Góc nhìn Phật tử

Bước chân hoằng pháp

Chủ nhật, 30/10/2022 09:03

Trong dòng đời mỗi người đều phải đi trên những lộ trình khác nhau. Sư phụ chúng con đã được 49 năm tuổi đạo với 65 tuổi đời đã buông bỏ ngôi vị trụ trì Tổ đình Hoằng Pháp – Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh, truyền trao cho Đại đức Thích Tâm Trường kế vị.

Audio

Trái tim Ngài nặng trĩu tình người, là những cánh chim không mỏi, tiếp tục lên tận Tà Đùng – Đăk Nông để hoằng pháp lợi sinh. Mỗi bước chân ngài là hình bóng của đức Phật. Chúng con kính quý vô cùng! Tà Đùng mới vừa bén duyên đã bị trở ngại. Sư phụ phải sang Campuchia gấp. Chúng con băn khoăn, lo lắng không biết vì sao? Sau khi xem Clip tại tòa nhà Pháp Luân - chùa Hoằng Pháp tối ngày 12/10/2022, chúng con mới biết lý do vì Phật sự tại chùa Hoằng Pháp Campuchia do Đại đức Thích Tâm Trực trụ trì, tỏ lời thỉnh cầu nên sư phụ phải trở về tiếp tục sứ mệnh của Như Lai hỗ trợ, tư vấn cho Đại đức Thích Tâm Trực trong việc xây dựng ngôi Tam bảo, trường học, sân vườn... còn dang dở.

Campuchia giáp ranh với đất nước Việt Nam theo hướng Tây Nam, dân số so với châu Á là ít chỉ khoảng 7 triệu người, do chế độ Pol Pot – diệt chủng xưa kia đã giết chết nhiều sinh mạng nên dân số bị giảm. Đặc biệt nổi bật là biển Hồ, tôm cá rất nhiều, đất đai trồng hoa màu, trồng lúa đủ ăn, chuối rừng mọc tự nhiên, tràn lan. Cuộc sống nhìn chung còn nghèo, người dân phải sống lênh đênh ở biển Hồ hoặc dọc sông Mê Kông. Trình độ dân trí còn thấp nên hầu hết các chỗ buôn bán, khu ăn chơi do nước ngoài đầu tư vào chứ không tự chủ được mình.

Trong dòng đời mỗi người đều phải đi trên những lộ trình khác nhau.

Trong dòng đời mỗi người đều phải đi trên những lộ trình khác nhau.

Sư phụ chúng tôi là một người giản dị như thế!

Về Phật giáo, chùa chiền rất nhiều, người dân tín ngưỡng thờ Phật rất đông. Theo phong tục tập quán của chế độ thời vua Xi Ha Núc lớn lên phải đi tu sau đó mới được lấy vợ. Đây là luật bất thành văn của thời ấy và mãi cho đến bây giờ tiếp nối từ đời cha đến đời con, đời cháu.

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia là tình anh em, cùng đoàn kết xây dựng đất nước phát triển. Người dân Việt Nam đã từng sống lâu đời bên Campuchia nên có quốc tịch là Campuchia. Ngược lại số người Campuchia sống ở Việt Nam khá lâu nên cũng có quốc tịch là người Việt Nam. Từ mối thân thiện đó mà người dân ở các tình Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang là những người dân rất mộ đạo. Điều đặc biệt và nổi tiếng nhất của nước Campuchia là hai Đền Angkor Wat và Angkor Thom. Di tích có bề dày lịch sử cùng với kiến trúc lâu đời, cổ kính nhất còn lưu lại mãi với thời gian.

Sư phụ và quý Thầy vượt qua đoạn đường khoảng 300 km đến chùa Hoằng Pháp – Campuchia. Đây là một trong 46 cơ sở trực thuộc Tổ đình Hoằng Pháp – Tp. Hồ Chí Minh, tọa lạc tại Quốc lộ 21B, Ấp 1A, Phường Svay Rolum, TP. Takhmau, Tỉnh Kandal, Cambodia. Nhìn sư phụ và thầy Tâm Trực nói chuyện, chúng con tĩnh lặng suy ngẫm đúng là đời vô thường. Sư phụ va quý Thầy muốn để lại dấu ấn tâm linh tại Tà Đùng nhưng chưa được nay phải rời xa để đến Campuchia, phải chăng đây là thử thách làm cho cuộc sống trở nên thú vị.

Chúng con còn nhớ ngày 23/01 Đinh Dậu (2017) là lễ đặt đá xây dựng chùa Hoằng Pháp Campuchia. Đây là tin vui, là sự kiện mang giá trị lịch sử bởi sự hiện diện của ngôi chùa này góp phần rất lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, làm cho Phật pháp được xiển dương, góp phần hoằng pháp lợi sinh cho người Việt tại Campuchia và cả người Campuchia có điều kiện đến chùa lễ Phật, học Phật pháp, là bến đỗ tâm linh cho mọi người. Đồng thời, tâm nguyện của sư phụ dành ra một phần diện tích của chùa để xây dựng trường học vì trẻ em là mầm non của đạo pháp, giúp các em kết duyên với Tam bảo, được tu tập và được học tiếng anh, tiếng Campuchia, tiếng Việt miễn phí, nhằm bảo tồn vốn quý của tiếng Việt, không quên nguồn gốc của mình.

Do đại dịch Covid – 19 kéo dài nên đến hôm nay một số công trình còn bề bộn. Hy vọng niềm đam mê hoằng pháp lợi sinh của sư phụ và thầy Tâm Trực luôn là những vị thuốc cho tâm hồn tiếp tục hứng khởi và được hoàn thành sớm nhất. Tận trong sâu thẳm sư phụ và quý Thầy sẵn sàng hy sinh cho “hòa thế lạc quần” (chan hòa vào thế tục làm lợi lạc quần sinh bởi không bút mực nào diễn tả hết nỗi đau khổ của con người). Dù trải qua bao thăng trầm, ngôi chùa vẫn là nét đẹp văn hóa tâm linh, là niềm tin chính pháp cho Phật tử trở về với chính đạo của đức Phật, trở về cội nguồn yêu thương bất tận, chuyển mê thành ngộ đến chân – thiện – mỹ.

Kế thừa và phát huy sự nghiệp vô cùng thiêng liêng, vĩ đại của đức Như Lai là vai trò rất quan trọng của hàng Tăng bảo, làm sao giữ cho đạo Phật mãi trường tồn. Chúng con xin thành tâm cúi đầu kính phục lòng can đảm, dấn thân, hi sinh cao cả âm thầm lặng lẽ của sư phụ và thầy Tâm Trực, biết bao nỗi gian truân, cực khổ trăm bề mà ít ai biết đến. Xin thành tâm tri ân đến các mạnh thường quân phát tâm cúng dường cùng rất nhiều Phật tử gần xa với tâm đạo của mình cùng chung tay góp sức xây dựng chùa, đã đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, máu và cả nụ cười đến nay đã gần hoàn mãn. Mỗi người đẹp như hoa sen thật thanh thoát, nhẹ nhàng và thánh thiện.

Một ngày không xa, chùa Hoằng Pháp Campuchia được thành tựu viên mãn. Mọi người trong và ngoài nước vô cùng hoan hỷ đến đón chào ngôi chùa mới rất đẹp, rộng lớn, trang nghiêm là niềm vinh hạnh cho Phật giáo Việt Nam nói chung, Tổ đình Hoằng Pháp – Tp. Hồ Chí Minh nói riêng. Tương lai, chùa sẽ vươn mình phát triển mang tầm vóc lớn, trung tâm văn hóa Phật giáo tại xứ người, thật tự hào biết bao!

Tu hành phước huệ song toàn

Rạng danh Thích Tử vẻ vang cửa thiền.

                                                                                                    (HT. Thích Chân Tính)

Hoằng Pháp, 13/10/2022

loading...