Góc nhìn Phật tử

Chuyện ông Năm Tròn: Tâm thành Phật chứng biết trước ngày qua đời

Thứ sáu, 14/10/2020 11:31

Lớn tuổi rồi, có những đêm giật mình thức giấc là không ngủ lại được. Không ngủ thì nằm đó mà nhớ chuyện xa xưa, chuyện đời xưa. Đêm nay tôi nhớ ông Năm Tròn.

Những điều vi diệu trong cuộc đời của cố Hòa thượng Hải Hiền

Ông tên đầy đủ là Nguyễn văn Tròn, pháp danh Đồng Thiệt, ngày tôi còn làm điệu ở chùa Bửu Minh là ông đã có mặt, vóc người nhỏ thó cao khoảng một mét tư, đầu cạo trọc, có nụ cười hoan hỷ với chiếc miệng móm. Hồi đó ở tại chùa Bửu Minh có ba cụ già: Bà Chánh Bái, ông Năm Tròn và bà Chín Nhiếp (bà Chín Nhiếp là ngoại tôi). Ba người là công nhân làm trà cho chủ Pháp, đến tuổi về hưu được chủ phát cho mỗi tháng một số tiền và 10 ký gạo, về xin thầy tôi nương tựa cửa chùa.

Bà Chánh Bái không có chồng con, tự nấu cơm ăn tại bếp riêng trong phòng, bà Ngoại tôi là người mực thước, đáng nói mới nói, đáng ăn mới ăn thuộc kinh Phật rất nhiều, đặc điểm rất kính Tăng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ông Năm Tròn quê quán Bình Định, trước khi lên Biển Hồ lập nghiệp làm công nhân cho chủ Pháp, ông có nghề chính là đánh cá tại một vùng biển ở tỉnh Bình Định, ông có vợ nhưng chưa có con. Một ngày nọ ông chào vợ đi làm biển, vài hôm sau biển động ông lại về. Đột xuất vô nhà và phát hiện vợ mình có tình riêng với anh hàng xóm, sau đó ông kêu anh hàng xóm và vợ mình ngồi nói chuyện: “Ông nói anh thương vợ tôi, tôi gởi vợ tôi lại cho anh chăm sóc, tôi lên Biển Hồ lập nghiệp làm ăn”. Sau buổi nói chuyện gởi gắm vợ cho anh hàng xóm, ông giã từ làng quê thân yêu lên đồn điền Biển Hồ làm công nhân trồng chè cho chủ Pháp.

Quãng thời gian ông làm công nhân cho đồn điền chè cho đến khi về hưu tôi không biết, nhưng biết rất rõ về ông khi ông ở chùa Bửu Minh, cùng với bà Chánh Bái và bà Ngoại tôi.

Vườn chùa Bửu Minh hồi đó có trồng giàn su su, ông thích ăn thì tự hái luộc và chấm với muối, ngày nào tôi cũng thấy ông hái su su luộc, chuyện nhớ nhất là cứ mỗi buổi chiều vào khoảng 4 giờ là ông cầm hai cái vỏ lon sữa ông thọ ngồi bên hè chùa gõ vào một cái lon này để giữ nhịp, và cái lon kia thỉnh thoảng ông điểm một tiếng như thể là cái chuông. Ông tụng kinh A Di Đà thuộc lòng. Xuân, hạ, thu, đông chiều nào cũng vậy ông dùng hai cái lon sữa bò để thay thế chuông mõ ngồi tụng kinh Di Đà bên hè chùa không hề xao lãng.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Vị cao tăng biết trước ngày vãng sinh, chủ động thăm viếng từ biệt đồng đạo

Một ngày của năm 1970 ông vô phòng thầy tôi thưa: “Thưa thầy con có mượn thầy một ít tiền, mà chắc là con không trả được, con xin thầy, hôm trước thầy cho con cái dù màu đen, con xin thầy đem theo về quê, năm hôm nữa con về quê, nên hôm nay con lên chào thầy trước”. Thầy tôi nói: “Quê ông ở Bình Định, người thân không còn ai, ông về quê làm gì”. Ông Năm Tròn nói: “Năm hôm nữa con về quê đó thầy”.

Thầy tôi tưởng năm hôm nữa ông Năm Tròn về quê thật, nhưng không, năm hôm sau ông ngủ không dậy nữa, thầy tôi chôn cất cho ông cùng với chiếc dù đen ông xin bữa nọ. Nghĩa trang chôn ông ở lô chè số 42, hiện nay nghĩa trang không còn nữa xã sử dụng vào việc khác.

Tính tình thuần phác đôn hậu, biết vợ ngoại tình nhường vợ cho tình địch, về già tinh tấn tu tập tụng kinh A Di Đà không quản ngại gió sương bên hiên chùa cổ, tâm thành Phật chứng biết trước giờ chết.

Câu chuyện xảy ra hơn năm mươi năm, trong một đêm khó ngủ ghi lại gương mặt thân quen mà tôi đã từng sống chung khi làm điệu, ông không có tấm ảnh nào nhưng trong ký ức của tôi hình ảnh ông Năm Tròn luôn hiển hiện mỗi khi có dịp: Người thấp nhỏ con, đầu cạo trọc, nụ cười hiền với chiếc miệng móm, mặc chiếc áo nhật bình màu xám tro cũ mỗi khi ngồi tụng kinh A Di Đà.

loading...