Sống an vui

Con người sống cần có mục đích và trách nhiệm

Thứ bảy, 02/07/2023 09:47

Cuộc đời mỗi người cần có mục đích đặt ra cho mình, nhưng điều cần thiết rất quan trọng đầu tiên là mục đích sống đó có lợi ích cho mình, lợi ích cho người hay không? Và suy nghĩ để đạt được mục đích đó có trong sạch hay không?

Con người sống trên trái đất này cần có mục đích và trách nhiệm đem lại cuộc sống an vui cho mình và người, không nên tạo ra những nỗi đau, những giọt nước mắt cho nhau bằng các hành động của sự thù hằn, đối nghịch. Đối với Phật giáo, con người luôn là trung tâm của việc giáo dục, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình, cuộc sống hạnh phúc hay đau khổ đều do con người quyết định, không có một thế lực thần linh nào có thể làm cho ta hạnh phúc hay đau khổ.

Trong bài kinh “Sự kiện cần phải quan sát” (kinh Tăng Chi Bộ II, 340),  Đức Phật đã chỉ rõ: “Ta là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”.

Sống có niềm tin hy vọng một cách sáng suốt trí tuệ

Chúng ta cần có tinh thần phụng sự, cống hiến sức lực và trí lực, nhớ “tứ trọng ân”, “lục hoà” để sống và làm việc vì lợi ích của cộng đồng.

Chúng ta cần có tinh thần phụng sự, cống hiến sức lực và trí lực, nhớ “tứ trọng ân”, “lục hoà” để sống và làm việc vì lợi ích của cộng đồng.

Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả mọi sự vận động từ thiên nhiên, vũ trụ vạn vật đều tuân theo quy luật “nhân quả”. Từ đó, con người ý thức được mọi việc làm, lời nói và hành động sao cho đúng. Trên cơ sở đó, giáo dục Phật giáo giúp con người sống có mục đích và trách nhiệm, phát huy và làm những điều thiện lành, rèn luyện đạo đức và nhân cách, cống hiến xây dựng cho bản thân, gia đình và xã hội tốt đẹp hơn, giảm thiểu những nhân tố đưa đến sự bất hạnh và khổ đau.

Đức Phật khuyên không nên sống một đời sống buông thả, phóng dật, mà phải nỗ lực, tinh tấn đúng với pháp và luật, biết vươn lên đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Không phóng dật, đường sống,

Phóng dật là đường chết.

Không phóng dật, không chết,

Phóng dật như chết rồi”

(kinh Pháp Cú, kệ số 21)

Chúng ta luôn phải tự quán xét lấy mình, cảnh tỉnh mình một cách thận trọng với từng lời nói hành động và suy nghĩ, có thái độ chịu trách nhiệm với bản thân về lời nói cũng như việc làm, không che giấu lỗi lầm, biết xin lỗi nếu phạm lỗi với người, vượt qua cái tôi, sự hèn nhát của bản thân. Đức Phật khuyên đối với những việc làm nơi thân, khẩu, ý, cần luôn phản tỉnh, xem xét đó là thiện hay bất thiện. Nếu là thiện thì học tập, phát huy tăng trưởng lên, còn bất thiện thì phải tinh tấn, dũng mãnh diệt trừ chúng. Chỉ khi thực hành phản tỉnh việc làm của mình như vậy dần dần chúng ta mới tiến đến đời sống có trách nhiệm với bản thân, phù hợp với nếp sống văn hoá, nhân văn. Trong kinh pháp cú đức Phật chỉ ra rằng:

“Ý dẫn đầu các pháp,

Ý làm chủ ý tạo,

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động

Khổ não bước theo sau

Như xe chân vật kéo”

(kinh Pháp Cú, kệ số 1)

Cuộc đời mỗi người cần có mục đích đặt ra cho mình, nhưng điều cần thiết rất quan trọng đầu tiên là mục đích sống đó có lợi ích cho mình, lợi ích cho người hay không ? Và suy nghĩ để đạt được mục đích đó có trong sạch hay không? Vì theo đức Phật thông thường người ta phải suy nghĩ trước rồi sau mới làm. Nếu một tâm ý bất thiện, chứa đựng điều ác thì kéo theo sau sẽ là những lời nói và hành động không thiện lành, đầy rẫy tham sân si, đem lại khổ đau. Ngược lại, với tâm ý thiện lành đi trước sẽ dẫn đến lời nói và hành động tốt đẹp.

“Nếu với ý thanh tịnh

Nói lên hay hành động

An lạc bước theo sau

    Như bóng không rời hình”

 (kinh Pháp Cú, kệ số 2)

Giáo dục trong Phật giáo giúp con người sống có mục đích, đó chính là nếp sống đạo đức với tâm ý trong sạch và tu tập trí tuệ để được bình an trong cuộc đời với những biến đổi vô thường. Đồng thời, Phật giáo định hướng con người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, mỗi người luôn cải thiện mình trở nên một con người thiện lành, có tâm từ bi hỷ xả, bao dung độ lượng, giữ gìn ngũ giới. Đối với gia đình, vợ chồng sống chung thuỷ, có trách nhiệm, bổn phận, yêu thương gắn kết các thành viên. Đối với xã hội, chúng ta cần có tinh thần phụng sự, cống hiến sức lực và trí lực, nhớ “tứ trọng ân”, “lục hoà” để sống và làm việc vì lợi ích của cộng đồng.

loading...