Góc nhìn Phật tử

Cần tỉnh giác trước những chiêu lừa từ thiện hiện nay

Thứ hai, 28/11/2019 03:24

Gia đình tôi từng là nạn nhân của chiêu thức lừa đảo của những đối tượng xấu trên mạng xã hội.

>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Đức Phật

Cụ thể là mỗi khi đọc được những thông tin có kèm hình ảnh (không biết anh thật hay ghép) trên mạng xã hội có kèm số tài khoản người đăng tải thì vợ tôi nhanh chóng chuyển tiền dù rằng số tiền không nhiều chỉ từ 200.000 đến 300.000 đồng mỗi lần. 

Bài liên quan

Thấy tôi nhiều lần phản ứng và cảnh báo về tính xác thực của thông tin, vợ tôi lại nói “Người ta khổ thì mình giúp cho với nhẹ tâm trí, ai lừa đảo làm việc xấu thì sẽ lãnh quả báo. Vã lại số tiền mình giúp có đáng là bao”. Đây chính là tâm lý rất chung của nhiều người có lòng tốt hiện nay sẵn sàng chia sẻ khó khăn với người khác rất đáng trân trọng nhưng thiếu cảnh giác. Và nhiều người cứ tiếp tục đóng góp tiền vào tài khoản của bọn lừa đảo, trong đó có gia đình tôi.

Cách nay khoảng 4 tháng (tháng 7/2019), vợ tôi lại nhận được thông tin trên mạng xã hội từ một nhóm người chuyên đi quyên góp giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đề nghị cộng đồng đóng góp tiền để giúp em Trần Thị Hiếu Thảo (quê Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) có tiền lắp chân tay giả và sửa chữa ngôi nhà mục nát. Tôi rất bất ngờ trước thông tin này vì bản thân tôi là người viết bài về em và đã đăng tải trên báo Tuổi Trẻ TPHCM cách nay đã lâu; sau đó tôi được biết em đã được lắp tay chân giả và cũng đã được cất lại căn nhà mới sau khi báo đăng kèm với số tiền gửi tiết kiệm để lo toan việc sinh hoạt, học hành (nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải hình ảnh mới). 

Thông tin lừa đảo, mạo danh tài khoản chùa Vĩnh Nghiêm kêu gọi đóng góp mổ tim cho bệnh nhi nghèo tại BV Chợ Rẫy.

Thông tin lừa đảo, mạo danh tài khoản chùa Vĩnh Nghiêm kêu gọi đóng góp mổ tim cho bệnh nhi nghèo tại BV Chợ Rẫy.

Thế mà trang mạng xã hội của nhóm người kia lại tiếp tục kêu gọi ủng hộ tiền vào tài khoản của họ kèm theo hình ảnh thời điểm em Thảo chưa được lắp chân tay giả và ở trong ngôi nhà sắp sập của mình. Đem câu chuyện trên để cảnh tỉnh, vợ tôi im lặng xót xa và từ đó bắt đầu có thái độ cẩn trọng. Cụ thể không chuyển bất kỳ số tiền nào vào tài khoản cá nhân, thay vào đó là đi trực tiếp đến giúp đỡ nạn nhân (nếu gần); chuyển qua tài khoản các tổ chức xã hội từ thiện tại các bệnh viện, các tổ chức nhân đạo do nhà nước quản lý (nếu nạn nhân ở xa).

Một vấn đề cần cảnh báo khác là đã và đang xuất hiện nhiều sư “giả” khất thực để xin tiền; nhiều cá nhân mạo danh là người của các trung tâm bảo trợ xã hội đi bán vật phẩm gây quỹ giúp người nghèo với giá “ cắt cổ” để trục lợi từ lòng tốt của cộng đồng.

Mới đây, bệnh viện Chợ Rẫy, chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) và một số đơn vị khác cảnh báo xuất hiện nhiều thông tin trên mạng xã hội đăng tải những trường hợp bệnh nặng, khó khăn đang cần giúp đỡ và đề nghị chuyển tiền qua tài khoản cá nhân đều là thông tin “giả” với ý đồ xấu mà dư luận cần cảnh giác.

Bài liên quan

Điều đáng buồn là đã có một số cá nhân trước đây rất có uy tín, trung thực, công khai trước việc quyên góp giúp người nghèo nay vì lòng tham cá nhân đã lợi dụng uy tín vốn có trước đây sang hình thức lừa đảo, trục lợi. Nạn nhân là những người đã từng đóng góp cho các hoạt động của họ không chút hoài nghi.

Lòng tốt trong xã hội ngày càng nhiều và lan rộng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, vì vậy việc đóng góp chia sẻ với người hoạn nạn, bất hạnh, khó khăn là rất cần thiết và nhân văn. Tuy nhiên người ủng hộ cần hết sức cảnh giác trước những thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội; cần có cách kiểm chứng tính xác thực của các thông tin trên; không chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân nào nếu chưa biết rõ nhân thân người đó. Cạnh đó các tổ chức từ thiện của các cơ quan, cơ sở thờ tự…cần tăng cường thông tin các số điện thoại đường dây nóng để người tốt tiện việc liên hệ và phản ánh ngay các trường hợp mạo danh, trục lợi từ danh nghĩa từ thiện trên mạng xã hội.

loading...