Trong nước

Chùa Hà Tiên tổ chức lễ húy nhật Bồ tát Thích Hải Huân

Thứ bảy, 01/07/2022 01:50

Uống nước nhớ nguồn là tinh thần tri ân và báo ân, nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha ta từ ngàn xưa đã đúc kết lại lời dạy để răn nhắc cho chúng ta phải luôn ghi nhớ về ân đức cội nguồn.

Bởi lẽ “Con người có Tổ, có tông, Như cây có cội như sông có nguồn. Tiếp nối truyền thống đó, Sáng ngày 30/06/2022 (tức ngày 02 tháng 6 năm Nhâm Dần ) Tăng - Ni, Phật tử chùa Hà Tiên thành kính, trang nghiêm tổ chức lễ húy kỵ Bồ Tát Thích Hải Huân.

Đúng 8h00’ chư Tôn Đức và Phật tử tác lễ nghinh thỉnh linh vị Tổ Sư - Bồ Tát Thích Hải Huân tại Nhà thờ Tổ quang lâm Đại Hùng Bảo Điện để toàn chúng đảnh lễ và cúng dường. Thay mặt Ban Tổ chức, ĐĐ.Tiến Cung tuyên sơ lược tiểu sử và hành trạng tu hành của Tổ.

Empty
Empty

Lược sử Tổ Thích Hải Huân 

Nhắc đến chùa Hà Tiên không ít người lại nhớ đến danh xưng khác là “chùa cầu mưa”. Lý giải câu chuyện trên, một cao niên cho biết, xưa trong vùng thường xuyên phải gánh hạn hán. Khô hạn hoành hành trong một thời gian dài khiến đất đai cằn cỗi, cây cối tàn lụi.

Sống dựa vào nông nghiệp, nhiều người dân lâm vào cảnh đói khát, phải bỏ làng đi tha hương cầu thực. Tận mắt chứng kiến những khổ nạn đó, vị trụ trì chùa khi ấy là Tịnh Huân đã cho lập đàn tự hóa để cầu mưa. 

Theo đó, sư Tịnh Huân đã nguyện tự thiêu để cầu mưa cho dân vào ngày 30/5 Âm lịch. Sau khi phát nguyện trước Tam Bảo và đất trời, ngài đã tọa trong tư thế kiết già. Ngọn lửa thiêu đốt báu thân nhưng hai bàn tay ngài thì vẫn còn nguyên hình dáng.

“Chuyện lập đàn giải hạn, cầu mưa cho dân là xác thực. Ngài tự thiêu để cúng già chi thiên, cầu đảo cho dân. Ngài thiêu hôm 30/5 /Âm Lịch (không rõ năm) đến 1/6 Âm Lịch thì mưa lớn. Mưa kéo dài liên tiếp 3 ngày. Tháp của ngài đến thời vua Quang Trung mới suy tôn vị là Bồ tát. Trong bia mới đề là Bồ tát Thích Hải Huân

Đáng tiếc là hiện nay ở chùa Hà Tiên không còn lưu giữ được nguồn tài liệu nào nói rõ về thân thế và quá trình tu hành của sư tổ Tịnh Huân. Ngay bản thân TT. Thích Minh Trí –  trụ trì chùa Hà Tiên hiện nay cũng không biết rõ về sư Tổ của mình ngoài những thông tin ít ỏi trên bia đá. 

Sư Tổ là một người đã hy sinh vì Đạo Pháp và Dân tộc, đã cống hiến cả cuộc đời để đem an lạc cho chúng sinh. Ngài là một tấm gương đức hạnh cho mãi đời sau noi theo, là người không ngại gian khó quyết chí tu hành, trên cầu Phật đạo không tiếc thân mạng. Chúng con may mắn là những chúng sinh thừa hưởng ân đức của sư Tổ.

Với tấm lòng thành kính trang nghiêm, chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử đã hướng về Đức Phật, về chư vị Tổ sư, dâng lời phát nguyện tinh tấn tu học theo công hạnh của ngài. Buổi lễ được thực hiện theo nghi lễ truyền thống: Niệm hương, bạch Phật, khai kinh, cúng ngọ, tiến Giác linh Tổ, tiến linh tùng tự ký tự công đức tiên linh, thí thực cô hồn, cầu nguyện cửu huyền thất tổ siêu thăng, cầu âm siêu, dương thái.

Chiều cùng ngày Chùa Hà Tiên tổ chức Lễ Quy Y Tam Bảo - Truyền thụ ngũ giới cho nhiều thiện nam, tín nữ. Buổi lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm , thành kính , và tràn đầy niềm hoan hỷ.

Empty
Empty

Để giúp cho các thiện nam, tín nữ có được những kiến thức căn bản khi làm một người Phật tử và củng cố thêm đức tin nơi Tam Bảo, Thượng tọa Thích Minh Trí  – Ủy HĐTS TƯ GHPGVN, trụ trì chùa Hà Tiên  đã dành trọn thời gian một buổi thuyết giảng về ý nghĩa lợi ích của việc quy y Tam bảo – thọ trì năm giới và nói về một số oai nghi của người Phật tử tại gia khi tới chùa cũng như khuyến tấn Phật tử rèn luyện nhân cách đạo đức trên nền tảng của năm giới cấm vừa được truyền thụ.

Đức Phật có dạy làm người là khó, được nghe Phật pháp, được gặp minh sư và được quy y Tam bảo lại là điều vô cùng khó khăn hơn nữa. Do đó quý Phật tử đang hiện diện là những người có rất nhiều căn lành và nhân duyên phước báu. Cho nên, quy y Tam bảo là sự chọn lựa hết sức sáng suốt và đúng đắn.

Đạo Phật có mặt tại nước ta đã hơn 2000 năm nay và luôn gắn bó với sự thịnh suy của dân tộc. Do đó phải biết trân trọng, đừng vì tình, vì tiền hay vì bất cứ lí do gì mà bỏ đi lí tưởng, bỏ đi gốc rễ tâm linh của mình.

Muốn trở thành một Phật tử chân chính phải có tiêu chuẩn, đó chính là năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Năm giới là căn bản đạo đức làm người. Người học Phật sống có đạo đức phải biết giữ gìn 5 giới. Sau khi quy y, Phật tử nên gần gũi Tam Bảo để tu học Phật pháp. Nếu hiện đời ta biết tu tập, tạo thiện nghiệp, khi từ giã cõi đời này sẽ đem theo thiện nghiệp tái sinh về cảnh giới tốt đẹp. Như vậy cuộc đời của ta sẽ mãi tốt đẹp không chỉ ở hiện tại mà cả tương lai.

loading...