Góc nhìn Phật tử

Bệnh “Ghiền chính mình”

Chủ nhật, 29/09/2022 10:15

“Ghiền chính mình” được thể hiện trong cách sống và sự lựa chọn. Lúc này, cái họ chọn là bản thân mình, nên chỉ tiếp nhận những quan điểm giống mình, có lợi cho mình và mình yêu thích. Còn lại đều là sai trái không thể chấp nhận, cần phải phản đối, có khi ngăn cấm hoặc hủy hoại không thương tiếc.

Audio

Sao gọi là “ghiền”? Điều gì mình làm thường xuyên, đến khi không có thì thấy thiếu thiếu không quen, là bước đầu của “ghiền”. Vậy nên, bất kể “ghiền” cái gì đều không tốt, vì có sự bám víu, lệ thuộc, sẽ khiến ta mê muội mất tự chủ.

“Ghiền chính mình” được thể hiện trong cách sống và sự lựa chọn. Lúc này, cái họ chọn là bản thân mình, nên chỉ tiếp nhận những quan điểm giống mình, có lợi cho mình và mình yêu thích. Còn lại đều là sai trái không thể chấp nhận, cần phải phản đối, có khi ngăn cấm hoặc hủy hoại không thương tiếc. Người như vậy, một khi xem ai là thần tượng, hay chỉ cần có cảm tình, thì mọi điều người đó làm đều đúng, đều tuyệt vời. Bằng như đã lỡ không ưa rồi thì vô phương cứu chữa, không cách gì thông cảm được.

Suy ngẫm: Trên đời này, gặp nhau thì dễ, giữ được lâu dài mới khó…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày trước mình gọi cách sống này là cảm tính, giờ mới biết còn được xem như một loại bệnh. Mà đã là “bệnh”, tất nhiên phải chữa. Bằng cách nào? Cuốn sách đưa ra 3 tiêu chí mà trước khi bắt đầu công việc, hoặc tiếp nhận một vấn đề gì, cần xem xét:

1. Động cơ: Xét xem mình/người nói hay làm việc xuất phát từ động cơ gì, vì ai mà làm? Nếu mọi lập luận và cách làm đều hết sức hay ho, nhưng mục tiêu chỉ đem lợi lộc cho một người/ nhóm người, còn lại không liên quan, thậm chí là có hại, thì chỉ nên nghe cho biết, “để tham khảo” thôi.

2.Tính hợp lý. Nên xem xét vấn đề có hợp với luân thường đạo lý và nhân quả thế gian hay không. Nếu không thì dứt khoát không làm.

3.Tính nhân bản, tình nghĩa (trong Phật giáo gọi là từ bi). Đức Phật xuất hiện ở thế gian vì lòng từ với chúng sanh, ngài dùng bao nhiêu phương tiện hóa độ cũng không ngoài tâm hạnh từ bi ấy. Ở đời, ngay cả trong lĩnh vực pháp luật thượng tôn lý lẽ nhưng vẫn không quên khuyến khích mọi người nên giải quyết vấn đề một cách êm thấm, tình nghĩa hài hòa. Khi nào không được nữa, bế tắc quá mới dùng đến những lý lẽ khô cứng lạnh lùng kia.

Động cơ, tính hợp lý và nhân bản, ba yếu tố này sẽ giúp chúng ta cân nhắc trước khi nói hoặc làm, để không lâm vào căn bệnh “ghiền bản thân”. Nó đồng thời cũng hỗ trợ mình nhìn nhận những vấn đề khác một cách khách quan, nhẹ nhàng mà đảm bảo ít nhầm lẫn, khỏi lo bị ai dụ oan uổng.

loading...