Trong nước

Đồng Tháp: Lễ giỗ Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng tại chùa Phước Hưng

Thứ sáu, 10/03/2023 03:34

Môn đồ đệ tử đã trang nghiêm tổ chức lễ giỗ tổ tại chùa Phước Hưng, Sa Đéc (Đồng Tháp) vào sáng nay 10/3. 

Tại buổi lễ, chư tôn đức đã thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức của các chư vị lịch đại Tổ sư theo nghi lễ truyền thống của Phật giáo.

Thượng tọa Thích Chơn Trí, Phó Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Trị sự GHPGVN thành phố Sa Đéc, trụ trì chùa Phước Hưng đã tóm tắt quá trình hình thành và phát triển chùa Phước Hưng và tiểu sử Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (1881 - 1963).

Di ảnh Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (1881 -1963) tại chùa Phước Hưng

Di ảnh Hòa thượng Thích Vĩnh Tràng (1881 -1963) tại chùa Phước Hưng

Theo đó, Hòa thượng thuộc dòng Thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 40, pháp húy Hồng Tỵ, hiệu Vĩnh Tràng, thế danh Trần Văn Tỵ, sinh năm Tân Tỵ (1881) tại Lai Vung, Phủ Tân Thành, An Giang (nay huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Thân sinh Ngài là cụ ông Trần Văn Bè, vốn sinh trưởng trong gia đình trung lưu kính tin Tam Bảo.

Năm Giáp Thìn (1904), sau khi thông thạo nghề thợ Kim hoàn, sự nghiệp thành đạt, cụ thân sinh quyết định lo bề gia thất cho Ngài. Nhưng do duyên Bồ đề đã ươm mầm, vườn hoa Bát nhã đơm hoa, chí thoát trần thúc giục, Ngài khước từ việc hôn nhân và xin phép song thân cho Ngài theo lý tưởng Phật đà tìm đường giải thoát…

Lễ giỗ được Môn đồ đệ tử tổ chức trang nghiêm vào ngày 19-2 (âm lịch) hàng năm.

Lễ giỗ được Môn đồ đệ tử tổ chức trang nghiêm vào ngày 19-2 (âm lịch) hàng năm.

Bái tạ phụ thân, giã từ hiền mẫu, nhân dịp lễ tưởng niệm ngày Tổ sư Minh Thông hiệu Hải Huệ viên tịch lần thứ nhất, ngày mồng 4 tháng 8 năm này, Ngài tìm đến Bửu Lâm Cổ Tự (Chùa Tổ) rạch Cái Bèo, làng Bình Hành Trung, huyện Cao Lãnh, đảnh lễ đại lão Hòa thượng Như Liễn hiệu Phổ Lý, xin thế phát xuất gia làm Thích tử, và Ngài được Hòa thượng Bổn sư ban cho pháp danh Hồng Tỵ, hiệu Vĩnh Tràng. 

Năm Ất Tỵ (1905), sau lễ Đại tường Sư tổ Minh Thông - Hải Huệ, Ngài được thọ giới Sa Di tại Tổ đình Khải Phước Nguyên, Lấp Vò, do Thiền sư Như Khả - Chân Truyền đương vi Đàn đầu Hòa thượng. 

Năm Tân Hợi (1912), Ngài thọ Cụ Túc giới tại giới đàn Minh Thông, Tổ đình Khải Phước Nguyên, Lấp Vò, do Thiền sư Như Khả - Chân Truyền đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

Sau đó, để tiếp tục sự nghiệp Truyền đăng tục diệm, báo Phật thâm ân, hoằng truyền chánh pháp, hóa độ chúng sinh, Ngài được Hòa thượng Bổn sư bổ xứ về Lai Vung đảm nhiệm Trụ trì ngôi Già lam Hội Phước ven sông Hậu và làm cố vấn Trụ trì các Tự viện lân cận như Chùa Phương Trì, Chùa Long Phước. 

Mùa Thu năm Đinh Sửu (1937), các vị bô lão Hội đồng làng Tân Vĩnh Hòa, đại diện Phật tử Sa Đéc cung thỉnh Ngài về Trụ trì ngôi Phước Hưng Cổ Tự. 

Chiếc mõ được an vị và bảo lưu tại Chánh điện Phước Hưng Cổ tự cho đến nay. 

Năm Kỷ Sửu (1949), giặc Pháp quyết định thiêu hủy ngôi Cổ Tự Phước Hưng với lý do nghi ngờ chùa này là cơ sở nuôi dấu chiến sĩ Cách mạng chống Pháp, nhưng nhờ đức hạnh của Ngài cảm hóa giới quan chức trí thức địa phương cùng quần chúng Phật tử mà ngôi Cổ Tự thoát hỏa nạn, danh thắng Phước Hưng được tồn tại đến nay. 

Năm Nhâm Dần (1962), do tuổi già sức yếu, tự biết mình không còn trụ thế bao lâu, Ngài kiến nghị Giáo hội bổ xứ Thầy Thích Vĩnh Đạt thay Ngài về Trụ trì ngôi Cổ Tự. Trọng Đông năm này, Hòa thượng Thích Thiện Hòa – Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng Già Nam Việt ký quyết định bổ nhiệm đồng môn pháp lữ, Hòa thượng Thích Vĩnh Đạt Trụ trì Phước Hưng Cổ Tự và lo hậu sự cho Ngài.

Đầu Xuân năm Quý Mão (1963), nhân dịp lễ kỷ niệm ngày vía đức Bồ tát Quán Thế Âm đản sinh, Ngài tắm gội, mặc áo cà sa, nằm nghiêng bên hữu, thế cát tường, tay phải gối đầu, tay trái xuôi theo hông, miệng Ngài mỉm cười từ biệt đại chúng bằng câu niệm A Di Đà Phật, an nhiên thu thần viên tịch vào giờ Mão ngày 19 tháng 2 âm lịch, trụ thế 83 Xuân, Giới lạp 52 Hạ, Trụ trì 52 Đông.

Thực hiện nghi lễ phóng sinh nuôi dưỡng tâm từ trong lễ giỗ Hòa thượng

Thực hiện nghi lễ phóng sinh nuôi dưỡng tâm từ trong lễ giỗ Hòa thượng

Dịp này, Thượng tọa Thích Chơn Trí  cũng đã tán thán tinh thần tri ân báo ân của môn đồ đệ tử, đồng thời khuyến tấn chư Tăng Ni và Phật tử noi gương công hạnh của thầy tổ tiếp tục giữ gìn và phát triển ngôi tổ đình ngày thêm hưng thịnh.

loading...