Góc nhìn Phật tử

Đức Phật dạy pháp “Bụi trần” cho năm anh em ông Kiều Trần Như và bốn người bạn đồng tu

Thứ sáu, 11/07/2022 10:26

Để giúp cho 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu nhận ra chỗ sâu mầu của pháp môn thiền Thanh tịnh, Thế Tôn đã dùng pháp “Bụi trần” để ví dụ cho cái Chân thật, và cái không chân thật khi đến với pháp môn này.

Đức Phật quán nhân duyên giáo hóa năm ẩn sĩ Kiều Trần Như

“Như buổi sáng hay xế chiều, ánh sáng của mặt trời chiếu qua khe cửa hoặc khe vách; trong ánh sáng ấy có những hạt bụi bay lơ lửng. Ánh sáng và hư không Thế Tôn tạm ví là “Phật tánh”; còn những hạt bụi ví là “vọng tưởng tánh người”.

Trước khi dạy pháp “Bụi trần”, Thế Tôn tóm tắt kể lại giai đoạn tu ban đầu của mình cho 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu khi đạt quả vị Chánh đẳng Chánh giác.

- Đầu tiên, Như Lai dụng công tu Khổ hạnh! Ép xác cho thân thể - khổ đến cùng cực. Pháp này không có kết quả gì.

- Kế đến tọa thiền Quán, Tưởng: để vật trước mắt - quán tưởng ít ra nhiều, nhiều ra ít…nhưng không biết đường giải thoát là sao?

Tiếp theo tọa thiền Nghi, Tìm: đó là tìm những hữu dụng trong vật chất (biết rất nhiều) nhưng cũng không có kết quả cho mục đích Giác ngộ-giải thoát mà (4 điều thắc mắc Thế Tôn) đặt ra khi xuất gia (1).

Sau cùng (bỏ những pháp trên) Như Lai (không dụng công) để tâm Thanh tịnh - Rỗng lặng và hằng Tri. Bỗng Như Lai thấy rất xa xăm. Khi quan sát thấy cả Tam giới; và Như Lai quan sát xa hơn nữa, thì thấy không biết bao nhiêu là tam giới và nhiều thứ khác. Phần này Như Lai sẽ dạy rõ cho các ông biết, khi nào Như Lai gần nhập Niết bàn. Hôm nay Như Lai chỉ dạy các ông nhận ra Phật tánh của mỗi người để xứng đáng là người đứng vào hàng ngũ Giáo đoàn đạo Giải thoát.

Tứ Diệu Đế là pháp minh định kiếp nhân sinh là khổ, giúp chúng sinh ham muốn và tinh tấn pháp môn Thanh tịnh thiền tu để thoát khỏi luân hồi Tam giới trở về Phật giới quê xưa của mình.

Tứ Diệu Đế là pháp minh định kiếp nhân sinh là khổ, giúp chúng sinh ham muốn và tinh tấn pháp môn Thanh tịnh thiền tu để thoát khỏi luân hồi Tam giới trở về Phật giới quê xưa của mình.

Vì sao Như Lai nói vậy? Vì trong quá khứ, các ông là người tu chung với Như Lai, nên hôm nay Như Lai nhờ các ông cùng xây dựng giáo đoàn và tu pháp môn Thanh tịnh thiền này để nhận ra chỗ sâu mầu của Thiền tông. Vậy, trước tiên các ông phải lắng nghe để hiểu cho rõ nội dung pháp trần Như Lai dạy:

“Này các anh em ông Trần và bốn người bạn: Cồ Đàm ta đưa ra ví dụ về “Bụi trần” để 5 anh em ông và 4 người bạn hiểu, thì việc ngộ đạo không khó.

Các ông muốn biết sự thật tại Thế giới này, hay trong 1 tam giới, hoặc khắp trong Càn khôn Vũ trụ này. Đầu tiên, các ông phải hiểu 2 phần như sau:

Một: Tổng thể thân xác của các ông là do 8 thứ duyên hợp lại gồm: 1. đất. 2. nước. 3. gió. 4. lửa. 5. tổng nghiệp. 6. tánh Phật. 7. tánh Người. 8. điện từ âm dương.

Hai: Trong thân của các ông tại sao có 2 tánh:

Tánh Phật gồm có: Thấy, Nghe, Nói, Biết. Công dụng của 4 thứ này như sau:

Tánh Thấy: lúc nào cũng thấy gọi là hằng Thấy.

Nghe: lúc nào cũng nghe gọi là hằng Nghe.

Nói: lúc nào cũng rung động, khi muốn phát ra tiếng là có tiếng gọi là hằng Pháp.

Biết: lúc nào cũng biết 3 thứ trên gọi là hằng Tri.

Hai: Tánh Người gồm có 16 thứ: 1/ thọ. 2/ tưởng. 3/ hành. 4/ thức. 5/ tài. 6/ sắc. 7/ danh. 8/ thực. 9/ thùy. 10/ tham. 11/ sân. 12/ si. 13/ mạn. 14/ nghi. 15/ ác. 16/ kiến.

Mười sáu thứ nói trên nó lại bị bao phủ lên 8 muôn 4 ngàn cái bong bóng cấu tạo bằng ảo giác của điện từ âm dương nữa. Tổng thể của một con người nó là như vậy.

Các thứ nói trên gộp lại thành là cái Ngã chấp, tức chấp có Ta hay chấp có Tôi.

Trong thân của một con người có Phật tánh. Cái Phật tánh này có cái Biết. Nhờ cái Biết này mà nhiều người muốn thoát ra ngoài sức cuốn hút của Vật lý nơi Trần gian. Nhưng cái Biết nó lại nằm sâu trong lớp vỏ bọc Tánh người, nên cái Biết này nó phải xuyên qua tánh người. Do đó, tánh Biết của người này biết không đúng được sự thật. Đã vậy, còn bị các người khôn ranh (xấu ác) đặt điều không đúng sự thật lợi dụng lòng tin lừa dối, nên cả kẻ đặt điều lừa dối cùng với người non lòng nhẹ dạ cả tin đều chịu chung quy luật nhân quả là vay trả với nhau, không khi nào thoát ra ngoài sức hút của vật lý Trần gian này được.

Này 5 anh em ông Trần và 4 người bạn đồng tu:

-Trong 1 Tam giới có 6 đường luân hồi. Trong 6 đường luân hồi này Như Lai dạy gọn các ông như sau:

Trái đất này cấu tạo bằng 5 thứ: Đất. Nước. Gió. Lửa. Điện từ Âm Dương. Nơi ngũ thú tạp cư (5 loài) sống chung gồm:

Một: Loài Thần, cũng gọi là A tu la.

Hai: Loài Người.

Ba: Loài Ngã quỷ.

Bốn: Loài Súc sinh.

Năm: Loài Địa ngục.

Các cõi Trời có đến 33 hành tinh, cấu tạo bằng điện từ Âm Dương gồm các cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Nếu nói đủ, trong một Tam giới có đến 45 hành tinh có sự sống. Phần này, Như Lai sau này mới dạy. Hôm nay, Như Lai dạy các ông căn bản một số điều để nhận ra Phật tánh của mỗi người, để các ông xứng đáng là một thành viên trong Giáo đoàn của Như Lai. Vậy Phật tánh như thế nào? Để nhận diện xác thực, Như Lai đưa ra ví dụ sau đây: nếu các ông kiên trì, thật chú ý, cố gắng nghe, sẽ biết cái nào là Phật tánh và cái nào là tánh Người. Khi các ông đã hiểu gọi là Giác ngộ. Tiến xa hơn một bước nữa, thấu triệt những gì mà Như Lai dạy, gọi là đạt được “Bí mật Thanh tịnh thiền”. Nếu trong các ông ai có đại duyên được “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh nơi Mười phương chư Phật sinh sống”, các ông được gọi là về đến quê xưa của mình. Ai được vậy, mới chỉ là nhìn qua cửa Hải triều dương thôi; chứ thật ra chưa vào được. Vì sao vậy? Vì ai muốn vào Bể tánh Thanh tịnh nơi chư Phật sinh sống, thì người đó phải như sau:

Một: hết duyên sống nơi thế giới này.

Hai: phải có ít hoặc nhiều công đức.

Vậy, các ông chú ý nghe Như Lai dùng “Bụi trần” để ví dụ, các ông nhận ra cái nào thật và cái nào không thật, tự nhiên các ông sẽ biết.

Như buổi sáng hay xế chiều, ánh sáng của mặt trời chiếu qua khe cửa hay khe vách, các ông thấy ánh sáng chiếu qua các khe ấy, trong ánh sáng ấy có những hạt bụi bay lơ lửng. Ánh sáng và hư không Như Lai ví là “Phật tánh”, còn những hạt bụi ví là “Vọng tưởng tánh người” của các ông. Các ông nhìn rõ: hai thứ này tuy ở chung một chỗ, nhưng thứ nào ra thứ ấy, không dính nhau, trong chuyên môn của người tu hành là “vô trụ”. Người sống trong Dục giới của địa cầu này phải biết rõ: Vận hành của Âm Dương và nhân quả trong Tam giới này, thì người tu mới dễ nhận ra lẽ thật, không dẹp bỏ hay nhận lấy bất cứ thứ gì, chỉ cần hiểu: hai thứ “Phật tánh” và “Vọng tưởng tánh Người” không cho hai thứ dính nhau là người tu đã giải thoát rồi, tức không bị vật lý Trần gian này cuốn lấy, chỉ có bao nhiêu đó là đủ.

Đức Phật liền nói bài kệ về ý nghĩa này như sau:

Phật tánh, không nay không xưa.

Phật tánh không thêm, không bớt không thừa.

Người thấy: sinh tử dây dưa.

Hai thứ không chạm chỗ xưa Niết bàn.

Vừa nghe đức Thế Tôn nói xong bài kệ, năm anh em chúng tôi và bốn người bạn cùng tu liền òa khóc và đảnh lễ đức Thế Tôn; đức Thế Tôn biết được chín người người chúng tôi đã ngộ đạo, liền nói tiếp bài kệ thứ 2:

Sự thật, lẽ thật là ta.

Ngoài ta- tìm lẽ thật ắt theo tà.

Theo tà phải đi trong lục đạo.

Vào lục đạo biết kiếp nào ra!

Vừa nghe đức Thế Tôn dạy 2 bài kệ xong, A Nhã Kiều Trần Như đại diện cho 8 anh em liền làm bài kệ để trình chỗ sở ngộ của mình:

Kệ rằng:

Lang thang muôn nẻo tìm cầu,

Từ trong muôn kiếp, chuyện không đâu.

Hôm nay nghe được Cồ Đàm dạy,

Chúng tôi nhận được quý hơn Châu.

 

Ân đức này chúng tôi mãi ghi.

Tức khắc truyền đi chẳng khó chi.

Bỏ vọng , bỏ chân là chính ‘nó’.

Mải mê tìm kiếm thật ngu si.

 

Dụng công chân thật tìm làm chi.

Trực nhận chân Tâm, ngộ tức thì.

Trần kia xao xuyến cần lìa bỏ.

Tánh kia tịnh sáng, nhận ngay đi.

 

Cám ơn người bạn trước cùng tu.

Chỉ chỗ thâm sâu thật tối mù.

Hôm nay chúng tôi lòng tự biết.

Nhận ra chân Tánh chẳng cần tu.

Đức Thế Tôn nghe anh em chúng tôi trình bày kệ xong, biết chúng tôi đã ngộ đến chỗ thâm sâu của pháp môn Thanh tịnh thiền, nên ấn chứng rằng:

Đầu tiên Như Lai thuyết đạo mầu.

Các ông triệt ngộ chỗ thâm sâu.

Như Lai mừng các ông thấu hiểu.

Ngọc châu Như ý chẳng tìm đâu.

Nói xong bài kệ 4 câu, đức Thế Tôn nói với 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn cùng tu:

- Hôm nay các ông đã triệt ngộ lời Như Lai dạy, vậy các ông hãy cùng Như Lai thành lập Giáo đoàn để truyền bá pháp môn Thanh tịnh thiền này. Trước là giúp cho chúng sinh ở cõi Ta bà này; sau giúp chúng sinh hậu thế biết cấu tạo của vạn vật cũng như thế giới này nói hẹp, còn nói rộng là khắp trong Càn khôn Vũ trụ này, để mọi người không còn lầm mê nữa, nhờ đó mà chuyện giác ngộ và giải thoát rất dễ dàng. Vì sao dễ dàng? Vì khi người tu nhận ra lý chân thật trong Tam giới này rồi, nếu muốn giải thoát để vượt ra ngoài tam giới, chỉ cần thực hiện đúng lời dạy của Như Lai, thì tức khắc giải thoát ngay!

Chín anh em chúng tôi vâng lời đức Thế Tôn dạy, nên truyền bá pháp môn Thanh tịnh thiền, chỉ trong 3 ngày mà Giáo đoàn của đức Thế Tôn đã thu nhận trên 600 người. Còn khi đức Thế Tôn dạy nhóm anh em chúng tôi có trên 100 người có mặt chứng kiến, trong đó có Thần Kim Cương nói chuyện. Tất cả những người này đều xin đức Thế Tôn nhận làm đệ tử.

Thật may mắn thay!

Trong cõi Ta bà này, có một vị Thánh nhân ra đời để cứu vớt chúng sinh biết đường lối vượt ra ngoài Tam giới để trở về nguồn cội của chính mình.

Thật hạnh phúc thay!

Trong Thế giới này, có một Thánh nhân ra đời, dạy cho loài người biết nẻo chánh để tu hành, không rơi vào đường tà mê.

Thật an lạc thay!

Trong cõi Nam Diêm Phù Đề này, có một vị Phật ra đời, để giúp loài người tu tập giác ngộ và giải thoát.

Trên đây là 3 bài ca ngợi của 5 anh em chúng tôi và 4 người bạn đồng tu, cám ơn đức Thế Tôn và được đức Thế Tôn chấp nhận những điều ấy, Giáo đoàn Phật giáo được thành lập, đứng đầu là Thái tử Tất Đạt Đa, được chúng tôi gọi là Đức Thế Tôn, và cũng từ đây danh xưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà đức Phật Cổ Nhiên Đăng thọ ký cho Ngài từ thủa xa xưa nay đã thành hiện thực.

Đức Phật nghe ông A Nhã Kiều Trần Như thuật lại chuyện đầu tiên độ 5 anh em ông Kiều Trần Như và 4 người bạn đồng tu, trong đó có A Nan - Đức Phật liền nói:

- Đúng vậy, đúng vậy, ông A Nan Đà nên nhớ rõ để sau này trong hội kết tập kinh điển, ông thuật lại cho trong hội nghe.

Ông A Nhã Kiều Trần Như nói tiếp:

- Khi Như Lai dạy 9 anh em chúng tôi ngộ Thanh tịnh thiền rồi. Đức Thế Tôn phân công 9 anh em chúng tôi mỗi người một việc, để điều hành Giáo đoàn.

Vì pháp môn Thanh tịnh thiền khó thực hành, nên đức Thế Tôn khởi đầu dạy về “Tứ khổ” của chúng sinh và đặt kinh này là kinh “Tứ Diệu Đế”, mà căn bản của kinh Tứ Diệu Đế là: Khổ-Tập-Diệt-Đạo. Tứ Diệu Đế là pháp minh định kiếp nhân sinh là khổ, giúp chúng sinh ham muốn và tinh tấn pháp môn Thanh tịnh thiền tu để thoát khỏi luân hồi Tam giới trở về Phật giới quê xưa của mình.

Chú thích:

(1) Bốn điều thắc mắc: 1. Ta từ đâu đến thế giới này?-  2. Đến thế giới này rồi để làm gì? - 3. Khi còn ở thế giới loài người: tranh giành hơn thua chém giết nhau, sau cùng rồi cũng lìa bổ tất cả?- 4. Sau khi chết rồi đi về đâu?

Tài liệu tham khảo:

- Bản đồ tu Phật – cố HT. Thích Thiện Hoa – (Thành hội Phật giáo – HCMấn hành 1990).

- Thiền học đời Trần – Nhiều tác giả - (Nxb. Tôn giáo 2003)

- Lời gốc Phật dạy – Trưởng Lão Thích Thông Lạc – (Nxb. Tôn giáo 2012)

- Lịch sử Đức Phật- Hw. Schumann – Trần Phương Lan dịch (VNCPHVN-1997) và một số tài liệu liên quan Thiền tông.

loading...