Góc nhìn Phật tử
Câu hỏi thứ 4 dành cho những ai quan tâm đến đạo Pháp, quan tâm đến số phận con người
Chủ nhật, 01/03/2024 09:30
Tại sao sau 33 năm, thu hút một lượng tín đồ hàng ngàn con người mà Nguyên Thuỷ vẫn không tìm ra một A- la-hán để thừa tự sự nghiệp chấn hưng đạo Pháp?
Có lẽ đó là câu hỏi lớn nhất cho tất cả những người có chút hiểu biết, quan tâm đến đạo Pháp, quan tâm đến số phận của con người trong thời mạt pháp. Khi mà càng ngày càng nhiều những cái chết bất thường, đang chạy xe, tấp vô lề, gục chết trên vô lăng. Chú xe ôm tạt vào, chống chân dựa cột đèn, chết. Một chị vé số khập khiểng đôi chân, tại vào vỉa hè, chết. Một chị chuối chiên đổ gục vào chảo dầu đang sôi…mà tôi chẳng nghe thông tin sống chết ra sao. Còn nữa những cái chết tai nạn giao thông thì đủ cả các kiểu không thể đếm xuể.
Sao con người có thể bàng quan với số phận chính mình thế không biết. Lẽ nào vì chết như trò đùa nên sống cũng chẳng ra sao khi mà quan hệ, tình cảm đạo đức anh giết em, cha giết con, vợ giết chồng…mà nhà từ đường thì lộng lẫy, bề thế, những biệt phủ như pháo đài, những nhà nghỉ dưỡng tư nhân,...
Điều chắc chắn tất cả diễn biến đang diễn ra không làm hài lòng Trưởng lão. Nhưng thật lòng, tôi không hiểu sao nhìn gương mặt ngài như vẫn đang mỉm cười lúc nhập diệt, xả bỏ báo thân.
Trong đời sống hàng ngày với trùng trùng duyên sinh, duyên diệt, duyên hợp, duyên tan, duyên thành, duyên hoại, duyên thuận, duyên nghịch…con người sẽ là thế này hay thế kia đều là nhân quả mà ứng hợp, đó là sự chọn lựa của tư duy, của trí tuệ sáng suốt, minh mẫn hay là sự tương ưng từ trường thiện ác mà ra. Chính hiểu ra điều này mà tôi một thời dồn sức cho tìm hiểu nghiên cứu chu dịch, những giá trị tinh thần phương đông với hy vọng trở thành nhà chiêm tinh đã từ bỏ nó vì sẽ chẳng bao giờ có định mệnh. Và có lẽ chính đây là câu trả lời cho thực trạng báo động về đời sống con người. Tin vào định mệnh nên ta là thế này hay ta là thế kia đều chả phải ta muốn.
Câu hỏi thứ ba: Tại sao định lại nằm gọn trong hộ trì
Chính vì tin vào định mệnh cho nên ngay đến khi đổ bệnh người ta cũng nghĩ đơn giản thể trạng tôi nó thế. Khi cái thân đón nhận tất cả những hệ luỵ thiện ác trong một quá trình sống, bệnh tật, tai ương…thì nhiều người chạy chữa Đông -Tây hay những hành giả tìm về con đường Thiền để giải thoát tâm linh. Ước mơ không thành hiện thực khi mà thân tâm là hai đối cực tham đắm và dục lậu, hai kẻ đồng hành không bao giờ hợp tác. Ngay Trưởng lão, người chứng đắc A-la-hán cũng không ngoài quan điểm xem trọng cái tâm.
“…Các Thầy phải tự suy nghĩ, các hành đang hoạt động trong thân của chúng ta như: tim đập, gan, phèo, phổi, thần kinh đang hoạt động không ngừng nghỉ, hơi thở đang ra vô tự động, da đang bài tiết. Tất cả, những sinh hoạt này đang tạo ra một sức sống cho thân mạng chúng ta. Thế mà, tu tập Bốn Thánh Định chúng ta điều khiển làm cho nó ngưng hoạt động, thì đây không phải là một việc dễ làm, nếu tâm của chúng ta chưa thanh tịnh, chưa ly dục ly ác pháp, còn thương, còn ghét, còn giận, còn hờn, còn tham muốn vật này vật khác, chưa đoạn lìa tình cảm thế gian thì chắc chắn quý Thầy không thể thực hiện được, không thể làm chuyện vĩ đại này được…”.
Rõ ràng muốn hợp nhất chữa bệnh và giác ngộ, con đường còn nhiều chông gai, không đơn giản chút nào. Mỗi một con người đến với đạo không phải một mà luôn là hai. Con người luôn là như thế, một nửa thiên thần, một nửa ác quỷ, hợp nhất là điều kiện tiên quyết trên đường tu tập chính là điều mà mọi người nên biết, phải biết.
Thằng con đang học nghiệp vụ luật sư của tôi vừa mất, bà nhà tôi hoả táng rồi xây cái am trước sân nhà nó để tro cốt vì “người âm không ở chung với người dương”. Cái sự lấn sân tuỳ tiện gây mâu thuẫn, phiền toái, rối rắm…tôi cố kiềm chế và phân tích sự ngu muội của con ngưởi rằng âm cũng đây mà dương cũng đây. Thiên thần mà cũng là ác quỷ. Tại sao chết thì mới là âm (ác quỉ ư) còn sống thi là dương (thiên thần ư). Cái tâm thiên thần cứ luôn muốn rời xa, không ở chung cái thân ác quỷ thật đáng tội nếu tâm của chúng ta chưa thanh tịnh, chưa ly dục ly ác Pháp, còn thương, còn ghét, còn giận, còn hờn, còn tham muốn vật này vật khác…chỉ nhận biết xả tâm, điều tâm đó là sự khiếm khuyết không thể chữa trị được.
“…Ở đây, chúng tôi xin lưu ý các bạn: Đời và đạo không thể đi chung nhau một đường, mà hai nẻo rõ ràng. Đời là đau khổ, đạo là giải thoát; đời thì ôm vào tất cả, đạo thì buông ra chẳng còn một vật. Vì thế, mà các bạn quan sát biết rõ người tu đúng và người tu sai, người nào tu theo đúng chánh pháp của đạo Phật; người nào tu sai lạc vào tà pháp của ngọai đạo, thì các bạn không còn lầm người. Đó là, Đạo và đời đã xác định rõ như vậy…”.
Chính đây mới là lúc cần có sự rõ ràng, dứt khoát cái lý của đạo với cái lẽ của đời. Sự khác nhau trong thiểu dục với ly dục cái cần được đoạn dứt để tu tập. Còn cái lý của tâm với cái lẽ của thân thì sự chẽ hoe ra, lấy cái tâm chế ngự, điều phục như “tên bạo chúa” với thần dân, với kẻ nô lệ, phục dịch vô điều kiện lại là sai lầm nghiêm trọng. Cái hiệu ứng của cưỡng cầu, hiệu ứng ma ngũ ấm, ma nhâp, thần kinh giả…chính là hệ luỵ cưỡng bức,hiệu ứng của cưỡng bức.
Cần hiểu rằng điều thân như điều tâm không xem nhẹ cái nào. Xem việc ăn chay ngày một bữa là thánh đức, là điều tâm ly dục không sai nhưng chưa đủ, chưa đúng vì chay tịnh ngày một bữa là điều tiết hoạt động sinh lý nhiều hơn tâm lý, mạnh hơn tâm lý nhưng thể nghiệm, xác chứng cả Trưởng lão cũng không ngờ. Giờ mà đến các tự viện chùa chiền nói “ăn chay ngày một bữa.” sẽ có nhiều tu sĩ ngớ người bảo “Gì kỳ vậy. Ăn vậy sao chịu nổi”. Thậm chí, nhiều tu sĩ đã tiếp cận Phật giáo Nguyên Thuỷ khi tiếng vang bậc A-la-hán Thích Thông Lạc vang xa khắp nơi, nhưng cuối cùng cũng trở cờ vì không kham nhẫn, ly dục theo thánh đức được, không ám thị theo tâm lý nỗi. Chính thực hiện ăn chay ngày một bữa đã biến dịch, thay đổi cơ thể bạn nhiều hơn năng lực tác ý đuổi bệnh. Đã có ai thử kiểm chứng trên cơ thể mình bằng cách tác ý liên tục ngày đêm đi, nhưng bỏ qua, nhưng bất cần hành trì giới luật, cứ ăn mặn thử xem.
Những điều tôi nói sẽ trái ý nhiều Phật tử. Nhưng nên chiêm nghiệm thực tiễn để rút ra cho mình bài học chứ không nên chỉ vì lòng tin mà cứ nhắm mắt làm theo, cái cách “ăn mà không nhai”, cố nhồi nhét, cứ bê nguyên đai, nguyên kiện lý thuyết lên thờ phượng, nhang khói.
“…Hai vợ chồng con trai tôi khi ấy đã là những người đến với Tu viện Chơn Như nhiều lần, chính bọn trẻ đã kéo tôi theo, trong khi trước đó việc gặp gỡ, thành đôi của chúng đều bắt đầu từ tôi, từ môi trường TSH. Cả gia đình tôi, họ hàng, anh em, rất nhiều người đều trở thành thành viên cột trụ TSH mà tôi là người dẫn dắt. Cứ ít lâu con tôi lại hỏi “Ba vẫn ngồi thiền hả?”. Tôi thực sự khó chịu với câu hỏi này nhưng không bộc lộ. Tại sao bao nhiêu người đều có thói quen suy nghĩ cứ ném sạch mọi thứ như gái về nhà chồng cứ phải trinh nguyên, trọn vẹn, nguyên lành không sức mẻ, trầy xướt như một môn sinh phải tự phế võ công khi đã lìa xa môn phái để nhập vào môn phái khác. Câu hỏi của con tôi có nguyên nhân sâu xa là lời công kích quyết liệt của Trưởng lão về cách “ngồi thiền như con cóc”…”
Nhắc lại đoạn trích đã đăng trong Bài 3, tôi muốn lần nữa nhấn mạnh đến tác dụng của Thiền, tác dụng mà bất kỳ ai áp dụng đều công nhận công năng nhiều hay ít đến sự biến dịch, thay đổi về “vật lý” còn tác dụng ngược ngũ ấm ma, thần kinh giả…thì đó là sự thiếu hiểu biết, đó là hệ quả cưỡng cầu, đó là hành trình thiền định thoát ly, không theo lời dạy của Đức Phật, chưa biết nhất tâm là gì.
Nhất tâm là định
Bốn niệm xứ là định tưởng
Bốn tinh cần là định tư cụ
Sự luyện tập, sự tu tập, tái tu tập những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.
Đó là hành trình an trú thân tâm ở sơ thiền mà điều này được nâng cao ở tứ thiền
Thở vô thở ra là thân hành
Tầm tứ là khẩu hành
Tưởng thọ là ý hành
Khi thân tâm nhất như, các hành thân khẩu ý đạt sự hoà hợp tuyệt đối, đó là sự trùng khích của hai hình vuông có cạnh bằng nhau hay hai hình tròn có cùng bán kính nó chẳng phải là công phu của nhiếp tâm, điều phục tâm mà là sự nhất tâm, sự hợp nhất tuyệt đối thân tâm.
Tư duy lại toàn bộ những điều tôi đã trình bày thì rõ ràng không thể mỉm cười an nhiên, tự tại như hình ảnh của Trưởng lão khi nhập diệt. Nhưng thật lạ, tôi cứ nghĩ mãi đến hình ảnh thầy với trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nó như một đức tin vững chắc về tất cả những “…Điều cần nói đã nói/ Việc cần làm đã làm…”. Đọc lại câu thơ Trưởng lão “Những buổi chiều tà mưa phủ trắng/ Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”. Đó là một loạt sự kiện các sư thầy bạc nghĩa đã đầu quân đã theo thầy để học đạo nhưng rồi chỉ vì “không thực hiện nổi ăn chay ngày một bữa”, những sư thầy phá hạnh độc cư…trở cờ phụ bỏ ơn thầy đã đành mà còn có sư thầy quay lại công kích, dè biểu sự cực đoan ăn chay ngày một bữa. Tội gì lại thế, cứ “ăn no, ăn ngày 3 bữa đi thì người mới khoẻ, nhiếp tâm cái là được liền”. Thậm chí, họ đồn đãi thầy đang bệnh nặng lắm. Bệnh nặng mà ra vào, tập trung dạy học, biên soạn mỗi năm đến hơn 2 bộ sách…Nụ cười của thầy chính là sự bao dung rộng lớn vô bờ và sự thấu hiểu tận cùng nhân quả khi tin chắc cái thư viện Chơn Như mãi mãi là của báu mà sẽ có vô số hậu bối tìm đến học tập, tìm kiếm chánh Pháp. Thịnh hay suy, được hay mất đều do nhân quả, đều là nhân quả mỗi người, nhân quả của dân tộc. Và ngay cả với nhân quả của chính minh, những sai lầm do khiếm khuyết, nôn nóng, những ưu tư lo lắng cho số phận của dân tộc Việt, của tất cả chúng sinh…
Lặng lẽ viết cho thầy nhân ngày 1/1 năm 2024.