Góc nhìn Phật tử

Cảm ơn đời vì được làm con Phật

Chủ nhật, 03/01/2020 08:38

Mong tất cả mọi người hãy trở về với cuộc hành trình vi diệu của Đức Phật “để mà nhìn, để mà nghe, để mà cảm, để mà tĩnh tu, trang bị lại tâm hồn mình, ước nguyện mình, lý tưởng minh, để giữ vẹn được tâm hồn và ý chí của những chàng dũng sĩ cần thiết cho cuộc đời.”

>> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy 

Người trao truyền nguồn từ bi hỷ xả/ Cho nhân gian chuyển hóa đón tâm từ - ảnh Lương Đình Khoa

Người trao truyền nguồn từ bi hỷ xả/ Cho nhân gian chuyển hóa đón tâm từ - ảnh Lương Đình Khoa

Chúng con vùi dưới thung sâu bóng tối

Đã trôi lăn trong 3 cõi 6 đường (1)

Những đứa trẻ lạc bên bờ đại dương

Trên cát trắng hằn gót chân sinh tử

 

Người đã đến, băng qua nghìn gian khổ

Tứ diệu đế, chứng Phật quả ngày lành (2)

Cội bồ đề tự tại an nhiên

Bậc Vô thượng đẳng giác

Quả Khổ đế do Tập đế là hạt (3)

Tham, sân, si, mạn, ác … nở thành

Một vòng xoáy vô minh

Nghiệp dẫn lối gieo mình trong sinh tử

Người dạy phá Tập đế

Thắp Đạo đế làm đường (4)

Tam thập thất bồ-đề phần gieo nhân (5)

Tứ niệm xứ, Tứ chính cần, Tứ thần túc, Thất giác chi, Bát chính đạo, Ngũ lực, Ngũ căn… (6)

Chạm quả lành Diệt đế. (7) 

 

Người trao truyền nguồn từ bi hỷ xả

Cho nhân gian chuyển hóa đón tâm từ

Chọn sống đời vô ngã vị tha

Hải đảo tự thân biết quay về nương tựa (8)

 

Những nguồn sáng trí tuệ

Cội bồ đề nghìn xưa

Quy kính Thiên Nhân Sư (9)

Cảm ơn đời vì được làm con Phật.

Về với Phật đời con sẽ đẹp

Nương câu kinh tỉnh giác thoát mê lầm…

10h02, 2/1/2020 (tức ngày 8/12 ÂL – Ngày Đức Phật thành đạo)

Về với Phật đời con sẽ đẹp/ Nương câu kinh tỉnh giác thoát mê lầm…- ảnh Lương Đình Khoa

Về với Phật đời con sẽ đẹp/ Nương câu kinh tỉnh giác thoát mê lầm…- ảnh Lương Đình Khoa

 Chú thích 

(1): THAM là cõi DỤC, SÂN là cõi SẮC, SI là cõi VÔ SẮC, nên gọi là 3 cõi. Từ 3 cõi độc này tạo nghiệp nặng nhẹ, thọ báo chẳng đồng, thác đi sẽ sinh về 6 đường gồm: chư thiên, loài người, loài a-tu-la, loài ngạ quỷ, loài thú vật, loài đọa địa ngục. Nên biết tất cả nghiệp khổ đều từ tâm sanh. Nếu có thể nhiếp Tâm, lìa các tà ác thì cái khổ trong 3 cõi 6 đường tự nhiên tiêu diệt; lìa khổ là được giải thoát.

(2): Ngày 8/12 ÂL – Ngày Đức Phật thành đạo. Tứ diệu đế, cũng gọi là Tứ thánh đế - là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Kinh Chuyển Pháp Luân. Trong bài thuyết giảng này, Đức Phật đã trình bày bốn chân lý cao quý: Khổ đế, Tập đế, Đạo đế, Diệt đế.

(3): Trong Tứ diệu đế, hai đế đầu là Khổ đế là quả và Tập đế là nhân. Chữ khổ này không phải khổ theo nghĩa thông thường, mà là khổ luân hồi sanh tử. Sở dĩ chúng sanh bị quả luân hồi sanh tử không phải ngẫu nhiên, mà có nguyên nhân. Nguyên nhân là Tập đế; tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... là tập nhân để đưa tới quả khổ trong luân hồi sanh tử.

(4), (7): Đức Phật biết rõ nhân và quả của sinh tử rồi, Ngài tiến lên một bước nữa là nói nhân và quả thoát ly sanh tử, tức Đạo đế và Diệt đế. Diệt đế là quả, Đạo đế là nhân. Không ai bắt chúng ta sanh tử mà chính tham, sân, si, mạn, nghi… lôi mình tạo nghiệp đi trong sanh tử. Vì vậy muốn hết sanh tử phải tiêu diệt nguyên nhân Tập đế.

(5): 37 phẩm trợ đạo. Đây là ba mươi bảy phương pháp dứt trừ nhân sanh tử. Một khi dứt sạch nhân sanh tử gọi là quả Diệt đế. Diệt đế tức tên khác của Niết-bàn an lạc.

(6): Các nội dung chính của 37 phẩm trợ đạo.

(8): Chúng ta phải học hỏi và tu tập như thế nào để mình có thể là nơi nương tựa an toàn và vững vàng cho chính mình và những người xung quanh. Trong kinh Kinh Hải Đảo Tự Thân (kinh 639 Tạp A Hàm - Đức Phật nói khoảng một tháng trước khi Ngài nhập Niết bàn), Phật đã ân cần dạy các hàng đệ tử rằng: “Này quí vị! Chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ ra đi, vì vậy quí vị phải thực tập làm hải đảo nương tựa cho chính quí vị, hãy biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp mà đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác”.

(9): Trong mười đức hiệu của Phật có một danh hiệu là Thiên Nhân Sư, tức Thầy của trời người. vì sao đức Phật lại được tôn xưng như thế? Kinh nói “Như Lai ra đời vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, an lạc, hạnh phúc cho chư thiên và loài người”.

loading...