Góc nhìn Phật tử

Còn lại gì sau cơn 'hờn ghen điên đảo' là một sinh linh ra đi trong cái lạnh của lòng người!

Thứ hai, 17/02/2022 08:52

Sông Trường Giang ngày hôm nay chắc cũng dâng trào trong nghẹn ngào khi chứng kiến lại hiện trường người cha ném đứa con 5 tuổi bé nhỏ của mình trong cơn hờn ghen đảo điên…

Vụ việc thương tâm đã xảy ra ở Quảng Nam, do nghi ngờ vợ ngoại tình, phản bội, gọi điện thoại không nghe máy nên đã ném con gái mình xuống sông giết con để trả thù vợ. Đứa bé nhỏ vô tội đó đã mãi mãi ra đi không vì cái lạnh của lòng sông mà là cái băng giá nơi lòng người.

Trong quan hệ giữa người với người, khi có mâu thuẫn xảy ra, nếu ai cũng có thể dùng tấm lòng khoan dung để đối đãi thì chắc có lẽ sẽ biến được chiến tranh thành hòa bình, vũ khí thành tơ lụa. Nếu ai cũng có thể “bắt nhốt” cái tôi của mình lại, nhẫn một chút cho sóng yên biển lặng,…thì sẽ không để lại những hệ lụy đáng tiếc.

Nghi phạm Trần Văn Viên thực nghiệm hiện trường ném con ruột 5 tuổi xuống sông.

Nghi phạm Trần Văn Viên thực nghiệm hiện trường ném con ruột 5 tuổi xuống sông.

Quan hệ vợ chồng là quan hệ dựa trên tình yêu thương và trách nhiệm, đời sống hôn nhân không phải là một thế giới ngập tràn hoa hồng như nhiều người lầm tưởng. Hôn nhân và những phiền muộn thường có sự liên hệ gắn kết với nhau, sau khi kết hôn, người ta sẽ phải đối mặt với những rắc rối và những trách nhiệm mà họ không bao giờ mong muốn hoặc chưa bao giờ ngờ tới.

Cũng chính vì nghi ngờ và thiếu tin tưởng nhau, người ta nhân danh tình thương để làm khổ nhau, chắc chắn khi cha mẹ đau khổ, con cái cũng sẽ khổ lây. Nội kết ngày qua ngày từng những ghen tuông, tức giận sẽ là tác nhân gây ra thù hằn, chia rẽ thậm chí tự vẫn và giết hại lẫn nhau.

Đạo Phật không chống lại đời sống hôn nhân gia đình. Ngược lại, Đức Phật còn có những lời dạy thiết thực, giúp cho mọi người có thể vượt qua được những khó khăn, rắc rối nhằm tạo dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Trong kinh Tăng Chi Bộ, phẩm Năm pháp, bài kinh Người gia chủ, Đức Phật đã khuyên bảo những người con gái sắp về nhà chồng rằng: Phải kính trọng và thương yêu chồng, kính trọng và đối xử hòa nhã với cha mẹ chồng, kính trọng những người mà chồng mình kính trọng; lo chu toàn công việc trong gia đình chồng, phải thông thạo các việc thuộc nữ công gia chánh; biết quản lý và sắp đặt công việc nhà, quan tâm đến những người làm công trong nhà, phân chia công việc phù hợp cho họ; không nên nuôi dưỡng những ý nghĩ chống lại chồng, không nên thô lỗ, độc ác, cay nghiệt đối với chồng, không nên tiêu xài hoang phí, bảo vệ và tiết kiệm tài sản mà chồng đã kiếm được; luôn luôn ân cần và trong sáng cả trong tâm tưởng lẫn trong hành động, chung thủy với chồng và không được ngoại tình trong tư tưởng cũng như trong hành động; tế nhị trong lời nói và lễ phép trong hành động, tử tế và siêng năng trong công việc; luôn quan tâm chăm sóc cho chồng, biết dịu dàng, bình tĩnh và thấu hiểu chồng, chia sẻ hoặc động viên, khuyên bảo chồng khi cần thiết. 

Để cho gia đình được hạnh phúc, tình thương yêu giữa các thành viên trong gia đình với nhau được thăng hoa, thì tình thương yêu ấy phải hội đủ cả bốn yếu tố từ, bi, hỷ, và xả.

Để cho gia đình được hạnh phúc, tình thương yêu giữa các thành viên trong gia đình với nhau được thăng hoa, thì tình thương yêu ấy phải hội đủ cả bốn yếu tố từ, bi, hỷ, và xả.

Đồng thời, Đức Phật còn khuyên các cô gái nên tìm hiểu kỹ về chồng, biết tính cách, hành động, tính khí của chồng, sẵn sàng giúp đỡ, cộng tác với chồng trong mọi công việc. Cùng với những lời khuyên dành cho người nữ, Đức Phật còn nhấn mạnh rằng, người nữ đóng vai trò rất quan trọng trong gia đình. Sự an vui, hạnh phúc và hòa thuận trong gia đình là phần lớn phụ thuộc vào người phụ nữ.

Trong đời sống hôn nhân gia đình, theo Đức Phật, người chồng thường mong muốn ở người vợ những đức tính như: tình thương yêu, sự ân cần, có bổn phận với gia đình, chung thủy, biết chăm sóc con cái, biết tiết kiệm, chăm lo các bữa ăn cho gia đình, an ủi và xoa dịu chồng mỗi khi chồng không vui, và dễ thương trong mọi việc. Ngược lại, người vợ cũng thường mong muốn ở người chồng những đức tính như: dịu dàng, nhã nhặn, thân thiện, sự bảo đảm an toàn, công bằng, chung thủy, trung thực, có những mối quan hệ bạn bè tốt, ủng hộ về đạo đức.

Để cho gia đình được hạnh phúc, tình thương yêu giữa các thành viên trong gia đình với nhau được thăng hoa, thì tình thương yêu ấy phải hội đủ cả bốn yếu tố từ, bi, hỷ, và xả. Bốn tố chất của tình thương yêu này phải được nuôi dưỡng và thực tập hàng ngày chứ không phải tự nhiên mà có được. 

Hãy thương yêu cho trọn vẹn, đủ hiểu đủ thương đủ khả năng chịu trách nhiệm về nhau để không phải gây ra những hệ lụy đau xót. Để không vì chút hờn ghen ích kỷ không thật nơi lòng người mà một sanh mạng non nớt vô tội đã mãi mãi ra đi.

Giờ đây, điều thiết thực nhất cho người ở lại đó chính là mỗi Phật tử chúng ta hãy nhất tâm, chí thành niệm danh hiệu Phật A Di Đà để giúp hương linh cháu bé gia tăng định lực, đi vào thân trung ấm được siêu thoát vào cõi lành.

loading...