Kiến thức

Áo choàng trên thân Phật

Thứ hai, 12/07/2023 05:30

Phong tục trùm khăn hoặc mặc áo choàng cho tượng hiện nay vẫn còn, nhưng thường thấy là những pho tượng đặt ở lộ thiên, trong đó áo choàng cho tượng Quan Âm là trường hợp điển hình.

Audio

Lục lại ký ức vụn thời trẻ, tôi đã từng gặp những pho tượng trùm khăn đỏ trong một ngôi chùa miền thôn dã. Với mái chùa thấp và thiếu ánh sáng, một pho tượng được trùm khăn là một ám ảnh trong tôi thời đó.

Phong tục trùm khăn hoặc mặc áo choàng cho tượng hiện nay vẫn còn, nhưng thường thấy là những pho tượng đặt ở lộ thiên, trong đó áo choàng cho tượng Quan Âm là trường hợp điển hình.

02

1. Dấu vết trong Kinh điển 

Trong phẩm XIV, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có đề cập “tứ sự cúng dường”, đó là Y phục, ẩm thực, giường chiếu và thuốc thang. Trong tứ sự (4 nhu cầu) thì y phục dẫn đầu. Không rõ thời Phật, hàng cư sỹ cúng dường vải vóc hay là y phục đã may sẵn cho hàng Tỳ-kheo, nhưng trong tác phẩm THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ TRUYỆN của Tinh Vân có nêu Đức Như Lai đích thân may vá 3 y (佛陀親為縫三衣) cho tôn giả A-na-luật điều này cho ta liên tưởng là thời Phật, họ cúng cúng vải vóc hơn là y phục may sẵn cho hàng Tỳ-kheo.

Ngày nay chúng ta cũng có thể thấy những Phật tử hành hương về đất Phật, họ cúng dường đại y trùm lên kim tướng của Thế Tôn.

2. Các trường hợp áo choàng cho thân Phật 

Khảo sát sơ bộ các tượng Phật, Bồ tát trên đại điện, sẽ dễ dàng nhận ra những tự viện miền Nam có hơi hướng ảnh hưởng Phật giáo Hoa tông, mặc dù biết rằng không phải chùa người Hoa nào cũng mặc áo choàng cho thân Phật. Ngày nay, việc mặc áo choàng cho tượng nhường sân cho các loại hình tín ngưỡng dân gian, đó là tượng Diêu Trì Kim mẫu (hay Địa Mẫu) hoặc là các miếu, đình thờ Ngũ Hành.

Một số tự viện miền Tây đôi lúc vẫn chiều lòng thí chủ, họ vẫn mặc áo choàng cho tượng Quan Âm lộ thiên. Sở dĩ họ e dè không tiếp nhận việc mặc áo choàng cho tượng Phật là vì “sắc thái” việc mặc áo choàng cho tượng đã nghiêng hẵn về tín ngưỡng dân gian, và đặc biệt là dễ nhầm lẫn giữa giữa tượng Địa Mẫu và tôn tượng Quan Âm.

Thời gian đã làm thay đổi mọi thứ, trong đó bao gồm cả tư tưởng và thái độ tiếp thu của từng thời điểm. Tôi cho rằng không cần duy trì phong tục này, mà chỉ cần truy nguyên dụng ý của tiền nhân về việc mặc áo choàng thay trùm khăn cho tượng Phật.

05

3. Mật mã mặc áo choàng cho tượng Phật 

Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX Tăng mỏng chùa thưa, nhiều lúc cả một ngôi chùa rộng lớn mà chỉ có thầy và trò sinh hoạt. Việc bao sái quét dọn vệ sinh hàng loạt tượng Phật, Bồ tát và chư vị Hộ pháp mang tính thường nhật là điều bất khả, đó là chưa kể người xưa rất ngại bước chân lên bàn thờ để lau tượng Phật, ngoại trừ sau ngày 23 tháng chạp mới dám làm công việc này.

Để chống bụi cho tượng thờ, bậc tiền nhân đã mặc áo choàng cho tượng Phật, Bồ-tát trên điện Phật

Mặc dù biết rằng, Như Lai là bất cấu, bất tịnh, nhưng để bụi trần bám tượng thì tâm chúng sanh không đành lòng. Đó là chưa kể, xem Phật như tâm mình thì việc kháng bụi cho tâm cũng là điều dễ hiểu. Mà để chống lại bụi trần (biểu trưng cho phiền não) thì mình phải mặc áo như Như Lai: “khán Phật thân như Phật tâm” là tính biểu trưng cho trường hợp này.

Tiểu Kết: 

Không phải là ngẫu nhiên người xưa tùy tiện mặc áo phủ khăn cho tượng pháp, thế nhưng tư duy của mỗi thời đại là khác nhau, đó là chưa kể, không phải những gì của cổ nhân để lại đều là “di sản” và tiến bộ. Việc mặc áo choàng cho tượng trong quan điểm ngày nay là “che khuất” kim tướng của Thế Tôn (thay vì ngài được hiển bài). Đó là chưa kể, chiếc áo choàng phủ khắp toàn thân nó có cảm giác như người co lạnh trong sương gió hơn là kháng bụi trần trong cái nhìn đương đại.

Theo Long Vân Tự. 

loading...