Chùa Việt

Chùa Gia Hưng (Bến Tre)

Thứ bảy, 31/10/2013 01:13

Chùa Gia Hưng thuộc thôn Gia Thạnh, tổng Minh Đạt, làng Thạnh Ngãi, quận Mỏ Cày, hạt Bến Tre (nay thuộc ấp Gia Thạnh, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre)

Thuyết nhân gian những vị cao niên lão thành kể lại, chùa Gia Hưng được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng năm Canh Thìn 1820, do bà Cò tức cụ bà Từ Thị Thạnh và cụ bà Nguyễn Thị Phước tạo dựng. Khi tạo dựng chỉ là một thảo am tranh nhỏ để tịnh tu.

Năm 1828 (Mậu Tý): Nhị vị chủ đất vì sự tín ngưỡng của nhân gian ngày càng đông đã hiến cúng 1.3ha diện tích đất (vườn, ruộng). Nên hai vị cùng bổn đạo phật tử tạo dựng lại ngôi  thảo am to rộng hơn bằng cột cây, mái ngói ba căn hai trái ở hướng chính Tây và đặt hiệu là Gia Hưng Tự.

Sau khi xây dựng hòan thành ngôi chùa, nhị vị chủ đất đã phát tâm đúc quả hồng chung nặng 100kg có khắc “Gia Hưng Tự Chung”  vua Minh Mạng cửu niên để dùng làm pháp khí trong chùa.
 
Năm 1848 (Mậu Thân): Với sự kiền thỉnh của nhị vị chủ đất vì tuổi cao sức yếu và bổn đạo phật tử trong thôn không người hướng dẫn lễ bái tu tập. Được sự hoan hỷ của Hòa thượng Thích Quảng Thơ (quê xã Thạnh Ngãi) về làm trụ trì hướng dẫn bổn đạo trong thôn.  

Năm 1859 (Kỷ Mùi): Hòa thượng Thích Quảng Thi viên tịch.

Năm 1860 (Canh Thìn): Hòa thượng Thích Tứ Trung ở chùa Sắc Tứ tỉnh Tiền Giang về làm trụ trì.
         
Năm 1902 (Nhâm Dần): Ngài giao lại cho trưởng tử của Hòa thượng Thích Quảng Thi là Hòa thượng Thích Quảng Thơ kế thừa thầy Tổ. Ngài trở về chùa Sắc Tứ Linh Thứu (tỉnh Tiền Giang).

Năm 1915 (Ất Mùi): Hòa thượng Thích Quảng Thơ viên tịch.

Năm 1916 (Bính Thìn): Hòa Thượng Thích Kim Phước (quê xã Thạnh Ngãi) kế thừa mạng mạch của Tôn sư.

Năm 1923 (Quý Hợi): Ngài giao lại cho bổn đạo trở về nhà cất am tịnh tu.

Năm 1924 (Giáp Tý): Hòa thượng Thích Huệ Thới người quê quận Hóc Môn Bà Điểm về làm trụ trì. Ngài là người tổ chức cách mạng, vừa hành đạo vừa tuyên truyền cách mạng, giác ngộ quần chúng nhân dân và tín đồ phật tử xây dựng cơ sở cách mạng.

Năm 1930 (Canh Ngọ): Ngài kiến tạo đại trùng tu ngôi chùa Gia Hưng bằng cột căm xe, mái ngói kiến trúc 05 nóc, trở cửa về hướng chính Đông. Vào năm này, Ngài được hệ thống tổ chức Đảng cấp trên cùng thầy giáo Giõng mở lớp dạy học, thường qua đó truyền bá chủ nghĩa cộng sản và những đồng chí Đảng viên đầu tin của xã Thạnh Ngãi do Ngài đứng ra kết nạp tại chùa Gia Hưng gồm có:

Ông Lâm Bữu Giá bí danh Nguyễn Vi
- Ông Phạm Văn Giáo
Ông Tô Hòa Hiệp

Từ đó, cơ sở Đảng Cộng sản xã Thạnh Ngãi được hình thành và lãnh đạo nhiều phong trào cách mạng ở địa phương nổi lên chống chế độ thực dân phong kiến thời kỳ đó.

Sau một thời gian hoạt động, Ngài bị địch phát hiện và bị bắt cầm tù nhiều nơi, cuối cùng Ngài bị đầy ra nhà tù Côn Đảo chịu nhiều cực hình tra tấn dã man, vào ngày mùng 06 tháng 07 Âm lịch Ngài đã viên tịch. Trước cách mạng thành công, người bạn tù của Ngài là ông Từ Công Duy ở xã Tân Thành Bình về kể lại.

Năm 1931 (Tân Mùi): Hòa thượng Thích Niệm Ngọc ở cha Oai Linh (nay thuộc Mỏ Cầy Nam) về làm trụ trì. Đến cuối năm, Ngài được tổ chức cách mạng đưa về chùa Phước Khánh, huyện Thạnh Phú làm trụ trì và công tác.
         
Năm 1932 (Nhâm Thân): Hòa thượng Thích Chánh Nguyên chùa Phú Long, thôn Phú Mỹ, làng Phú Sơn, quận Chợ Lách (nay thuộc xã Phú Mỹ - Mỏ Cày Bắc) về làm trụ trì liên tự, hướng dẫn phật tử hành đạo nơi đây.
 
Năm 1935 (Ất Hợi): Ngài giao lại cho đệ tử của mình là Hòa thượng Thích Thiện Duyên làm trụ trì chùa Gia Hưng, Ngài trở về chùa Phú Long tịnh tu.

Năm 1940 (Canh Thìn): Hòa thượng Thích Thiện Duyên vì nhu cầu phật sự của tỉnh nhà lúc bấy giờ, Ngài đã ủy nhiệm cho sư đệ của mình là Hòa thượng Thích Thiện Chánh là người tại xã Thạnh Ngi làm trụ trì nơi đây.

Năm 1946 (Bính Tuất): Do chiến tranh ác liệt, tàn phá cướp bóc, chùa Gia Hưng đã bị mất đại hồng chung nặng 100kg đời vua Minh Mạng.

Năm 1953 (Quý Tỵ): Được sự đồng ý của Hòa thượng Thích Thiện Chánh, Ngài Yết Ma Thích Nhựt Phú về làm thủ tự, trợ giúp Hòa thượng trụ trì trông coi phật sự.

Đầu năm 1958 (Mậu Tuất): Vì nghịch duyên, Ngài Yết Ma Thích Nhựt Phú không còn ở chùa Gia Hưng nữa và hành đạo nơi khác.

Thời gian này, Hòa thượng trụ trì sớm hôm chỉ một mình với tuổi cao sức yếu. Nên Ngài đã hướng dẫn phật tử bổn đạo đến chùa Linh Quang xin phép Hòa thượng Thích Thiện Duyên (nay thuộc xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc) thỉnh Ngài Thích Huệ Thành về làm trụ trì thay thế Ngài.
 
Ngày mùng 08 tháng 03 năm 1958: Giáo hội Phật giáo Tăng già chính thức bổ nhiệm Ngài Thích Huệ Thành làm trụ trì chùa Gia Hưng (do Hòa thượng Thích Chí An làm Tăng trưởng, Hòa thượng Thích Thiện Duyên làm Trị sự Trưởng, Hòa thượng Thích Bản Hòa (chùa Viên Qang) làm Giám luật, và Chư sơn Thiền đức lúc bấy giờ bổ nhiệm. 

Ngày bổ nhiệm Hòa thượng Bổn sư kiêm Trị sự Trưởng thay mặt Giáo hội Tăng già  và Hòa thượng Thích Thiện Chánh trụ trì chùa Gia Hưng đưa Ngài về nhập tự và chính thức giao nhiệm vụ trụ trì. Lúc này, Ngài được 27 tuổi. Ngài phát huy hơn nữa truyền thống tốt đạo đẹp đời, tích cực vận động tín đồ nhân dân hướng theo cách mạng giải phóng dân tộc.

Năm 1960 (Canh Tý): Ngài tham gia cách mạng, đứng chân thành viên mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam cùng với HT.Thích Niệm Châu, HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Hồng Từ, HT.Thích Thái Không và Ngài đã lãnh đạo phật tử địa phương tham gia phong trào đồng khởi.

Năm 1963 (Quý Mão): Ngài được tổ chức bí mật Đảng Cộng sản Việt Nam ấp Ông Thung, xã Thạnh Ngãi do ông Sáu Nghại đứng ra kết nạp. Và năm này, Ngài cùng bổn đạo phật tử tham gia đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo.
 
 
Năm 1968 (Mậu Thân): Chiến tranh ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ (chế độ Mỹ - Thiệu) do bom đạn chà sát Thạnh Ngãi. Chùa Gia Hưng bị tàn phá hư hỏng nặng nề trên 70%, nhưng dáng đứng ngôi chùa vẫn sừng sửng như kêu gọi tín đồ phật tử hãy đứng lên xuống đường đấu tranh. Ngài được Đảng bộ điều đi công tác ở thị xã Bến Tre.

Năm 1973 (Qúy Sửu): Ngài liên lạc với HT.Thích Niệm Châu, HT.Thích Thiện Hào, HT.Thích Hồng Từ, HT.Thích Thái Không, TT.Thích Bửu Châu (Đảng viên), TT.Thích Giác Lực, TT.Thích Bá Phước, TT.Thích Phổ Vinh cùng tham gia hoạt động cách mạng Phật giáo yêu nước do HT.Thích Pháp Tràng người tỉnh Tiền Giang về khởi xướng phong trào. 

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 (Ất Mão): Tổ quốc thống nhất, nước nhà độc lập, ngôi chùa bị chiến tranh tàn phá đỗ nát. Đại đức trụ trì cùng bổn đạo phật tử xa gần, bắt tay vào sửa chữa khôi phục, dần ổn định, từ đó Ngài chuyên tâm tu niệm.

Trong cách mạng giải phóng dân tộc: Chùa đã cống hiến vật chất như: đại hồng chung để làm vũ khí chống giặc, nhiều cây sao lớn đóng ghe, thuyền cho đường dây đưa rước bộ đội, dân quân và một cây dầu lớn để đóng áo quan cho liệt sĩ phục vụ trong kháng chiến.

Trong xây dựng tổ quốc: Chùa đóng góp cho viện bảo tàng Bến Tre những di vật như: 01 tượng Quan Âm, 01 kích tử bằng đồng.

Trong công tác từ thiện: Từ năm 1990 đến năm 2002, chùa mở phòng thuốc nam cho bà con trong xã, ấp hốt thuốc.

Năm 1998 (Mậu Dần): Với sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cùng với Giáo hội giúp đỡ, Thượng tọa trụ trì và tín đồ phật tử trùng tu, sửa chữa ngôi chính điện, hậu tổ bằng mái lợp tôn, xây cổng tam quan và bia tưởng niệm.

Năm 2005 – 2006 (Ất Dậu – Bính Tuất) : Hòa thượng trụ trì vận động phật tử gần xa xây dựng giảng đường, tượng phật Niết bàn, bảo tháp tam vị Hòa thượng khai sơn và bảo đồng của nhị vị chủ đất. Trên 80 năm gần đây nơi chùa Gia Hưng, hầu hết các vị trụ trì kế thừa truyền thống đạo pháp và tham gia hoạt động phong trào cách mạng ở địa phương. Hướng dẫn phật tử phát huy truyền thống tốt đẹp, tham gia phong trào từ thiện xã hội, thực hiện nghiêm túc pháp luật nhà nước, gìn giữ tín chất cao đẹp của đạo pháp.

Năm 2007 (Đinh Hợi): Sau một cơn biến động vô thường của thân tứ đại, sức khỏe Hòa thượng trụ trì dần kém, Ngài nhận thấy không đủ sức tiếp tục làm cho ngôi chùa Gia Hưng phát triển hơn.
 
Năm 2010 (Canh Dần): Ngài liền nghĩ đến việc chọn đệ tử kế thế trụ trì. Hòa thượng đã  họp đệ tử trong Tông Phong môn hạ và thỉnh Chư tôn đức Ban Đại diện Phật giáo huyện Mỏ Cày Bắc để chọn người kế thế vào ngày 25/10/2010 (nhằm ngày 19/09/Canh Dần), lúc này Ngài được 79 tuổi. Tâm nguyện trên được các cấp lãnh đạo Giáo hội và các cấp chính quyền đồng tình ủng hộ.

Ngày 06/11/2010 (nhằm ngày 01/10/Canh Dần) Thường trực BTS tỉnh Hội ký Quyết định Bổ nhiệm trụ trì chùa Gia Hưng. 
           
Ngày 25/11/2010 (nhằm ngày 20/10/Canh Dần): Hòa thượng long trọng tổ chức lễ bổ nhiệm cho đệ tử thứ ba của mình là Đại đức Thích Huệ Nghiêm kế thừa trụ trì chùa Gia Hưng, năm này Đại đức 24 tuổi. Từ đó, Hòa thượng được Giáo hội và môn hạ suy cử lên làm Viện chủ từ đây phật sự tại bổn tự có người kế thế. 

Năm 2011 (Tân Mão): Được sự chỉ dạy của Hòa thượng tôn sư, Đại đức trụ trì đã mở rộng xây dựng nhà khách, vườn Lâm Tỳ Ni, vườn Lộc Uyển, Thái tử vượt thành cắt tóc, xây hàng rào trồng cây xanh sạch đẹp. 

Trong năm này chùa Gia Hưng được Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 16.096m2.

Chùa Gia Hưng từ khi thành lập đến nay, được 193 năm. Trải qua 11 vị trụ trì và ba lần đại trùng tu. Có ba vị trụ trì tham gia cách mạng như:

- Hòa Thượng Thích Huệ Thới.
- Hòa Thượng Thích Niệm Ngọc.
- Hòa Thượng Thích Huệ Thành.

Trong đó, Hòa thượng Thích Huệ Thành có nhiều công sức tham gia đóng góp cho đạo pháp dân tộc, đã giữ nhiều chức vụ của Giáo hội và xã nhà tin tưởng giao trách nhiệm.
 
 
Hiện nay, cơ sở vật chất chưa được khang trang nhưng với sự vun đắp của Hòa thượng Viện chủ và Đại đức trụ trì, Tam Bảo đã dần dần ổn định đi vào nề nếp, ngày càng trang nghiêm, thanh tịnh và hướng dẫn phật tử tín đồ ngày càng phát triển. Chùa Gia Hưng cùng Giáo hội Phật giáo thắp sáng ngọn đuốc “từ bi” của đạo Phật, nhằm giúp phật tử hướng đến “chân – thiện – mỹ”, góp phần cho Phật pháp ngày càng hưng thịnh luôn gìn giữ vẽ đẹp văn hóa truyền thống dân tộc.

Thích Quảng Nhật
loading...