Sách Phật giáo

Con người là mâu thuẫn (Hết)

Thứ sáu, 08/05/2017 02:43

Cũng tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho mà do những nghiệp nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả hoàn tự hiện. Những nhân duyên xấu đã được tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Nhà Phật có câu: “Muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả chúng ta đang lãnh trong hiện tại. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trong hiện tại”. 

Biết cách giúp người vượt qua bế tắc

Có một con cò đang bị nạn trong hồ cạn, nó đứng bất động vì trên đầu vướng phải một túi ni lông chứa đầy nước. Nhìn con cò đứng cúi đầu như một khúc củi khô trông rất thảm thương và tội nghiệp. Chúng tôi nhanh chân đi đến để tìm cách cứu nhưng con cò nghe tiếng động mạnh liền giật mình, vỗ cánh bay đi. Nó bay trong dáng dấp quờ quạng vì mệt mỏi và kiệt sức; bay được độ chừng vài mét thì nó rớt xuống cách chỗ chúng tôi đứng khoảng độ 20 mét; hình như nó đang run rẩy vì sợ con người bắt. 

Tôi bước gần đến chưa được nửa đường thì con cò hoảng vía bay luôn, nhưng bay không được xa lắm thì lại đáp xuống, chui rúc vào một bụi cây gần đó. Tôi tiến tới gần sát con cò mà nó vẫn đứng yên trong bụi rặm, tôi vội vàng lấy túi nước nặng trĩu trên đầu nó ra. Hai con mắt của nó đã đỏ ngầu, chắc nó hoảng hốt và tuyệt vọng lắm nên mới có dóc dáng bơ phờ, thiểu não như vậy. 
 
Bạn có con cò nào để cứu giúp không? Và bạn đã thành công hay thất bại? Trong chúng ta ai cũng có thiện chí muốn cứu giúp kẻ đã gây ra nhiều lầm lỗi, nhất là những người thân yêu của mình, nhưng ta thường hay nhân danh tình thương của một đấng tối cao rồi muốn làm gì thì làm mà không hề biết đến cảm nhận và phản ứng của đối phương nên không những ta không cứu giúp được mà còn làm họ thêm hoang mang, sợ hãi. Không phải có tình thương rồi là ta muốn giúp ai cũng được. Ta cần phải có một khả năng để cứu giúp họ nữa. Điều đó cũng quan trọng không thua kém gì tình thương.

Cho dù ta là những người thân thương nhất của họ mà mình không biết cách để tiếp cận và tìm hiểu đối phương thì cũng không bao giờ là người cứu giúp hay nâng đỡ họ một cách trọn vẹn và mình sẽ thất bại. Tuy nhiên, ta không thể bỏ mặt con cò trong khi nó đang cần sự cứu giúp vì tình thương yêu, cảm thông với nó. Bản thân nó sẽ không cần một sự thương xót và giúp đỡ nào nếu không vướng phải cái bịch nước đó, nhưng nếu sự giúp đỡ đó không có chất liệu của tình thương thật sự sẽ làm nó hoảng sợ và cố gắng tìm cách thoát thân. 

Nếu ta cứ nghĩ con cò vì gặp khó khăn nên sẽ ngoan ngoãn để ta giúp đỡ thì ta đã lầm. Tuy khó khăn nhưng nó vẫn còn sĩ diện, vẫn mặc cảm, tự ái và đôi khi dẫn đến bất cần, và ta sẽ không thể cứu được nó. Ta phải thấu hiểu nỗi đau và sự tuyệt vọng của nó khi không tìm được lối thoát. Nếu không nhập vai làm cò mà ta trách móc, lên án, buộc tội thì sẽ đánh mất cơ hội cứu giúp và nâng đỡ cho nó.

Nhớ lại khi xưa khi chúng ta còn nhỏ, mình vô tình chạy nhảy sơ ý nên vấp phải ngạch cửa té nhào và khóc ré lên. Mẹ của ta chạy tới đỡ dậy rồi còn bênh vực, la rầy cái ngạch cửa sao hư quá, đã làm con mẹ té đau như thế. Có thể khi ta hết đau thì mẹ sẽ khuyên ta hãy cẩn thận với cái ngạch cửa kia chứ không bao giờ mẹ nhẫn tâm chê trách con của mẹ hư hỏng cả. Đó là tình thương của người mẹ biết bao dung và độ lượng. 

Trong giây phút tuyệt vọng có nhiều người đã tìm đến cái chết, vì trái tim của họ không biết mở rộng để bao dung những mất mát, đau thương. Đôi khi, trên thực tế sự mất mát ấy cũng không quá lớn lao như họ đang tưởng, chỉ tại tâm thức họ bị tổn thương nặng nề nên họ bị mất phương hướng, không nhận ra được lẽ đúng điều sai. Chính vì vậy mà những kẻ tuyệt vọng luôn thấy trước mắt chỉ toàn một màu tối đen, mờ mịt. 

Khi tuyệt vọng ta cảm thấy cô đơn, lạc loài, chơi vơi, chới với theo dòng đời vô tận. Ta nhìn mọi thứ bằng con mắt bi quan chán chường và không còn thiện chí để sống. Sự thật là những người thân yêu vẫn luôn bảo bọc và che chở ta, họ vẫn luôn có mặt bên ta trong từng phút giây, nhưng ta quên mất ta còn có gia đình, người thân, còn vô số bạn bè tốt đang dang tay chờ đón để giúp đỡ mình. Sự thất bại về tình yêu hay một lý tưởng cao đẹp nào đó cũng chỉ là một chút mất mát trong đời sống hiện tại của ta mà thôi. Cho nên, không phải ai bị thất vọng cũng trở thành tuyệt vọng và không phải ai tuyệt vọng cũng sẽ chịu chết chìm trong khổ đau mãi. 

Có một giáo sư dạy môn tâm lý xã hội học đã đau khổ tột cùng vì không giáo dục được con của mình. Ông nghĩ đến việc đã từng dạy hàng trăm nghìn đứa học trò nên ông đâu thiếu khả năng dạy dỗ một đứa con. Khi trái tim ông thiểu hiểu biết trong sự cảm thông lẫn nhau thì ông sẽ đóng bít lại cánh cửa lắng nghe của người con vì chỉ dùng quyền của người cha mà bắt buộc con mình phải nghe theo như thế. 

Trong tình thương không có sự tự ái, không có uy quyền, thế lực. Ta phải có trách nhiệm và bổn phận và đừng để họ bị sốc mạnh vì quyền uy, thế lực của mình, phải thật sự vào vai cha mẹ biết thương yêu con cái và dạy dỗ chúng biết sống có chừng mực. Đó là một thách đố rất lớn nếu ta không có tình yêu thương chân thật.

Người đang tuyệt vọng sẽ cảm thấy chơi vơi, chới với giữa dòng đời vô tận như người lạc vào rừng sâu không biết nẻo về. Tâm họ hoang mang, lo sợ trước thiên nhiên huyền bí, mông lung, như đứa con sống giữa chợ đời mà không biết cha mẹ mình là ai. Tâm ta như khe nước chảy trong những dòng suối nhỏ nơi rừng sâu hoang vắng. Ta cảm thấy bất hạnh và khổ đau khi đang sống chung với nhiều người mà không ai hiểu ta, không ai cảm thông được nỗi khổ, niềm đau của ta và ta cảm thấy đau khổ với cảm xúc nặng nề nên cảm thấy cô đơn, mặc cảm, không cần ai cứu giúp.

Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ làm cho con người có khuynh hướng hưởng thụ nhiều hơn. Ai cũng ráng cố gắng chạy theo việc làm giàu vật chất, sở hữu nhiều tài sản, bảo vệ địa vị của mình để tôn vinh “cái tôi” phù phiếm, không lâu dài. Càng đạt được đỉnh cao của quyền lực và danh vọng thì ta càng thấy xa vời với mọi người, càng sở hữu được nhiều tài sản thì càng cảm thấy chông chênh, chồng chềnh trên chiếc thuyền nằm giữa phong ba bão tố của cuộc đời. Chính vì vậy mà ta luôn sống trong lo âu, sợ hãi, trong mặc cảm, khổ đau; chưa bao giờ mà mình thấy cuộc sống tẻ nhạt và vô vị như thế. 

Ai sẽ hiểu cho mình đây khi chính mình vẫn nặng lòng hoài nghi, vẫn bảo vệ sĩ diện vì “cái tôi” và chưa sẵn lòng để hòa hợp với người khác. Chúng ta hay mong muốn mọi người phải hiểu mình nhưng ta lại không có trái tim hiểu biết và yêu thương. Tuy sống cùng mọi người nhưng ta vẫn thấy cô đơn, lạc lõng. Ta đang có một tình yêu nồng cháy phát xuất từ con tim, cả hai đều vì nhau, hết lòng cho nhau, cùng quấn lấy nhau như không thể xa rời nhau, vậy mà khi vừa tách ra ta vẫn cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Một tình yêu như thế luôn đem đến cho ta sự ích kỷ, ta chỉ sống vì tình dục nhiều hơn là tình thương yêu chân thật, ta chỉ cùng nhau trao đổi cảm xúc khoái lạc nên càng gần gũi ta càng bơ vơ, lạc lõng nhiều hơn. Một khi đôi bên không thể đáp ứng nhu cầu cho nhau thì tình yêu rạn nứt, vì ta chỉ lợi dụng lẫn nhau qua thân xác chứ không có một tình yêu chân thật.
 
Do đó, để trở thành một con người có đời sống vững chãi và sâu sắc, ta phải biết nhận diện mặt mũi của cô đơn, mặc cảm để tìm ra nguyên nhân khắc phục. Vì bấy lâu nay ta cứ lăng xăng chạy theo dòng đời nên hiện tượng trống trải, rỗng rang trong tâm là cơ hội ngàn vàng để ta nhìn lại chính mình. Ta là gì ta cũng không biết, vậy mà ta cứ hãnh diện tự hào ta như thế này, ta như thế nọ mà quên đi chính mình. 

Nhiều người không biết tiếp nhận tâm rỗng rang, sáng suốt nên khi mắc phải chỗ này thì cảm thấy đời vô vị, lạc loài làm sao; do đó vội vàng nắm bắt mọi thứ để khỏi bị hụt hẫng, cô đơn và mặc cảm. Thay vì tiếp xúc qua lại hằng ngày để làm nhịp cầu nối kết yêu thương làm ta phải lao tâm nhọc sức, những thời gian đó ta được rảnh rang để có cơ hội quay lại chính mình thì ta lại không chấp nhận nên cứ mất mình trong thiên hạ. 

Chính vì thế khi gặp sự cố gì bất hạnh ta lại hoang mang, lo lắng, hoảng sợ một cách kinh hoàng nên nhiều người đành chấp nhận lấy cái chết để trốn tránh thực tại khổ đau mà không suy xét, quán chiếu để tìm ra giải pháp an toàn. Ta muốn có một người bạn tốt thì ta hãy làm người bạn tốt trước với cách nhìn bao dung, tha thứ, hãy mở rộng lòng ra để tiếp nhận một thực tại nhiệm mầu mà ta và người đã quên lãng từ lâu. 

Khi đủ duyên ta sẽ cùng nhau làm việc, cùng chia ngọt xẻ bùi, cùng gánh vác cho nhau, cùng tâm tình trao đổi và cùng nhau làm bạn tri kỷ. Cho nên, bí quyết để chuyển hóa nỗi cô đơn, mặc cảm là ta biết quay lại chính mình và sẵn sàng mở rộng lòng ra để giúp đỡ và chia sẻ cùng tất cả mọi người một cách chân thành, không cần một điều kiện nào khác. Ta sẽ hạnh phúc thật sự khi biết chan hòa tình yêu thương bình đẳng với tha nhân, không thấy ai là người thù mà chỉ có người chưa biết thông cảm với ta mà thôi. Chính vì vậy ta sẽ không cô đơn, mặc cảm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù có người hay không người tri kỷ ta vẫn thấy hạnh phúc như thường.

Sống trên đời này thì ta cần phải có hy vọng, niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Điều này giúp ta có thể vượt qua những thất bại lớn lao trong cuộc đời. Nếu ta không có niềm tin và hy vọng vào cuộc sống thì ta vô tình sẽ giết chết đời mình bằng một canh bạc sau cùng và ta không còn gì để sống. Không có gì lạc lõng, bơ vơ cho bằng khi ta không còn biết tin tưởng vào đâu, hay nói đúng hơn ta đang vô cùng tuyệt vọng khi không còn lối thoát, như con cò kia đang chết dần trong sự mất mát. Ta không thể hy vọng vào sự sống thì chắc chắn ta sẽ chết mòn theo ngày tháng trôi qua.

Một người đã tin sâu nhân quả và tin tưởng chính mình chỉ xem sự thất bại như một thử thách, đó chỉ là một bài học kinh nghiệm quý báu để góp phần đưa họ tới thành công. Họ tin những gì đã khổ công gầy dựng sẽ không bao giờ mất hẳn, chỉ vì nó chưa đủ nhân duyên để trổ quả mà thôi. Họ có nhận thức sáng suốt và nội lực vững mạnh nên sẵn sàng chấp nhận sự tổn thất nặng nề mà không than vãn hay bỏ cuộc. Họ đã biết con người của mình có khả năng vá trời lấp biển và chuyển hoá nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. 

Khi rơi vào bế tắc, khổ đau trong tuyệt vọng ta sẽ muốn buông xuôi tất cả vì cảm thấy bất lực trước sự sống. Ai khiến ta ra nông nổi này? Người khác có thể làm ta mất niềm tin nhưng họ không có quyền làm cho ta đau khổ. Đời sống mà ta đang sở hữu không phải là đời sống của riêng ta, ta không thể coi thường hay hủy hoại nó vì chính nó là công lao được tạo thành từ cha mẹ, gia đình, người thân và cả một chuỗi dài nhân duyên của nhiều thế hệ ông bà, tổ tiên. Những người thân yêu luôn có mặt trong ta, trong từng tế bào và hơi thở, họ đang cùng ta đi hết cuộc hành trình. Nếu ta gục ngã nửa chừng thì họ sẽ bị mất mát, đau thương, tương lai của ta tốt đẹp hay bế tắc thì họ cũng chịu ảnh hưởng một phần nào.

Con người ta khi rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực sẽ không còn phương hướng, không còn lối thoát trong cuộc sống và sẽ tự giết mình để chạy trốn cuộc đời. Nhiều người nhìn đời với con mắt bi quan, nghĩ đời là bể khổ trong khi đời vốn vẫn đẹp như những vì sao lấp lánh. Bản chất cuộc đời không có tốt hay xấu, chỉ tùy theo suy nghĩ và nhận thức của mỗi người mà cuộc đời trở nên một thiên đường hạnh phúc hay địa ngục trần gian. Tại sao ta cô đơn, tại sao ta tuyệt vọng? Ai đưa đẩy ta vào chỗ đó? Thượng đế ư? Thần linh ư? Vua quan ư? Gia đình ư? Bạn bè ư? Xã hội ư? Chỉ có ta làm cho ta tuyệt vọng, không ai ngoài chính bản thân mình hết.

Con người ngày càng chạy theo nhu cầu đời sống bên ngoài quá nhiều nên lúc nào cũng muốn chụp cái này, bắt cái kia vì nghĩ rằng càng tích chứa nhiều, càng tiện nghi nhiều thì lại càng hạnh phúc. Chính điều này làm cho nội lực con người ngày càng thêm suy yếu. Tâm ta càng yếu đuối, lo sợ khi bị mất mát, hao hụt, khiến cho tâm trí ngày càng mê mờ, u tối. Ta hay hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, ứng phó mọi việc một cách máy móc như thấy sợi dây trong đêm tối mà tưởng là con rắn nên càng sợ hãi, đau khổ hơn.

Người tuyệt vọng là người hết còn hy vọng trong hiện tại và tương lai. Trước mắt họ chỉ thấy một bầu trời đen tối, họ không có đủ niềm tin và nghị lực để khai mở con người tâm linh của mình nên cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời vô tận. Mặc dù đang sống với người thân, gia đình, bè bạn và xã hội nhưng họ luôn cảm thấy cô đơn, hụt hẫng trước một sự thật quá phũ phàng, trước một sự thật quá đau thương, buồn tủi. 

Họ không còn chỗ bám víu, không còn nơi nương tựa, cảm thấy lạc loài, cô đơn như người đã từng giàu có bỗng bây giờ trắng tay sạch sành sinh. Mọi cái, mọi thứ trên đời giờ đã hết, sự thật này không thể chối cãi được. Vì mọi cái đều thay đổi quá nhanh nên họ cảm thấy chới với, bơ vơ như không còn chỗ đứng, đành cam chịu khổ đau trong tuyệt vọng.

Ai tự mình chọn đến cái chết là đã quá khổ đau vô cùng cực, trái tim họ như sắp vỡ ra từng mảnh vụn vì không thể dung chứa được nỗi khổ, niềm đau. Họ cứ nghĩ mình là kẻ bất hạnh, khổ đau nhất trên đời nên mọi người không thể trách họ vì quyết định sai lầm ấy. Đúng là không ai nỡ trách giận một người đang khổ đau trong tuyệt vọng, nhưng họ không nên làm những người thân yêu của họ phải khổ lây chỉ vì họ đang lầm đường lạc lối. 

Liệu họ có thể bình yên nơi đời sống tiếp theo hay bị đoạ vào địa ngục ngu si vì đã huỷ hoại đời mình? Tương lai luôn đi đôi với hiện tại. Ta hiện tại được bình yên, an lành thì tương lai cũng đồng như thế vì nhân nào quả nấy. Khổ đau từ trái tim thì cách thức bứng gốc rễ khổ đau cũng nằm trong trái tim chứ không ở nơi nào khác được. Ta đừng oán giận, thù hằn kẻ đã làm khổ mình bằng cách tìm một nơi mình cho là bình yên để trốn tránh. 

Dù ta có làm được chuyện đó thì vết thương trong lòng cũng không thể nào lành lặn được bởi chính mình đang làm cho nó thêm lớn mạnh hận thù. Khi rơi vào trạng thái khổ đau quá lớn ta hay trách móc người thân yêu để rồi gặm nhắm nỗi đau mà than thân trách phận, không tự tìm ra lối thoát. Ta tự chấp nhận mình là kẻ khổ đau nhất trên đời chứ không chịu cho ai kéo mình thoát khỏi vực thẳm đen tối ấy. 
 
Khi còn nhỏ dại và không đủ nhận thức sáng suốt thì em bé dễ hờn dễ khóc, nhưng chỉ cần người khác vỗ về đôi chút là trở lại trạng thái bình thường. Vậy nên ta muốn có ánh sáng bình minh, muốn vượt thoát cơn khổ đau tuyệt vọng thì ta phải làm mới lại chính mình bằng cách chịu đựng để tìm ra lối thoát. Cây khô mọc theo triền núi một khi đã sống thì dù có phong ba bão táp cũng không thể làm cây nghiêng ngã. Ta cần phải sống lại con người chân thật thuở ban đầu như trẻ thơ hồn nhiên suốt những năm tháng tuổi thơ. 

Nếu biết nhìn sâu vào nội tâm ta sẽ cảm ơn những ai đã từng làm mình dày vò, đau khổ, vì nhờ họ ta mới biết rõ năng lực trong mình còn yếu kém mà cố gắng tu tập chuyển hoá nhiều hơn. Chính nhờ những nỗi đau ấy đã làm năng lực của ta thêm thâm hậu vì đã ý thức sâu sắc về giá trị của cuộc đời mà quyết tâm làm mới lại chính mình bằng trái tim hiểu biết. Ta hãy tin chắc mọi thứ trên đời đều là vô thường, tất cả đều sẽ đổi thay và ta sẽ không còn tuyệt vọng nữa bởi trong mình đã có chất liệu của tình thương. 

Trong khoảng trời đất bao la này, tùy theo phước nghiệp của thế nhân mà có nên hình dạng sai khác; tùy theo nhận thức của mỗi người mà tạo ra thói quen để có kết quả trong hiện tại và tương lai. Cho nên, cũng đồng là người nhưng mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Mặt trời lúc nào cũng chiếu soi khắp nơi nhưng chúng sinh căn tánh có sai biệt, do đó tạo ra thiên hình vạn trạng, mỗi người mỗi cảnh. Cũng đồng là người nhưng kẻ đen người trắng, kẻ thấp người cao, kẻ tốt người xấu, kẻ được người mất, kẻ hơn người thua, kẻ thành người bại… 

Không phải ngẫu nhiên con người sinh ra có quyền cao chức trọng, giàu sang tột đỉnh hay bần cùng khốn khổ hoặc đói rét khó khăn. Khổ đau hay hạnh phúc đều do con người tạo lấy. Mỗi cá nhân bản thân tự quyết định sự sống của chính mình, không ai có quyền ban phước giáng họa để tạo ra sự hiểu lầm về kiếp nhân sinh như quan niệm của thời xa xưa cho rằng con người phải chấp nhận số phận đã an bài, trước sau như một không thể nào thay đổi được. 

Trời đã định đoạt, sắp đặt thì phải chịu thôi, nhưng trời ở đây mang ý nghĩa giá trị của luật nhân quả luôn âm thầm tác động, chi phối mọi hiện tượng sự vật trên thế gian này, làm lành được hưởng phước báu tốt đẹp, làm ác chịu quả báo khổ đau, vì thế cuộc đời sáng hay tối đều do mình tạo lấy. Mặt trời chân lý luôn soi sáng khắp nơi, soi rọi khắp mọi nẻo đường, luôn hướng đến nhân sinh và chan hòa cùng tất cả nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu cần thiết cho con người và vạn vật. 

Vì vậy mà có sự sai biệt tạo nên mỗi hình mỗi vẽ, mỗi cảnh mỗi hoa. Đạo Phật không dừng lại ở số phận hẩm hiu hay phó thác cho cuộc sống đã an bài mà mặc tình thả trôi theo dòng đời để tự mình hủy diệt chính mình rồi ngồi đó than thân, trách phận trong khi hoa vẫn nở, trời vẫn trong, mây vẫn bay, suối vẫn reo như hòa cùng khúc nhạc lòng luôn vang vọng khắp muôn nơi. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân sâu xa của nó, sáng hay tối đều do mình tạo ra.

Con người là một tài sản vô giá lớn nhất không thể nào phủ nhận được. Nếu chúng ta biết đem tài sản vô giá đó ra xài thì việc gì chúng ta cũng làm được. Một gia đình, một xã hội, một thế giới cần rất nhiều người nhiệt tình có tài năng và đạo đức, luôn vì lợi ích chúng sinh mà phục vụ thì mới có thể giúp ích cho con người, cho xã hội được một cuộc sống bình an và hạnh phúc. Do đó, việc giáo dục con người không phải chuyện dễ dàng. Điểm thiết yếu là làm sao giáo dục có văn hóa và đạo đức để mỗi người ý thức được trách nhiệm và bổn phận của chính mình. 

Vai trò giáo dục để phục vụ con người không quan trọng ở vị trí, chức danh mà phải làm sao giáo dục cho tất cả mọi người thật sự sống có ích cho tha nhân và xã hội. Giáo dục không phải lý thuyết suông mà cần phải ứng dụng thiết thực trong đời sống hằng ngày, sáng hay tối đều do con người quyết định. Nếu ta chấp nhận có một đấng siêu hình nào đó đã sắp đặt, định đoạt số phận của con người thì vô tình ta đẩy con người vào vị trí tối tăm, mất hết quyền làm chủ và cuối cùng làm nô lệ phục dịch cho đấng tối cao. 

Trong khi đó, con người có khả năng học hiểu, tư duy, quán chiếu, làm được những điều khó làm mà các loài khác không thể làm được. Điều này các nhà khoa học đã xác quyết một cách rõ ràng, nhờ sự cầu tiến của con người mà thế giới có nhiều thay đổi tốt đẹp và tiến bộ không thể ngờ. Sáng và tối luôn đan xen lẫn nhau. Khi ánh sáng có mặt thì bóng tối tự nhiên biến mất; nhưng sự tối tăm lúc nào cũng lấn chiếm ánh sáng chân lý nên tạo ra những mâu thuẫn cuộc đời với thiên hình vạn trạng.   

Thất bại hay thành công

Cũng tương tự như vậy, mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho mà do những nghiệp nhân chúng ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả hoàn tự hiện. Những nhân duyên xấu đã được tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Nhà Phật có câu: “Muốn biết quá khứ chúng ta đã gieo nhân gì thì cứ nhìn cái quả chúng ta đang lãnh trong hiện tại. Muốn biết tương lai của chúng ta ra sao thì cứ nhìn cái nhân chúng ta đang gieo trong hiện tại”. 

Tuy nhiên, nhân quả không đơn giản mà rất đa dạng, phức tạp bởi trùng trùng duyên khởi, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại có thể vì ảnh hưởng từ nhiều đời trong quá khứ, ngoại trừ những người tu hành liễu đạo mới thấy nghiệp chướng xưa nay là không.

Thật ra, thất bại là một phần rất quan trọng của cuộc sống. Khi thất bại ta sẽ thu mình lại, mặc dù bị đè nặng trong cảm giác rất khó chịu nhưng đó là cơ hội để ta nhìn lại mình rõ hơn. Ít nhất, lòng tự hào, sự háo thắng hay chủ quan trong ta cũng rơi rụng bớt. Đó là lý do các bậc trải nghiệm luôn rất lo lắng khi thấy người trẻ dễ dàng gặt hái được thành công, nhất là sự thành công vay mượn quá nhiều từ những điều kiện thuận lợi bên ngoài. 

Họ chưa thật sự nếm trải những cảm giác xấu khi thất bại, “cái tôi” của họ chưa từng bị đảo điên khi gặp khốn đốn. Sự thành công lớn của họ có thể trở thành tai họa cho chính cuộc đời họ và mọi người chung quanh. Chúng tôi đã từng chứng kiến rất nhiều người trẻ có những thành công vang dội nhưng lại mau chóng ngã đổ vì chính thái độ cống cao, ngã mạn của họ.
 
Chúng ta đã từng tự hỏi thành công là gì mà biết bao kẻ bỏ cả cuộc đời để theo đuổi thành công? Hay nói cách khác là sự thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu có, sang trọng, được mọi người trong xã hội kính trọng và nể phục. Trong quan hệ giao tiếp làm việc hằng ngày ta thường gặp những khó khăn, trở ngại, thậm chí có lúc bị thất bại nặng nề. Song, chính nhờ những thất bại đó đã làm cho ta trưởng thành hơn, giàu kinh nghiệm và ngày càng vững vàng đi tới mục tiêu lý tưởng ta đang thực hiện. Chúng ta hãy dũng cảm đối diện với thất bại, biến nó thành cơ hội tốt để từng bước đi lên. 

Chính thất bại trong hiện tại sẽ giúp chúng ta thành công trong tương lai. Ai trong chúng ta cũng đều sợ thất bại, vì thất bại có thể làm cho niềm tin của ta lui sụt vì sự mất mát, hao tốn tài sản. Người có dũng khí sẽ không thất chí nản lòng khi thất bại, họ sẽ nuôi hy vọng và có ý chí sắt đá để tiếp nối con đường họ đang đi và đã đi. Nói chung, sự thất bại nào cũng đem lại cảm xúc đau khổ, nhưng tùy theo năng lực của mọi người mà thất bại đó có thể làm họ gục ngã luôn hay không.

Thất bại có nhiều nguyên nhân, có thể do bản thân ta chưa làm đúng, thiếu kinh nghiệm, chưa thực sự nỗ lực. Thất bại cũng có thể do các yếu tố khách quan bên ngoài đưa đến. Thất bại không phải là sự kết thúc hẳn hoi mà chỉ là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại mọi thứ một cách có logic hơn. Vậy chúng ta chớ lo sợ thất bại, điều đáng sợ hơn hết là ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không biết cố gắng hết sức mình. Lời khuyên này sẽ giúp ta vững vàng trong cuộc sống. 

Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ nhỏ với cả những việc bình thường trong cuộc sống. Chỉ khi nào chúng ta biết vươn lên sau thất bại, ta mới có thể đạt được những gì mình mong muốn, thực hiện được những hoài bão, ước mơ trong tương lai. Nếu chúng ta trong khi thất bại mà lại bi quan, chán nản thì ta dễ dàng bỏ cuộc và sẽ chẳng bao giờ đạt được bất cứ thành công nào hết vì không có lập trường vững chắc. Đó là một lời khuyên chân thành để mọi người vững chí bền lòng, kiên trì không chán nản trước mọi khó khăn, thất bại. Nếu ta biết học tập, rút kinh nghiệm thì thất bại sẽ dạy cho ta cách đạt tới kết quả cao hơn trong tương lai. 

Chúng tôi chưa từng thấy bất kỳ một người thành công nào mà chưa từng trải qua thất bại. Thậm chí một số người có thể đã trải qua những thất bại cay đắng nặng nề mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, chúng ta thường học được những bài học tuyệt vời nhất của cuộc sống này thông qua từ những thất bại. Chính vì vậy, chúng ta hãy học cách chấp nhận thất bại như một phần của quá trình tiến tới thành công. Hãy rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm quý báu của sự vấp ngã để giúp ta trưởng thành hơn. Dù sao đi nữa, chúng ta sẽ thành công, hoặc chúng ta sẽ học được một bài học quý giá nào đó từ sự thất bại.

Vì sao lại có câu nói “thất bại là mẹ thành công”? Đối với người không có đủ niềm tin trong cuộc sống, họ thường hay bi quan, chán nản, khi gặp thất bại họ sẽ bỏ cuộc nửa chừng; nhưng đối với người có ý chí, họ kiên trì, bền bỉ để vượt qua cạm bẫy của cuộc đời. Sau khi thất bại, họ rút ra được những kinh nghiệm quý báu để không còn bị thất bại nữa. Ngoài ra, thất bại còn rèn luyện thêm ý chí cầu tiến và sự nỗ lực vươn lên của mỗi người. 

Chúng ta muốn không bị thất bại nữa mà đạt đến thành công thì phải lấy sự thất bại làm bài học và rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, để làm được điều đó người ta phải thật sự nỗ lực học hỏi, tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân. Có như vậy chúng ta mới không vấp ngã mà thất bại những lần tiếp theo. Tại sao chúng ta cần phải kiên trì, bền bỉ trước những khó khăn, thất bại? Đó là vì cuộc sống khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc. 

Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng lấy thất bại làm bài học để rút tỉa kinh nghiệm thì ý chí sẽ càng thêm vững vàng, kinh nghiệm của ta sẽ dày dặn hơn, ta cố gắng tiếp tục vươn lên và quyết tâm đạt được thành công như ý muốn trong tương lai.

Chữ “thất bại” đôi khi có thể khiến ta hiểu lầm là ta không được gì cả, ta hoàn toàn trắng tay. Trong khi đó, những gì ta đã gầy dựng nên vẫn còn đấy chứ có mất đâu? Những kỹ năng tập luyện, những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy cũng như những yếu tố thuận lợi bên ngoài mà ta đã cất công gom lại sẽ được sử dụng một cách xứng đáng cho công trình hay đối tượng kế tiếp. Cho nên, khi thành công ta phải hiểu sự thành công này đang đứng trên vai của sự thất bại trong quá khứ, đó chính là ý nghĩa câu nói “thất bại là mẹ thành công”. 

Không có sự thành công vững bền nào mà không được làm ra từ những thất bại nho nhỏ ban đầu. Đôi lúc trong cuộc sống chúng ta đối mặt với những khó khăn, thử thách và cần một lời động viên, an ủi nào đó để ta tiếp tục đứng lên đi tiếp. Có những lúc chúng ta cần phải chiến đấu qua những ngày tồi tệ nhất để tiến tới những ngày tươi sáng. Nếu chúng ta tin tưởng mình có thể đạt tới thành công trong nay mai thì ta càng cố gắng bền bỉ, kiên trì và nỗ lực nhiều hơn. 

Một sự thành công phải luôn hội tụ vô số điều kiện phù hợp với nó, nhưng không phải lúc nào ta cũng chủ động nắm hết mọi điều kiện vì có thể nó hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ta. Dù điều kiện quyết định sự thành công có khi nằm ngay trong ta và tưởng chừng rất dễ dàng để chế tác ra, nhưng vì thiếu kinh nghiệm và sáng suốt nên ta cũng không biết thêm bớt thế nào để tạo đủ điều kiện cho nó.

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn; nhưng có một thành công khác thầm lặng mà lại lớn lao hơn, đó là sự vất vả, nhọc nhằn của một người cha gần 20 năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao nhiêu ước mơ và hy vọng đứa con mình được vào đại học nay đã trở thành hiện thực. Ngày người con trai đậu đại học cũng là ngày người cha đã học được một khoá huấn luyện thành công. Đây cũng là lẽ thường nhiên, vì nếu ai cũng nắm được mọi bí quyết đưa tới thành công thì con người đã không còn là con người và thế gian này đã biến thành cõi thiên đường rồi. 

Như vậy, khi sự việc bất thành
loading...