Chùa Việt

Cảnh sắc chùa Thiên Phúc và sự tích ly kỳ

Thứ sáu, 02/07/2015 08:29

Đã từ lâu chúng tôi được các cụ trong làng kể về chùa Thiên Phúc ở thôn Nhân Lý, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Nhưng lúc đó chúng tôi còn nhỏ nên chỉ nghe thoáng qua như những cơn gió mùa hạ.

Càng lớn thì những câu chuyện về những ngôi chùa linh thiêng, những giai thoại thần tích lại ùa về trong tôi, mà đúng hơn từ lúc được bén duyên với nhà Phật đã thôi thúc tôi tìm về những ký ức tuổi thơ đã bị chôn dấu từ lâu.
 
Chúng tôi tìm về chùa Thiên Phúc vào một buổi sáng cuối tuần khi cơn bão số 1 đã đi qua được 2 ngày. Những tàn dư, hậu quả của cơn bão đang được người dân nơi đây thu dọn. Đi vào giữa làng Nhân Lý, chúng tôi được cô bán hàng tạp hoá chỉ đường cặn kẽ và tâm sự: “Anh tìm về chùa Thiên Phúc để cầu may hay tìm hiểu di tích, chùa linh thiêng lắm đó. Nhưng chưa chắc giờ đã có ai ở chùa, anh vào nhà ông coi chùa ở gần đầu làng mà hỏi”.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi đã có cảm giác lạ trong người khi nghe đến hai từ “linh thiêng”. Thật không may cho chúng tôi, khi bác trông coi chùa hôm nay lại đi vắng. Chúng tôi chiêm bái Thiên Phúc tự giữa cái nắng chói chang, oi nồng giữa ngổn ngang suy nghĩ của những ngày sau bão.
 
 
Từ phía xa, ngôi chùa nằm lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông nước, cây cối bao phủ um tùm xanh mát. Càng đến gần, ngôi chùa và cảnh vật hiện ra rõ hơn. Con đường bê tông được nhân dân trong thôn và phật tử cùng nhau góp sức, góp của tạo dựng chạy dài với hai hàng cây hoa sữa, cây cau và những bụi chuối sai buồng nặng trĩu. Những chú bò lông vàng mượt mải miết gặm cỏ cạnh đường khiến cho chúng tôi có cảm giác thật gần gũi, thật thân quen. Bước qua chiếc cổng nở đầy hoa râm bụt, cảnh chùa Thiên Phúc hiện ra trước mắt chúng tôi. Một ngôi chùa nhỏ ngăn lắp và đầy dấu tích. 

Hôm nay đúng là một ngày may mắn cho tôi, vừa vào đến cổng chùa đã nghe thấy tiếng kinh tụng và lời cầu nguyện vẳng ra từ ngôi Tam Bảo. Tiến lại gần tôi thấy có hai người phụ nữ, một già, một trung tuổi đang thành tâm hướng Phật. Hỏi ra mới biết đó là bác Trần Thị Thanh gần 70 tuổi, là phật tử của chùa, hàng ngày bác vẫn ra đây tụng kinh. Câu chuyện giữa một già, một trẻ xoay quanh ngôi chùa cổ Thiên Phúc.
 
Theo các cụ cao niên trong làng và bác Thanh cho biết: Chùa Thiên Phúc có truyền thuyết rất lạ và li kỳ. Thậm chí đến đời con cháu trong làng mọi người chỉ còn nhớ mang máng những sự tích đó. Chùa Thiên Phúc hay còn gọi là chùa Bụt Mọc, có từ thế kỷ thứ 17. Chùa thờ Phật và thờ Đức Ông Thập Bát Long Thần.

Sự tích kể rằng: Sau 10 ngày mưa to, sấm chớp, nước ngập lênh láng nhà cửa ruộng vườn. Toàn bộ những cánh đồng chuẩn bị cho thu hoạch bị ngập trong biển nước. Nhân dân trong làng huy động già trẻ, trai gái ra cánh đồng chống úng cứu lúa. Càng chống úng thì mực nước càng dâng cao. Bất lực trước hiện tượng lạ của thiên nhiên, nhân dân trong làng chỉ biết ôm nhau khóc vì sẽ không biết lấy gì để ăn trong những tháng ngày. Đêm đến, những trận gió to quật đổ nhiều cây cổ thụ, sấm chớp chằng chịt bầu trời sáng rực, không ai trong dân làng dám mở cửa để xem. Tiếp đến là những trận mưa to lộp độp không ngớt. Nước tràn vào nhà, cuốn trôi trâu bò, gà lợn.
 
Nhưng không hiểu sao, sáng dậy, cảnh vật đẹp đến lạ thường, sân vườn, nhà cửa sạch sẽ không cong. Những cánh đồng mấy ngày trước còn ngập chìm trong biển nước thì hôm nay đã cạn. Giữa cánh đồng xuất hiện một gò đất cao, cây cối xanh tốt, chim hót líu lo. Thấy lạ, dân làng chạy ra xem thì đó là một pho tượng Đức ông Thập Bát Long Thần đứng sừng sững. Thấy đây là điểm lành và có thể nhà Phật đã thấu hiểu tiếng lòng của dân, nỗi khổ của dân. Nhân dân địa phương dựng tạm một chiếc lều nhỏ để thờ phụng và lấy tên là chùa Bụt Mọc. Ngày ngày mọi người dân đi làm đồng qua đều ghé vào chùa để thắp hương cầu nguyện, cầu cho sức khoẻ, gia đình bình an, mùa màng tốt tươi và quốc thái dân an. Cùng với những lời cầu nguyện đó, người dân trong làng còn mang mỗi người một hòn đất mỗi khi đến thắp hương để vun đắp cho ngôi chùa nhỏ bằng lá vững chắc. Dần dần ngôi chùa to dần lên thành một ụ đất cao giữa cánh đồng.

Như một sự linh ứng của nhà Phật, sau khi tượng Đức Ông hiện hữu và sự thành tâm của dân làng, 3 năm liên tiếp và các năm tiếp theo, nhân dân làng Nhân Lý được mùa, ai cũng phấn khởi mừng vui. Có được cuộc sống ấm no hạnh phúc đủ đầy, dân làng càng không bao giờ quên công ơn của đức Phật. Sau khi dân làng bảo nhau đã góp công, góp của để dựng lên ngôi chùa nhỏ 3 gian chắc chắn để thờ phụng. 
 
Chỉ tay về hướng chiếc giếng nước cổ, linh thiêng trước mặt, bác Thanh hào hứng kể: “Chiếc giếng này, dân làng gọi là giếng thần. Ngày trước cả làng mới có một chiếc giếng này, quanh năm ra gánh nước về ăn, nên ai cũng khoẻ mạnh, không ai ốm đau bệnh tật bao giờ. Kể cả bây giờ ai ốm đau bệnh nan y, ra múc một ít nước rồi vào xin với Đức Ông về uống thế nào cũng khỏi…”. Chúng tôi còn đang hoài nghi về sự tích lạ kỳ của chiếc giếng cổ, thì bác Thanh lại cho biết: “Sau khi xuất hiện ngôi chùa Bụt Mọc, cạnh tượng Đức Ông còn có một cây cọ to và cao nhất vùng, nhưng đã bị một người dân trong làng phá đi, mà chính người đó và con cháu người đó bây giờ cũng toàn bệnh tật. Nhưng kỳ lạ thật, sau khi cây cọ bị chặt thì chính chỗ đó lại mọc lên cây ruối to quanh năm xanh tốt, không úa tàn. Giờ đây tượng Quan Âm lại được đặt dưới gốc cây râm mát như một niềm linh ứng từ trước”.

Với vị trí thuận lợi, hẻo lánh, Trong các cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc, chùa Bụt Mọc là nơi nuôi dấu cách mạng Việt Minh của vùng Bình Xuyên, nơi hội họp du kích, tập trận. Cùng thời điểm này chùa được nhà sư Thích Thanh Trì về trụ trì và xây dựng cơ sở tại chùa. Từ ngày có Thầy về trụ trì, ngoài việc truyền bá đạo Phật, giáo lý nhà Phật, lối sống hướng thiện, đức độ. Thầy còn phát triển phong trào cách mạng của vùng. Lúc này, chùa Bụt Mọc được xây dựng kiên cố hơn bằng gạch đỏ với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung. Xung quanh chùa, được Thầy Thanh Trì cho đào hệ thống hào, hầm trú ẩn để cán bộ Việt Minh hội họp. Do trong hàng ngũ cách mạng có nội gián, sư Thầy Thích Thanh Trì đã bị địch bắn chết tại sân chùa, cơ sở cách mạng bị phá, chùa Bụt Mọc cũng bị đốt phá, nhưng ngôi Tam Bảo vẫn còn được giữ nguyên. Chiến tranh kết thúc nhân dân địa phương lại bắt tay vào khôi phục, tu bổ chùa Bụt Mọc. Người ít, người nhiều, người viên gạch, người viên ngói, người góp công để tạo dựng lại nơi thờ tự của Phật Đức Ông Thập Bát Long Thần.

Trước sự xuống cấp của ngôi chùa và với duyên nhà Phật, năm 2007 phật tử Phạm Đại Sóng là người con ở thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang đã phát tâm cúng dường đầu tư công đức xây dựng chùa. Từ năm 2007 đến năm 2010, phật tử Phạm Đại Sóng đã xây dựng các hạng mục công trình như: xây mới 5 gian Tam Bảo trên nền chùa cũ, xây mới 3 gian nhà Mẫu, 3 gian nhà khách, lát sân, mua thêm ruộng để mở rộng khuôn viên chùa, xây dựng hệ thống tường bao, mua đồ thờ tự và các công trình phụ trợ khác với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Đồng thời đổi tên chùa Bụt Mọc thành Thiên Phúc tự. Hiện nay chùa Thiên Phúc được xây dựng trên diện tích 1,2 mẫu, chùa chính quay theo hướng Tây Nam. 

Có thể nói, đến với Thiên Phúc tự mùa này là đến với thế giới thiên đường của nhà Phật, cảnh sắc lung linh đẹp sắc màu bởi những chùm hoa râm bụt, hoa xứ, hoa lan khoe sắc màu rực rỡ. Dưới những bóng cây là tiếng nói râm ran nghỉ mát trốn nắng hè của những bác nông dân đang cấy cày ngoài ruộng. Những câu chuyện không đầu, không cuối cứ rộn vang không ngớt.

- Vụ này nhà chị có được mùa không vậy? 

- Ơn trời! vụ này nhà tôi cũng được chị ạ!

- Tưởng bão tan thì trời râm mát, ai rè trời nắng oi quá! may mà có bóng cây râm mát ở chùa không thì chết nắng.
 
 
Ngoài đồng những câu chuyện vẫn rộn vang, còn trong ngôi Tam Bảo tiếng kinh tụng vẫn vang vọng. Hướng mắt nhìn cây ruối với những tán dài che mát Quan Âm như bàn tay người mẹ che chở, nâng đỡ, bảo vệ đàn con trước sóng gió của cuộc đời là ánh nắng le lói xuyên qua những tán lá, cành cây như ánh sáng nhà Phật. Ánh nắng giữa buổi trưa hè ngày càng gay gắt, nhưng khuôn viên chùa Thiên Phúc lại mát đến lạ thường. Và chúng tôi tự hỏi lòng mình rằng: Dù bất cứ nơi đâu, thành thị hay nông thôn, biên giới hay hải đảo, miền xuôi hay miền ngược thì ánh sáng nhà Phật luôn sáng soi, luôn răn dạy chúng sinh đức làm người, hướng thiện. Dắt xe ra cổng trong hương thơm ngào ngạt của hoa lá cỏ cây chùa Thiên Phúc, từ cõi lòng dâng trào niềm vui khôn tả.
 
“Nếu cháu muốn tìm về sự linh thiêng và ngắm cảnh sắc bốn mùa. Cháu hãy về chùa Thiên Phúc nhé! Phật tử, nhân dân nơi đây luôn đón chào” – Câu nói của bác Thanh tiễn chúng tôi ra về.

Đức Tuỳ
loading...