kiền Liên con đường hay phương pháp để cứu mẹ mình thoát khỏi thảm cảnh.
Thế Tôn giải thích cho ngài Mục Kiền Liên rỏ, vì căn tánh tham sân si của mẹ Ngài quá sâu dày, bất thiện nghiệp quá nặng nề, nên phải thọ quả báo tương ứng. Thế nên không phải chỉ riêng một mình Ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ mình, mà thậm chí các vị đạo sỹ, các vị thiên thần, địa thần, quỹ thần, cho đến Tứ Thiên Vương cũng không thể làm gì được.
Chỉ có biện pháp duy nhất là phải nhờ uy lực của chư Tăng trong mười phương (Thập phương tăng) mới cứu đặng mẹ ngài Mục kiền Liên cùng những người khổ nạn khác được thoát khỏi khổ cảnh (siêu thoát).
Nhân ngày Tự tứ vào ngày rằm tháng 7, các hiền thánh tăng là các vị tỷ-kheo đang tu thiền định nơi rừng núi, đến các vị đã chứng đắc bốn đạo quả, hay là các vị tỷ kheo thuộc hàng Thanh văn, Duyên Giác đủ sáu phép thần thông giáo hóa tự tại, hay là các Bồ tát Đại sĩ thuộc hàng Thập địa đang hiện thế phương tiện tỷ-kheo, tất cả đều quy tụ trong Tăng chúng đồng đẳng nhất tâm tập hợp về cùng một trú xứ để thọ lễ Tự tứ.
Vì tất cả các vị tỷ-kheo tụ hợp về thọ lễ Tự tứ đều là những người có đầy đủ giới hạnh trang nghiêm, có chánh định thù thắng, có chánh trí tuệ thù thắng nên tạo thành giới pháp đạo đức sâu rộng mênh mông, có oai lực cảm ứng, có thần lực hộ trì chiêu cảm, có hiệu lực tác động thật là vô cùng linh ứng, quảng đại, vô biên.
Vào ngày Tự tứ vào rằm tháng bảy này, chúng ta, mỗi người hãy vì cha mẹ hiện tại và trong bảy đời quá khứ, cùng những người đang ở trong vòng khổ nạn mà sửa soạn các loại đồ ăn thức uống, quả củ, trái cây đủ loại hương vị, ngon bổ, thượng vị, chay tịnh; các loại nhang đèn, hương hoa thanh tịnh mà dâng cúng dường các vị Hiền thánh tăng.
Khi thực hiện các điều trên với lòng thành kính thì cha mẹ và bà con trong đời này, nếu đã quá vãng thì được thoát khổ trong ba đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) không còn cảnh đói khổ; nếu cha mẹ đang còn sống thì được hưởng phước lạc sống lâu; đến như cha mẹ trong bảy đời sẽ được tái sinh nơi Thiên giới Tha hóa tự tại.
Các món cúng dường chay tịnh được đặt trước bàn thờ Phật tại tư gia hay trong các ngôi chùa, tháp. Trước khi thọ trai các vị Thập phương tăng chúng dùng định lực chú nguyện cho trai chủ, chú nguyện cho đến cha mẹ bảy đời của trai chủ với năng lực hộ trì từ oai lực vô biên của giới định tuệ sâu thẳm.
Sau khi Ngài Mục Kiền Liên thực hiện lời chỉ dạy của Thế Tôn tức thời tiếng rên la bi thảm của mẹ Ngài không còn nữa và trong ngày ấy bà được thoát khỏi cảnh khổ trong kiếp ngạ quỷ.
Tụng kinh Vu Lan: Đền ơn đáp nghĩa đấng sinh thành
Phần 3: Thế Tôn chỉ dạy bổn phận và phương pháp thể hiện hiếu thảo đối với cha mẹ của tất cả mọi người.
Đức Phật dạy, bất cứ ai từ hàng vương công phú quý đến hạng nghèo hèn cùng khổ đều có thể thực hiện lòng hiếu thảo của mình đối với cha mẹ hiện tiền hay quá cố bằng cách vào ngày rằm tháng bảy, vào ngày Tự tứ sửa soạn trai lễ cúng dường Thập phương tăng, cầu nguyện cho cha mẹ đang còn sống được sống lâu trăm tuổi, không bệnh, không khổ; cha mẹ trong bảy kiếp của mình được thoát khỏi cảnh khổ, được sanh thiên giới.
Người Phật tử phải thực hiện lòng hiếu thảo của mình, phải thành tâm, thường xuyên tưởng nhớ đến công ơn cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong các tiền kiếp, đồng thời thực hiện lễ cúng dường tăng chúng vào ngày tự tứ, rằm tháng bảy hàng năm để chú nguyện cho cha mẹ mình.
Ý nghĩa của Kinh Vu Lan
Chúng ta có thể nhận thấy trong nội dung kinh Vu Lan có những vấn đề như sau:
1. Nếu chúng ta cúng dường đầy đủ phẩm vật cho tăng chúng, để họ chú nguyện cho cha mẹ chúng ta. Nếu người còn sống sẽ được hưởng phước lạc, tăng tuổi thọ, nếu như cha mẹ đã quá cố đang thọ khổ nơi khổ cảnh như địa ngục, ngạ quỷ sẽ được giải thoát khỏi nơi ấy, và cha mẹ trong các tiền kiếp của chúng ta sẽ được tái sanh vào các thuận cảnh nơi các cõi trời (cha mẹ trong 7 đời còn có nghĩa là những cha mẹ của ta trong quá khứ, tức chúng sinh khác, vì do nghiệp duyên ai cũng có thể đã là cha mẹ của ta).
Kết quả trên dường như nằm ngoài sự chi phối của luật nhân quả.
2. Hiện nay, dù số lượng các ngôi chùa và tăng chúng rất phát triển, phương tiện đi lại truyền thông rất hiện đại, nhưng nhu cầu báo hiếu của chúng ta vào dịp ngày rằm tháng bảy là rất lớn, bên cạnh đó việc cúng dường tăng chúng báo hiếu cha mẹ chỉ diễn ra vào ngày tự tứ và phải dùng sức chú nguyện của chư tăng mười phương (nhiều vị tăng).
Thế nên việc tổ chức lễ Vu Lan cho từng gia đình, hay nhiều gia đình cùng lúc (mỗi gia đình với nhiều lễ vật) tại một ngôi chùa trong dịp này sẽ ít nhiều bị hạn chế.
3. Tăng chúng thực hiện lễ Vu Lan là những Hiền thánh tăng đầy đủ đạo hạnh, giới đức, định lực, trí tuệ từ cận sơ quả, sơ quả đến Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát tạo thành một pháp giới đạo đức trang nghiêm thanh tịnh, từ đó có năng lực nhiệm mầu chú nguyện cứu giúp người trong khổ cảnh.
4. Vật phẩm cúng dường rất đa dạng, nhiều chủng loại thuộc thượng vị, loại tốt, ngon nhất.
Thế nên đối với người nghèo, người không đủ điều kiện, rất khó khăn trong việc sắm sửa đủ các lễ vật để thực hiện việc báo hiếu theo lễ Vu Lan.
Có thể, khi chúng ta nghiên cứu nội dung Kinh Vu Lan, chúng ta sẽ có cùng những nhận xét như trên.
Nhưng sau khi nghiên cứu bài kinh kỹ hơn, chúng tôi nhận thấy bên cạnh những ý nghĩa để nhận thấy trên, nội dung kinh còn hàm chứa ý nghĩa cao diệu hơn, nhân bản và đại từ đại bi hơn bao giờ hết.
Kinh Vu Lan tuy đề cập đến tha lực, nhưng thật ra bên trong hàm chứa ý nghĩa tự giác giác tha, tự lực giải thoát.
Về phương diện từ bi cứu khổ:
1. Các đạo sỹ ngoại đạo, các thiên thần, địa thần, quỹ thần, cùng Tứ thiên vương không có khả năng cứu mẹ ngài Mục Kiền Liên, chỉ có các vị hiền thánh tăng mới có khả năng ấy. Chúng ta có thể hiểu điều này như sau:
Mỗi chúng sinh đều tạo nghiệp và nhận quả báo tương ứng, không ai có thể thay đổi, định luật nhân quả chi phối, vận hành toàn bộ hoạt động thành trụ hoại diệt trong sáu cõi luân hồi, trừ phi chính người đó.
Nói là do chính người đó là bởi khi người đó đươc chỉ dạy, được giải thích, được hướng dẫn để đánh thức, để khởi lên sự hiểu biết trong họ, thì họ hiểu ra vấn đề họ đang gặp phải, hiểu về luật nhân quả, hiểu ra rằng muốn có thiện quả, có kết quả tốt đẹp hôm nay thì phải có thiện nghiệp tức phải làm các điều thiện về thân, khẩu và ý trong quá khứ.
Còn nếu như tự mình đã làm các điều ác, các điều bất thiện về thân khẩu, ý thì nay tất yếu phải chịu quả báo xấu nơi các khổ cảnh. Đây là một quy luật tự nhiên không ai làm khác đi được, tự mình làm cho mình hạnh phúc, tự mình làm cho mình đau khổ.
Một khi khởi lên sự hiểu biết rõ như thế, thì họ liền nhận ra sai lầm của mình, nhận thấy hiện trạng đau khổ của mình đến từ hậu quả việc làm của chính mình mà thanh thản thọ nghiệp, khi ấy với họ vấn đề thọ nghiệp hay không thọ nghiệp không còn quan trọng nữa, nên việc đang thọ nghiệp không tồn tại, chỉ tồn tại đối với thân, không tồn tại đối với tâm, tâm được giải thoát khỏi ám ảnh, nên họ được an lạc, nên họ được giải thoát khỏi nghiệp đó.
Nhưng làm sao để họ đươc chỉ dạy, được giải thích, được hướng dẩn, để họ được đánh thức, để trong họ khởi lên sự hiểu biết như thật về luật nhân quả, về khổ, về vô thường.
Đó là nhờ nguyện lực của chư hiền thánh tăng dựa trên giới lực, dựa trên định lực và dựa trên tuệ lực của các vị ấy. Nhưng tại sao chư hiền thánh tăng làm được mà các đạo sỹ, thiên thần, quỹ thần cùng Tứ đại thiên vương không làm được?
Vì các hiền thánh tăng là đệ tử Thế Tôn, họ là các Sa môn thứ nhất, Sa môn thứ hai, Sa môn thứ ba, Sa môn thứ tư. Họ chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả các thủ. Các ngọai khác không có các Sa môn thứ nhất, Sa môn thứ hai, Sa môn thứ ba, Sa môn thứ tư.
Những Sa môn, Bà La Môn của các ngoại đạo không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả các thủ, nên họ không có tịnh tín với Đạo sư, không có tịnh tín với Pháp hoàn toàn, không có giới luật hoàn toàn, không có tình thương hoàn toàn:
"...Chư Tỷ-kheo, có những Sa-môn, Bà-la-môn tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Vì sao vậy? Những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy không như thật tuệ tri một sự. Do vậy, những Hiền giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy tuy tự xưng liễu tri tất cả thủ, nhưng không chân chánh hiển thị sự liễu tri tất cả thủ. Họ hiển thị sự liễu tri về dục thủ, sự liễu tri về kiến thủ, sự liễu tri về giới cấm thủ, nhưng không hiển thị sự liễu tri về ngã luận thủ. Chư Tỷ-kheo, trong pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với Đạo sư, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có tịnh tín đối với Pháp, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có thành tựu viên mản các Giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với những pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là không hoàn toàn".
(Kinh Tiểu Sư Tử Hống)
Nguyện lực thanh tịnh của chư hiền thánh tăng, đệ tử Thế Tôn xuất phát từ giới luật, định lực, tuệ lực có được do sự tịnh tín hoàn toàn đối với Đạo sư, tịnh tín hoàn toàn với Pháp; do sự thành tựu hoàn toàn viên mản các giới luật; do từ lòng từ bi, hỷ xả, sự thương mến hoàn toàn và vô điều kiện với tha nhân.
Nguyện lực ấy có năng lực cao diệu, có khả năng nhiệm mầu, đánh thức thiện tâm vốn có sẵn nơi mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, nhưng đã bị chôn vùi bởi vô số trầm tích tham sân si từ quá lâu trong quá khứ. Để nay, tự nơi nội tâm bà khởi lên sức mạnh tự mình ăn năn, tự mình sám hối, tự mình làm trong sạch thân khẩu ý, đưa đến sự yếm ly, ly tham, xả ly, từ bỏ (xả bỏ lòng tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ, sợ người khác nhìn thấy đòi chia xẻ cơm với mình, nên dùng tay trái che lại ). Do xả ly, do từ bỏ, không còn chấp thủ nên nội tâm được an tịnh, trí huệ phát sinh, khi ấy trong bà liền khởi lên sự hiểu biết về luật nhân quả, về khổ, vô thường, bà hiểu ra vấn đề mình đang gặp phải để rồi chấp nhận sự thọ nghiệp với lòng thanh thản.
Thế nên tuy mẹ ngài Mục Kiền Liên thân đang thọ nghiệp ngạ quỹ, nhưng tâm bà được an tỉnh, tự tại, không bị nghiệp chi phối, không bị nghiệp nhiếp phục, tức là bà được giải thoát khỏi nghiệp ngạ quỷ.
2. Như ghi nhận ở phần trên, việc thực hiện báo hiếu theo lễ Vu Lan sẽ bị hạn chế nhiều do số lượng tăng chúng không thể đủ để thực hiện lễ báo hiếu vào ngày tự tứ cho nhiều người cùng lúc.
Nhưng nếu ta chú tâm tìm hiểu kỹ câu kinh, thì vấn đề sẽ không như thế, mà ý kinh dẩn đến khả năng tuyệt diệu, mở ra cơ hội báo hiếu cho tất cả mọi người, tất cả mọi chúng sinh ở mọi nơi, mọi lúc. Mở ra một thế giới tốt đẹp, trong đó mọi người chúng ta đều là một hiếu tử, mỗi người chúng ta đều là hiền thánh tăng, và vô lượng chúng sinh được thoát khỏi nơi khổ cảnh.
Đệ tử Như Lai / thực hành từ hiếu / thì mỗi ý nghĩ / thường thường tưởng nhớ / cha mẹ hiện tại / cho đến cha mẹ / bảy đời quá khứ /.
(Kinh Vu Lan)
Câu kinh chỉ rõ, muốn thực hành từ hiếu, thì phải luôn tưởng nhớ đến cha mẹ trong mỗi ý nghĩ. Điều này có nghĩa là ta phải tưởng nhớ đến cha mẹ ta trong chánh niệm, trong tỉnh giác, mà muốn luôn có được chánh niệm, tỉnh giác thì tâm trí ta phải được định tĩnh, không còn tạp niệm, tà niệm, vọng tưởng, điên đảo tưởng, tham tưởng, sân tưởng, hại tưởng.. muốn thế ta phải thực hiện hạnh yếm lý, xả ly, từ bỏ, ly tham, ly bất thiện pháp.
Yếm ly gì, xả bỏ, từ bỏ gì? Đó là yếm ly, từ bỏ, xả bỏ tham sân si, ngã chấp ngã dục; yếm ly, từ bỏ những gì thuộc hữu vi vốn bản chất là khổ, là vô thường, là vô ngã, bản chất chúng vốn là như thế không thể khác được.
Khi chúng ta có giới, có chánh niệm, chúng ta sẽ có chánh tư duy, chánh định, chúng ta sẽ có định lực, sẽ có tuệ lực, sẽ có năng lực nhiệm mầu để cảm ứng đến những đối tượng ta mà thương yêu, mà ta luôn mong muốn giúp đở, dù người đó đã quá vãng hay còn sống.
"...Cho đến cha mẹ/ bảy đời quá khứ"
(Kinh Vu Lan)
Là nói lên tình thương thật sự, vô điều kiện, tình thương bình đẳng không phân biệt người cha, người mẹ trong đời nầy tốt hay xấu hơn, thương ta nhiều hơn hay ít hơn người cha, người mẹ trong các đời khác; Là lòng thương yêu đối với tất cả mọi chúng sinh, ắt hẳn rằng trong quá khứ xa xôi đã có lần một chúng sinh nào đó đã là cha, đã là mẹ của ta.
Dù khi ta đạt nhiều thành tựu, nhưng khi ta có lòng từ bi, thì định lực, tuệ lực càng lớn lao hơn nửa, nó có khả năng, có năng lực nhiều hơn nữa để đánh thức, làm khởi lên, làm tăng trưởng thiện tâm và khả năng tự giác ngộ của người mà ta muốn cứu giúp.
Trong Kinh Ước Nguyện, Đức Phật dạy chúng ta điều nầy rất rõ:
“Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung, nghĩ đến ta với tâm hoan hỷ, và nhờ vậy họ được quả báo lớn, lợi ích lớn! Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mản giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.”
(Kinh Ước Nguyện)
Kinh Ước Nguyện đã mở cho chúng ta khả năng báo hiếu vừa mầu nhiệm, vừa thực tế lại vừa vĩ đại cao quý chưa từng thấy. Đọc xong bài kinh nầy, ta quá hân hoan, quá mừng rở, rồi quá đổi xúc động, chúng ta bật khóc, chúng ta càng tôn kính Thế tôn hơn bao giờ hết, Người đã quá thương yêu chúng ta mà chỉ dạy con đường báo hiếu vô cùng quý báu nầy.
Bấy lâu nay, ta không biết làm thế nào để đền ơn, đáp nghĩa, để giúp đõ cha mẹ quá cố của ta. Nhớ lại thuở còn non trẻ, ta chưa ý thức được thế nào là chữ hiếu, ta đã mải rong chơi, đã lơ là bổn phận người con, để rồi khi ta trưởng thành, ta nhận ra ý nghĩ cao quý của lòng hiếu thảo, ta có điều kiện vật chất nhiều hơn, thì cha mẹ ta không còn nữa. Những lúc được nghe lời hát từ bài Bông hồng cài áo ta không thể kềm được nước mắt, lúc nầy ta thương cha mẹ ta quá, ước gì giờ đây có cha mẹ bên cạnh, để ta nói rằng "con thương cha mẹ lắm". Ta buồn tủi, ta hối hận, ta thấy xót xa trống vắng quá. Những ngày giỗ, càng bày yến tiệc lớn chừng nào là lòng ta lại buồn tủi chừng ấy, cảm thấy vô vị và rống rỗng..
Kinh Ước Nguyện đã mang đến cho chúng ta sự hân hoan, phấn khởi, hy vọng, tin tưởng quá lớn lao. Giờ đây, ta có thể giúp đỡ đền ơn báo hiếu cha mẹ ta một cách thực tế và hết sức cụ thể.
Cha mẹ ơi! Ngay bây giờ đây, ngay tại thời điểm nầy đây, con xin hứa với cha mẹ, con xin hứa với Đức Phật, Đấng Đại từ, Đại bi, Chánh đẳng giác, Bậc thầy của Trời và Người rằng, con nguyện luôn nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, kham nhẩn, tinh tấn sống đúng theo giới luật; giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh; thực hành thiền định; tinh cần giữ chánh niệm, thực hiện hạnh xả ly, quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã; nỗ lực thực hiện việc chia sẻ, bố thí tài vật, tận tâm giúp đỡ mọi người; sống đời sống chân chánh, chính trực trong mọi lúc, mọi nơi.
Cha mẹ ơi! Như thế là con sẽ được gần gũi cha mẹ, cha mẹ sẽ nghĩ đến con với niềm hân hoan, với sự phấn khởi, hạnh phúc, cha mẹ sẽ hãnh diện, vui mừng vì thấy con hôm nay không những trưởng thành trong đường đời, mà còn trưởng thành trong Chánh pháp.
Cha mẹ được hạnh thúc và an lạc, cha mẹ sẽ có trí tuệ, lòng mong muốn hướng về Phật pháp, quy y Tam Bảo đang ngủ yên trong cha mẹ được đánh thức và phát triển lớn mạnh.
Với niềm tin mãnh liệt, con tin tưởng là như thế, vì đó là quy luật, đó là điều đã được Đức Phật, vị Cha nhân từ, tôn kính của chúng ta và muôn loài, chỉ dạy.
Như thế thì tất cả mọi người, ai cũng có thể tự mình trở thành Hiền thánh tăng để thực hiện lễ Vu Lan cho chính mình, tự giải thoát mình, tự chuyển hóa tâm hồn ngạ quỹ, địa ngục trở thành tâm hồn thanh tịnh an lạc. Từ đó, thực hiện lễ Vu Lan cho cha mẹ mình và cho những người khác.
Và như thế xã hội chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những người con có hiếu, nhiều hơn nữa những bà mẹ được siêu sinh tịnh độ, và nhiều hơn nữa những người hiền đức có ích cho đời
“Thân mẫu của con
đã được siêu thoát
là nhờ năng lực
công đức Tam Bảo"
(Kinh Vu lan)
Mục Kiền Liên Bồ tát trong Kinh Vu Lan qua lăng kính của Tổ sư Minh Đăng Quang
Về phương diện tu tập:
1. Đức Phật nhân dịp ngài Mục Kiền Liên thưa hỏi, mà chỉ dạy các đệ tử về chữ Hiếu và cách thức thực hiện chữ Hiếu, đồng thời qua đó sách tấn, khuyến khích đệ tử nỗ lực tu hành, thành tựu giới hạnh, gia tăng định lực, tăng trưởng trí tuệ và phát triển tâm từ bi hỷ xả, hướng đến mục đích tự giác giác tha.
2. “Đức Thế Tôn dạy / Đại Mục Kiền Liên / Thân mẫu tôn giả / gốc rể tội chướng / kết đã quá sâu / không phải năng lực / một mình tôn giả / có thể giải cứu. . .”
(Kinh Vu Lan)
Đoạn kinh nầy vô cùng quan trọng, chỉ rỏ khả năng cứu khổ có thực hiện được hay không, hiệu quả thế nào, không những tùy thuộc vào phẩm chất, nguyện lực của người chú nguyện cứu khổ, mà còn tùy thuộc vào phẩm chất căn tánh của ngưởi được cứu khổ.
Sự hiểu biết, ý chí tự giải thoát của từng người tùy thuộc vào căn tánh của người đó, vốn được hình thành trong quá trình huân tập, tập nhiểm, tích lũy từ các hoạt động về thân, khẩu, ý trong quá khứ. Khi còn sống, chúng ta có căn tánh, phẩm chất như thế nào, thì tái sinh nơi các cõi khác cũng sẽ như vậy.
Do đó giai đoạn chúng ta sống ở thế gian rất quan trọng, trong cuộc sống thường nhật, bên cạnh việc tích lũy vật chất (nếu thật sự cần thiết) cho hạnh phúc đời thường, chúng ta cần phải ra sức tích lũy cho mình số vốn về tinh thần, số vốn đó đến từ việc năng làm điều thiện, xả bỏ điều ác, giữ tâm ý trong chánh niệm, thanh tịnh. Vì khi sang cõi dữ, chúng ta rất khó có điều kiện thực hiện các điều trên, bởi ở khổ cảnh, ta phải luôn đối phó, luôn chịu đưng sự đau khổ, thống khổ hành hạ, thì đâu còn thời gian, đâu còn tỉnh táo để phân biệt điều hơn lẽ phải.
Thế nên, là người con có hiếu, khi phụng dưỡng cha mẹ mình lúc còn sống, cung phụng cho phụ mẫu, món ngon vật lạ, tiện nghi thoải mái, tiền bạc đày đủ là điều tốt, nhưng vẩn phải chú ý đến khuynh hướng tâm tính của họ, sự phụng dưỡng như thế có làm sinh khởi, làm phát triển lòng tham sân si không, có làm tăng trưởng ngã chấp, ngã dục của họ không, có ảnh hưởng đến việc giữ gìn Ngũ giới không, hay hơn nữa là Bát quan trai giới.
Thương yêu cha mẹ thì phải làm sao cho cha mẹ được hưởng hạnh phúc, không những trong hiện tại mà còn trong tương lai lâu dài. Thứ hạnh phúc không còn hay còn rất ít, hoặc ít ra cũng bớt đi sự hiện diện của sầu bi khổ ưu não bên cạnh.
Thứ hạnh phúc nào, ta đang nổ lực hướng đến, thì ta phái tìm cách làm sao để cha mẹ ta được như vậy.
3. Sự chuẩn bị đầy đủ phẩm vật với nhiều loại ngon quý, ý muốn nhấn mạnh đến sự quyết tâm muốn báo hiếu, lòng chân thành luôn mong muốn báo đáp ân đức cha mẹ, giúp đõ mọi người thoát khỏi cảnh khổ.
4. Việc báo hiếu cha mẹ chúng ta trong ngày lễ Vu Lan là việc làm vô cùng tốt đẹp tạo nhiều phước báo cho chính mình. Nhưng việc báo hiếu sẽ thật trọn vẹn và tốt đẹp hơn nữa nếu chúng ta thực hiện lễ Vu Lan đồng thời cho tất cả những ai đang trong vòng khổ nạn, người thân quen và cả những người không quen biết.
Một khi tâm từ bi nảy nở lớn mạnh, là lúc tâm thức ta chuyển hóa sang mức độ cao đẹp hơn, khi ấy khả năng cảm ứng tương tác, trợ duyên cho người cần được giúp đở sẽ hiệu quả hơn, có kết quả tốt đẹp hơn.
“Ngày ấy các ngươi / hãy vì tất cả / cha mẹ bảy đời, / cha mẹ hiện tại, / những kẻ đang ở / trong vòng khổ nạn”.
(Kinh Vu Lan)
Kinh Vu Lan tuy thuộc Đại thừa, nhưng lại hàm chứa ý nghĩa thuộc nguyên thủy, trong đó ý nghĩa tự lực và tha lực hòa quyện nhau có tác dụng hổ tương, cùng là nhân quả của nhau.
Theo đó để thực hiện việc báo hiếu viên thành, viên mãn, có hiệu quả thiết thực, đúng với Chánh Pháp, kết quả có được liên quan đến các yếu tố hổ tương trong mối quan hệ nhân quả sau:
1. Bản thân người muốn cứu khổ cho người khác phải tự lực, tự mình ra sức tu dưỡng, rèn luyện vươn lên tầm cao Thánh đạo, để có phẩm chất tốt đẹp của người Phật tử mà cao quý hơn hết là phẩm chất của vị hiền thánh tăng;
2. Phẩm chất tốt đẹp trên, có năng lực mầu nhiệm để cảm ứng, tạo duyên, gieo duyên đến người đang thọ khổ ( gieo nhân Pháp duyên);
3. Người đang thọ khổ nhờ sự cảm ứng, trợ duyên, nhờ tác động của nhân Pháp duyên đó mà khả năng, năng lực tự vươn lên đang ngủ yên nay được đánh thức, trong họ khởi lên trí hiểu biết, tự giác ngộ đi đến thoát khổ.
4. Khả năng, năng lực tự vươn lên, tự giác ngộ, tự thoát khổ của người thọ khổ ở cấp độ nào, ở mức độ nào, là tùy thuộc vào hai yếu tố:
- Phẩm chất đạo hạnh, trình độ tu tập của người thệ nguyện cứu khổ;
- Và phẩm chất căn tánh của người đang thọ khổ.
5. Thế nên, việc tu dưỡng của người thệ nguyện cứu khổ và cách sống thiện hay bất thiện của người được cứu khổ lúc còn tại thế có vai trò then chốt, quyết định hiệu quả của lễ Vu Lan.
6. Mỗi một chúng sinh, trong đó có chúng ta đều có khả năng trở thành Hiền thánh tăng để cùng nhau thực hiện lể Vu lan cho cha mẹ mình cho những người thân, những người quen và không quen biết.
Quá trình Tự giác giác tha, tự lực giải thoát là quá trình xuyên suốt không gián đoạn, hướng đến mục đích từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn, không những cho cha mẹ mình mà còn hướng đến thập loại chúng sinh được nói đến trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du, và tất cả những ai tuy còn tại thế nhưng hiện đang đắm chìm trong bể khổ nơi thế gian này.
Hơn thế nữa, để ngày Đại lễ Vu Lan, ngày rằm tháng bảy được kết quả mỹ mãn trong mọi gia đình, trong mỗi tâm hồn chúng ta; thì lễ Vu Lan nên được chúng ta thực hiện mỗi tháng, hay mỗi tuần, hay mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc sống. Được như vậy, tâm hồn chúng ta sẽ là cõi Tịnh Độ, gia đình chúng ta là cõi Tịnh Độ, xã hội chúng ta và thế giới chúng ta sẽ là cõi Tịnh Độ.
Bên cạnh đó, từ các hoạt động từ thiện xã hội có được thể hiện qua sự an ủi, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ người bất hạnh, người nghèo khó thiếu thốn, người khổ nạn cụ thể về mặt tinh thần và vật chất dù nhiều hay ít mỗi khi có cơ hội, là chúng ta đã góp phần xây dựng thế giới hạnh phúc, an lạc, thanh bình, mà trong đó cha mẹ chúng ta và mọi người cùng cư ngụ.