Góc nhìn Phật tử
Bảo vật kinh Phật nghìn năm do Nam Việt vương Đinh Liễn tạc dựng
Chủ nhật, 24/03/2024 12:43
Cột kinh Phật được Đinh Liễn, con trai cả của vua Đinh Tiên Hoàng, tạc dựng nhắc đến việc hoàng tử này sám hối khi sát hại em trai Đinh Hạng Lang.
Bảo vật Quốc gia: Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh ở Ninh Bình
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh, niên đại thế kỷ thứ 10, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 73 ngày 18/1/2024 công nhận là một trong 29 Bảo vật Quốc gia.
Theo nghiên cứu, các cột kinh Phật thời Đinh tại Kinh đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn - con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng cho dựng.
Cột kinh thời Đinh được phát hiện lần đầu vào năm 1963. Tháng 6 năm 1964, trong quá trình đào đất đắp đê khu vực ven sông Hoàng Long trên địa phận xã Trường Yên phát hiện cột kinh thứ hai. Năm 1987, trong khi đào đất, đắp đê dọc bến sông Hoàng Long tại khu vực từ bến đò Trường Yên đến Cồn Thần, trong khoảng 130m về hướng đông, nhân dân xã Trường Yên tiếp tục phát hiện 14 cột kinh (trong đó có 3 cột còn khá nguyên vẹn).
Bộ sưu tập Cột kinh Phật thời Đinh gồm 49 đơn vị hiện vật với 29 số kiểm kê (gồm cột kinh và những bộ phận của cột kinh được chế tác từ đá, nặng gần 120kg).
Các bộ phận được lắp gá với nhau bằng hệ thống mộng ngõng, không chất phụ gia kết dính, không sử dụng chằng buộc hay vật liệu chống đỡ khác, được dựng thẳng đứng trên mặt đất.
Căn cứ đặc điểm nhận dạng, các nhà nghiên cứu sắp xếp 49 hiện vật thành 29 cột kinh song chỉ có một cột còn nguyên vẹn 6 bộ phận. Số còn lại đều bị khuyết ít nhất một hoặc năm phần còn lại. Do nằm dưới lòng đất thời gian dài nên hầu hết hiện vật bị bào mòn, gãy vỡ, văn tự bị mờ một phần hoặc mờ hoàn toàn.
Bộ phận quan trọng nhất ở cột kinh là thân, bởi trên bề mặt được khắc chìm văn tự chữ Hán, mỗi cột khoảng 545-563 chữ. Trong số cột kinh lưu giữ tại Bảo tàng Ninh Bình, có bốn thân cột còn đọc được tương đối đầy đủ thông tin.
Nội dung khắc trên các cột kinh khá giống nhau, gồm hai phần chính là kinh Phật và lạc khoản. Ở phần kinh đều khắc bài chú phiên âm từ tiếng Phạn trong kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà la ni, còn gọi là Phật Đỉnh Tối Thắng Đà la ni hay Tối Thắng Phật Đỉnh Đà la ni tĩnh trừ nghiệp chướng chú kinh (Đức Phật tối cao vượt lên tất cả, chiến thắng tất cả). Phần lạc khoản cho biết họ tên, chức vụ của người cho dựng cột kinh, lý do dựng cột kinh và thông tin niên đại.
Lí do Nam Việt vương Đinh Liễn cho lập các cột kinh Phật là gì?
Các nguồn sử liệu và văn tự khắc trên hiện vật cho thấy số cột kinh Phật tại cố đô Hoa Lư do Nam Việt vương Đinh Liễn hay Đinh Khuông Liễn, con trai trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng, cho dựng trong khoảng 6 năm (973-979).
Phần dịch nghĩa của cột kinh ký hiệu 667 nêu lý do Đinh Liễn cho dựng bảo tràng nhất bách tọa (100 tòa kinh báu) để cầu cho người em Đính Noa Tăng Noa. Người em này, theo Đại Việt sử ký toàn thư, chính là thái tử Đinh Hạng Lang, con trai thứ hai của vua Đinh Tiên Hoàng.
Văn tự có đoạn: "Đệ tử là... Nam Việt vương Đinh Khuông Liễn, vì vong đệ là Đại đức Đính Noa Tăng Noa không làm điều trung hiếu, không thờ anh và cha, lại có lòng ác, trái với sự yêu thương và khoan dung, anh không thể bỏ qua, nên đã làm tổn hại đến tính mệnh của Đại đức Đính Noa Tăng Noa... Nay nguyện làm 100 cột kinh để cúng cho vong đệ. Trước là chúc cho Đại Thắng Minh Hoàng đế (Đinh Tiên Hoàng) mãi mãi trấn giữ trời Nam, vững vàng ngôi báu, thứ đến Khuông Liễn tôi cũng được giữ trọn tước lộc, quyền vị".
Lí do Nam Việt Vương Đinh Liễn sát hại Thái tử Hạng Lang được ghi lại, Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng, từng cùng với cha xông pha trận mạc khắp nơi. Năm Kỷ Tị (969), sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, định đô ở Hoa Lư, thì Đinh Liễn được phong làm Nam Việt Vương.
Năm Nhâm Thân (972), Nam Việt Vương Đinh Liễn được cử đi sứ sang nhà Tống. Năm ấy, nhà Tống phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, còn Nam Việt Vương Đinh Liễn thì được nhà Tống phong làm Kiểm Hiệu Thái Sư, Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ, An Nam Đô Hộ. Đến Năm ất Hợi (975), nhà Tống lại sai sứ sang gia phong cho Đinh Liễn làm Khai Phủ Nghi Đồng Tam Ti, Kiểm Hiệu Thái Sư, Giao Chỉ Quận Vương. Kể từ đó, mọi việc giao tiếp với sứ giả Trung Quốc, Đinh Tiên Hoàng đều ủy thác hết cho Đinh Liễn. Tóm lại, Đinh Liễn là người từng trải, có công lao, có năng lực và cũng có cả uy tín nữa. Quyền kế vị ngôi Hoàng Đế của Đinh Liễn kể như đã rất rõ ràng.
Tuy nhiên, mọi chuyện bỗng trở nên rắc rối bởi sự kiện xảy ra vào đầu mùa xuân năm Mậu Dần (978). Năm đó, Đinh Tiên Hoàng bỗng quyết định lập người con trai còn nhỏ là Hạng Lang làm Thái tử và Đinh Toàn làm Vệ Vương. Điều này cũng có nghĩa là quyền kế vị ngôi vua của Đinh Liễn không còn nữa. Cơn thịnh nộ của Đinh Liễn bắt đầu.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: "Mùa xuân (năm Kỷ Mão, 979), Nam Việt Vương (là Đinh Liễn) giết chết Hoàng Thái tử Hạng Lang. Đinh Liễn là con trưởng của Nhà vua, thuở hàn vi từng chịu đựng gian khổ, khi thiên hạ được thái bình, ý Vua cũng muốn truyền ngôi cho, bèn phong làm Nam Việt Vương. Đinh Liễn lại cũng từng chịu mệnh và nhận tước vị của nhà Tống ban cho. Nhưng về sau, vua sinh được người con trai nhỏ là Hạng Lang, rất mực yêu quý, bèn lập Hạng Lang làm Thái tử. Đinh Liễn bất bình, liền sai người lập mưu giết đi".
Về chuyện Nam Việt Vương Đinh Liễn giết Thái tử Hạng Lang, lời bàn của sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử kí toàn thư thật đáng để cho đời đời suy ngẫm: "Truyền ngôi cho con trưởng là đạo thường của muôn đời, bỏ đạo ấy mà không có biến loạn thì quả là chưa bao giờ nghe vậy. Cũng có khi nhân thời loạn mà lập Thái Tử, nhưng trước hết phải chọn người có công, nếu con trưởng ác đức thì phải phế bỏ đi rồi sau mới lập con thứ. Thế là xử việc lúc biến mà vẫn được đúng, người xưa cũng từng làm. Nam Việt Vương Đinh Liễn là con trưởng, từng có công lao, chưa thấy có lỗi. Đinh Tiên Hoàng vì yêu con thứ mà quên con trưởng, tưởng thế là thỏa tình yêu quý, nào có biết đâu như thế là làm hại con. Còn như Đinh Liễn giết em, nhẫn tâm đến thế thì rõ là thiên đạo và nhân luân đều mất hết, tức là tự chuốc họa thiệt thân, lại còn liên lụy đến cha nữa (chỉ việc về sau, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị giết hại), há chẳng rùng rợn lắm sao? Nếu không như vậy thì tội đại ác của Đỗ Thích (kẻ giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn) vì đâu mà có, đúng như lời sấm truyền?".