Chùa Việt

Chùa cổ Thanh Lương (Khánh Hòa)

Thứ bảy, 28/08/2013 09:31

Chùa Thanh Lương được xây dựng trên mô đất, khá cao, mặt hướng về Đông, đón ánh sáng mặt trời, như xua đi màn đêm u tối. Chung quanh chùa là vùng đất thổ mênh mông, trù phú và bên cạnh là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, bát ngát, phì nhiêu.

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

                 Chùa cổ Thanh Lương (Khánh Hòa)

Ngôi chùa gần 300 năm, ở làng quê Nhĩ Sự, Ninh Hòa. 

“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có  trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Chuông hôm, gió sớm, trăng rằm,
Chỉ  thanh đạm thế… âm thầm thế thôi! ”
(Mây Tần, Nguyễn Bính)

Từ ngã tư Thị trấn Ninh Hòa, trước Huyện, đi dọc theo quốc lộ 26 về phía Tây, đến cây số 5, rẻ vào hương lộ bên tay phải hướng vào truông Nhĩ Sự, đó là đường đến quê tôi, Chùa Thanh Lương - ngôi chùa cổ, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, ở làng quê Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa.

 Cổng chùa Thanh Lương, Nhĩ Sự, Ninh Hòa

Chùa Thanh Lương được xây dựng trên mô đất  khá cao, mặt hướng về Đông, đón ánh sáng mặt trời, như xua đi màn đêm u tối. Chung quanh chùa là vùng đất thổ mênh mông, trù phú và bên cạnh là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, bát ngát, phì nhiêu.

Bối cảnh lịch sử:

Ngược dòng lịch sử: trước năm 1653, lãnh thổ Đại Việt về phương Nam đến đất Phú Yên tiếp giáp với Chiêm Thành và núi Thạch Bi - núi Đại Lãnh ngày nay - là đường ranh giới tự nhiên giữa hai nước. Sách Địa dư chí của

Nguyễn Trãi chép : “ Khoảng niên hiệu Hồng Đức, Trà Hòa (Trà Toàn) nước Chiêm vào cướp ở Hóa Châu, Thánh Tông (1460-1497) thân đi đánh, phá được thành Đồ Bàn, thu phục bờ cõi cũ, lại mở đất đến núi Thạch Bi ...” . Vì có sự kiện vua Chiêm là Bà Bật (Bà Tấm, Bà Tranh) vào năm 1653 đời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) vượt núi Thạch Bi quấy phá đất Phú Yên nên vùng đất Khánh Hòa hôm nay đã có 356 năm mở đất. Sách Đại Nam nhất thống chí chép : “ Đời Thái Tông Hiếu Triết Hoàng đế Nguyễn Phúc Tần năm thứ 5 là năm Quý Tỵ (1653) .... sai Cai Cơ Hùng Lộc đánh dẹp. Người Chiêm hàng, do đấy chiếm lấy đất từ sông Phan Rang (Ninh Thuận) trở về phía đông đến địa giới Phú Yên, đặt dinh Thái Khang gồm 2 phủ Thái Khang , Diên Ninh và 5 huyện (Thái Khang lãnh 2 huyện Quảng Phúc   và Tân Định   , Diên Ninh lãnh 3 huyện Phúc Điền  , Vĩnh Xương     và Hòa Châu   ) “

Trải qua các đời Chúa, đời vua triều Nguyễn, từ  dinh Thái Khang đến dinh Bình Hòa  (1803), trấn Bình Hòa (1808), tên dinh đã được thay đổi sau 150 năm mở đất. Tất cả những gì Chúa Nguyễn Phúc Tần mong ước trên vùng đất mới này đều được thể hiện. Cho đến khi vua Gia Long lên ngôi chưa được hai năm, đã quyết định đặt tên một vùng đất luôn bình an, người dân hiền hòa, vùng đất, khí hậu  hiền hòa ...  là BÌNH HÒA . Thiên nhiên đã tạo nên một vùng đất tươi đẹp, hiền hòa và cũng tạo nên con người hiền hòa, thuần hậu, thân thiện…

 Tương Phật Di Lặc tôn trí trước Chánh điện

Vào năm 1832, vua Minh Mạng đã cải tổ lớn các đơn vị hành chánh trong toàn quốc. Sách Đại Nam Thực Lục ghi :  “Nhâm Thìn, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tháng 10, ngày mồng 1, : Bắt đầu chia hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam » (…)  Chia tỉnh hạt : . Tỉnh Khánh Hòa   : trước là Bình Hòa , thống trị phủ Diên Khánh , Ninh Hòa   và 4 huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương, Quảng Phúc, Tân Định. Trước đây là 2 huyện Hòa Châu và Phúc Điền, nay nhập lại thành huyện Phúc Điền “ . Tên dinh Bình Hòa 平和 đã được đổi lại là tỉnh Khánh Hòa , cách 179 năm từ lúc đầu mở đất và sau 29 năm mang tên Bình Hòa. Chữ BÌNH đổi thành chữ KHÁNH . KHÁNH có nghĩa là mừng, chúc mừng cho vùng đất luôn HÒA . Chữ NINH trong huyện Ninh Hòa  cũng là mong ước niềm vui được kéo dài, bình yên, thuận hòa.

 Chánh điện chùa Thanh Lương (Nhĩ Sự)

Sự hình thành và phát triển chùa Thanh Lương:        

Tìm hiểu nguồn gốc chùa Thanh Lương, rất tiếc, bị thất truyền do chiến tranh, nên đến nay chưa ai có thể xác định chính xác chùa tạo lập cách nay bao nhiêu năm và Tổ Khai sơn là vị nào? 

Tuy nhiên, từ đại hồng chung cổ lưu truyền trong chùa, trên thành chuông có khắc Hoà Thượng Chứng minh, địa danh, vị Trụ trì, ngày, tháng,

năm, lúc đúc chuông bằng chũ Hán: 上寶下楊和尚證明.大越國廣南處平康府新定縣中總平安社平安村.住持僧 積仁大師.清涼寺奉佛今本道及十方善男信女眾等.景興二十四年四月吉日

鑄鴻鐘

"Thượng Bửu hạ Dương, Hòa thượng chứng minh, Ðại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Bình Khang phủ, Tân Ðịnh huyện, Trung tổng, Bình An xã, Bình An thôn. Trụ trì tăng Tích Nhơn Đại sư, Thanh Lương tự, phụng Phật, kim bổn đạo cập thập phương thiện nam tín nữ chúng đẳng. Cảnh Hưng nhị thập tứ niên, tứ ngoạt kiết nhựt chú Hồng Chung…”

Có nghĩa là: “Tại thôn Bình An, xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt, Hòa Thượng húy thượng Bửu hạ Dương Chứng minh đúc Đại Hồng Chung, vào năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), tháng tư ngày lành (Phật Đản) , chuông do Ðại sư Tích Nhơn trụ trì chùa Thanh Lương cùng tất cả thiện nam tín nữ, thập phương.bổn đạo cúng dường tạo lập…“ 

 Đại hồng chung cổ chùa Thanh Lương (Ninh Hòa)

Từ đó chúng ta có thể khẳng định chùa Thanh Lương được khai sơn vào thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) năm thứ 24, (1763). Vị Trụ trì vào thời điểm đúc chuông là Ðại sư Tích Nhơn, ở thôn Bình An (Nhĩ Sự), xã Bình An, tổng Trung, phủ Bình Khang, huyện Tân Định (Ninh Hòa). Hòa Thượng Chứng minh đúc chuông là Ngài Tế Hiển – Bửu Dương, chính là Tổ khai sơn chùa Thiên Bửu, thôn Điềm Tịnh, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hoà, khoảng thời vua Lê Dụ Tông (1706-1729). 

Vào thời Tây Sơn và Nguyễn Ánh đánh nhau, đại hồng chung của các chùa bị tịch thu mang đi đúc súng. Để tránh nạn lấy chuông đúc vũ khí, chùa Thanh Lương đã đem chuông dấu ở Bàu Bơi, (giáp ranh giới giữa Nhĩ Sự và Đại Cát). Hòa bình lập lại mọi người đi tìm, nhưng không tìm thấy. Dân làng Đại Cát và Nhĩ Sự đem lễ vật đến bàu cầu nguyện, thình lình đại hồng chung nổi lên, nhưng rồi lại chìm xuống nước. Mọi người lặn xuống tìm xem thì thấy chuông úp sấp trên cát. Cùng nhau kéo lên, kéo hết hơi hết sức, vẫn không di chuyển được chút nào.

Sau đó, hào lão làng Nhĩ Sự thiết lập hương án thành tâm cầu nguyện, xin thỉnh chuông về chùa Thanh Lương, thì lạ lùng thay, đại hồng chung tự nhiên nhẹ bổng, mọi người khiêng về chùa nhẹ nhàng.

Chính nhờ đại hồng chung này mà các vị Trụ trì đương thời biết được các vị Tổ Khai sơn chùa Thiên Bửu, chùa Phổ Hóa, chùa Thanh Lương: sống vào thời Hậu Lê, và các chùa tạo lập vào  thời Vua Lê Cảnh Hưng.

 Đại hùng Bửu điện - chùa Thanh Lương (Ninh Hòa)

Và cũng từ ấy, thật khó quên được những phút giây khi ta đắm mình trong khung cảnh thanh cao, thoát tục. Tiếng chuông chùa Nhĩ Sự tiếp tục ngân lên, đều đều hằng đêm, làm cho không gian và thời gian lúc ấy như lắng đọng trong một thể điệu trầm thiêng, tĩnh tại. Cảnh vật như cộng hưởng tiếng chuông, tất cả đều trở nên lung linh, trầm mặc. Tiếng chuông chùa quả thật đã có một năng lực hồi sinh phi thường:

“Chuông chùa lay bóng thời gian
Tơ trăng gieo lọt mấy đường
Đồi cây thiêm thiếp, trăng vàng ngậm sương
Chuông ngân huyền diệu, đau thương dịu lòng”   

 Bàn thờ Lịch đại Tổ sư, chùa Thanh Lương

Chùa Thanh Lương đã trải qua nhiều lần trùng tu, những lần trùng tu gần đây như: Trùng tu năm 1940, 1961, 1994, và toàn cảnh ngôi chùa Thanh Lương huy hoàng, uy nghi, lộng lẩy như hiện nay, được đại trùng tu vào năm 2008 (Mậu Tý) dưới đời Đại Đức Nguyên Hân – Thiện Hoan trú trì gồm: Chánh điện, Tổ đường, Đông lang, cổng Tam quan, Tượng đài Quan Thế Âm, Tượng đài Phật Di Lặc, Tháp Đại sư Thích Từ Nhẫn…

Đến thăm chùa Thanh Lương chúng ta có cảm nhận, đây thật là cảnh Thiền môn thanh tĩnh, bốn bề vắng lặng, từ tiếng chuông ngân nga, tiếng gõ mõ, hòa với tiếng ve sầu râm ran, tiếng chim hót lãnh lót, tạo thành một bản hòa âm trầm hùng ân cần nhắc nhở mọi người: “hãy lánh dữ làm lành, tu thân,hướng thiện” 

 Bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm tại chùa Thanh Lương

Đặc biệt, tại chùa Thanh Lương có cây me cổ thụ hằng mấy trăm năm, gốc me mấy người ôm không xuể, đứng sừng sửng, vươn cao vòi vọi, tán lá xum xuê, che rợp bóng mát cho chùa, bất luận nắng, mưa, gió, rét như những người nông dân ở đây luôn chịu đựng một nắng, hai sương, nhưng lại rất anh dũng, kiên cường trong quá trình dựng nước và giữ nước.   

Thanh Lương ngôi chùa cổ giữa làng quê Nhĩ Sự,  Ninh Hòa là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của những người nông dân, cần cù chất phát, hiền lành.

Đúng là:

“Chùa đứng hiền lành tự  thuở xưa,
Hồn dân gởi gắm tự bao giờ,
Tổ tiên bồi đắp qua năm tháng,
Nối tiếp không ngừng lớp tuổi thơ”.
(Ngày vui dân tộc – Huyền Không)

 Tháp Tổ Trừng Thơ - Từ Nhẫn (1935-1974)

Thanh Lương tự, qua các đời truyền thừa:

Là một ngôi chùa cổ gần ba trăm năm, đã trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng long vị của chư Tổ bị thất lạc, nên hiện nay chỉ xác định được các đời Trụ trì:

 1.- Đại sư Tích Nhơn  (1763)
 2.- Đại sư Chơn Giác  1885)
 3.- Đại sư Trừng Thơ – Từ Nhẫn (1935-1974)
 4.- Đại Đức Thích Thiện Hoan Pháp danh Nguyên Hân (từ năm 1974 đến nay)

Kỷ niệm một ngày về thăm quê Mẹ Ninh Thân

Trí Bửu

loading...