Sách Phật giáo

Dục vọng và đam mê

Thứ sáu, 25/06/2015 07:44

Không tìm cách thoát mà lại tìm sự  thỏa mãn, đắm chìm cuộc đời mình trong các thú vui của ái ân, của dục vọng thì con người chỉ tự trói buộc mình trong cái phiền não khổ đau của đời này, và những đời về sau. Ai cũng công nhận rằng, đời sống dục lạc của gia đình có nhiều khổ đau nhưng ít người có đủ can đảm và khả năng để tìm cách thoát nó.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN
DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Lòng khao khát dục tình của  phụ  nữ đối với người nam, không thể so sánh được với cơn khát mong được nước uống.  Sự  nghĩ tưởng khao khát dục tình của người nam đối với phụ nữ, không thể so sánh bằng cái đói của người mong có được miếng ăn. Cái khổ của  một người không được thỏa mãn dục tình, sẽ đốt cháy cháy xương tủy họ trong đêm ngày. Lama Gendun

Trong ánh sáng mờ mờ ảo ảo của cảnh giới trung ấm, tâm thức con người do sự chi phối của nghiệp lực bị cuốn hút bởi một lực xoáy rất mạnh. Kinh bản về Bardo (trung ấm giới ) thuộc mật tông Tây Tạng  kể khá rõ về những diễn tiến này và cho biết, do vì lòng dục và sự đam mê vô ngần mà con người tự dẫn mình vào những cảnh giới tái sinh trong luân hồi. Do sự huân tập và bị chìm đắm trong dục vọng từ muôn kiếp xa xưa, nên tâm thức con người tự tìm đến nơi chốn tác dâm để bị thọ cảnh đầu thai. Lòng dâm của tâm thức ấy khởi lên mạnh mẽ đối với người nam và muốn cùng người ấy giao hợp, tâm ấy tức thời nhập vào thai mẹ và làm thân nữ; lòng dâm khởi lên mạnh mẽ đối với người nữ và muốn cùng  người  ấy giao hợp, tâm ấy tức thời nhập vào thai mẹ và làm thân nam.

Đi vào đời  sống tu hành, tôi được học khá rõ về những diễn biến của tâm, nguyên nhân và các kết quả để đưa đến việc hình thành sự sống của một sinh vật. Trong quá trình sinh khởi và tạo tác này, tâm đóng một vai trò chủ yếu để có thể đưa sinh vật ấy trở thành một sinh vật tối cao như những bậc giác ngộ, hay cũng có thể  đưa sinh vật ấy đi vào những cảnh giới đọa lạc thấp kém nhất trong dòng  sống chết. Được học và hiểu biết về tâm chính là được học và hiểu biết về chính nơi con người mình, mà nơi đó những trạng thái phức tạp về tâm lý chưa từng được nhà trường và thế giới vật chất này chỉ dạy. Một trong những trạng thái tâm lý mà tôi muốn trình bày ra đây là trạng thái dục vọng của con người, nguyên nhân dẫn đến tái sinh cũng như mang đến những nổi khổ trầm luân đọa lạc. 

Như trong kinh luận mô tả, thì ngay từ khởi thủy của mầm sống con người, dục vọng đã được phát ra một cách mạnh mẽ trong cảnh giới trung ấm và dẫn đến tiến trình nhập thai và tái sinh sau đó. Nhưng dục vọng thật ra cũng chỉ là tên đầy tớ trung thành của vô minh, ông chủ người tạo tác ra tất cả. Khi sự sống bắt đầu qua thân thể vật lý, tồn tại và phát triển theo thời gian, thì dục vọng đi kèm với vô minh luôn là người đồng hành thân thiết nhất của chúng ta. Thân thiết đến nổi chúng ta không thấy có mình hiện hữu nếu không có dục vọng và vô minh kia đi cùng. Thế nên con người chúng ta dần dần đã nghĩ và sống với những  gì dục vọng và vô minh cho phép chúng ta nghĩ và sống. Cuối cùng chúng ta không thể thấy biết gì hơn là nếu chúng ta không nghĩ và sống như dục vọng và vô minh đã chỉ cho chúng ta nghĩ và sống;  không nghĩ và sống như vậy thì dường như chúng ta thấy mình không đúng phải là đang nghĩ và đang sống trong đời sống con người này. Tự nhiên chúng ta cảm thấy xa lạ với những gì ngược lại với dục vọng và vô minh, tự nhiên chúng ta cảm thấy trí tuệ và vô dục, là những gì hụt hẫng mất mát nhất trong đời sống làm người.

Đơn giản nhất là chuyện con người khi lớn lên phải sống đời sống có gia đình hay phải đi tu. Sống đời sống gia đình là thường sống theo dục vọng và sự sai sử của vô minh; đi tu là thường sống theo trí tuệ và học đòi hạnh vô dục, nhưng chắc chắn là chuyện đi tu sẽ bị người ta gạt sang một bên và xem đó như là chuyện bất thường.  Sống đời tu hành rõ ràng là có nhiều sự mất mát trong đời sống con người, và ai ai dường như cũng đều nghĩ vậy khi họ mường tượng đến chuyện bỏ đời sống gia đình để đi tu. Họ đã quá quen thuộc trong sự nghĩ tưởng rằng, con trai lớn lên là phải cưới vợ, con gái lớn lên là phải lấy chồng. Nhưng tại  sao ai ai cũng đều nghĩ và sống với những ý tường như vậy? Hay đó là một định luật  chung của con người. Nếu xét nó là định luật chung thì tôi phải xét nó là định luật chung của si mê và vô minh thì đúng hơn và con người là bạn hữu thân thiết của nó. Vì chính si mê và vô minh mới đưa đẩy con người đi vào một đời sống hạnh phúc ảo tưởng. Người ta biết cái hạnh phúc ảo tưởng trong đời sống gia đình, người ta biết bên ngoài đời sống hạnh phúc ảo tưởng đó cũng có những đời sống khác hạnh phúc tốt đẹp hơn. Nhưng khi động chạm đến bản ngã, đến cái "của tôi và thuộc về tôi" này,  họ không muốn những cái "của tôi, thuộc về tôi" ấy được sống biệt lệ khác họ. "Mày phải cưới vợ để có con nối dõi tông đường, con phải lấy chồng để có cháu nội, cháu ngoại cho cha, cho mẹ"!

Tôi hay hình dung ra hai cảnh tượng như vầy: một hình ảnh của người con trai, con gái xuất gia đi tu, sống trong sạch với thân thể và chiếc áo tu hành. Hàng ngày họ tập bỏ bớt những ý niệm tham lam, sân hận, ích kỷ và si mê. Họ học những gương lành cao thượng trong từng ý nghĩ lời nói và việc làm, họ học cách lo nghĩ và cứu giúp cho người hơn là chính họ, học cách sống thanh đạm, yên tĩnh, trong sáng của thân và tâm. Hình ảnh của những người con trai, con gái nếu sống được như vậy là những hình ảnh đẹp đẽ của một đời sống thanh tao và cao thượng. Họ chưa từng được hiểu biết và học hỏi về những tính tình tham lam, giận dữ, ghen ghét, ích kỷ trong con người họ, nên họ thường dùng thời gian để coi ngó và canh chừng nhau, họ tức giận và sẵn sàng đánh đập, chửi rủa nhau khi không vừa ý hoặc trái nghịch quan niệm. Họ say đắm trong các thú yêu đương, đòi hỏi thỏa mãn thể xác của nhau mà chưa từng chán ngán. Tâm hồn trong sáng của một người con trai, con gái khi mới lớn bị buộc phải nghĩ đến chuyện yêu đương, ái ân, ghen ghét, buồn bực, lo tìm phương cách để kiếm tiền, kiếm danh trong đời sống cho hai người hơn là nghĩ cách để gạn lọc bớt những tư tưởng tham lam, giận dữ, ích kỷ, xấu xa khác trong tâm hồn. Thời gian trong ngày và trong  suốt cuộc đời họ sẽ không còn có để nghĩ cho sự buông bỏ, nghĩ cho tha nhân và nghĩ cách vượt ra khói cái thế giới đắm say mà họ đang sống. Họ chỉ nghĩ  đến cách nào để được thâu vào nhiều nhất, mau nhất mà bất cần những sự mất mát, lỗ lãi của cái được và mất đó. Rõ ràng là cũng hai người ấy nhưng hai hình ảnh ấy quả là khác biệt và đối chọi với nhau làm sao. Ai cũng biết đời sống nào thanh cao, có hạnh phúc, ích lợi cho mình và người, và ai cũng biết đời  sống nào nhỏ nhen, nhiều khổ và ít vui. Vậy mà ai cũng buộc con trai, con gái mình đi theo con đường cũ ấy thay vì đi đến con đường của sự hy sinh, thanh cao và biết lo cho người.

Tìm hiểu sâu xa hơn về việc lấy vợ gả chồng thì bên trong ấy là gì nếu không phải là để ăn nằm, thương yêu, ghen ghét, cãi vã, giận lẫy, khóc cười, đánh đập, sợ hãi và lo lắng cho nhau. Những phật tử thường xuyên đi chùa tu tập, ai cũng biết và rõ về đời sống của người xuất gia là thanh cao, tốt đẹp và có nhiều sự an lạc hạnh phúc, nhưng ai cũng muốn con mình phải lấy vợ lấy chồng khi lớn lên và hãy tránh xa đời sống xuất gia tu hành của mấy ông thầy! Vậy thì con người chúng ta ngay cả những người phật tử có  học đạo thích một đời sống có trí tuệ và ít dục? hay vẫn thích một đời sống có nhiều dục và ít tuệ? Nói để chúng ta cùng  hiểu và có một ý thức nào đó trong sự việc này. Ở đây riêng tôi dù sao tôi cũng cảm thông điều này với mọi người, vì chính tự trong bản ngã vô minh sâu dày nơi tôi cũng thường muốn sống một cuộc sống nhiều dục ít tuệ kia mà!

Tôi đã bắt đầu nhìn lại nơi chính mình để tìm ra hai người bạn thân thiết nhất là dục vọng  và vô minh. Chẳng khó! nó ở ngay bên tôi trong từng ý nghĩ và hành động, nhưng thật là khó nếu chúng ta không biết nhìn lại nơi mình để tìm. Tìm thấy  và biết được là một vấn đề; nhưng để sống ngược lại với những gì mà dục vọng và vô minh sai sử là cả một vấn đề nhức nhối trên đoạn đường tu hành. Sự học Phật chỉ cho tôi nhận biết một cách rõ ràng, đâu là dục vọng, đâu là vô minh; và sự tu hành chỉ bày cho tôi phương pháp  để đoạn giao với hai đứa bạn thân này.  Không biết nhân duyên nào và tại sao mà tôi lại phải sinh vào một nơi chốn và thời đại khó khăn nhất cho sự tu hành tháo gỡ dục vọng. Chung quanh tôi là  đời sống của dục vọng và xã hội đề cao về dục vọng. Dục vọng bình thường nếu đã được con người chấp nhận từ xa xưa, thì ngày nay trong các xã hội phát triển, dục vọng  theo kiểu phát triển cũng được con người trong các xã hội này chấp nhận theo những hình thức mới. Nếu đời sống của thân thể vật lý này đòi hỏi cần có những nhu yếu vật chất mới, thì đời sống tâm lý người ta cũng đòi hỏi những nhu yếu thỏa mãn mới, đó là nhu yếu thỏa mãn dục vọng của con người. Con người trong các xã hội ngày nay đã chấp nhận nó và gián tiếp cổ động nó nữa là khác.

Xã hội ngày nay là xã hội của cái dục và dường như con người, xã hội càng văn minh tân tiến bao nhiêu thì họ lại càng muốn gần gũi hơn với cái dục bấy nhiêu, tiêu biểu là dục vọng của xác thịt. Con người ngày nay không những đã được xã hội chấp nhận những những cử chỉ ấu yếm tình ái một cách tự nhiên trên đường phố, mà họ còn được yêu nhau và kết hôn giữa một số người đồng tính. Những hiện tượng này đôi lúc tôi không nghĩ là do ở nơi cơn bệnh hoặc nơi tâm lý khác thường, mà do lòng dục của con người tăng trưởng quá độ nên phải đi tìm và sống với những cảm giác mới lạ, khác  thường. Người nam làm chuyện tình dục với người nam, người nữ làm chuyện ấy với người nữ; họ kết thành nhóm, đoàn thể tổ chức để tranh đấu cho được cái gọi là "quyền tự do đời sống cá nhân" của mỗi con người. Bên Mỹ, bên Pháp và một số nước phương Tây khác họ sống hàng mấy trăm ngàn cặp như thế này trong một số vùng riêng biệt của họ. Tìm hiểu hiện tượng này bên xứ Tây Tạng, người ta không thấy có xảy ra, ngay cả từ ngữ: homosexual cũng không có trong ngôn ngữ Tây Tạng. Vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng, một đời sống tâm linh cao thì các hiện tượng này sẽ không xảy ra hoặc hiếm thấy xảy ra; còn đời sống vật chất ngày càng cao theo sự  đòi hỏi không ngừng của cái gọi là: "quyền tự do cá nhân" ở các xứ phương Tây, thì các hiện tượng đồng tính luyến ái này ngày sẽ càng phát triển không ngừng.

Ngoài cái tâm lý bệnh hoạn về vấn đề làm chuyện tình dục giữa những người đồng tính với nhau, con người ta cũng không quên bán đứng cái đạo đức và nhân phẩm căn bản của con người, khi bắt đầu tìm đến các trẻ em để làm những chuyện tình dục ấy. Làm sao mà con người ta có thể trơ trẽn và nhơ bẩn đến độ đi tìm các cuộc vui thú xác thịt với những người đáng tuổi con, tuổi cháu của mình. Nạn nhân của những xã hội vật chất, xã hội đồng tiền chính là những em bé gái, bé trai tuổi chưa quá mười, mười lăm mà phải bị.đưa đẩy vào những lò bán thịt để chịu sự nhơ nhuốc và hạnh hạ như vậy suốt cả một đời. Chủ nhân của các hiện tượng ấy cũng không ai hơn là những người có cùng màu da, cùng máu thịt đáng hàng cha, hàng chú của các em nhưng lại muốn ăn nằm và đày đọa các em trong những cơn đam mê và điên khùng nhất.
 
Ai đã  tạo ra những thảm trạng này? nguyên nhân nào đã dẫn đến những tình trạng đau thương và không có lối thoát?  Chính chúng ta và  chính  lối tư duy bản ngã của mỗi người đã tạo nên thảm trạng và tình cảnh đau thương này. Cảnh trạng này chỉ có thể xảy ra khi mình hoặc cố tình hay vô tình dự phần vào trong đó, và khi mình chỉ có hiểu và tin về những khoái lạc của đời sống dựa trên thân này và chỉ trong đời sống này. Chính niềm tin và lối sống như vậy của nhiều con người mà các hiện trạng được mệnh danh là tự  do, tiến bộ đã làm mồi dẫn đến những tình trạng bế tắc trên. Chính những xã hội chủ trương vật chất hóa đời sống, mà quên phần đạo đức hóa con người đã tạo nên những hiện tượng tai họa này. 

Trong bản tin đài VOA gần đây người ta tổng kết ở nước Mỹ không thôi mà trong năm 96 vừa qua đã có trên 500,000 trẻ em bị buôn bán và bị buộc làm những chuyện tình dục.  Theo bản báo cáo cơ quan bảo vệ quyền làm người của Liên Hiệp quốc, thì mỗi năm có 2 triệu trẻ em từ 5 đến 15 tuổi bị buôn bán vào ngành mãi dâm. Những người buôn bán trẻ em trong các hoạt động mãi dâm như vầy đã có tổ chức hẳn hòi qua các đường dây quốc tế từ Á, Phi sang Âu và Mỹ và ngược lại. Song song các hiện tượng này là những phương tiện giải trí có tính cách khơi động lòng dục trong con người, nay được phát triển và nhanh chóng lan tràn khắp mọi quốc gia. Sự tiến triển kỹ thuật qua hình ảnh và âm thanh  đã giúp con người ta rất nhiều trong sự phát triển xã hội, nhưng bên cạnh cũng phá hoại con người rất lớn trong lãnh vực làm tăng cường khả năng thôi thúc dục vọng, cũng như làm mất dần đi những  giá trị đạo đức căn bản khi trước của xã hội. 

Một lần tôi được xem cuốn phim: "Nhật Bản cái gì cũng có" và trong phim này trình chiếu nhiều cái thật của xã hội Nhật Bản ngày nay, trong đó có nhiều màn ăn chơi và hưởng thụ theo lối sống mới của những người Nhật Bản hiện đại. Quả thật là một khi bước vào lãnh vực ăn chơi và sa đọa thì con người ta càng ngày càng dấn sâu hơn với những trò lạ lùng. Người ta cho đó là cái vui của cuộc đời, do cái nhu cầu đòi hỏi của con người thời nay quá lớn nên dần dà những hiện tượng vui thú tình dục yêu đương, đôi khi có tính cách quái đản và lạ đời cũng được xã hội mặc nhiên chấp nhận. Trong cuộc phỏng vấn của những người làm phim Hồng Kông với những người làm phim ở Nhật Bản, họ cho biết mỗi một tháng tại Nhật người ta ước tính có khoảng 10,000 cuốn phim về tình dục được cho ra đời. Khi xem phim tôi không thể tưởng tượng và tin được cái mức phát triển và nhu yếu  đòi hỏi về mặt tình dục trong đời sống của người dân Nhật là như thế nào. Nhưng khi có dịp qua Nhật năm ngoái cùng thầy tôi thì tôi mới có dịp để hiểu tường tận hơn về các lãnh vực sa đọa của người dân xứ này. Đâu đâu tôi cũng  thấy các tiệm cờ bạc và đâu đâu tôi cũng thấy các tiệm phim ảnh, báo chí  khiêu dâm bày bán đa dạng không thiếu loại nào. Có lẽ tôi phải cho rằng đối với người dân Nhật Bản ngày nay, nhu yếu đòi hỏi để sống và thỏa mãn về mặt tình dục còn quan trọng hơn cả cái sống, ăn và mặc hàng ngày của họ.

Kỹ thuật thông tin qua hệ thống Internet hiện nay cũng là một vấn đề làm nhiều người chú ý và suy nghĩ. Những tiến bộ và lợi ích qua việc sử dụng hệ thống này ai cũng đã rõ, nhưng bên cạnh những hiện tượng xấu khác cũng quan trọng và nguy hiểm không kém qua việc tác động tâm não của con người. Intemet là con dao hai lưỡi; đời sống văn minh, vật chất, hưởng thụ ở những xã hội Tây phương cũng là con dao hai lưỡi vì nó có thể cho ta sự sung sướng và một vài tiến bộ nào đó trong nhận thức, nhưng mặt khác cũng chính nó làm con người ta sa lầy trong ấy, kéo người ta ngày càng xa dần đời sống tinh thần đạo đức như thuở nào.

Quả thật là phạm vi tự do của những xã hội Tây phương đã đi đến mức quá trớn của nó khi những người xấu chỉ biết có đồng tiền đã nhắm khai thác điều này để trục lợi mưu sinh bất kể hình thức nào. Những hiện tượng phim ảnh, sách báo khêu gợi lòng dục ngày nay không chỉ nằm trong phạm vi trong các tiệm, các siêu thị trên đường phố mà nằm ngay ở các phim ảnh thường chiếu, có thể đủ mọi hình thức thấy được trong đời sống hàng ngày. Thế nên đối với một người tu, một người có ý hướng đời sống mình đến những điều thánh thiện, muốn dùng đúng nghĩa của một kiếp người trong chiều hướng thăng hoa đời sống tâm linh thì những cái hướng thụ, sa đọa về mặt dục tình ở những xã hội Tây phương quả là một điều đáng sợ và cần nên tránh. 

Đạo Phật dạy cho tôi khi  nhìn vào những vấn đề này thì phải nhìn cái gốc lỗi lầm và nguy hại của nó, chứ không nên đánh giá và phê phán mặt ngoài. Mặt ngoài đây là các hiện tượng đòi hỏi và muốn sống thác loạn trong sự hưởng dục của con người ở những thời đại này. Đó là một sự thật và là diễn tiến tất nhiên của cái mà đạo Phật gọi là: "thời kỳ mạt pháp". Thời kỳ mà con người xa dần đạo đức, không muốn tu tâm dưỡng tánh và làm các điều thiện; thời kỳ mà người ta xích lại gần hơn với đầy đủ các loại dục vọng mà con người tự chế ra. Thế nên tự trong thâm tâm tôi chẳng bao giờ miệt thị, và phê phán con người với những hiện tượng sa đọa xảy ra cùng nhịp trong đời sống hàng ngày của họ. Tôi thấy rõ những khó khăn mà con người trong đó có chính tôi đang phải giáp mặt khi sinh vào thời kỳ này, và vào những xã hội như vậy. Thấy, hiểu rõ và tìm cách vươn lên là những  gì tôi đang cố gắng làm; thông cảm, thương xót và tìm cách cứu giúp là những gì tôi muốn trải và ban ra cho người. Chỉ một tâm niệm ấy thôi lòng tôi cũng đủ cảm thấy an vui và hạnh phúc lắm rồi.

Tôi không biết phải nói rằng, đâu là điều hay đâu là do khi tôi trên cương vị của một người tu sĩ lại biết quá nhiều về những chuyện ở ngoài đời. Lẽ ra một người tu sĩ đứng đắn thì không nên hiểu và biết những chuyện không cần hiểu và cần biết, thế nhưng tôi đã hiểu và biết khá nhiều rồi. Có lúc tôi cảm thấy mình đúng là một người tăng sĩ hư đốn vì đã nghĩ tưởng quá nhiều, đôi khi bậy bạ nữa là khác bên trong cái sự hiểu biết khá vớ vẩn kia. Có lúc tôi lại tự hỏi với chính mình  rằng, có ích lợi gì khi tôi biết những điều như thế và nó có ích lợi gì trong sự tu tập hàng ngày của tôi. Nếu tôi không biết những điều mà thế gian đã biết, nếu tôi tự che mắt mình hết thảy những hiện tượng sống thật của một con người thì sự tu hành của tôi sẽ ra sao, có những lợi ích gì trong những hiểu biết hạn hẹn và khuôn khổ của mình. Nhưng thật ra tự thâm tâm tôi phải có sự thú nhận rằng, tôi thích và  muốn tập một đời sống tu hành vô nhiễm đối với cuộc đời, hơn là vô minh (không biết gì) đối với cuộc đời. Thế nên cái nhân duyên nào đó tiềm tàng  trong tâm thức, đã đưa dẫn tôi đi qua từng giai đoạn một để có sự hiểu biết và cảm thấu sâu vào cuộc đời. 

Tôi đã học được bài học đầu tiên về tình yêu và dục vọng từ nơi cửa ngõ của học đường, môi trường để dẫn dắt con người ta tập tễnh bước vào cuộc đời. Ở những xã hội  phương Tây, vấn đề kiến thức và hiểu biết về đời sống tình dục giữa người nam và nữ là một điều hết sức tự nhiên, cần phải kinh nghiệm. Ngay từ lớp bảy lớp tám ở Đan Mạch các em học sinh nam nữ đã được học kỹ càng về cơ thể con người, và những phát triển sinh lý tự nhiên trong cơ thể. Ngoài xã hội, trong học đường việc trai gái đứng tự nhiên ôm hôn nhau là điều thường thấy. Các sách báo, phim ảnh chỉ dạy về những phương pháp ái ân cũng được bày biện, và cho mượn rộng rãi trong các thư viện. Thế nên muốn tìm hiểu và nói về vấn đề này đối với những ai đã từng sống trong các xứ Âu Mỹ chẳng phải là vấn đề khó, tuy nhiên để có một nhận thức và hiểu biến đúng đắn  về vấn đề này, có lẽ cần phải được soi sáng dưới cái nhìn trí tuệ của đạo Phật.

Tôi là một người rất thích về nghệ thuật và phim  ảnh nên trong những năm   trung học ở trường, môn tôi chọn học thêm là môn phim ảnh. Rồi cũng có lẽ một phần là do những hiểu biết nông nổi của tôi về môn học này, vì cho rằng học môn này là khoẻ và sướng nhất vì khi vào lớp là chỉ xem phim và phân tích, thế thôi.  Dĩ nhiên tôi cũng đoán trúng  phần nào nhưng bên trong quả cũng có những điều khúc mắc của nó. Những tháng  năm học trôi qua, cái tật mê xem phim của tôi được đền bù bằng hàng trăm cuốn phim thượng vàng hạ cám trong các tiết học. Từ những phim thời sự xưa như trái đất cho đến những loại phim quảng cáo, rồi những phim chiến đấu ác liệt cho đến những loại phim làm tình nảy lửa;  tất cả đều được đem ra chiếu và bàn bạc lung tung, làm tôi có lúc cũng thấy hứng khởi và có lúc ngồi ngủ gà ngủ gật trên bàn.

Hôm đầu tiên xem những loại phim đó, tôi sợ hãi vô cùng, trán toát mồ hôi, tim đập mạnh, len lén nhìn quanh coi tụi bạn cùng lớp có để ý không. Thế nào tụi nó cũng nghe và nói thầm trong bụng về tôi cho mà xem: "Người tu mà cũng xem những phim như thế này à!". Một mặc cảm tội lỗi nào đó len lén âm thầm nổi lên,  rồi một mặt tôi muốn ra về, một mặt tôi nghĩ "về là mất tiết học và không lẽ cứ mỗi lần đến giờ này tôi lại bỏ học, một mặt nữa tôi tò mò muốn ở lại coi cho biết". 

Lẽ ra tôi phải hiểu rằng, tôi được phép hiểu và sống như những con người khác trên trần gian này, nhưng không được phạm như những người thế gian đã phạm, đó là bước chân vào đời sống gia đình. Tôi có thể tự cho phép mình hiểu tất cả những điều mà những người tu trước tôi, những bậc thầy ở các thế hệ trước tôi chưa từng hiểu, vì tôi có được môi trường và điều kiện để hiểu như vậy.  Trưởng thành ở một xã hội Tây phương, có hiểu biết và nhận thức để đưa tôi đến việc xuất gia dĩ nhiên không phải là một việc làm tình cờ, bị ai đó dụ mà tôi đã phải trải qua một quá trình phấn đấu nội tâm để đưa đến việc buông bỏ. Nhưng dù biết rằng tôi có đủ tố chất trong sáng và can đảm khi đối mặt với thực tại cuộc sống - tình yêu và dục vọng-, tôi vẫn cảm thấy e ngại và mặc cảm tội lỗi. Có lẽ tôi đã được dạy và bị răn đe quá kỹ về các vấn đề này chăng? hoặc cũng có lẽ cái học luân lý cổ truyền của tinh thần Khổng Lão đã nhập tâm tôi tự thuở nào. Sinh ra làm một người Á Đông là con người ta đã sinh ra với một nền luân lý cổ truyền rồi. Ai mà dám đi  khác được khi trên đầu mỗi người mang một màu tóc đen, da màu vàng và cái khổ người nhỏ thó. Chính ở những điểm ấy mà những con người mang dòng máu và văn hóa đạo đức Á Đông thường hay tự hào về họ. Nhưng trớ trêu thay vì do một hoàn cảnh và nhân duyên nào đó, con người và văn hoá đạo đức Á Đông đã được đọ sức với con người và văn hoá phương Tây. Cả hai cùng gặp nhau trên một bình diện của đời sống trong cùng một xứ sở, một xã hội có nhiều tương phản. Người bản xứ cao, người Á Đông thấp, đời sống người bản xứ chủ trương hướng ngoại, vật chất hóa; đời sống người Á Đông chủ trương hướng nội, tâm linh; họ chủ trương cá nhân với những đòi hỏi tự do tuyệt đối trong cuộc sống, tự do trong tình yêu, tình dục, còn chúng ta chủ trương văn hóa và đạo đức,  gia đình và bổn phận trách nhiệm của kẻ trên người dưới. Hai nền văn hoá và tư duy khác biệt là hai sắc thái đặc thù của hai dân tộc;  bên nào đúng bên nào sai, bên nào hay và bên nào dở. Chỉ có mình mới có những câu trả lời  thỏa đáng cho chính mình, vì mình luôn luôn là người hiểu mình và bênh vực cho mình hơn ai hết. 

Nhưng dù có khác gì đi nữa về truyền thống, lối nhận thức và tư duy về đạo đức nơi ở mỗi con người thì bề trái, mặt trong của nó cũng đều có một tính chất giống nhau, đó là ưa thích dục vọng. Vì sao, vì tất cả chúng ta dù Đông hay Tây đều cũng chỉ là một con người. Thế nên dù văn hoá và nền luân lý đạo đức phương Tây bị người Á Đông chê bai, tôi vẫn tin rằng nó sẽ thắng cuộc trên đường tranh đua để nhanh chóng lan tràn khắp trên quả địa cầu này. Vật chất hoá đời sống là đứa bạn tận tình nhất của đời sống phi đạo đức, chuyên tìm cách sáng tạo và đòi hỏi thêm về những nhu cầu để thỏa mãn những khao khát về dục vọng của con người. Dục vọng của con người khi thiếu đi trí tuệ thì không có điểm dừng của chuẩn mực giới hạn, mà dục vọng về ham muốn tình dục thì lại càng ghê gớm và tai hại hơn bao giờ hết. Cái học của học đường, cái thấy và biết từ những  gút mắc trăn trở về vấn đề này ở các mặt đời sống khác nhau trong xã hội đã cho tôi biết điều này. Cái sung sướng mà con người hưởng được qua việc tự do sống  chung, tự do tình dục, tự do yêu đương và luyến ái không đủ trả giá cho những khổ đau mà họ và những người chung quanh phải hứng chịu. Thế nhưng con người thường chỉ muốn biết và sống với những đam mê mà họ có thể với tới trong tầm tay, và ngay giây phút mà họ có dịp.  Những kết quả dù có đắng cay, khổ đau nào đi nữa thì cũng xa vời và thiếu hiện thực đối với họ, ít nhất là cho đến giờ  phút đó.

Tôi là một ngươi Á Đông nên tôi bị ảnh hưởng ít nhiều bởi nền luân lý và đạo đức Á Đông.  Hơn thế nữa tôi cũng là một người tu nên tôi bị ảnh hưởng và buộc ràng trong các giới luật của đạo. Trên căn bản là một người tu tôi phải giữ giới nghiêm túc của một người tu, một người tu không giữ giới tất nhiên không phải là một người tu vì người tu đâu chỉ phải chỉ nơi chiếc áo vàng hay chiếc đầu đã cạo. Chính giới pháp thể hiện một người tu hay có thể hiểu rộng hơn (tôi tự an ủi cho mình khi làm không đúng giới luật) là chính sự hổ thẹn mà nhân cách và giá trị của một ngươi tu được tròn đầy. Trong kinh Di Giáo đức Phật dạy cho các thầy rằng:

"Sự hổ thẹn  là phục sức đẹp nhất trong mọi thứ phục sức; Như cái móc sắc, sự hổ thẹn có năng lực chế ngự mọi thứ phi pháp của con người. Thế nên các thầy  Tỳ kheo, hãy luôn luôn biết hổ thẹn, sỉ nhục, đừng bao giờ dầu chỉ là tạm thời mà thôi, được phép quên mất đức tính ấy. Mất hổ  thẹn là mất công đức.  Có hổ thẹn là có thiện pháp, không  hổ thẹn thì không khác chi cầm thú".

Giới luật của đức Phật thật là khó  và nhiều vô số kể, giữ sao cho hết trong thời đại ngày nay và nhất là thời đại chủ trương và cổ xuý về dục vọng. Ngài Sogyal Rinpoche, một bậc thầy Tây Tạng khi ra sống và giảng dạy ở nước ngoài nhiều năm, có kinh nghiệm về đời sống của những xã hội này cũng đã phải buộc lòng than rằng:  "Xã hội ngày nay đối với tôi dường như là một cuộc lễ ăn mừng tất cả mọi thứ dẫn ta đi xa sự thật, làm cho người ta khó mà nắm bắt được chân lý ; nó lại càng không muốn cho người ta tin rằng có chân lý hiện hữu nữa. Tất cả điều này lại thoát thai  từ một nền văn minh tự cho là tôn thờ sự sống nhưng kỳ thực lại tước đi ý nghĩa đích thực của sự sống. Một nền văn minh luôn luôn nói làm cho người ta hạnh phúc, mà kỳ thực lại làm bế tắc con đường dẫn đến suối nguồn hạnh phúc chân thực".

Dục vọng được xem là một trong những nguồn năng lực mạnh nhất trong con người, thông thường dục vọng hay đi cùng với sự hiểu biết mù quáng. Để minh thị cho hình ảnh này, giáo lý Tịnh độ có bài kệ rằng:

Biển cả ái dục,
sóng gió ngàn trùng,
muốn cầu giải thoát,
niệm  Phật Di Đà .
Nam mô A Di Đà Phật.

Ở đây ái dục hay dục vọng của con người được ví như một biển lớn, mà nơi đó luôn luôn có sóng và  gió làm chao đảo con người. Muốn thoát khỏi sự nguy nan này, con người chỉ quay về nương tựa vào tha lực của đức Phật A Di Đà để cầu giải thoát.  Tuy nhiên trong giáo  lý mật tông, dục vọng không cần thiết phải bị loại bỏ vì đây là một nguồn năng lượng rất mạnh đáng được sử dụng. Phật giáo Tây Tạng đi xa hơn trong các pháp tu sử dụng năng lượng dục vọng này qua pháp hành trì "Kim công nữ Du già" (Vajra Yogini), một phương pháp tu quán về màu sắc, hình ảnh của một người nữ lõa thể mà trên thân phơi bày toàn diện các nơi kín đáo nhất của người phụ nữ.  Đây là pháp môn tu có tính cách quyết  định cho sự giải thoát sau cùng đối với các hành giả có định và tuệ cao.

Con người thông thường rất khó biết về dục vọng của chính mình khi chưa gặp duyên và  nghiệp tác động.  Dục vọng luôn luôn được nằm rất sâu dưới lớp tiềm thức của mỗi người, ít có khi trỗi dậy vì người ấy chịu nép mình dưới đời sống luân lý, đạo đức của xã hội và gia đình. Đối với người tu, dục vọng ấy càng khó thấy hơn do thiếu môi trường và điều kiện nhân duyên tác động. Những duyên tốt như giới luật, thầy bạn, kinh sách, sự tu học hàng ngày c&
loading...