Góc nhìn Phật tử

Dòng đời cứ thế trôi nhưng mái chùa còn đó

Chủ nhật, 15/02/2020 05:21

Dù đi đâu, về đâu, mái chùa vẫn là nơi nâng đỡ cho bước chân của bạn, nơi chấp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa của bạn, dù có phương trời nào đi chăng nữa.

> Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về chùa Việt tại đây  

Vì đó là nơi mà bạn đã được trau dồi những nếp sống đạo đức, những nét đẹp văn hoá dân tộc, những bài học từ đơn giản nhưng sâu sắc từ người Thầy.

Chùa xưa – nơi những hàng kinh vang vọng

Chùa xưa – nơi những hàng kinh vang vọng

Dù đi đâu, về đâu, mái chùa vẫn là nơi nâng đỡ cho bước chân của bạn, nơi chấp cánh cho những ước mơ bay cao bay xa của bạn, dù có phương trời nào đi chăng nữa. Vì đó là nơi mà bạn đã được trau dồi những nếp sống đạo đức, những nét đẹp văn hoá dân tộc, những bài học từ đơn giản nhưng sâu sắc từ người Thầy.

Tôi còn nhớ cái thưở Tuệ Tâm làm chú Tiểu ở chùa, chú thường phụ trách chấp tác khu vườn bên hữu Chánh điện, cứ tầm năm rưởi sáng sau thời công phu khuya và điểm tâm là chú lại cầm cây “chủi rành cùn” quét nơi khu vườn đó. Khu vườn đó chúng tôi thường gọi là vườn Lâm Tỳ Ni. Khi quét lá ở vườn chú vẫn thường tâm niệm rằng: “Cần tảo già lam địa, thời thời phươc tuệ sanh, tuy vô nhân khách đáo, nhược hữu Thánh nhân hành”. Sự chấp tác đó, việc quét lá đó không phải đơn thuần là quét những chiếc là vàng rơi rụng, mà còn là sự hành trì, nuôi nấng tâm niệm trong mỗi con người. Khi bạn đi vào dòng đời, bạn sẽ thấy nó quan trọng và ý nghĩa như thế nào. Đôi lúc làm một việc gì đó, không quan trọng là người chứng tri hay mình đạt được thành tựu gì đó, mà quan trọng là, nó giữ ngọn lửa tinh tấn trong bạn, đừng bao giờ chú trọng bạn đi bao xa, bao lâu, mà hãy nhớ rằng, giữ sự tiến bộ mỗi ngày, dù nó là chậm đi chăng nữa.

Thưở nhỏ Tuệ Tâm rất ít có cơ hội đi chùa, chú thường đi chùa vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng.  Bạn biết đó, nói thì bạn nghe có vẻ đơn giản, nhưng đó là nếp sống văn hóa của người Việt hàng ngàn năm nay, đặc biệt là Phật giáo ở miền Trung, người dân trong làng thường đi chùa vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng; hơn nữa, họ còn đi Tịnh độ vào ba tháng hạ ở chùa quê, nơi mà họ đang sinh sống. Nhờ vào nhân duyên đó, chú Tuệ Tâm mới được đến chùa và gieo duyên với Tam bảo. Đó cũng là một nhân duyên hết sức tốt đẹp và quan trọng, bước ngoặt lớn đối với chú Tuệ Tâm.

Tôi chợt nhớ đến câu thơ của Hoà thượng Mãn Giác trong bài thơ Nhớ chùa:

“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng

Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”

Tiếng chùa. Tiếng chùa chung. Tiếng chùa vẫn còn vang vọng trong tâm khảm chú Tuệ Tâm kể từ ngày chú “rong chơi nơi phương trời ngoại”. Cái ngày mà chú rời chùa để tìm kiếm những tri thức mới, những trải nghiệm tu tập mới, cũng như những thử thách mới trên con đường học và thực hành lời dạy của Đức Phật.

Chùa Từ Lâm –Tp. Huế

Chùa Từ Lâm –Tp. Huế

Có lần chú ngồi hàn thuyên với một cậu người Bhutan. Cậu ấy tâm sự rằng, ở đất nước chúng tôi, chính phủ chăm lo và miễn phí về lãnh vực giáo dục và y tế. Có nghĩa rằng, người dân không cần phải trả chi phí cho việc học và y tế, đều đó còn đồng nghĩa chính phủ đất nước Bhutan chú trọng về lãnh vực giáo dục và y tế sức khoẻ cộng đồng. Bạn có biết vì sao không? Vì đất nước Bhuttan là một đất nước Phật giáo, toàn thể người dân thực hành, và ứng dụng lời dạy của Đức Phật trong tất cả các lãnh vực. Đó cũng là lý do tại sao Bhutan là đất nước hạnh phúc nhất. Trong khi các nước trên thế giới lấy GDP (Gross Domestic Product) để là thước đo cho sự phát triển, thì đất nước Bhutan lấy chỉ số GNH làm tiêu chuẩn và mục đích cho sự phát triển đất nước. GNH viết tắt cho Gross National Happiness, nghĩa là hạnh phúc cho toàn dân tộc, hạnh phúc cho số đông. Đó cũng là tinh thần cốt lõi của Phật giáo, vì an lạc và hạnh phúc cho số đông.

Mái chùa vẫn còn đó, dù có thay đổi theo thời gian, hay là để hoàn thiện, tốt đẹp hơn đi chăng nữa. Mái chùa xưa vẫn ở đó, vẫn là nơi in bóng người xưa, nơi vang vọng tiếng chuông trong veo giữa đêm trường tĩnh lặng, nơi mà những hàng kinh ngân nga, in dấu trong những cuốn tập cũ, nơi mà mỗi khi người con đi xa luôn muốn trở về.

(*) Tác giả hiện là NCS tại Đại học Nalanda, Ấn Độ.

loading...