Sách Phật giáo

Đạo Phật với thanh thiếu niên

Thứ bảy, 07/10/2013 08:25

“Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Tăng tài là pháp khí của thiền gia” Thế nhưng nhìn lại công việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn thanh thiếu niên những người chủ tương lai của dân tộc, những mầm non của đạo pháp như thế nào?

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”. Bất cứ thời đại nào thanh thiếu niên cũng là mầm non tương lai của tổ quốc và dân tộc, đạo Phật cũng thế. Bởi vì thanh thiếu niên là lực lượng góp phần duy trì và phát triển đất nước và đạo pháp. Do đó công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ nhất là đối với thanh thiếu niên là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất cần thiết. Nhưng hoằng pháp cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ khó khăn đầy thách thức, không chỉ bởi sự hạn chế tự thân của ngành hoằng pháp, mà còn đến từ xã hội ngày càng phát triển nhanh chóng với nhiều xu hướng văn hóa đa dạng, phong phú và tâm linh khác nhau. 

 

1.-THỰC TRẠNG  THANH THIẾU NIÊN HIỆN NAY

Trong thời đại mới hiện nay - thời đại văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh, văn hóa được nâng cao, nhất là công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đã làm cho đời sống vật chất,  tinh thần của con người ngày càng cao hơn. Thực trạng đáng mừng là thanh thiếu niên ngày nay có trình độ học vấn cao, có hiểu biết đa dạng, phong phú, nhất là về khoa học, kỹ thuật... Quan niệm phong kiến đã được xóa bỏ tận gốc, nhu cầu tự khẳng định bản thân, vai trò cá nhân được đề cao, hết sức coi trọng, đây  là một tiến bộ lớn, tạo cơ hội cho tuổi trẻ có điều kiện sáng tạo và phát triển.

Rất đáng tiếc, nhận thức giá trị đạo đức của thanh thiếu niên hiện nay  đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, đa số coi trọng vật chất, kéo theo đó là cả một hệ lụy tiêu cực. Hơn nữa, thanh thiếu niên ngày nay, chạy theo lối sống hưởng thụ, cầu an, vọng ngoại, lai căng… mà họ cho là hợp thời, sành điệu, bỏ qua những giá trị truyền thống, đạo đức là nền tảng cơ bản của con người.

Thanh thiếu niên hiện nay đang đi tìm chỗ đứng cho chính mình trong sự tấn công của các nền văn hóa khác biệt, các cám dỗ tha hóa ngày càng hấp dẫn, sự kích thích bản năng ngày càng mạnh và tinh vi. Đồng thời, sự tự khẳng định mình là một mục tiêu mà rất đông bạn trẻ thời đại hướng đến. Coi đó như là ưu thế của tuổi trẻ. Nhưng tự khẳng định theo hướng nào? Có người ăn chơi bừa bãi để tự khẳng định mình, hút thuốc uống rượu, hành động bạo lực… cũng để tự khẳng định mình. Thật sự là một mối nguy lớn cho các bậc làm cha mẹ và những nhà xây dựng, quản lý xã hội.

Một trong những vấn nạn xã hội hiện nay ở thanh thiếu niên là bạo lực học đường, trước nay nạn bạo lực chỉ ở tầng lớp thanh thiếu niên ít học, thành phần lao động, hoặc những con người tha hóa khác… nhưng ngày nay bạo lực đã đi vào nơi "trồng người", biểu hiện ở những con người được coi là hiền lành, thông minh, có học.... Một giáo sư của Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu: "Bạo lực học đường nổi lên như một vấn nạn mới của giáo dục Việt Nam, khiến dư luận hết sức quan tâm. Nhiều cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trên báo chí nhằm ngăn chặn sự lan tràn của hiện tượng này". Thông thường chúng ta quy trách nhiệm cho gia đình, nhà trường với luận điểm: các em còn nhỏ, tuổi còn trẻ chưa đủ hiểu biết và kinh nghiệm. Vấn đề tính cách của cá nhân ít người quan tâm đến; tính cách thì được hình thành bởi sự giáo dục của cả xã hội. Một xã hội mà giá trị vật chất được tôn vinh, sự giả dối được coi là sự thành công… thì nhân cách của con người đã bị lệch lạc vì bị các giá trị phổ biến của xã hội ảnh hưởng. Những giá trị đạo đức được dạy bởi gia đình và học đường sẽ bị vô hiệu hóa vì những giá trị ấy không có ý nghĩa  trong vận động của xã hội.

Thực trạng đạo đức thanh thiếu niên học sinh – sinh viên hiện nay đáng báo động, các chuẩn mực đạo đức của giới trẻ dã đến mức đáng lo ngại, còn đâu nữa “Tiên học lễ hậu học văn” “Giấy rách phải giữ lấy lề” hoặc  “Đói cho sạch rách cho thơm”….

 

2.- NHIỆM VỤ HOẰNG PHÁP CHO THANH THIẾU NIÊN HIỆN NAY

“Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người đệ tử Phật, đặc biệt đối với công tác Hoằng pháp..

Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa Thiền môn hưng thịnh do Đàn việt hộ trì”.

Phật pháp không thể xương minh nếu không có hình ảnh tôn nghiêm, khả kính của chư vị tôn đức Tăng già. Tự viện không thể nào phát triển nếu không có những đàn na tín thí thành tâm ủng hộ.

Ai cũng biết rằng

“Nhân tài là nguyên khí quốc gia. Tăng tài là pháp khí của thiền gia” Thế nhưng nhìn lại công việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn thanh thiếu niên  những người chủ tương lai của dân tộc, những mầm non của đạo pháp như thế nào?

Mặc dù trong những năm qua Ban Hoằng pháp của giáo hội đã có những thành quả bước đầu trong việc hoằng hóa quần mê thật đáng trân trọng. Tuy nhiên phần lớn chúng ta vẫn chỉ quan tâm đến bộ phận người cao tuổi, còn lớp trẻ mặc dù đã có những trại huấn luyện, trại hè, những khóa tu mùa hè, một ngày tâp tu, một tuần tập tu, khóa tu thiền, niệm Phật v.v…nhưng đa phần thanh thiếu niên vẫn chưa được tiếp cận với Phật pháp. Thực tế này phát xuất từ nhiều yếu tố khách quan trong cuộc sống hiện thực: cha mẹ chưa nhận thức đúng đắn về việc hướng dẫn con cái về với đạo pháp, chưa quan tâm giáo dục, dìu dắt con cháu đi chùa, lễ Phật, tìm hiểu giáo lý Phật đà.

Hơn nữa nội dung hoằng pháp của giáo hội cũng chưa lôi cuốn, hấp dẫn đối với thế hệ trẻ, chưa đáp ứng nhu cầu tâm sinh lý của thanh thiếu niên như cần cơm ăn, áo mặc, nước uống… Những vấn đề ứng dụng Phật pháp trong đời sống hàng ngày như: dạy làm người, mối quan hệ trong  tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, quan hệ nơi công sở, đồng nghiệp, bạn bè, lý tưởng sống , kỹ năng sống…còn nhiều vấn đề đòi hỏi chúng ta cần quan tâm hơn nửa.

3.- MỘT SỐ Ý KIẾN ĐỀ XUẤT VỀ CÔNG TÁC HOẰNG PHÁP ĐỐI VỚI THANH THIẾU NIÊN

- Trước mắt Ban Hoằng pháp nên có kế hoạch dài hơi về nội dung, chương trình  thường xuyên giáo hóa thế hệ trẻ để mưa lâu, thấm dần. Bởi vì: “Thân cận thiện hữu như vũ lộ trung hành, tuy bất thấp y thời thời hữu nhuận, ác tập ác giã trưởng ác tri kiến” Đó là gần gũi bạn lành như đi trong sương  đêm, tuy chẳng ướt áo, nhưng lâu ngày sẽ thấm. Tiếp xúc với người ác sẽ dễ làm theo việc ác.

- Theo Tam tự  kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Bổn tính ban đầu của con người là  thiện. Trẻ mới sinh ra như tờ giấy trắng  “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Một đứa trẻ nếu còn nhỏ ham bắt bướm, bắn chim, câu cá, lớn lên sẽ dễ dàng giết hại sinh mạng súc vật và con đường dẫn đến giết người rất gần nếu như không có biện pháp giáo dục tốt kịp thời uốn nắn..

- Vì thế nếu giới trẻ được thường xuyên học tập Phật pháp, được tiếp xúc nhiều với đạo pháp, được Ban Hoằng pháp tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục để thế hệ trẻ nên người. Bởi vì trong mỗi con người luôn luôn có đầy đủ hai phần: phần con (bản năng, thú tính) và phần người (lý trí). Nếu thanh thiếu niên được giáo dục chu đáo, phần lý trí vượt trội - con người  sẽ thăng hoa, (Thẳng chân mà bước, ngẩng đầu mà đi).  Bằng không, con người sẽ trở về với phần con (bản năng, thú tính), sẽ đi bằng bốn chân, tai hại thật không lường!

- Các chùa cần tổ chức Gia đình Phật tử, sinh hoạt văn nghệ, sử dụng âm nhạc, thiết lập sân chơi bổ ích, lành mạnh, thu hút giới trẻ. Chuyển thể kinh Pháp cú từ dạng thơ kệ qua dạng bài hát, đều là những phương pháp hoằng pháp cho thanh thiếu niên đem lại hiệu quả cao. Tổ chức Tết Trung thu để khen thưởng cho con em đồng bào, Phật tử học giỏi, tổ chức khen thưởng cho con cháu Hiếu thảo vào ngày Vu lan báo hiếu… có như thế mới từng bước đưa thanh thiếu niên trở về với cửa chùa.

- Nhà thơ Rasul Gamzatov của Nga đã từng viết trong cuốn “Dagestan của tôi” một câu được đưa lên tầm thành ngữ: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ đáp trả anh bằng đại bác”.

Câu nói như một triết lý luôn nhắc nhở mọi  người hãy giáo dục thế hệ trẻ hiểu về những giá trị đạo đức, lịch sử của cha ông, sống đúng truyền thống đạo đức của tiền nhân làm tiền đề để vươn tới tương lai. Nếu ngày nay chúng ta không quan tâm giáo dục thanh thiếu niên đúng mức, nên người,  thì tương lai giới trẻ sẽ  phụ bạc, tệ hại hơn rất nhiều lần.

 

4.- LỜI KẾT

Đạo Phật rất quan tâm đến việc giáo dục thanh thiếu niên. Trong Kinh Thiện Sanh, đức Phật đã dành những lời giáo huấn cho chàng thanh niên giàu có Yasa con một trưởng giả.

Đệ tử của đức Phật, ngoài năm anh em Kiều Trần Như là những người cao tuổi và có mối quan hệ đặc biệt với Ngài, thì người thanh niên đầu tiên được đức Phật hóa độ là chàng thanh niên giàu có Yasa. Đức Phật đã dạy cho Yasa đạo lý: "Đời có những mặt khổ đau và cũng có những mặt mầu nhiệm. Dục lạc lôi cuốn thì đau khổ, không bị dục lạc lôi cuốn thì thân tâm an ổn và tiếp nhận được thế giới chân thực chứ không phải ảo ảnh như thế giới của dục lạc. Khổ đau không phải là bản chất của đời sống, khổ đau là do thái độ sống và cách nhìn sai lạc về cuộc đời". Yasa cảm động xin xuất gia, những người bạn thân của Yasa nghe Yasa đi tu họ cũng xuất gia, đều là những chàng trai trẻ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, khoảng 54 vị. Như vậy, 60 người là con số giáo đoàn đầu tiên ở vườn Lộc Uyển, gồm 55 người là trẻ tuổi. Những vị Tỳ kheo ấy, bắt đầu chuyển bánh xe Pháp, với sức khỏe và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các vị ấy đã thành công trong việc mở rộng ánh đạo Trí tuệ và Từ bi.

Tóm lại, sự giác ngộ nhanh chóng, mạnh mẽ phải ở thanh thiếu niên. Sự hoạt động truyền giáo hoằng pháp mạnh mẽ và hiệu quả cũng  ở nơi tuổi trẻ. Và giáo lý Phật dạy rất phù hợp với thế hệ trẻ. Thanh thiếu niên, giới trẻ ngày nay có thể thực hành giáo lý của Phật dạy để xây dựng bản thân, gia đình, xã hội và đạo pháp… Chúng ta nhớ rằng: “Mạc đãi lão lai phương học Đạo. Cô phần đô thị thiếu niên nhân(Chớ đợi đến già mới tu học. Mồ hoang nghĩa địa lắm đầu xanh).

Trí Bửu - Tham luận tại Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 tại Bình Dương

 
loading...