Kiến thức

Chánh niệm và tà niệm

Chủ nhật, 24/09/2023 01:22

Bất cứ ai cũng cần sự giúp đỡ, trong đó có cả Bụt. Bụt cũng cần chúng ta giúp Ngài. Bụt chỉ có hai tai thì làm sao nghe được hết những khổ đau trên thế giới?

Bụt chỉ có hai tay thì làm sao có thể giúp hết được cho thế giới này bớt khổ? Thành ra, chúng ta phải giúp Bụt, chúng ta phải trở thành mắt của Bụt, thành lỗ tai của Bụt, thành cánh tay của Bụt…

Không những người nghèo đau khổ mà người giàu cũng đau khổ. Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp rất giàu có nhưng họ cũng đau khổ rất nhiều. Họ mời chúng ta đến giảng dạy chánh niệm để giúp họ bớt khổ và đồng thời giúp họ thành công hơn nữa trong việc kinh doanh.

Khi ta thở vào có chánh niệm thì hơi thở vào không phải là một phương tiện. Nếu biết cách thở thì ta có được niềm vui, bình an và sự trị liệu ngay trong khi thở vào.

Khi ta thở vào có chánh niệm thì hơi thở vào không phải là một phương tiện. Nếu biết cách thở thì ta có được niềm vui, bình an và sự trị liệu ngay trong khi thở vào.

Vấn đề đặt ra là: Chúng ta có nên giảng dạy chánh niệm cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp để giúp họ làm giàu nhiều hơn nữa hay không? Có người trả lời: “Tại sao không? Làm giàu thì có gì sai? Họ làm giàu thì họ tạo được công ăn việc làm cho những người khác và cung cấp vật dụng cần thiết cho chúng ta”. Thành ra có rất nhiều ý kiến tranh luận về việc ta có nên giúp cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay không.

Chúng ta cũng biết rằng hiện nay trong quân đội có rất nhiều khổ đau, nhiều căng thẳng và nghi ngờ, nhiều người đã tự tử. Người ta muốn mời các vị giáo thọ đến hướng dẫn thực tập chánh niệm cho những người lính trong quân đội trước khi họ được gửi ra trận. Nhiều vị giáo thọ đã từ chối với lý do: “Tôi không thể làm như thế được! Tôi không thể hướng dẫn cho những người lính thực tập chánh niệm để họ có khả năng tập trung cao hơn và giết người giỏi hơn!” Nhưng cũng có ý kiến cho rằng: “Nếu những người lính có chánh niệm thì họ sẽ không giết hại thường dân mà chỉ giết kẻ địch thôi, điều đó cũng đủ có ích lợi rồi”.

Như vậy, một cuộc tranh luận đã mở ra và đang tiếp diễn xoay quanh vấn đề: chúng ta có nên loại trừ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và những người trong quân đội ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không? Những người làm nghề đánh cá cũng bắt nhiều cá và tàn hại rất nhiều sinh mạng. Và còn những người trong ngành công nghiệp sản xuất thịt hay chế tạo vũ khí nữa, ta có nên loại trừ hết những người đó ra khỏi sự thực tập chánh niệm hay không?

Cho nên, một câu hỏi rất quan trọng được đặt ra là: Chánh niệm có thể làm lợi lạc cho tất cả mọi người hay chỉ làm lợi lạc cho một số thành phần nào đó mà thôi?

Hôm nay chúng ta phải để thì giờ đi sâu vào chủ đề này. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thực sự hiểu chánh niệm là gì hay không? Trong giáo lý đạo Bụt có danh từ chánh niệm (right mindfulness), mà đã có chánh niệm thì cũng có tà niệm (wrong mindfulness). Thành ra, trước tiên chúng ta phải phân biệt được chánh niệm và tà niệm.

loading...