Chùa Việt

Yên Tử và những ngôi chùa không thể bỏ qua

Thứ sáu, 09/12/2014 01:27

Ngày 22/12 tới đây (tức ngày 1/11 năm Giáp Ngọ) sẽ diễn ra Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông lần thứ 706. Trúc Lâm Yên Tử sẽ là điểm đến không thể bỏ qua trong dịp này.

Yên Tử là một quần thể gồm rất nhiều ngôi chùa khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Đồng. Dưới đây là tổng hợp những ngôi chùa không thể bỏ qua nếu ghé thăm Yên Tử.

1. Đền Trình Yên Tử

Điểm đầu tiên du khách dừng chân là ngôi đền Trình nằm bên dòng suối nhỏ, nước chảy róc rách qua những khe đá. Khi vua Trần Nhân Tông qua đây, Người đã xuống suối tắm với ý định rũ sạch bụi trần và thắp hương trong đền trước khi vào đất Phật. Từ đó con suối được mang tên là Suối Tắm và ai qua đây cũng vào "trình" tại ngôi đền.
 
Dừng chân bên dòng suối Mơ trong vắt, trước một khung cảnh thơ mộng như chốn bồng lai, vua bèn hạ lệnh: "Ta đã vào đất Phật, hãy thử cầm thực một bữa". Sau đó người và đoàn tuỳ tùng đã dùng nước suối thay cơm. Sau này, bên dòng suối, một ngôi chùa được dựng lên mang tên Cầm Thực.

2. Chùa Giải Oan
 
Giống như ở Hương Sơn, Yên Tử cũng có một ngôi chùa cổ kính mang tên Giải Oan. Tương truyền khi vua Trần Nhân Tông lên đây tu hành, các cung tần mỹ nữ đi theo để khuyên can, nhưng không có hiệu quả. Tất cả 100 cung nữ đã nhảy xuống suối kết liễu đời mình để tỏ lòng trung thành với vua. Người ta đã dựng lên ngôi chùa này nhằm giải nỗi hàm oan đó.

3. Chùa Hoa Yên

Chùa Hoa Yên tọa lạc ở độ cao 535m so với mực nước biển. Đây là ngôi chùa to nhất nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa vốn được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân.

Trên 700 năm trước, chùa chỉ là một thảo am rất nhỏ, là nơi để Phật hoàng Trần Nhân Tông giảng đạo, lấy tên là Vân Yên. Cả ba vị sư tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đều đã trụ trì tại chùa này. Đến đời nhà Lê, khi Lê Thánh Tông đi qua chùa thấy hoa lá xanh tươi, sương khói la đà mới đổi thành Hoa Yên.
 
Ngôi chùa hiện nay được xây vào đời nhà Nguyễn với kiến trúc 5 gian hình chữ Đinh. Người ta cho rằng theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc ở nơi đầu rồng, đôi mắt rồng là chỗ dựng tháp tổ; hai dãy núi hai bên như những cánh tay rồng ôm lấy con đường hành hương của du khách.

Trong khuôn viên chùa, còn có nhiều di vật quý giá ghi dấu một thời đại hoàng kim đã qua như tượng Phật, bia đá, những viên gạch cổ, ngói mũi hài, bát hương đá... Tất cả đều mang dấu ấn thời Lê Trung Hưng thế kỷ 17. Năm 2002, chùa Hoa Yên được tôn tạo lại theo kiến trúc bên trong chữ Công bên ngoài chữ Quốc.

Chùa bao gồm nhà thờ tổ, hành lang tả hữu hai bên, trống, chuông chùa đều được mô phỏng kiến trúc đời Trần. Trước tòa Tam bảo đặt một lầu hương bằng đồng cổ rất cổ kính. Phía sau chùa Hoa Yên là chùa Phổ Đà Quan Âm Bồ Tát, tuy nhiên nay chỉ còn là phế tích.

Gần chùa Hoa Yên có vườn tháp Huệ Quang với 97 ngọn tháp bằng gạch hoặc đắp đất kề nhau tạo thành một quần thể. Nằm chính giữa trong lăng Quy Đức là tháp Huệ Quang, nơi an nghỉ của Điều Ngự giác hoàng Trúc lâm đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông.

Trong lăng an trí tượng Trần Nhân Tông trong tư thế tọa thiền, mình khoác áo cà sa vắt chéo, dáng vẻ an nhiên tự tại của một thiền sư đạt đạo. Quần thể tháp Huệ Quang không gợi ra ám ảnh về cái chết, về sự tịch lặng đáng sợ của thế giới bên kia mà luôn ấm áp tình đời.

4. Chùa Đồng Yên Tử

Chùa Đồng nằm trên đỉnh núi Yên Tử - ngọn cao nhất của dãy vòng cung Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) ôm trọn vùng đất Đông Bắc Việt Nam. Chùa nằm trong quần thể di tích thắng cảnh trải dài 20km theo lộ trình mà cách nay hơn 700 năm đức Vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, lấy năm Kỷ Hợi (1299) chính thức xuất gia lên đây tu hành lập nên Phật phái Trúc Lâm Việt Nam.

Chùa Đồng còn có tên là Thiên Trúc Tự nằm ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển được xây dựng từ thời Lê (980-1009). Đây chỉ là một am nhỏ bằng đồng hình giống ngôi chùa, một người vào không vừa làm chỗ để phật tử thập phương thắp hương khi lên đến chốn bồng lai này.
 
Trải qua nhiều triều đại, cái am đồng thời Lê nay đã là ngôi chùa Đồng mới vào mùa xuân Đinh Hợi - 2007. Chùa rộng trên 20m2, cao hơn 4m với tổng trọng lượng hơn 70 tấn đồng nguyên chất được khởi đúc (theo mẫu chùa tỷ lệ 1/1 bằng gỗ) từ mùa thu Ất Dậu - 2006.

Cho đến thời điểm này, có thể đây là ngôi chùa được đúc bằng đồng nặng và lớn nhất trên thế giới. Một xưởng đúc đồng đã được lập ngay dưới chân núi Yên Tử. Với phật tử Việt Nam, những ngày đúc tượng Phật và những vật linh thiêng cho chùa chiền bao giờ cũng là ngày hội thiêng liêng.

Các phật tử từ mọi miền đất nước về đây, họ tụng kinh, niệm phật và góp tiền của, thả vàng bạc, đồ trang sức bằng vàng bạc vào các nồi đồng nóng chảy, họ tâm niệm rằng làm như thế là góp công đức của mình vào những pho tượng mà sau lễ hô thần nhập tượng, những pho tượng này sẽ thành Phật. Phật sẽ phù hộ độ trì cho cuộc sống của họ, và gia đình họ yên ấm, hạnh phúc.

5. Thiền viện Trúc lâm Yên Tử

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông đã cho tôn tạo, xây dựng chùa Lân thành một nơi khang trang lộng lẫy, chùa Lân trở thành Viện Kỳ Lân, là nơi giảng đạo, độ tăng. Ba vị sư tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang thường đến đây thuyết pháp, giảng kinh. Chùa Lân xưa kia là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm.
 
Trong kháng chiến chống Pháp, chùa gần như bị thiêu huỷ hoàn toàn, chỉ còn hệ thống các mộ tháp gồm 23 tháp, trong đó tháp lớn nhất là tháp mộ thiền sư Chân Nguyên.

Ngày 19 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (2002), lễ đặt đá xây dựng chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử đã được tổ chức. Công trình được xây dựng với sự khởi xướng của hoà thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt và công đức của các tăng ni, phật tử trong, ngoài nước.

Nhân dịp ngày sinh của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (2002) Chùa Lân – Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử được chính thức khánh thành trên diện tích gần 5 mẫu.

Phương Thảo (tổng hợp)
Nguồn: http://www.giadinhonline.vn/truc-lam-yen-tu-nhung-ngoi-chua-khong-the-bo-qua-d35607.html
loading...