Góc nhìn Phật tử

Bản án nghiêm khắc cho người đã sát hại sư cô Hải Hiếu

Thứ sáu, 06/08/2019 04:18

Hôm qua, ngày 5/8/2019, Tòa án nhân dân TP. HCM đã tuyên án tử hình bị cáo Loan can tội giết sư cô Hải Hiếu ở quận 10 TP. HCM, sau quá trình tố tụng điều tra - kiểm sát đúng quy định pháp luật, sau khi bắt được bị cáo rời TP HCM về ẩn trốn ở Vĩnh Long. 

>>Tin tức Phật giáo mới nhất 

Bản án nghiêm khắc 

Bị cáo Nguyễn Hồng Loan tại tòa sáng nay, 5-8-2019 - Ảnh: Hoàng Yến/PLO

Bị cáo Nguyễn Hồng Loan tại tòa sáng nay, 5-8-2019 - Ảnh: Hoàng Yến/PLO

Với việc loại bị cáo Loan vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội, pháp luật đã thể hiện sự trừng phạt nghiêm khắc và khép lại vụ án từng gây xôn xao phẫn nộ của dư luận vì bị hại là nữ tu sĩ Phật giáo.

Chẳng những bà Loan giết một nhân mạng, một nữ tu sĩ Phật giáo, mà hành vi còn hội các tính chất tăng nặng theo luật định: bản thân từng có tiền án tiền sự phải thụ án tù 4 năm, láng giềng với quý sư cô Hải Hiếu, từng nhận được giúp đỡ của nạn nhân lại lợi dụng tình cảm ấy tiến hành một kịch bản giết người dã man phi nhân tính mà sự mô tả có thể khiến có người khó tin vì bản thân bị cáo cũng là phụ nữ tay yếu chân mềm. 

Khi bị siết nợ và lâm vào cảnh khốn quẫn vì tiền bạc, lại có quá khứ tội phạm, bị cáo Loan đã dựa trên quan hệ gần gũi và sự thấu hiểu sư cô Hải Hiếu cùng bố trí trong và ngoài cơ sở tu học của sư cô gần nhà mình, đến xin quy y và sau khi sư cô Hải Hiếu đích thân thực  hiện nghi thức quy y xong, bị cáo đã ra tay sát hại sư cô, lấy tài sản và dùng chính xe gắn máy của sư cô để tẩu thoát về Vĩnh Long. Giết người tu hành, người có ơn với mình, có tổ chức sắp đặt tỉ mỉ, hình thức thực hiện hành vi tàn độc...cùng quá khứ có tiền án tiền sự chính là các yếu tố tăng nặng và hình phạt tử hình thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật.

Bán án này cảnh tỉnh răn đe kẻ ác, góp phần bảo vệ hoạt động và đời sống tôn giáo, các tu sĩ nói chung; đồng thời thêm một lần nhắc nhở quý bậc xuất gia nâng cao cảnh giác tự bảo vệ mình, bảo vệ cơ sở tu học trong bối cảnh môi trường xã hội có nhiều diễn biến phức tạp về tội phạm.

Như thông tin tìm hiểu thì SC.Thích nữ Hải Hiếu về sống tại tư thất ở P.Hòa Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) từ năm 1992. Khoảng 4 năm trở lại đây, sư cô thường tổ chức các buổi tụng kinh cho các em thiếu niên, nhi đồng mỗi tối và mỗi sáng cuối tuần. Rất đông các em đến sinh hoạt và học.

Ngày 23-8-2018, lần theo dấu vết, trinh sát đã tìm thấy bà Loan đang lẩn trốn ở khu vực 5, phường 4, TP.Trà Vinh. Khi các trinh sát ập vào, Loan với chai thuốc độc được chuẩn bị sẵn trút vào miệng với ý định tự tử nhưng đã bị các trinh sát nhanh tay ngăn cản được.

Bị cáo Loan tại toà - Ảnh: TUYẾT MAI

Bị cáo Loan tại toà - Ảnh: TUYẾT MAI

Nghĩ về môi trường an ninh của giới tu sĩ Phật giáo

Theo quan sát cá nhân người viết từ những câu chuyện thương tâm xảy ra, ở Việt Nam thường thấy bởi thuộc tính Luật pháp đi sau, cho nên, dù công tác điều tra có tốt đến đâu, nội vụ có được nhanh chóng kết luận và thủ phạm qui án sớm nhất và đền tội, thì nhân mạng một nữ tu sĩ đã kết thúc, tổn thất không thể bù đắp!

Từ vụ án mạng này, buộc phải suy nghĩ và suy nghĩ nhiều về an ninh cho giới tu sĩ Phật giáo, hay khái quát hơn, an ninh trật tự ở các cơ sở tu tập của Đạo Phật trên cả nước, dù vấn đề không hề mới mẻ, song chính vụ án cho thấy cần cảnh báo tín hiệu SOS để đánh động dư luận và nhận được sự quan tâm tương thích.

Do đặc thù đời sống tu học, mọi hệ phái và mọi pháp môn tu của Phật giáo, nhất là thiền cần không gian thanh tịnh: vắng, cách biệt, môi trường kín đáo và cộng đồng an trú lặng lẽ trong tu học, lao động, sinh hoạt... Các cơ sở Phật giáo chính thức thuộc Giáo hội hay thậm chí đến các chốn tu tập tại gia đều tuân thủ đến mức cao nhất có thể "yêu cầu" đã nêu.

Am, thất, niệm phật đường, thiền viện, chùa... đều tọa lạc ở những chốn thanh tịnh nhất có thể. Và, điều đó có từ thuở sơ khai, ngay lúc Đức Thế Tôn còn tại thế, việc tu tập thường thực hiện trong các cánh rừng, cạnh suối hay hồ nước... Sự thanh tịnh của môi trường xã hội và tự nhiên là phương tiện để quá trình và hiệu quả tu học cao, như một điều kiện cần. Ở Việt Nam, không ít bà con vẫn gắn quan niệm về sự tu của đạo Phật với núi non: lên núi tu, lên non tìm Thầy...

Từ vụ án mạng này, buộc phải suy nghĩ và suy nghĩ nhiều về an ninh cho giới tu sĩ Phật giáo, hay khái quát hơn, an ninh trật tự ở các cơ sở tu tập của Đạo Phật trên cả nước. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Từ vụ án mạng này, buộc phải suy nghĩ và suy nghĩ nhiều về an ninh cho giới tu sĩ Phật giáo, hay khái quát hơn, an ninh trật tự ở các cơ sở tu tập của Đạo Phật trên cả nước. Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Xã hội vận động nhanh, đô thị hóa cùng vấn nạn tội phạm "tăng trưởng" khiến môi trường thanh tịnh cần thiết đối với các tu sĩ Phật giáo gánh thêm cản lực: Nguy cơ an ninh. Hàng loạt vụ mất cắp tài sản có khi có giá trị rất lớn, như cổ vật, đã xảy ra khắp nơi đến mức có chùa đã "bế quan"! Về góc độ nghiệp vụ an ninh, cơ sở tôn giáo do đặc thù "thanh tịnh" ở các chốn hẻo lánh đồi núi, vùng sâu xa... trở nên dễ tổn thương trước áp lực tội phạm xã hội, cơ sở tôn giáo cùng tu sĩ nghiễm nhiên trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.

Do đặc điểm đời sống tâm linh, sinh hoạt tôn giáo, với cơ quan an ninh sở tại, các cơ sở tu học cùng tu sĩ không dễ tiếp cận để bảo vệ, trừ những cơ sở quan yếu về hành chính của Giáo hội hay các sự kiện chính thức được Nhà nước chủ động bảo đảm an ninh. Tu sĩ Phật giáo sống trong môi trường đặc thù, mọi can dự có thể bị nhìn từ góc độ "làm phiền" hay "không thuận" cho sự tu học. An ninh cho tu sĩ Phật giáo và cơ sở tu học của Đạo Phật thuộc một mảng rất riêng trong công tác an ninh, không hề dễ.

Bên cạnh đó, rất cần góc nhìn cởi mở, phù hợp hơn của Giáo hội cùng các quý tu sĩ về an ninh cho chính mình: đặc thù môi trường tự nhiên xã hội của các cơ sở tu học khiến công tác đảm bảo an ninh cần nhấn mạnh hơn nữa cũng như sự hợp tức tốt hơn với nhà chức trách để phòng ngừa tội phạm tấn công. Các cơ sở Phật giáo cần khắc phục tình trạng biệt lập, tu tập đơn lẻ, khép kín bằng sự giao lưu sinh hoạt thường xuyên của Phật tử, tương tác giữa các chùa, tự viện cùng gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau.

loading...