Đức Phật

Đức Phật ví dụ về dây đàn

Thứ năm, 29/04/2023 08:30

Dục tốc bất đạt cũng là thái độ quá khẩn trương, nên không thành đạt kết quả, trái lại còn bị phá hỏng. Nhưng trễ nải dần dần, không cương quyết, không quyết liệt, thì khó thành tựu kết quả, sự nghiệp như ý.

Tôi nghe như vầy, một thời Đức Phật trú tại thành Vương Xá, vườn trúc Ca Lan Đà.Bấy giờ Phật bảo Nhị Thập Ức Nhĩ (Sona):Nay ta hỏi thầy, khi còn là Cư sĩ, thầy làm nghề Thầy đàn phải không?

- Bạch Thế Tôn đúng vậy.Thế Tôn hỏi:

- Ý thầy nghĩ sao, khi thầy đàn, khi sợi dây đàn thẩng quá, thì âm thanh có hòa nhã vi diệu không?

- Thưa không.Thế Tôn lại hỏi:

- Nếu dây đàn chùng quá, thì âm thanh có hòa nhã, vi diệu không?

- Thưa không.Thế Tôn lại hỏi:

- Nếu điều chỉnh dây đàn, không chùng, không thẳng, sau đó mới phát ra âm thanh hòa nhã, vi diệu phải không?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Phật bảo Nhị Thập Ức Nhĩ:

- Người tinh tấn thái quá, chỉ tăng thêm trạo hối, người thiếu tinh tấn thì sanh ra biếng nhác. Thầy giữ mức tu tập điều độ, không đắm trước, không buông lung, không chấp tướng, v.v…

- Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ nghe Phật dạy xong, vui mừng làm lễ lui về.

(Tạp – A – Hàm, kinh Nhị Thập Ức Nhĩ, số 254)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đại ý: 

Thế gian thường nói, không thái quá, cũng không bất cập, nên giữ thái độ, hành động điều hòa. Trung đạo thì sẽ thành công trong mọi công việc, dù là Đạo hay Đời. Ngày xưa, đức Thế Tôn khi còn là một vị Bồ - tát, tu hành cũng giữ thái độ Trung đạo, không quá khổ hạnh, ép xác, không tận hưởng dục lạc, nên xa lìa hai cực đoan, thành tựu lý Trung đạo, bản thể lý Trung đạo chính là Bát Chánh Đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Do đó, dục tốc bất đạt cũng là thái độ quá khẩn trương, nên không thành đạt kết quả, trái lại còn bị phá hỏng. Nhưng trễ nải dần dần, không cương quyết, không quyết liệt, thì khó thành tựu kết quả, sự nghiệp như ý. Như thế gian thường có câu: “lật đật cũng tới bến giang, lang thang cũng tới bến phà khác chi”. Xa lìa hai ý niệm ấy, thì không quá lật đật, cũng không quá chểnh mảng chần chừ, thì mới mong thành đạt kết quả sự nghiệp thế gian, cũng như xuất thế gian.

Như sợi dây đàn, thẳng quá sẽ bị đứt, chùng quá thì không phát ra tiếng, trái lại không thẳng, không chùng, khéo léo điều chỉnh thì sẽ phát ra tiếng đàn hòa nhã, hay ho tuyệt diệu, làm thỏa thích lòng người mong muốn.

Trích Đại Cương Kinh Tạp – A – Hàm.

 

loading...