Chùa Việt

18 vị La Hán chùa Đông Tạ

Thứ sáu, 09/09/2015 01:29

Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có cuộc hành hương về với chùa Đông Tạ để tận mục sở thị về 18 vị La Hán khi quý thầy đang bận đi Hạ.

 
Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương, phải mất thời gian khá lâu chúng tôi mới tìm đến nhà chùa nằm khuất nẻo giữa khu dân cư mở rộng của thị trấn Vĩnh Bảo huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Gọi là khu dân cư cho đúng tầm với sự phát triển của thị trấn, chứ thực chất đó là vùng quê đang đổi mới với những người dân đôn hậu, chất phác, mến khách.

Chùa Đông Tạ có quy mô rộng trên 2 mẫu Bắc bộ, với kiến trúc đậm chùa cổ Việt Nam, không gian thoáng mát, hiền hoà và thanh tịnh hiện ra trước mắt chúng tôi. Và kia rồi, khu nhà La Hán đường nằm trước hồ Phật Quan Âm với hương sen thơm ngát.
 

Chúng tôi đi chiêm bái khu nhà La Hán trong niềm vui hoan hỉ đến lạ thường. Khu nhà La Hán ngay trước mặt, nhưng chúng tôi cứ ngỡ đây là một ngôi chùa nhỏ nào đó nằm trong quần thể di tích văn hoá cấp Thành phố được xếp hạng Đền – Chùa Đông Tạ năm 2004.

Nhìn những hàng ngói đen sẫm rêu phong xếp từng lớp lên nhau, đến các câu đối ở treo ở trước cột hiên khu nhà và đến cả sự yên ắng đến thanh tịnh khiến cho không gian nơi đây trở nên linh thiêng và huyền bí. 
 
 
Quả nhiên đúng như những gì chúng tôi được nghe kể về khu nhà La Hán của chùa Đông Tạ. Khi chúng tôi bước qua ngưỡng cửa gỗ nhuốm màu thời gian là cả một không gian thế giới nhà Phật đang mở ra trước mắt.

Những vị La Hán với các tư thế khác nhau tượng trưng cho kiếp người nơi trần gian đang nở nụ cười an vui đón du khách đến viếng thăm.

Sau những phút suy tư và trầm mặc, chúng tôi mới có dịp ngắm nhìn La Hán đường. Toàn bộ khu nhà làm bằng gỗ vào loại tốt, các xà, các cột chính, cột phụ được bào nhẵn và được kê trên những phiến đá to để giữ cho ngôi nhà không bị sụt lún. Khu nhà gồm 11 gian, mỗi một gian được nối với nhau bằng hai thanh gỗ to và chắc.

Trước mỗi gian là bàn thờ các vị La Hán, có ban thờ hai, có ban thờ ba vị La Hán, tuỳ theo ban và cách bố trí của nhà chùa. Nhìn vào những đồ thờ tự, kết cấu ngôi nhà và các kèo cột, chúng tôi được biết khu nhà La Hán của chùa Đông Tạ được xây dựng cách đây khá lâu. Tuy nhiên chính vì đó mà tạo cho La Hán đường ở tự viện này có những nét riêng biệt và hút khách mỗi khi phật tử đến chiêm bái, ngưỡng vọng. 
 
Nếu như nói về màu sắc, thì khu nhà La Hán này mang đậm đặc trưng, với hai tông màu chính đó là nâu và màu vàng từ bên ngoài đến bên trong của khu nhà, đôi lúc lại được tô điểm thêm màu đen của hàng ngói mũi.

Các cột trước hiên nhà được chia đều cùng với cánh cửa theo từng gian phía bên trong khiến cho du khách dễ nhận ra bố cục của khu nhà La Hán. Nhưng nếu nhìn kỹ thì lại đồng nhất một màu của rêu phong thời gian. 

Vẫn biết so sánh luôn là sự khập khiễng, nhưng đối với tôi thì sự so sánh trong đạo Phật là sự tích tụ tinh hoa, sự đa dạng và nét đẹp của Phật giáo. Còn nhớ tới 18 vị La Hán ở chùa La Khởi được toạ lạc tại thị trấn Gia Lộc thuộc vùng đất xứ Đông Hải Dương. Nếu như 18 vị La Hán ở chùa La Khởi được tạc bằng đá xanh nguyên khối và được các phật tử gần xa đến cúng dường thì các vị La Hán ở chùa Đông Tạ này lại khác. Toàn bộ 18 vị La Hán có màu vàng ánh và màu đỏ viền như khoác trên mình màu áo cà sa của nhà Phật. Khi những cánh cửa của nhà khu La Hán đường mở ra đón lấy ánh sáng đầu thu, cả không gian của toà nhà như bừng lên màu tươi mới bên cạnh sự buồn se lòng khi nghĩ về các vị. 
 
Có người đã nói rằng: Khi tìm hiểu về các vị La Hán chỉ toàn thấy sự khổ hạnh, đớn đau, buồn tủi và sầu não, mà không tìm thấy sự tươi mới. Nhưng đó là người đời nói vậy. Đối với 18 vị La Hán ở chùa Đông Tạ, chúng tôi lại nhìn thấy ánh mắt tươi vui, nụ cười rạng ngời và quan trọng hơn là sự tự tin vào Phật giáo. 18 vị ngồi đó trong mỗi tư thế và vẻ mặt khác nhau. 

Khi ánh nắng mặt trời lên cao, không gian La Hán đường càng trở nên huyền bí. Những tia nắng mặt trời vàng vọt và chút se lạnh của mùa thu đã len lỏi qua khe cửa mang theo mùi hương thơm tinh khiết, thanh tao và nhẹ nhàng của hồ sen vào từng gian của tiền đường La Hán. Mùi hương thơm của sen hoà quyện với mùi thơm hương trầm đã vô tình tạo nên một thứ rất đặc trưng cho không gian nơi đây. 
 
 
Chưa khi nào La Hán đường của chùa Đông Tạ lại cho chúng tôi nhiều xúc cảm đến thế. Càng đi sâu tìm hiểu, chúng tôi càng nhận ra những điều độc đáo, thú vị. Bên cạnh nét đẹp như hơi thở của cha ông, chúng tôi còn nhận ra sự khác biệt giữa các câu đối của La Hán đường chùa Đông Tạ. Ở ngoài hiên là 6 câu đối cổ với hoa văn, hoạ tiết tinh xảo với hình nạm bạc và được người thợ đục đẽo tài hoa tạo nên. Bên trong ở các gian thờ và bên trên đều có các tấm hoành phi ghi tên thờ từng vị và 6 câu đối treo ở các cột.

Trong đó có hai câu đối cổ từ xa xưa. Các câu đối được treo tương xứng từ ngoài hiên đến trong các gian thờ tạo nên sự cân đối, khoa học. Ở phía góc bên trái trên cao là chiếc chuông cổ có đường kính không to lắm, nhưng tiếng vang, tiếng ngân của chuông thì cả một vùng nghe thấy. Tất cả những thứ đó như đồng nhất với nhau tạo thành một sự thống nhất, tạo ra những nét riêng biệt và độc đáo chỉ có La Hán đường của chùa Đông Tạ mới có. 

Để kết thúc chuyến hành hương trở về với đất chùa Đông Tạ, chúng tôi trở về trước toà Tam Bảo với lòng thành kính, ngưỡng vọng với sự hoan hỉ trong lòng. 

Đức Tuỳ
loading...