Góc nhìn Phật tử

Ăn chặn tiền từ thiện thì quả báo như thế nào?

Thứ hai, 25/08/2021 12:32

Theo quan điểm của nhà Phật, luật nhân quả rất công bằng và không trừ một ai. Bởi vậy những hành động được cho là bất thiện như "ăn chặn tiền từ thiện" ắt hẳn sẽ phải nhận quả báo.

Ăn chặn tiền từ thiện là hành động trục lợi lòng nhân ái

Chúng ta biết rằng từ thiện có nghĩa là làm việc tốt từ lòng yêu thương con người. Đó cũng là truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Các hoạt động từ thiện vốn không đem lại vật chất, lợi nhuận cho một cá nhân nào cả.

Từ lâu, phong trào từ thiện đã và đang được nhân lên tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, xoa dịu nỗi đau, chia sẻ khó khăn với nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt, giúp họ hòa nhập, vươn lên trong cuộc sống.

Hiện nay, có nhiều cá nhân đã lợi dụng hoạt động từ thiện để tư lợi. Ảnh minh họa

Hiện nay, có nhiều cá nhân đã lợi dụng hoạt động từ thiện để tư lợi. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là không ít trường hợp tham gia từ thiện theo phong trào, từ thiện để đánh bóng tên tuổi và để… làm giàu! Trên các trang mạng xã hội hiện nay, người ta còn truyền tai nhau “nghề” từ thiện trá hình. Theo đó, một số facebooker sau khi quyên góp được tài chính, hiện vật từ cộng đồng, họ chỉ trích một phần ít trong số đó dành cho những người khó khăn, còn phần lớn giữ lại, theo kiểu ăn chặn.

Từ thiện vốn sẽ truyền tải những thông điệp tốt đẹp, nhân văn...nhưng sẽ làm mất niềm tin và để lại sự thất vọng khi nhiều người lợi dụng, ăn chặn tiền từ thiện, trục lợi lòng nhân ái của cộng đồng. 

Ăn chặn tiền từ thiện sẽ bị quả báo ra sao? 

Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả chúng sinh hiện hữu trong cuộc sống này đều phải tuân theo quy luật nhân quả. Nghĩa là chúng ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động.

Con người nếu sống vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ sống trong sự tham lam ích kỷ thì sẽ dễ dàng gây họa cho người khác và nhận báo ứng về với bản thân mình. Việc ăn chặn tiền từ thiện cũng chính là vấn nạn, là kết quả do một số người tham lam, chỉ biết đến lợi ích của bản thân, thiếu lòng tự trọng, vô cảm, hơn thế nữa là lợi dụng lòng tốt của người khác.

Ăn chặn tiền từ thiện là hành động trục lợi lòng nhân ái. Ảnh minh họa.

Ăn chặn tiền từ thiện là hành động trục lợi lòng nhân ái. Ảnh minh họa.

Hành động ăn chặn tiền từ thiện là hành động bất thiện và tất nhiên sẽ chịu nghiệp quả về sau:

1. Hành vi của thân - Trộm cắp: Bạn không đủ sống hay không có miếng ăn mỗi ngày; những gì bạn có chỉ là những thứ sở hữu chung với người khác.

2. Hành vi của khẩu - Nói láo: Không ai tin lời bạn nói, ngay cả khi bạn nói lời chân thật; người khác luôn luôn lừa gạt bạn.

3. Hành vi của ý - Tham lam: Sự ham muốn chế ngự nhân cách của bạn; bạn không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có. Sự sân hận chế ngự nhân cách của bạn; bạn luôn luôn thiếu sự giúp đỡ hay không bao giờ tìm được sự giúp đỡ mà bạn cần; bạn luôn luôn làm thương tổn người khác, hay luôn bị người khác làm tổn thương.

Đồng thời bên cạnh đó, ăn chặn tiền từ thiện cũng có thể bị xử lý hình sự. Hiện nay pháp luật Việt Nam có những chế tài liên quan đến việc lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để có hành vi chiếm đoạt tài sản được quy định ở Điểm C khoản 3 điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đây là một tình tiết tăng nặng trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, theo lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang, khi làm việc thiện chúng ta không được chấp công, hóa độ mà thấy mình không hóa độ. Nghĩa là khi làm từ thiện, chúng ta phải biết tôn trọng người mình giúp, không có ý coi thường, khi trao quà, phải hết sức vui vẻ, trân trọng và khiêm hạ. 

loading...