Kiến thức

Y Phật phát huy giới thân huệ mạng người xuất gia

Thứ năm, 11/10/2022 08:08

Nhìn thấy người xuất gia trong bộ y giải thoát gợi họ liên tưởng đến những người mang chí lớn cầu thành Phật, luôn an trú trong pháp Phật và đang thay Phật giáo hóa, hướng dẫn mọi người trút bỏ phiền não, nuôi lớn tâm từ bi hỷ xả, dứt trừ việc ác, siêng làm việc lành…

Theo kinh Bản sanh, sau khi thiên mã Kiền Trắc đưa Thái tử Sĩ Đạt Ta vượt thành xuất gia, bay qua dòng sông Anoma đến một quốc gia khác, Ngài xuống ngựa, cắt tóc đưa Sa Nặc đem về.Ở trong khu rừng một mình, bỗng nhiên thái tử thấy một Sa-môn đeo cung tên. Thái tử vội cởi bộ y phục bằng lụa sang trọng để đổi lấy chiếc y Sa-môn của anh thợ săn giả làm thầy tu. Nhưng với mắt Bồ-tát thấy đây là Thiên Đế Thích hiện ra để cúng dường y cho thái tử và cũng để cảnh giác thái tử rằng từ đây Ngài phải cẩn trọng vớinhững người khoác áo tu trên bước đường tìm cầu chân lý.

Trên lộ trình tham vấn, học đạo, sau khi đắc được Tứ thiền và Bát định từ hai đạo sĩ là Kamala và Uất Đầu Lam Phất, thái tử tiếp tục hành trình đi tìm chân lý. Ngài đã tu khổ hạnh đến kiệt sức thì kỳ diệu thay, cô Su Dà Ta đến đúng lúc để dâng sữa, giúp Ngài phục hồi sức khỏe.

Sau đó, thái tử xuống sông Ni Liên tắm và giặt khúc vải liệm xác người chết mà Ngài nhặt ở gần đó. Khúc vải phủ thây cô gái chết còn quá trẻ khiến Ngài quán tưởng đến thân tứ đại của con người phải chịu quy luật vô thường, lúc sống xinh đẹp bao nhiêu thì thây chết đáng ghê sợ bấy nhiêu. Nhưng hễ mang thân sanh diệt thì tất cả mọi người đều phải kết thúc cuộc sống dưới lưỡi hái của tử thần bất kể tuổi tác, danh phận…

Quán tưởng về thọ mạng hữu hạn của con người làm cho thái tử thêm nhàm chán cái thân giả tạm nay còn mai mất. Và hơn thế nữa, khi mặc vào chiếc y Ngài tự may bằng miếng vải đắp thây chết càng khiến thái tử nhận thức sâu sắc rằng cuộc sống của Ngài theo con đường của phàm nhân từ đây đã thực sự kết thúc.

Thái tử trở lại cội bồ-đề và trải qua 49 ngày ẩn sâu trong thiền quán, Ngài hoát nhiên đại ngộ, nhận biết rõ mặt mũi của người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn, biết cái gì đã tạo ra thế giới này và sự hiện hữu của muôn loài.

Với tuệ giác thấy đúng sự thật của tam thế gian, Thái tử Sĩ Đạt Ta thành tựu quả vị Phật, chứng được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, tức Ngài thấy biết chính xác mối tương quan tương duyên cộng tồn của chính Ngài và của chúng sanh muôn loài từ vô thủy kiếp cho đến hiện đời và trong muôn kiếp về sau.

Theo Phật, cái chết chỉ là chấm dứt sự sống của thân người tạm bợ trên cõi đời, vì nhân duyên tạo nên sự hiện hữu đó đã đến lúc phải hư hoại.

Theo Phật, cái chết chỉ là chấm dứt sự sống của thân người tạm bợ trên cõi đời, vì nhân duyên tạo nên sự hiện hữu đó đã đến lúc phải hư hoại.

Pháp phục - Nét đẹp văn hóa của người tu sĩ

Vì vậy, đối với Phật, không có gì đáng buồn, đáng khổ, đáng sợ, đáng lo, vì Ngài đã quán thấy không có sanh, già, bệnh, chết. Quá khứ, hiện tại và vị lai cũng là "Ta”, tức là chơn tâm bất tử của con người.

Thật vậy, theo Phật, cái chết chỉ là chấm dứt sự sống của thân người tạm bợ trên cõi đời, vì nhân duyên tạo nên sự hiện hữu đó đã đến lúc phải hư hoại. Và cái chết chỉ tạm thời chấm dứt sự sống, chứ không phải là kết thúc vĩnh viễn sự sống, bởi sự sống tạm bợ đó sẽ được chuyển hóa sang sự sống khác, mang hình tướng khác, ở cảnh giới khác, tùy theo nghiệp lực dắt dẫn. Và cứ như vậy, sống-chết, chết-sống của chúng sanh từ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, trời, người nối tiếp xoay vần theo chuỗi mắt xích của vòng luân hồi trong sáu đường sinh tử. Có thể thí dụ dễ hiểu, chết giống như thay một cái áo khác để diễn tiếp tuồng kịch khác trên sân khấu luân hồi sinh tử.

Kinh Nguyên thủy cũng nói lý nhân duyên rằng không có gì trên thế gian này tồn tại độc lập. Muôn sự, muôn vật đều do nhân duyên hợp thành, nhân duyên ly tán thì mất. Và từ lý nhân duyên, kinh Đại thừa triển khai các pháp mà Đức Phật đã tìm ra cái thực vĩnh hằng bất tử của con người.

Với cái thấy lý nhân duyên theo thập như thị, Phật thấy từ thời không kiếp, trong cái không vẫn hiện hữu cái có. Vì vậy, trải qua quá trình tu hành vô lượng kiếp, Phật đã chuyển hóa thân tâm từng bước một mà Phật thường kể về chuyện tiền thân của Ngài. Phật nói Ngài từng làm gió, làm mây, làm đất đá, làm rong rêu, cỏ cây, cho đến làm muông thú, sau cùng Ngài chuyển thân làm người và tu đắc đạo làm Phật. Đó là quá trình Ngài hành Bồ-tát đạo chuyển hóa thân tâm thanh tịnh hoàn toàn và phát huy tuệ giác viên mãn mới thấy các pháp đúng như thật và chuyển hóa các pháp trở thành thân của Ngài là Pháp thân vĩnh hằng bất tử.

Chiếc y của người xuất gia chuyên chở giáo pháp mà Đức Phật đã truyền trao, nên rất quý báu mà người tu luôn trân trọng và giữ gìn để phát huy giới thân huệ mạng của mình.

Chiếc y của người xuất gia chuyên chở giáo pháp mà Đức Phật đã truyền trao, nên rất quý báu mà người tu luôn trân trọng và giữ gìn để phát huy giới thân huệ mạng của mình.

Và từ cảnh giới đại thiền định chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề, Đức Phật trở lại cuộc sống của nhân gian để hóa độ chúng sanh.

Cô gái Su Dà Ta mừng rỡ vô cùng khi thấy Phật trang nghiêm tướng hảo rực sáng khác hẳn Thái tử Sĩ Đạt Ta trước đó tu khổ hạnh ốm o, tiều tụy. Cô không đành lòng nhìn đấng Pháp vương vô thượng khoác cái y bằng miếng vải liệm xác người hầu của cô. Su Dà Ta vội may một chiếc y mới dâng lên Đức Phật. Thật đại phước cho cô là người đầu tiên dâng y cúng Phật khi Ngài vừa thành bậc Vô thượng Chánh đẳng giác.

Và với cái nhìn của Bồ-tát thì cô Su Dà Ta chính là Hóa thân của chư Thiên hiện xuống trần gian để được cúng dường y dâng Phật từ bước chân đầu tiên Ngài bắt đầu lộ trình giáo hóa độ sanh. Điều này thể hiện rõ nét y Phật gắn liền mật thiết với công việc vô cùng cao cả của Phật là hoằng pháp lợi sanh.

Khoác chiếc y cúng dường từ tín nữ thành tâm và thanh tịnh, Đức Phật từ giã những người hữu duyên với Ngài ở Bồ Đề Đạo Tràng để đi đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như. Đức Phật rực sáng trong chiếc y giải thoát choàng lên thân tướng hảo uy nghi và thần thái thanh tịnh viên mãn của bậc đại giác đã khiến năm anh em Kiều Trần Như vội vàng sụp lạy Ngài, mặc dù trước đó vài phút, họ đã khởi vọng niệm không thèm nhìn Ngài.

Với lòng từ bi vô lượng và trí giác vô biên, Đức Phật đã giáo dưỡng năm vị này. Và năng lượng thanh tịnh cực kỳ mạnh mẽ cùng với trí giác vô thượng của Phật đã tác động sâu xa đến tận nguồn tâm của năm anh em Kiều Trần Như giúp họ chỉ trong ba tháng đều đắc quả Thánh La-hán.

Kể từ đó, tuy khu vườn chỉ có sáu thầy trò, nhưng rực sáng hào quang của sáu vị Thánh La-hán, khiến cho 50 thanh niên dòng Da Xá trông thấy phải nể phục đến mức độ phát tâm xin được xuất gia theo Phật liền. Và kỳ diệu thay, được sống trong từ trường tràn đầy năng lượng từ bi và tuệ giác, chẳng bao lâu, cả 50 thanh niên dòng Da Xá cũng đắc quả A-la-hán. Một hôm, cha mẹ của họ gặp lại con cái, nhìn thấy các con hảo tướng trang nghiêm hoàn toàn khác hẳn trước khi xuất gia. Các ông bà này cũng xin Phật cho xuất gia, nhưng Phật bảo rằng chưa đến lúc được xuất gia, nên làm Phật tử tại gia hộ đạo thì tốt hơn.

Với sự chỉ dạy của 50 người con đã đắc Thánh quả, cha mẹ họ đã cúng dường y dâng lên Phật và đại chúng. Đó là lần thứ hai Phật thọ nhận y từ hàng Phật tử tại gia cúng dường. Và Phật bảo 55 vị A-la-hán (50 vị dòng Da Xá và 5 anh em Kiều Trần Như), mỗi người đi một phương để hoằng pháp độ sanh.

Khoác vào chiếc y giải thoát cúng dường từ hàng Phật tử tại gia tín tâm mãnh liệt, các vị Thánh La-hán trang nghiêm thân tâm thanh tịnh bắt đầu bước chân hoằng pháp, một Phật sự thiêng liêng gắn liền với cuộc sống của Sa-môn họ Thích.

Sau khi độ năm anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đi ngược về thôn Ưu Lầu Tần Loa để độ ba anh em Ca Diếp có thế lực lớn thuộc hàng ngoại đạo thời bấy giờ.Chỉ trong một đêm, năng lượng từ bi và tuệ giác vô thượng của Phật đã chuyển hóa tâm ác độc định sát hại Phật của ba anh em Ca Diếp và 1.000 đệ tử của họ, tất cả đã được Phật nhiếp hóa, trở thành đệ tử của Ngài. Sáng hôm sau, mọi người hết sức ngạc nhiên nhìn thấy Ma Kiệt Đà bỗng nhiên rực sáng cả đoàn Tăng sĩ gần 1.000 người mặc y giải thoát của Phật từng bước trang nghiêm thanh tịnh trên đường đi khất thực.

Bước chân hoằng pháp tiếp theo, Phật đến độ Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên cùng 200 đồ đệ của họ, thì giáo đoàn của Phật bấy giờ có đến 1.250 thầy Tỳ-kheo thân tâm trang nghiêm với chiếc y giải thoát của Đức Thế Tôn.

Từ đó, vùng Ngũ hà Ấn Độ đã in dấu chân hoằng pháp của 1.250 vị Thánh La-hán thay Phật giáo hóa độ sanh. Ở nơi nào có màu y giải thoát của hàng đệ tử Phật, ở đó vang rền pháp âm an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Y và pháp gắn liền mật thiết đúng nghĩa chân thật như vậy.

Theo Tạp Bảo Tạng kinh, di mẫu Kiều Đàm đã dâng cúng Phật bộ y bằng tơ lụa quý do chính bà dệt. Đức Phật từ chối nhận y và bảo bà cúng bộ y ấy cho chư Tăng vì Tăng bảo là ruộng phước, cúng dường chư Tăng cũng chính là cúng dường Phật. Di mẫu đã cúng bộ y này cho Tôn giả Di Lặc.

Khoác chiếc y cúng dường từ tín nữ thành tâm và thanh tịnh, Đức Phật từ giã những người hữu duyên với Ngài ở Bồ Đề Đạo Tràng để đi đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như.

Khoác chiếc y cúng dường từ tín nữ thành tâm và thanh tịnh, Đức Phật từ giã những người hữu duyên với Ngài ở Bồ Đề Đạo Tràng để đi đến Lộc Uyển độ năm anh em Kiều Trần Như.

Và ba tháng trước khi Phật vào Niết-bàn, kinh cũng ghi rằng có một thương gia tên Fukosha đã dâng y cúng Phật. Thương gia này trước kia chính là Hóa thân của Thiên Đế Thích hiện làm Sa-môn cúng chiếc y đầu tiên cho Phật khi Ngài còn là thái tử vừa rời thành Ca-tỳ-la-vệ, sống trong rừng rậm. Đến thời điểm Đức Phật sắp nhập diệt, vị chư Thiên này một lần nữa lại hiện thân làm thương gia giàu có cúng y dâng Phật vào cuối đời hoằng pháp độ sanh của Ngài.

Trên bước đường Phật du hóa, tất nhiên có nhiều tín chủ phát tâm cúng y dâng Phật và Tăng đoàn. Nhưng chúng tôi chỉ kể sơ lược một vài trường hợp đặc biệt mà theo lý giải của Đại thừa, những việc cúng y dâng Phật kể trên, hay nói chung mọi việc xảy ra trong đời Phật đều có sự sắp xếp trước, khi thì các Ngài hiện thân chư Thiên, khi hiện thân làm thần, làm vua, làm quan, làm trưởng giả, làm người dân thường, làm trẻ con, thậm chí làm sát nhân như Vô Não, hay làm người cùng đinh hốt phân như Sunita, tất cả sự xếp đặt trong vô hình như vậy để trợ lực cho Đức Phật Thích Ca tuyên dương Chánh pháp lợi lạc quần sanh.

Hình thức chiếc y của Phật và các vị đệ tử cùng thời với Ngài đã mặc trong cuộc sống tu hành và hoằng pháp độ sanh, pháp phục này đã tiếp tục trang nghiêm thân tâm của tất cả những người xuất gia sống phạm hạnh nối gót chân Phật trên khắp năm châu bốn biển.

Theo thời gian, hình thức và màu sắc của chiếc y Phật thay đổi tùy từng đất nước, vùng miền mà chư vị Tổ sư đã đến truyền bá Chánh pháp cho phù hợp với văn hóa và sinh hoạt của từng nơi. Nhưng tựu trung những người xuất gia mặc pháp phục đều quyết tâm sống đời phạm hạnh thanh tịnh theo mô hình Phật dạy, từng ngày nỗ lực chuyển hóa thân tâm theo hướng thánh thiện, tăng trưởng phước đức, trí tuệ, xiển dương Phật pháp khắp mọi nơi, mang an vui giải thoát cho mọi người.

Vì vậy, chiếc y của người xuất gia chuyên chở giáo pháp mà Đức Phật đã truyền trao, nên rất quý báu mà người tu luôn trân trọng và giữ gìn để phát huy giới thân huệ mạng của mình.

Đối với hàng Phật tử tại gia, nhìn thấy người xuất gia trong bộ y giải thoát gợi họ liên tưởng đến những người mang chí lớn cầu thành Phật, luôn an trú trong pháp Phật và đang thay Phật giáo hóa, hướng dẫn mọi người trút bỏ phiền não, nuôi lớn tâm từ bi hỷ xả, dứt trừ việc ác, siêng làm việc lành… Với nhận thức như vậy, hàng Phật tử tại gia trong việc hộ đạo thường phát tâm cúng dường y dâng lên Tăng Ni trong mùa Vu lan báo hiếu để hồi hướng phước báu đến người thân.

Việc cúng y rất tốt, nhưng cần thực hiện đúng pháp. Chư tôn đức sau ba tháng an cư kiết hạ, huân tu tam vô lậu học, thân tâm thanh tịnh và thọ nhận y để hoằng pháp lợi sanh. Và hàng Phật tử tại gia dâng y cúng dường với niềm tin thanh tịnh, chí thành hướng về Tam bảo. Kết hợp đức hạnh của bậc chân tu và tâm thanh tịnh của tín chủ, việc cúng dường y mới thành tựu công đức.

loading...