Đức Phật

Đức Phật phá tất cả chấp để chúng sinh chứng đạt vô ngã

Thứ bảy, 16/05/2022 04:49

Người học Phật thường được dạy là phải phá ngã chấp, vì chính cái ngã làm chúng ta nổi chìm trong biển phiền não, sinh tử luân hồi. Một khi ngã chấp không còn thì bất cứ lúc nào và bất cứ ở nơi đâu cũng là Niết-bàn.

Ngã có nghĩa là ta, tôi, hay mình, và ngã sở là của ta, của tôi hay của mình. Phàm phu chúng ta thường hiểu ngã là ta, được lập thành từ năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Đức Phật thấy chúng sinh chấp có ngã và ngã sở, nên tùy thuận nương theo đó mà giải thích rằng: “Như hai bàn tay vỗ vào nhau liền sinh ra tiếng”. Cũng như vậy, cái được gọi là ngã thực ra là tổ hợp của năm uẩn-nghiệp và ái, đều chẳng phải là ngã. Đức Phật nói rằng: Không có ngã và cũng không có ngã sở, chính cái ngã đó là “vọng ngã” nhưng phàm phu chúng sinh mê chấp thân mình là thật cho nên yêu mến thân mình, bênh vực ý tưởng của mình, bảo vệ những sở hữu của mình như: nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, vợ con… Chính vì cái chấp ngã này mà sinh ra trăm ngàn phiền não, khổ đau đọa lạc trong biển sinh tử luân hồi.

Sống và chết với giáo lý vô ngã

Niết-bàn thực sự chính là Đại Niết-bàn, gồm đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Niết-bàn thực sự chính là Đại Niết-bàn, gồm đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

Có ít nhất 4 hình thái về chấp ngã:

1- Chấp thân ngũ uẩn này là ta (chấp ngã).

2- Chấp thân ngũ uẩn này của ta (chấp ngã sở).

3- Chấp cái thân ngũ uẩn này không phải là ta, cũng không phải của ta mà trong cái ta có cái thân, và trong cái thân có cái ta.

4- Chấp vũ trụ là ta, ta là vũ trụ, vũ trụ là thường trụ, là vĩnh cửu.

Khi nói đến chấp, chúng ta phải biết là có hai thứ chấp: chấp ngã và chấp pháp. Còn hai thứ chấp này thì người ta không được sáng suốt. Ngã chấp là không nhận biết cái thân con người là do ngũ uẩn tạm thời hòa hợp, mà chúng ta cứ cho là có cái thân này thật, và do đó sinh ra phiền não, mê vọng, vui buồn, khổ đau. Còn chấp pháp là không biết tất cả pháp là do nhân duyên mà sinh ra: tất cả như ảo, như hóa, thoạt có, thoạt không và vốn dĩ không trường tồn, vĩnh hằng. Thế mà ta cứ chấp là có thật, là trường tồn mãi mãi… Có quan niệm cho rằng những phiền não khổ đau của con người đều do cái tư tưởng nhìn nhận có cái ta, tức là ngã tưởng phát sinh và muốn diệt trừ ngã tưởng này là phải đối trị bằng pháp tưởng, tức là quán chiếu về pháp, vì họ cho rằng không có ngã nhưng có pháp.

Cái ta không có nhưng có những cái tư tưởng làm thành cái ta. Khi quán chiếu như vậy mới thấy không phải cái ngã của mình có sinh có diệt mà chỉ có sự sinh diệt của các pháp. Theo quan niệm này, không chấp vào ngã, nhưng lại còn kẹt vào pháp. Họ cho rằng các pháp là vô thường, là vô ngã, chính điều này làm cho con người khổ đau. Chính sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là các pháp điên đảo, vì vậy, phải xa lìa chúng để có một cảnh giới không có phiền não khổ đau, cảnh giới đó là Niết-bàn.

Nhưng theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa, thì các pháp, các yếu tố tạo cho chúng ta một ý tưởng về ngã cũng không có. Ngã cũng không mà pháp cũng không, và Niết-bàn nói ở trên cũng chỉ là Niết-bàn hóa thành, chưa phải là Niết-bàn thật sự. Đức Phật dạy: “Này thiện nam tử! Như người đời nói: có biển, có biển lớn, có sông, có sông lớn, có núi, có núi lớn… Niết-bàn cũng như vậy: có Niết-bàn và có Đại Niết-bàn. Thế nào là Đại Niết-bàn? Như người ta đói lòng được chút ít cơm thôi, được gọi là vui. Như người bệnh được lành thôi, được gọi là an vui… Tất cả sự an vui trên, cũng gọi là Niết-bàn, nhưng chẳng được gọi là Đại Niết-bàn vì còn trong phạm vi tương đối”.

Phật tùy theo căn duyên chúng sinh mà giảng giải; thấy chúng sinh chấp vào ngã tức là chấp vào thường, Phật nói đừng chấp vào thường.

Phật tùy theo căn duyên chúng sinh mà giảng giải; thấy chúng sinh chấp vào ngã tức là chấp vào thường, Phật nói đừng chấp vào thường.

Như thế, Niết-bàn thực sự chính là Đại Niết-bàn, gồm đủ bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Đại Niết-bàn cũng là Phật tính, là Trung đạo. Bởi chúng sinh chẳng thấy được Phật tính nên là vô thường, vô lạc, vô ngã và vô tịnh. Và Phật tính đó, Đại Niết-bàn đó vẫn thường hằng ở nơi chúng sinh, nhưng từ xưa đến nay chúng sinh bị vô lượng phiền não che phủ nên không thấy được.

Như vậy, bằng cách nào để chúng ta có thể đến được cảnh giới Niết-bàn thật sự? Đó là phải lìa tất cả khái niệm, khái niệm về ngã và ngã sở, về có và không, về thường và đoạn, về trong và ngoài, phải vượt thoát mọi đối đãi của thế giới hiện tượng như thiện ác, tốt xấu, có không, sinh tử và Niết-bàn để làm cho tâm trở nên thanh tịnh. Nếu chấp có tức là thường kiến, chấp không tức là đoạn kiến, chấp cũng có cũng không tức là biên kiến, và chấp chẳng có chẳng không tức là không kiến.

Luận Trung quán (kệ số 360 và 361) viết rằng:

Nhân duyên sở sinh pháp

Ngã thuyết tức thị không

Diệc danh vi giả danh

Diệc tức trung đạo nghĩa.

Vị tằng hữu nhất pháp

Bất tòng nhân duyên sinh

Thị cố nhất thiết pháp

Vô bất thị không giả.

Tạm dịch:

Các pháp do duyên sinh

Ta nói tức là không

Cũng gọi là giả danh

Cũng là nghĩa trung đạo.

Chưa từng có một pháp

Chẳng từ nhân duyên sinh

Thế nên tất cả pháp

Đều là không hết thảy.

Nghĩa là tất cả vạn pháp trong thế giới này đều do nhân duyên sinh khởi, và do nhân duyên sinh ra tức cũng do nhân duyên mà hoại diệt, nên không tự tính. Vì không tự tính nên tất cả đều là không. Nếu vạn sự vạn vật có tự tính thì sự ấy, vật ấy không cần phải đợi cái duyên hòa hợp với sinh hay diệt. Vì không có tính cách cố định nên gọi là không, và cũng vì không nên vạn sự, vạn vật mới sinh khởi và hoại diệt. “Không” ở đây chẳng nên hiểu lầm là tất cả rỗng không, không có gì hết. Vạn pháp sinh diệt lệ thuộc bởi nhân duyên; mà nhân duyên sinh và nhân duyên diệt đều không thật chỉ là tạm nên gọi là giả danh, giả có. Tất cả vạn sự vạn pháp đó cũng chỉ là giả danh và cũng chính là nghĩa của trung đạo vậy.

Trung đạo nghĩa là siêu việt ý niệm có và không. Không, giả danh và trung đạo là ba tên gọi của một thực tại. Nhưng khi đề cập đến một thực tại, một tên gọi cũng bao hàm hai tên gọi kia, ví dụ: cái xe hơi trước mặt là do sự tổ hợp của nhiều yếu tố và được gọi là, hay đặt tên là. Nó là giả danh tạm gọi để phân biệt với các thứ khác, chính nó là không thật và cũng là trung đạo.

Con đường của Phật dạy là con đường trung đạo, vượt thoát cái thấy đối đãi sai biệt của thế giới hiện tượng.

Con đường của Phật dạy là con đường trung đạo, vượt thoát cái thấy đối đãi sai biệt của thế giới hiện tượng.

Đối với ngã, ngã sở và ngã chấp, chúng ta nên hiểu chúng cũng chỉ là những khái niệm, được lập thành bởi nhiều yếu tố và do nhân duyên hòa hợp. Do nhân duyên hòa hợp nên chúng không có tự tính và vì thế nó là không. Thấy được bản chất của cái ngã là không tức chúng ta cũng thấy được bản chất của Niết-bàn là không, là trung đạo. Cái không siêu việt mọi phạm trù có và không như là một phương tiện phá trừ tất cả kiến chấp, thiên kiến cũng như tà kiến vượt thoát mọi thứ ngã chấp và pháp chấp; nguyên nhân của phiền não khổ đau và sinh tử luân hồi.

Con đường của Phật dạy là con đường trung đạo, vượt thoát cái thấy đối đãi sai biệt của thế giới hiện tượng. Phật tùy theo căn duyên chúng sinh mà giảng giải; thấy chúng sinh chấp vào ngã tức là chấp vào thường, Phật nói đừng chấp vào thường. Khi nghe Phật nói vậy chúng sinh lại chấp vào đoạn và cứ như thế Phật phá tất cả kiến chấp của chúng sinh để dẫn chúng sinh đến một cái không thể nghĩ bàn được, mà cái đó chính do chúng sinh phải tự kinh nghiệm (tức trải nghiệm) nó. Viết đến đây, chợt nhớ tới câu triết học Tây phương “Là nó, nhưng không phải là nó, mới là nó”, câu triết học này cũng đã chạm gần đến vô ngã của Phật giáo.

loading...