Sách Phật giáo

Chuyện oan hồn báo án ở Việt Nam

Thứ năm, 28/05/2023 11:00

Ông Đinh Văn Quế nhiều năm là Thẩm phán, Chánh tòa hình sự, Ủy viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao, về hưu ông làm luật sư, là tác giả của 50 đầu sách liên quan đến pháp luật hình sự, nên dấu ấn ông để trong hoạt động tư pháp rất đặc biệt…

Sách 'Đi tìm công lý', Nguyễn Phan Khiêm, NXB Văn học.

Sách "Đi tìm công lý", Nguyễn Phan Khiêm, NXB Văn học.

Trong rất nhiều vụ án và tình huống được ghi lại trong bài "Ông Thẩm phán khẩu xà tâm Phật" có câu chuyện sau đây:

"Vụ án diễn ra khoảng năm 1990, bị cáo nguyên là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên. Bản án sơ thẩm kết án bị cáo tù chung thân về tội giết người, bị hại chính là vợ của bị cáo.

Vụ án xảy ra ở Hà Nam, quê của bị cáo, nạn nhân bị chết dưới ao rau muống, gia đình nghĩ rằng do tai nạn, nhưng hôm cúng 49 ngày, một bé trai 11 tuổi gọi bị cáo là cậu bỗng nói: “Hôm mợ chết cháu gặp cậu ở cổng làng”. Thế là gia đình bên vợ tố cáo, cơ quan điều tra vào cuộc và khai quật tử thi mới phát hiện nạn nhân bị đánh vào gáy. Bị cáo bị khởi tố và bắt tạm giam.

Khám xét chỗ ở của bị cáo, người ta tìm thấy nhiều lá thư tình của bị cáo với một cô gái trẻ, nhân viên nhà bếp của đơn vị. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, truy tố đến xét xử sơ thẩm bị cáo đều chối tội với lý lẽ là bị cáo có chứng cứ ngoại phạm, đêm đó anh ta ngủ ở đơn vị, 5 giờ sáng hôm sau cũng tập thể dục buổi sáng cùng tập thể, trong khi đó Thái Nguyên cách Hà Nam trên trăm cây số, xe cộ đi lại khó khăn. Ở cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử thấy chứng cứ còn non nên không dám tuyên án tử hình.

Nhận hồ sơ vụ án, ông Quế mất ăn mất ngủ, vì chỉ có hai tình huống xảy ra, một là bị cáo không phạm tội, hai là bị cáo phạm tội và phải lĩnh án tử hình. Đêm hôm trước ngày xử phúc thẩm, đọc hồ sơ đến tận 12 giờ khuya, ông thiếp đi trên bàn làm việc, bất chợt thấy có một phụ nữ mặc áo trắng, không rõ mặt lắm đến bên cạnh nói “Tôi bị chết oan” và kể lại một cách rõ ràng sự việc đã diễn ra như thế nào.

Đêm đó, anh ta mặc quân phục Công an ra đường vẫy một xe ô tải, yêu cầu đưa về Hà Nam gấp, gần đến làng anh ta dặn lái xe đỗ lại và chờ khoảng 2 tiếng anh ta ra và về lại Thái Nguyên.

Nhà anh ta là ngôi nhà cổ, năm gian hai chái, anh ta vào nhà bằng cửa phụ đầu hè, nhà có chó nhưng không sủa. “Anh ta "ngủ" với tôi, sau đó cả hai ra cầu ao rửa ráy và anh ta đã đẩy tôi xuống ao” – bóng người phụ nữ nói rõ. Ông Quế choàng tỉnh, những mắt xích ông trăn trở kết nối mấy hôm nay đã sáng rõ.

Hôm sau ra tòa bị cáo vẫn chối tội, là một cảnh sát hình sự nhiều kinh nghiệm nên anh ta trả lời rất khôn ngoan. Chủ tọa phiên tòa Đinh Văn Quế đưa ra giả thuyết về thủ đoạn, quá trình gây án, bị cáo nói: Thẩm phán có nằm dưới gầm giường vợ tôi đâu mà biết tôi về quan hệ tình dục với cô ấy?! Ông Quế nói: Anh có nghĩ người chết còn có linh hồn không? Nếu anh đã giết vợ thì sẽ phải chịu hình phạt tử hình, khi đó gặp lại vợ, anh hỏi cô ấy xem vì sao tôi biết anh đã quan hệ tình dục với vợ trước khi sát hại cô ấy.

Bị cáo như sụp hẳn xuống, mất đi vẻ tự tin trước đó… Sau một lát im lặng, bị cáo thừa nhận đã giết vợ, hắn đã lấy tay chém vào gáy vợ khi hai người ra ao rửa ráy rồi nhanh chóng trở về đơn vị, không ai hay biết. Bị cáo bị kết án tử hình và hình như không có đơn xin tha tội chết.

Ông Quế băn khoăn, không biết đó là chuyện tâm linh thật sự hay do mình nghĩ về vụ án nhiều quá mà có giấc mơ như thế. Rồi chuyện anh ta về làng lúc nửa đêm, sao đứa bé 11 tuổi lại nói nhìn thấy anh ta về làng, khiến vụ án mạng được phanh phui ?! Cho đến bây giờ, mấy chục năm trôi qua ông Quế vẫn không lý giải được...

Bị cáo trước khi chết chỉ mong hỏi được ông Thẩm phán là làm sao ông biết chuyện đó".

(Trích trong sách "Đi tìm công lý", Nguyễn Phan Khiêm, NXB Văn học)

loading...