Chùa Việt

Cảnh đẹp chùa làng Phúc Nghiêm

Thứ sáu, 08/07/2015 10:51

Khi cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 7 nhường chỗ cho những ngày râm mát nhưng vẫn còn vấn vương chút oi nồng nắng hạ. Chúng tôi có dịp đến chiêm bái chùa Phúc Nghiêm tại thôn Quan Lộc, xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương theo lời hẹn với sư Thầy Thích Quảng Khiết –trụ trì chùa. 

Con đường dẫn vào xã Tiên Động mùa này thật khác lạ với không khí khẩn trương của bà con nhân dân lao động sản xuất vụ mùa. Những câu chuyện cấy cày, sản xuất của mọi người khiến cho các xứ đồng đông vui, nhộn nhịp như ngày hội.

Hai bên đường là rặng dừa trồng sát mép nước với những tầu lá dài mượt, buồng quả sai trĩu cùng con đường nhựa chạy dài thẳng tắp đưa chúng tôi về với cõi Phật Phúc Nghiêm.

Do chưa thông thạo đường sá, nên mãi đến gần 2 rưỡi chiều chúng tôi mới tìm về tới chùa Phúc Nghiêm. Đón chúng tôi là sư Thầy Thích Quảng Khiết với nụ cười hoan hỉ. Sau khi ngồi nghỉ tại phòng khách và thụ nước, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt thành, niềm nở của Thầy trong từng câu chuyện, lời nói.

Tuy suốt câu chuyện đó Thầy luôn vui tươi nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được chút mệt mỏi trên gương mặt phúc hậu sau chuyến công tác làm phật sự dài gần 10 ngày tại tỉnh Tuyên Quang, Nam Định và chút suy tư khi nói về chùa làng. 
 
Để đích mục sở thị về tự viện, Thầy Quảng Khiết dẫn chúng tôi đi thăm quan, chiêm bái và những suy tư đó của Thầy chúng tôi đã hiểu vì sao. Nhưng điều mà bản thân chúng tôi thấy an lòng hơn cả khi phật tử và nhân dân ở đây luôn thành Tâm hướng Phật, hiền hoà và gần gũi.

Tìm về dấu tích chùa xưa

Lúc tìm về tới cổng chùa, chúng tôi cứ ngỡ tự viện Phúc Nghiêm là khu nhà văn hoá thôn Quan Lộc. Bởi vì khu đất của chùa cổ Phúc Nghiêm hiện nay là khu nhà văn hoá thôn cùng chung một cổng vào. Và chính điều đó, vừa tạo nên sự khác biệt, nét độc đáo và cũng nói lên sự khó khăn cho chùa hiện nay. 

Chùa Phúc Nghiêm là ngôi chùa cổ, còn có tên gọi khác là chùa Cả, chùa Trong. Đây là ngôi chùa lớn nhất xã Tiên Động và là ngôi chùa nằm trong làng được bao bọc bởi nhiều dân cư sinh sống. Cho đến tận ngày hôm nay, các bậc cao niên trong làng cũng không biết chùa có từ khi nào, do ai lập nên và đặt tên. Nhưng từ đời Vua Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định đều khẳng định vị thế chùa Phúc Nghiêm có diện tích rộng, quy mô lớn, là nơi thờ Phật linh thiêng và là trung tâm Phật giáo lớn của vùng. Vào ngày 12 tháng 7, dịp tứ tuần đại khánh đời Vua Khải Định thứ 9 đã phong chùa Phúc Nguyên thành một đạo: “ Phúc Nghiêm cương nghị tôn thần”. 

Theo Thần tích, Thần sắc của làng Quan Lộc được viết năm 1938 hiện tại còn lưu giữ ở Viện Thông tin Khoa học xã hội và Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Chùa Phúc Nghiêm trước đây được lợp bằng ngói mũi, quay theo hướng Tây. Chùa có 5 gian nhà Tổ, 5 gia hậu cung, 5 gian nhà khách. Chùa được làm bằng gỗ, phần lớn bằng gỗ lim.

Trong thời kỳ hưng thịnh, chùa Phúc Nghiêm luôn có nhà sư là các Tăng về làm công tác phật sự, truyền bá đạo Phật và trụ trì. Gồm: Tự Duy Dụ, Hoà thượng Tự Phúc Chiến, nhà sư tiểu khiêu Từ Kim Ấn và nhà sư Thích Thanh Riệp. Đến năm 1954 khi sư Thầy Thích Thanh Riệp kỵ nhật, chùa không có nhà sư về trụ trì nữa, lúc này chỉ có các vãi ở chùa trông nom, nhang đèn vào tuần rằm, mồng một cho đỡ hiu quạnh.
 
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa Phúc Nghiêm là nơi nuôi dấu cách mạng, nơi hội họp của chi bộ Đảng và nơi tập huấn lực lượng dân quân du kích. Sau khi miền Bắc được giải phóng, do yêu cầu của cách mạng, chùa Phúc Nghiêm một phần bị chiến tranh tàn phá, nên khu   nền chùa được xây dựng thành khu hành chính cho UBND xã Tiên Động làm trụ sở làm việc.

Sau năm 1975 cùng với việc tập trung xây dựng đất nước, Nhà nước đã quan tâm đến công tác tôn giáo và tín ngưỡng văn hoá, trong đó có việc khôi phục lại các ngôi chùa.

Biết bao ước nguyện của nhân dân và phật tử mong muốn được phục dựng lại chùa Phúc Nghiêm cổ kính, linh thiêng bao năm nay đã được UBND xã Tiên Động đồng ý cho việc thờ Phật tại Đình làng.

Sau khi UBND xã chuyển trụ sở làm việc ra vị trí mới trả lại đất cho chùa. Thể theo nguyện vọng của phật tử cùng với sự quyết tâm của nhân dân cùng nhau đồng lòng khôi phục lại chùa.  

Tháng 8 năm 2009, chùa Phúc Nghiêm được khởi công xây dựng và sau 5 tháng, vào ngày 30 tháng 4 năm 2010 chùa được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Chùa Phúc Nghiêm hiện nay có 3 gian tiền đường, 1 gian hậu cung. Gian giữa thờ Tam Bảo, phía trên là cuốn thư mang dòng chữ “Quốc thái dân an”. Đứng giữa ngôi Tam bảo nhìn vào bên trái là ban thờ Thánh Mẫu, bên phải bàn thờ Phật Đức ông, cùng với đó là các câu đối nói lên chùa là nơi thờ Phật, nơi cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, công danh thành đạt, kinh doanh lợi lạc, nhà nhà ấm no hạnh phúc và nhắc nhở cho mọi chúng sinh sống sao cho có Đức, có Tâm, có Trung, có Hiếu tâm hồn trong sáng.

Chiêm bái và nỗi lòng ngưỡng vọng 
 
Chùa Phúc Nghiêm là một ngôi chùa cổ, ngày trước có diện tích trên 3 mẫu bắc bộ. Trong quá trình trải qua các cuộc kháng chiến một phần chùa bị tàn phá, một phần  được tháo dỡ để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.

Đặc biệt từ khi Nhà nước có chủ trương giãn dân, cho nên rất nhiều phần đất đã được các hộ dân hợp lý hoá thủ tục làm đất ở, đất sinh sống. Phần còn lại của đất chùa được lãnh đạo địa phương xây dựng Trung tâm văn hoá thôn, gồm nhà văn hoá, sân chơi. Bây giờ diện tích còn lại của chùa rất ít, chắc chỉ được trên dưới 200m2 , tỉnh cả diện tích vướn Tháp. Cho nên bây giờ muốn xây dựng thêm các hạng mục của chùa cũng rất khó về diện tích mặt bằng”. Những chia sẻ của đồng chí Phó Bí thư Chi bộ thôn cũng là sự khó khăn của chùa Phúc Nghiêm hiện nay và sự suy tư của sư Thầy Quảng Khiết.
 
 
Bước chân vào ngôi Tam bảo là không gian linh thiêng, trầm lắng hoà quyện cùng khói hương trầm toả hương thơm ngát. Ngắm nhìn các tượng Phật được kê ngay ngắn thẳng hàng khoác trên mình bộ áo của nhà Phật như minh chứng cho lòng thành của sư Thầy trụ trì và tấm lòng phật tử nơi đây.

Đứng trong ngôi Tam bảo hướng ra phía trước sân là khu tường rào được xây chắc chắn quét màu vôi vàng và cuộc sống sôi động của người dân Quan Lộc.

Xung quanh tự viện được sư Thầy cho trồng nhiều loại cây xanh như: cây bồ đề, cây liễu, cây nhãn và cây cảnh. Cảnh sắc bốn mùa tại chùa Phúc Nghiêm luôn sinh động hữu tình đậm chất tình người cỏ cây hoa lá. Có lẽ vì thế mà các phật tử nơi đây luôn mong muốn có Thầy về trụ trì.  

Năm 2011 được sự đồng ý của các cấp, các ngành và BTS Phật giáo huyện Tứ Kỳ, Ni sư Thích Quảng Khiết – Trụ trì chùa An Đức đã về kiêm nhiệm trụ trì chùa Phúc Nghiêm.

Từ ngày có Thầy về đời sống đạo Phật ở Quan Lộc được các phật tử và nhân dân hào hứng đón nhận. Ngoài làm công tác phật sự, truyền bá giáo lý nhà Phật, hướng Thiện, tích đức cho phật tử. Bằng lòng từ bi, hỉ xả, bác ái, Sư Thầy Quảng Khiết còn tiến hành xây dựng động Bồ tát uy nghi, đúc chuông nặng 0,5 tấn, xây khu nhà khách, làm mái tôn che sân ngôi Tam bảo và các công trình phụ trợ khác với số tiền hàng tỷ đồng và hàng nghìn ngày công lao động. 

Tuy là một ngôi chùa cổ được toạ lạc gần cầu Xe nhìn ra sông Luộc, nhưng do quá trình thăng trầm của thời gian và lịch sử, hầu hết các hạng mục của ngôi chùa đã bị phá, hiện nay chùa còn giữ được vườn Tháp cổ kính rêu phong, các trục đá, cột đá và móng nhà chùa cũ bị cỏ dại bao phủ. Chỉ tay về phía cây vải có niên đại lâu đời, sư Thầy Quảng Khiết cho biết: “Nếu như chứng kiến những thăng trầm, hưng thịnh của chùa thì có cây vải Tổ này. Cây vải này được trồng ở đây bắt đầu từ khi sư Thầy Thích Thanh Riệp về trụ trì. Do quê thầy ở đất vải Thanh Hà, nên Thầy đã mang cây vải từ quê trồng ở đây”.  
 
 
Đứng trước ngôi Tháp của vị cao tăng Thích Thanh Riệp, Thầy Thanh Riệp mất năm 1954 được nhân dân hỏa táng tại chùa. Nhưng do thời kỳ loạn lạc, nên mộ sư Thầy được chôn cất trong khu giữa làng. Sau khi thời bình lập lại phần mộ của sư Thầy được chuyển ra gần sông cầu Xe và trước khi được chuyển về khu vườn Tháp của chùa Phúc Nghiêm. 

Kết thúc chuyến hành hương trở về với cõi Phật của tự viện Phúc Nghiêm, chúng tôi trở lại phòng khách cùng ngồi trò chuyện với Thầy. Nghe, hiểu và cảm nhận được những chia sẻ của Thầy về  công việc phật sự nơi đây.

Chúng tôi tự hỏi rằng, đối với một quý Thầy miền Bắc vè đây trụ trì đã khó, còn đối với Ni sư Quảng Khiết khi về kiêm nhiệm trụ trì lại khó gấp ngàn lần. Bởi lẽ: Sư Thầy là người Bình Dương – miền Nam lại ra miền Bắc hành đạo, phong tục, tập quán khác nhau, bản thân Thầy là Ni sư và khó khăn hơn cả là lại Thầy kiêm nhiệm cùng một lúc hai tự viện. Nên những gì mà Thầy Quảng Khiết đã làm được cho đến lúc này càng khiến chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn. 

Đức Tuỳ
loading...