Chùa Việt

Đá cổ chùa Phúc Duyên

Thứ sáu, 03/09/2015 06:00

Chúng tôi có dịp trở lại chùa Phúc Duyên thuộc thôn Nghi Khê, xã Tân Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương vào những ngày cuối tháng đầu tháng 9. 3 giờ chiều, cảnh vật nơi đây đã có phần dịu mát sau những ngày nóng nóng oi nồng. 

Đây là lần thứ ba chúng tôi có dịp trở về chùa Phúc Duyên. Khác với hai lần trước, lần đến chiêm bái này chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay rõ nét cảnh vật nơi đây. Từ con người đến cảnh sắc của ngôi chùa cổ được xếp hạng di tích Quốc gia vào năm 1996. Hai lần trước đến chiêm bái, chúng tôi phải đi qua cổng chính, qua ngôi Tam bảo với vào được khuôn viên chùa. Còn lần này thì khác….
 
Đẩy chiếc cổng khép hờ mới được làm kiên cố là một thế giới của nhà Phật. Con đường đất ngày nào nay đã được thay bằng những tấm đá cổ rêu phong rầy cộp với mặt đá xù xì đượm màu thời gian. Ngước mắt lên nhìn về phía trước, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn khi toàn bộ khung cảnh, từ tường bao hai bên đến góc vườn, gốc cây đều có đá cổ. 

Đi trên con đường mới làm dẫn vào phòng khách, chúng tôi thấy bà chùa đang quét dọn khu vực nhà Tổ. Qua câu chuyện xã giao chào hỏi, chúng tôi được biết hôm nay Đại đức Thích Thanh Hải, trụ trì chùa đi làm công tác phật sự ở làng bên, có lẽ tối Thầy mới về tự viện.

Xin phép bà chùa đi thăm quan khu vực đá cổ mà nhà chùa mới dày công tạo dựng. Theo bà chùa cho biết: Khu cổng mới mở và con đường mới mở bây giờ chính là khu nhà văn hoá thôn Nghi Khê cũ. Đầu năm 2015, sau khi nhà chùa và địa phương thống nhất chuyển nhà văn hoá sang khu bên cạnh để trả lại khuôn viên cho chùa. Đại đức Thích Thanh Hải đã cho xây dựng nhà Bia tưởng niệm ghi dấu cách mạng. Đồng thời mở thêm cổng phụ để dẫn vào chùa. Ngày trước mỗi khi đi làm phật sự tại các địa phương, thấy ở đâu có đá vất đi hoặc bỏ không, sư Thầy đều bỏ tiền hay xin về chùa để gia cố bờ kè cho chắc chắn. Sau đó, nhân dân địa phương nhà nào còn đá cổ, trục cổ đều mang công đức và cúng dường cho chùa. Khi biết nhà chùa có ý định làm con đường mới mở bằng đá, các phật tử mọi nơi ai cũng hoan hỉ mang đến cho chùa.
 
 
Theo quan sát của chúng tôi, trong khuôn viên chùa Phúc Duyên có trên 1000 đá cổ khác nhau. Các loại đá cổ ở đây đủ các loại, từ đá phiên, đá trục, trục đá, đá tảng, cối đá có đủ hình thù được lựa chọn sắp xếp phù hợp với cảnh vật và góc độ khác nhau. Nếu như những tấm đá phiên được lựa chọn làm đường đi, những cối đá được để hai bên đường vào thì những trục đá được đặt cạnh những gốc cây theo các thế khác nhau. Tất cả những tấm đá này có từ thời phong kiến, phải gia đình nào khá giả, làng nào có điều kiện mới mua được loại đá này. Các làng mua về trải đường đi, các gia đình có thể kê bậc cầu cao, làm trục lúa, cối xay gạo, kê cột nhà, thậm chí làm giường ngủ. Khi xã hội ngày càng phát triển, ao hồ dần bị lấp đi, các gia đình đã bỏ thói quen dùng nước giếng, nước ao hồ, các con đường được trải nhựa, đổ bê tông và các nhà xây kiên cố thay dần những ngôi nhà gỗ, nhà tre, thì các loại đá này được các gia đình, các làng quê cúng tiến cho chùa. 

Trở lại với đá cổ chùa Phúc Duyên, chúng tôi còn cảm nhận được trong khuôn viên của chùa không chỉ có đá cổ, mà còn diện diện những đồ sành, sứ, những chum, chậu, am, lọ cổ ngày xưa. Từng chiếc lọ, chiếc chum có màu xám, màu nâu, màu vàng nhạt của thời gian được sư thầy chuyển về đây. Nếu như trong những chiếc chum kia không trồng cây thì lại được bài trí hợp lí hài hoà tạo cho cảnh vật của khuôn viên gần gũi với thiên nhiên. Đi dọc con đường chính mới mở từ cổng dẫn tới khu vườn Tháp của chùa là không gian tĩnh mịch, thanh tịnh và trong lành. Đây là khu an nghỉ của những quý Thầy đã viên tịch trụ trì chùa một thời. Các lăng Tháp phủ rêu xanh với những hàng gạch đượm màu thời gian như một minh chứng lịch sử về chùa.
 
 
 
Ngồi dưới khu nhà tưởng niệm mới được Đại đức Thích Thanh Hải cho xây dựng vào đầu tháng 5 với xung quanh là đá cổ. Chúng tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa câu nói:

Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Hoá ra, chính tại chùa Phúc Duyên này, lại là nơi nuôi dấu cán bộ Việt Minh, là nơi cơ sở cách mạng hoạt động và là nơi đã diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Tứ Kỳ lần thứ II. 

Càng về chiều, không gian tự viện Phúc Duyên đẹp như một bài thơ trữ tình, đậm hồn quê Việt. Những cơn gió mát mùa thu trong lành thổi về qua chiếc hồ to gợn sóng cạnh chùa, những người trong làng đang ngồi trò chuyện cạnh hồ ao sau một ngày lao động vất vả. Và xa xa tiếng hát của các bé trường mầm non của xã đã ngân vang cho buổi chiều học tập. Cùng lúc này, từng dòng người trong thôn ngoài xã đang từ các ngả đường trở về khu chợ cạnh cổng chùa để mua bán, trao đổi hàng hoá. Có lẽ chợ quê bao đời nay vẫn là nơi giao thoa văn hoá làng xã nhiều nhất, là nơi để tất cả mọi người gặp nhau trao đổi những câu chuyện không đầu, không cuối và chuẩn bị cho mình những con cua, mớ tép, mớ ốc về nấu ăn buổi chiều. 

Khép cánh cổng của ngôi chùa, chúng tôi có dịp dạo quanh khu chợ quê trước cổng chùa Phúc Duyên. Từ già, trẻ, trai gái ai cũng tất bật đến mua hàng để về chuẩn bị lo bữa cơm chiều cho gia đình. Những hàng quán mọc nên sát nhau theo hàng lối… và kia chúng tôi còn nhận ra những tảng đá to xù xì cũng có mặt ở nơi đây. Thay vì mang ghế ra bán hàng và đóng sạp bày hàng. Những người bán hàng nơi đây đã tận dụng những tảng đá để làm ghế, làm bàn bày trên đó nhiều mặt hàng khác nhau. Người mua kẻ bán đông đúc và rộn vang một góc làng quê. Nếu như ngoài cổng chùa là sự sôi động của chợ chiều, thì trong chùa Phúc Duyên lại yên ắng, tĩnh mịch đến lạ kỳ. Từ gốc cau, gốc trầu không đến những gốc cây liễu rủ bóng cũng có sự hiện diện của đá cổ. Thế mới thấy dù cuộc sống này ngày càng phát triển đi lên, nhiều thứ hiện đại mang lại cho chúng ta sự tiện lợi trong cuộc sống, nhưng những thứ của thời cha ông, mang bản sắc văn hoá thuần Việt vẫn không thể thiếu được trong đời sống văn hoá tinh thần. 
 
Mùa thu đã về nhuộm thắm một màu xanh vàng của cỏ cây hoa lá. Nhuộm thắm hồn quê qua đá cổ chùa Phúc Duyên. Hãy trở về với mảnh đất xứ Đông, hãy trở về với ẩm thực rươi Tứ Kỳ nổi tiếng và đến chiêm bái, thả hồn vào không gian cổ kính của tự viện Phúc Duyên để cùng ngắm đá cổ rêu phong một thời.

Đức Tuỳ
loading...