Góc nhìn Phật tử

Câu chuyện sắp xếp dép giày

Thứ bảy, 21/03/2023 09:40

Người cha dạy con trai đang tuổi thiếu niên: "Khi thấy dép giày trước thềm, trước cửa nằm lung tung xẹo xọ, con hãy chịu khó dành chút thời giờ để sắp xếp lại ngay ngắn, hướng mũi dép giày ra ngoài, đúng cặp đúng đôi, gọn gàng, con sẽ thấy đẹp mắt, vui lắm!"

Vậy rồi, ngày qua ngày, người con vâng lời cha sắp xếp lại dép giầy ngoài thềm, trước cửa hông, trong nhà tắm... một cách thích thú, gần như trở thành thói quen. Dần dà những người lớn được "ai đó" sắp xếp dép giày đã "nhột", lưu ý lưu tâm hơn, nên ra ra vào vào đặt để dép giày ngay ngắn, xoay mũi ra ngoài, ít khi phải làm phiền "ai đó" phải nhọc công sắp xếp lại nữa. Bấy giờ, con mới hỏi cha:

"Sao cha dạy con làm chuyện sắp dép giày?"

"Để tập tánh ngăn nắp và cũng để giúp việc nhỏ cho người khác được thuận tiện khi trở ra!"

"Chỉ vậy thôi sao ạ?"

"Chưa. Con chỉ mới tập luyện thôi. Tập và luyện chỉ trong phạm vi trong nhà mình đã thành quen rồi, mai này cha sẽ dắt con lên chùa dự lễ, sau đó cũng sẽ đi dự lễ ở các chùa khác, con sẽ có dịp thực hành bài tập đó một cách thật nhất!"

Rồi cha dắt con lên chùa dự lễ, hết lễ này qua lễ khác, đến chùa này lại chùa kia, người con thích thú với công việc sắp xếp lại dép giầy của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử bên thềm cửa chánh điện, Tổ đường, nhà trù...

295285520_2179349805551473_1108143241811601947_n

Đến một ngày kia, người con lại hỏi cha:

"Công việc sắp xếp dép giầy trước những thềm cửa ra vào có được công đức gì không ạ?"

"Con đừng nên nghĩ và hỏi đến công đức. Con đã làm được việc đó một cách tốt nhất, mình cảm nhận được niềm vui là được rồi, nhưng thật ra chỉ mới là một bài tập về tính ngăn nắp thôi. Cha còn muốn dạy cho con một đức tánh khác khi làm công việc sắp xếp dép giày!"

"Ồ, đức tánh gì nữa vậy, thưa cha?"

 "Khiêm cung!"

"Khiêm cung là sao ạ?"

"Là nhún mình trước người khác, và tỏ ra kính trọng người khác, đó là đức độ của bậc quân tử!"

IMG_9584

"Sắp xếp lại giày dép sao lại có đức tánh khiêm cung vậy cha?"

"Khi con muốn sắp xếp lại dép giày giùm người khác thì con phải khom lưng, cúi mình xuống phải không? Chứ không lẽ con đứng thẳng lưng, dùng hai bàn chân của mình đá qua đá lại cho dép giầy nằm ngay ngắn?"

"Dạ đúng rồi, con phải khom lưng cúi mình chứ ạ!"

"Khom lưng, cúi mình là biểu hiện của khiêm nhường, khiêm tốn và khiêm cung, không phải là nịnh nọt, xun xoe bợ đỡ, tự ti hèn nhát, khép nép nhu nhược... Con đã tập luyện được phần Thân, từ nay về sau con phải cần tập luyện phần Tâm, nghĩa là con phải luôn tôn kính, kính trọng người khác bất kể lạ hay quen, già hay trẻ, lớn hay nhỏ!"

Người con nghe vậy thì ngẩn người ra, rồi vội khom lưng cúi mình, chắp tay sen búp xá người cha ba lần.

loading...