Hỏi - Đáp

Đại thừa và Tiểu thừa: Phái nào cao siêu hơn?

Thứ bảy, 17/08/2022 01:33

Câu hỏi: Tại sao một số kinh điển Đại Thừa lại không nằm trong Tam Tạng (Tripitaka), mặc dù chúng cũng là lời của Phật (như thị ngã văn), như Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm…?

Sự chia rẽ giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa trầm trọng ở mức độ nào? Sao bên nào cũng tự nhận là đi đúng đường và cao siêu hơn? Và tại sao Phật từng nói trong Kinh Pháp Hoa, Đại Thừa là hạt giống rắn chắc, khác với Tiểu Thừa là hàng thấp thỏi, trình độ kém, như vậy Phật đã xếp hạng giữa hai phái, vậy mà Tiểu Thừa vẫn tự nhận là Nguyên Thuỷ đúng lời Phật dạy?

Xin đa tạ quý Thầy và đạo hữu.

Trần Thanh.

Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đều đã nhanh chóng đi vào lòng người, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, hưởng ứng và gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của quốc gia, dân tộc.

Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa đều đã nhanh chóng đi vào lòng người, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, hưởng ứng và gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của quốc gia, dân tộc.

Trả lời:

Phật tử Trần Thanh mến,

Trước nhất, chân thành gởi lời tán thán tinh thần học hỏi giáo pháp của Phật tử. Sư chân thành cảm ơn Phật tử đã đặt vấn đề, nhân đó mà vài quan điểm nhỏ của người viết được trình bày.

Người viết xin trả lời ngắn gọn cho Phật tử.

1. Kinh điển Đại Thừa chắc chắn có mặt trong Tam Tạng (Tripiṭaka) dù ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hoặc Tây Tạng.

2. Sự chia rẽ giữa Đại thừa và Tiểu thừa trên bình diện tư tuởng khá mạnh, thậm chí có một số Kinh được xếp vào lời Phật thuyết của Đại thừa hoặc trong sử của Nam truyền vẫn còn mang dấu tích chê bai, đả kích lẫn nhau. Nhưng trên bình diện sinh hoạt vào những giai đoạn sau, sự căng thẳng của hai truyền thống đã giảm lần, tiến tới có những điểm chung và tu học chung trong cùng một khu vực.

3. Bên nào cũng đi đúng đường và cao siêu cả, nếu các vị thực hành đúng chánh pháp theo lời Phật dạy. Ngược lại, bên nào cũng đi không đúng đường vì không giữ giới luật và không thực hành những lời Phật dạy, không sống trong tinh thần chia sẻ, quý trọng và thương yêu lẫn nhau.

4. Căn cơ chúng sanh bất đồng, trong truyền thống Đại thừa vẫn có người vô trí và trong Thượng toạ Bộ vẫn có những bậc lợi căn, không thể nào nói Đại thừa là căn cơ cao, còn bên Thượng toạ Bộ là hạng chúng sanh có căn cơ thấp kém.

Điều cốt yếu trong khi học hỏi giáo pháp là “y nghĩa bất y ngữ”, nghĩa là nên hiểu cốt tuỷ, tinh thần của giáo pháp mà tu tập, không nên chấp trước trên ngôn ngữ văn tự. Tu hành cao siêu hay thoái đọa không phải do tu theo Đại thừa hay Tiểu thừa, mà chính yếu là do gột rửa những cặn bã trong tâm hay không.

Chúc Phật tử Trần Thanh an vui và tinh tấn hơn nữa.

loading...