Góc nhìn Phật tử

Con nuôi người phụ nữ mù giành học bổng một tỷ đồng

Chủ nhật, 29/07/2022 01:24

Nhận tin báo con trai đoạt học bổng một tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Bảnh mừng nhưng rớm nước mắt vì sẽ phải xa con một thời gian dài.

Cô bé rửa bát thuê nhận học bổng 1 tỷ đồng

Đây là lần đầu tiên trong đời, người phụ nữ 70 tuổi phải xa con lâu như vậy. Bà mừng vì với suất học bổng của trường Đại học Anh quốc (BUV), con sẽ được học hành đến nơi đến chốn nhưng buồn vì sẽ không biết nương tựa vào ai.

Bà Nguyễn Thị Bảnh và cậu con trai Nguyễn Như Huyến năm 2017, trước khi căn nhà được nhà nước tu sửa, chống dột nát. Ảnh: Quỹ Khát Vọng

Bà Nguyễn Thị Bảnh và cậu con trai Nguyễn Như Huyến năm 2017, trước khi căn nhà được nhà nước tu sửa, chống dột nát. Ảnh: Quỹ Khát Vọng

Bà Bảnh ở thôn Lập Ái, xã Song Giang, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh nhận Nguyễn Như Huyến làm con nuôi khi cậu được hơn tháng tuổi. Người mang thằng bé đỏ hỏn về nhà là người bà gọi là chồng, nhưng không có hôn thú. Ông vá xe đạp, bà làm nông dân, ở với nhau nhưng chẳng có con. "Người ta bỏ, mình nhận về, sau làm chỗ dựa lúc tuổi già", ông động viên vì biết bà mù một mắt, mắt còn lại thị lực còn 20%.

Huyến lớn lên, tuổi thơ gắn liền với chiếc xe đạp của bố.

Thằng bé nhặt về được nuôi lớn từ nước cơm và sữa đi xin nên còi cọc hơn trẻ đồng lứa. Mỗi lần đi vá xe hay làm đồng, người cha lại đặt con ngồi lọt thỏm vào chiếc giỏ phía trước. Bố cặm cụi làm việc, Huyến líu lo bên cạnh. Lên lớp 2 thằng bé đã biết phụ gieo mạ, cấy gặt. Lúc mệt, cậu đòi lên bờ ngồi nghỉ, nghe bố kể chuyện Tam Quốc.

"Nhiều người giỏi vậy đó. Thầy giáo cũ của bố cũng giỏi nên tên con đặt giống thầy, sau này cố học thành tài" là lời động viên cuối cùng bố nói với con trai, trước khi ông qua đời năm cậu 13 tuổi. Tới khi bố mất, Huyến mới biết mình là con nuôi. Cậu không được phát khăn tang, cũng như nhìn mặt ông lần cuối.

Cái chết của bố thay đổi hoàn toàn con người Huyến. Vốn là cậu bé ham học, điểm số luôn đứng đầu lớp, Huyến dần dần cứ co mình lại. Người mẹ mù lòa không đủ sức quan tâm con vì lo cơm ăn áo mặc cũng kiệt sức.

Chán nản Huyến bỏ học. Cậu bé 13 tuổi khi đó muốn đi làm kiếm tiền nhưng dáng người nhỏ thó chẳng ai nhận. Một lần lang thang ngoài đường, cô giáo chủ nhiệm nhìn thấy nhắc nhở "đừng để cuộc đời chôn vùi trong ba chữ ‘trẻ mồ côi’, cũng đừng sống mãi trong sự chế giễu". Cậu bé bỗng nhận ra hoàn cảnh của mình như thế, nếu không học giỏi sẽ càng bị khinh thường. Huyến quay về nhà, lôi sách vở ra ôn bài cũ.

Nguyễn Như Huyến là sinh viên duy nhất đạt được học bổng Trái tim sư tử của trường Đại học Anh quốc BUV năm 2022. Ảnh: NVCC

Nguyễn Như Huyến là sinh viên duy nhất đạt được học bổng Trái tim sư tử của trường Đại học Anh quốc BUV năm 2022. Ảnh: NVCC

Mắt bà Bảnh ngày càng kém, thị lực từ 20% xuống còn 10%, kèm thêm xương khớp đau nhức... phải dùng thuốc thường xuyên. Vào vụ mùa, biết mẹ sức yếu, sáng Huyến đi học, trưa đem cơm ra đồng làm thay, chiều lại quay về trường. Hai mẹ con cặm cụi với hai sào lúa, co kéo khéo lắm cũng chỉ đủ ăn. Họa hoằn có vụ thừa ra vài chục cân thóc, bà Bảnh lại đem bán, sắm cho con bộ quần áo mới.

Mẹ con Huyến luôn là hộ nghèo của xã. Ngôi nhà mái ngói trước khi được nhà nước tu sửa năm 2017, cứ mưa đến là dột. Cả chục chiếc chậu được cậu bé chuẩn bị sẵn, xếp đầy trên nền gạch, dưới những chỗ thủng trên mái. Mưa đến, con hứng chỗ nọ, mẹ hứng chỗ kia nhưng chẳng mấy khi kịp, trận nào trong nhà cũng ướt sũng.

Để đỡ đần mẹ, ngoài làm ruộng, Huyến còn đi chăn bò, đan khung nứa đồ hàng mã. Dù nghèo, lại mới học đến lớp 2, chữ biết chữ không nhưng bà Bảnh luôn khuyến khích con học hành, mong thay đổi số phận. Suốt những năm cấp 2, Huyến luôn đạt học sinh giỏi, lên cấp 3 cậu làm lớp trưởng, là một trong những học sinh xuất sắc của lớp.

"Với sự điều hành của Huyến, lớp từ hạng 39/39 về kỷ luật đã vượt lên lọt top 3 toàn trường năm học vừa rồi", cô Đào Thị Toan, chủ nhiệm lớp 12A12, trường THPT Lê Văn Thịnh, nơi Huyến từng theo học chia sẻ. Với cô, cậu học sinh này là một nghị lực sống, biết vươn lên số phận.

Nguyễn Như Huyến và mẹ tại trại hè của quỹ Khát Vọng, tháng 7/2022. Bà Bảnh hỏng một mắt, mắt còn lại thị lực giờ chỉ còn 10%. Ảnh: Quỹ Khát Vọng.

Nguyễn Như Huyến và mẹ tại trại hè của quỹ Khát Vọng, tháng 7/2022. Bà Bảnh hỏng một mắt, mắt còn lại thị lực giờ chỉ còn 10%. Ảnh: Quỹ Khát Vọng.

Người mẹ "khát vọng" của 300 đứa trẻ mồ côi

Đầu năm lớp 12, bệnh tình của bà Bảnh ngày càng nặng, tiền thuốc tăng nhiều. Huyến tính bán bê con mới sinh lấy tiền mua thuốc cho mẹ, nhưng chưa kịp bán nó lăn ra chết. Cả gia tài bỗng cuốn theo chiều gió.

Thiếu tiền, cậu học sinh cuối cấp xin phục vụ ở quán cà phê ngoài huyện, cách nhà 3 km. Sáng chiều đi học, tối Huyến lại đạp xe đến quán làm từ 19h đến 23h. Về nhà, tắm rửa ăn cơm rồi ngồi vào bàn học đến 2h sáng. Những ngày đầu làm việc liên tục, ngồi vào bàn là cậu bủn rủn chân tay, chỉ muốn buông bút. Mỗi lần như vậy, Huyến lại mở điện thoại, đập vào mắt là bức ảnh nền ghi dòng chữ "Phải cố gắng, không lùi bước". Dòng chữ đó Huyến viết ra giấy rồi chụp lại, nhằm nhắc nhở bản thân, dù khó khăn cỡ nào cũng không buông xuôi.

Cuối năm lớp 12, được sự hỗ trợ của quỹ Khát Vọng, Huyến nộp hồ sơ xin học bổng Trái tim sư tử của Đại học Anh quốc tại Việt Nam. Trong bài luận gửi tới trường, Huyến nói về ước mơ lớn nhất của mình là thay đổi tương lai, mang đến cho mẹ cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc hơn. "Để làm được điều đó, tôi biết mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Đó cũng là động lực duy nhất để tôi tự rèn giũa bản thân ở thời điểm hiện tại", chàng trai 18 tuổi viết.

Cuối tháng 7, Huyến đến Hưng Yên chuẩn bị nhập học, chỉ còn mình bà Bảnh ở nhà. Nhiều lúc thấy sức khỏe yếu nhưng bà chẳng dám gọi con, một phần ngại nhờ điện thoại hàng xóm, phần nữa biết mẹ ốm Huyến lại bắt xe về, ảnh hưởng tới việc học. Con trai biết, trách mẹ, hứa thời gian tới vừa đi học vừa đi làm tích góp mua cho bà chiếc điện thoại cũ.

"Khi nhớ hay mệt, mẹ đều phải gọi con. Giờ, con chỉ còn mẹ là người thân duy nhất trên đời", cậu căn dặn.

Hải Hiền

Nguồn: VnExpress

loading...