Kiến thức
Kinh rùa mù tìm bộng cây
Chủ nhật, 25/03/2024 05:26
Một hôm Phật ở Trùng Các Giảng Đường bên hồ Di Hầu, tôi nghe như vầy: Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Ví như quả đất sụp thành bể cả, có một con rùa mù sống vô lượng kiếp, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần.
Trong biển có bộng cây nổi chỉ có một lỗ, trôi giạt trên mặt biển theo gió sang Đông Tây, con rùa mù một trăm năm mới trồi đầu lên tìm bộng cây, sẽ gặp được bộng cây này chăng?
A Nan bạch:
- Không thể gặp, thưa Thế Tôn! Vì cớ sao? Vì con rùa này nếu đến bể Đông, bộng cây đã theo gió đến bể Tây, Nam, Bắc bốn phía, chung quanh cũng vậy, không thể gặp nhau.
Phật bảo A Nan:
- Con rùa mù tìm bộng cây tuy sai lạc, nhưng có lúc gặp nhau, kẻ phàm phu ngu si trôi giạt trong ngũ thú tạm được thân người, rất khó hơn con rùa mù kia tìm bộng cây. Vì cớ sao ? Vì chúng sanh kia không hành nghĩa, không hành pháp, không hành thiện, không hành chơn thật, sát hại lẫn nhau, mạnh hiếp yếu, tạo vô lượng tội ác. Thế nên, Tỳ Kheo! Đối Tứ Thánh Đế nếu chưa được vô gián đẳng, phải chuyên cần tìm phương tiện mong muốn tăng thượng, học vô gián đẳng.
Phật nói Kinh này rồi, chư Tỳ Kheo nghe Phật nói hoan hỉ phụng hành.
Lời bình:
Qua câu chuyện rùa mù Phật dẫn trên, chúng ta xét có trái với tinh thần “Vô ngã” của Phật giáo không? Vì chủ trương của Phật giáo là phá ngã, thấy thân ngũ uẩn giả hợp như bèo bọt không nghĩa lý gì, tại sao ở đây lại quí thân?
Thật ra ở đây nói thân này “khó gặp”, không phải quý thân và quan trọng nó tợ hồ một bảo vật để tôn thờ như người ta lầm tưởng, mà ý nghĩa quý ở đây là muốn nói đến trong cuộc sống, thời gian sống, phải làm gì cho đúng ý nghĩa của nó.
Ở đời có hai hạng người lầm chấp:
- Hạng người thứ nhất quá bi quan đối với thân này, cho nó là bất tịnh, là xấu xa, đê tiện, tạm bợ… rồi muốn phá hoại cho nó tiêu tan, như câu chuyện: Khi Phật còn tại thế, một hôm giảng đạo Ngài nói về pháp “Quán thân bất tịnh”. Sau đó Ngài tuyên bố với chúng Tăng để cho Ngài ở yên một thời gian ba tháng, không ai được thăm viếng chỉ trừ một người thị giả thôi.
Sau ba tháng trở ra Ngài thấy số Tỳ Kheo bổng nhiên thưa thớt đi. Ngài hỏi lý do, thì A Nan thưa rằng: Sau khi nghe Thế Tôn giảng về pháp “Quán bất tịnh”, các Thầy Tỳ Kheo quán thấy thân này nhơ nhớp quá nên một số Thầy mướn người giết đi để khỏi còn thấy nó nữa! Phật liền họp các Thâỳ Tỳ Kheo lại, chế giới ngăn cấm: “Không ai được mướn người giết, nếu mướn giết là phạm giới”. Đó là hạng thứ nhất.
- Hạng người thứ hai thì trái lại, họ quá quan trọng thân này, quanh năm suốt tháng cứ một bề lo bồi bổ tưng tiu chìu chuộng cái thân, không dám dùng nó vào việc gì, mặc dù việc đáng làm và nên làm.
Hai hạng trên đều trái với tinh thần đạo lý của Phật dạy. Phật nói thân này là vô thường, bất tịnh… là chỉ rõ lẽ thật cho chúng ta nhận thấy để khỏi đắm mê chạy theo dục lạc. Khi hiểu rõ rồi, chúng ta lại phải lợi dụng nó để tiến tu hoặc làm các việc lợi ích cho mọi người… chớ không phải hiểu rõ lý vô thường để bi quan chán đời rồi đi tự tử, thật là một điều lầm lẫn!
Với cặp mắt của người tu Phật, vẫn thấy thân này là giả tạm vô thường, không đáng kể, nhưng họ vẫn giữ lấy thân này để làm phương tiện tiến tu. Như người muốn qua sông, vẫn biết khúc gỗ mục không đáng giá chút nào, nhưng lúc chới với giữa giòng vẫn phải dùng nó làm chiếc phao khi mình chưa đến bờ. Có ai dại dột gì, khi còn lênh đênh ngoài biển mà vội bỏ “bè” không? Cũng thế, khi chưa đạt đạo thì phải mượn thân này làm thuyền bè để đến bờ giác ngộ. Khi qua đến bờ lúc đó bỏ bè cũng không muộn gì. Nếu chưa đạt đạo mà vội hủy bỏ thân là một điều lầm lẫn đáng tiếc!
Trong Kinh chép: Một hôm Phật khơi một chút đất dính đầu móng tay đưa lên hỏi trong chúng hội:
“Đất đầu móng tay nhiều hay đất quả địa cầu nhiều?” Trong chúng hội đều đáp: “Bạch Thế Tôn, đất quả địa cầu rất nhiều, so với đất đầu móng tay có thâõm vào đâu!”. Phật kết luận: “Cũng thế, chúng sanh khi bỏ thân này rồi mà trở lại được thân người rất ít như đất đầu móng tay, còn đi vào các thú thì nhiều như đất quả địa cầu”.
Cũng nói ý này Cổ Đức có câu: “Trăm năm cây sắt trổ hoa còn dễ, một phen mất thân này, muôn kiếp khó tìm” (Thiên niên thiết thọ khai hoa dị, nhứt thất nhơn thân vạn kiếp nan).
Vì thế, chúng ta là hành giả đang đi trên lộ trình xa vạn dặm, phải có quan niệm chính xác đối với thân này để khỏi phải dở dang giữa đường mà chưa đạt đến bờ kia!