Kiến thức

Cánh cửa đi tới giải thoát

Thứ hai, 19/06/2023 08:13

Trong đạo Bụt có đề cập tới ba phép thực tập để đưa tới giải thoát: Giới, Định, Tuệ, đó là Tam vô lậu học.

Audio

Thực tập giới đưa tới định lực. Khi giới và định hùng hậu, ta có khả năng chọc thủng được bức màn vô minh và tiếp xúc được với thực tại, đạt tới tuệ giác. Mà có tuệ giác là có sự giải thoát. Thông thường, giới được hiểu như là đạo đức, nhưng tại Làng Mai giới được hiểu như là sự thực tập chánh niệm.

Nhờ niệm định tuệ, ta thấy được chân tướng của Bốn sự thật.

Nhờ niệm định tuệ, ta thấy được chân tướng của Bốn sự thật.

Do vậy, theo truyền thống Làng Mai, Giới, Định, Tuệ còn được gọi là Niệm, Định, Tuệ. Cách đây bốn chục năm, tôi đã khám phá ra điều này: giới tức là niệm. Tại vì niệm có nghĩa là ý thức được những gì đang xảy ra trong mình và xung quanh mình.

Ví dụ, khi có sự căng thẳng và ta biết rằng ta đang có sự căng thẳng. Thở vào, tôi ý thức được sự căng thẳng trong thân tâm tôi. Thở ra, tôi buông bỏ sự căng thẳng trong thân tâm tôi. Trước hết, phải nhận diện được sự căng thẳng đang có mặt, và sự căng thẳng là một nỗi khổ. Nếu có niệm lực hùng hậu, thì định sẽ xuất hiện. Khi để hết tâm ý vào sự căng thẳng tức là khổ đế thì ta sẽ tìm ra được nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng (tập đế), đó là cách sống hấp tấp, vụt chạc, dồn nén, mà không chịu buông thư trong đời sống hằng ngày. Rõ ràng, niệm giúp ta nhận diện ra cái khổ, và giúp ta thấy được gốc rễ của cái khổ. Niệm đi cùng định tìm đến với tuệ. Tuệ tức là thấy được cái nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng. Khi biết được nguyên nhân của sự căng thẳng, ta sẽ thực tập và lấy những căng thẳng ra khỏi thân tâm, đó là diệt đế. Phương pháp buông thư, phương pháp thực tập để chuyển hóa tận gốc những căng thẳng chính là đạo đế. Vì vậy, niệm là đầu dây mối nhợ. Nhờ có niệm mà có định, nhờ có định mà có tuệ.  Nhờ niệm định tuệ, ta thấy được chân tướng của Bốn sự thật.

Trong văn học đạo Bụt, chữ học có nghĩa là thực tập, Tam học là ba sự thực tập. Khi người hãy còn phải thực tập thì gọi là hữu học. Người đã thực tập thành công rồi, không còn phải học nữa thì gọi là vô học. Vô học không có nghĩa là vô giáo dục. Vô học trong đạo Bụt là một địa vị rất cao. Các bậc vô học cao hơn các bậc hữu học nhiều. Khi nói tôi là một người hữu học có nghĩa tôi là người đang còn thực tập. Bạn là một người vô học có nghĩa bạn đã thực tập thành công rồi. Ta thực tập niệm tức là ta thực tập giới. Vì vậy, ta cần biết rằng nền tảng của đạo đức đạo Bụt là chánh niệm. Đầu dây mối nhợ bắt đầu từ chánh niệm. Có chánh niệm, ta biết mình cần làm gì và không nên làm gì. Giới cũng có nghĩa là đạo đức. Đạo đức là những quy tắc, những tuệ giác giúp ta biết được nên làm gì và không nên làm gì để tránh khổ đau và mang lại hạnh phúc cho mình và cho người.

loading...