Góc nhìn Phật tử
“Già tám mươi chưa chắc đã làm xong”
Thứ bảy, 11/10/2022 04:27
Thiền tông Phật giáo Trung Hoa có một giai thoại thú vị về Thiền sư Ô Sào. Tương truyền ngài là người tu hành đắc ngũ nhãn, lục thông và thường ngồi thiền trong một tổ quạ ở trên chạc ba của đại thụ.
Bấy giờ có đại quan của triều đình là Bạch Cư Dị vừa đến trấn nhậm, nghe thiên hạ đồn đại có ông Tăng ngồi thiền trên tổ quạ nên đến thử xem hư thực ra sao. Khi đến nơi và thấy cảnh tượng như vậy, đại quan họ Bạch mới nói:
- Sao ông lại ngồi thiền trên ấy, rất nguy hiểm?
Thiền sư Ô Sào trả lời:
- Có chi nguy hiểm, chỗ ngồi của đại quan mới thật là nguy hiểm!
- Ta là mệnh quan của triều đình, dưới một người trên vạn người, binh đông tướng mạnh, cớ sao ông bảo nguy hiểm?
- Đại quan đang ngồi trên đầu lưỡi của trăm quan ở trong triều.
Bạch Cư Dị giật mình thảng thốt nhận ra mối nguy hiểm ẩn tàng ấy, khí thế muốn làm bẽ mặt thiền sư lúc ban đầu tiêu tan. Bạch Cư Dị đổi thái độ, cung kính và tham vấn Phật pháp với thiền sư, cả hai trao đổi rất tương đắc với nhau nhiều điều và cuối cùng ông tóm lại:
- Vậy đại ý Phật pháp là gì?
Bấy giờ Thiền sư Ô Sào mới đọc bài kệ:
Không làm các điều ác
Làm tất cả điều lành
Giữ tâm ý trong sạch
Ấy lời chư Phật dạy.
Bạch Cư Dị cười:
- Thế này thì trẻ lên ba cũng biết!
Thiền sư Ô Sào cũng cười:
- Già tám mươi chưa chắc đã làm xong.
Sự thật bài kệ này vốn xuất xứ từ kinh Pháp cú hay còn gọi là kinh Lời vàng (Dhammapada); cụ thể hơn, bài kệ này nằm ở kệ số 183, phẩm Phật-đà (Buddhavagga). Kinh Pháp cú có cả bản tiếng Pàli và tiếng Sanskrit, số lượng bài kệ của các bản cũng khác nhau. Ở đây xin căn cứ vào bản kinh Pháp cú thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddaka-Nikaya) do Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. Trong lời tựa, Hòa thượng Thích Minh Châu cho biết: Kinh Pháp cú này rất nguyên thủy, rất chân thật, y như lời dạy của Đức Bổn sư, không qua dịch hay biên soạn của người đời sau”.
Không làm các điều ác
Thế nào là ác? Cái gì là ác? Chữ ác ở đây nghĩa sâu rộng hơn nghĩa chữ ác của người thế gian. Với người thế gian thì mua gian bán lận, đốt nhà, cướp của, giết người là ác, hoặc phạm luật thế gian như “ngũ nghịch, thập ác” là ác… Với nhà Phật thì: sát sinh, trộm cướp, tà hạnh, nói dối, say nghiện là ác; tham, sân, si, mạn, nghi là ác; phá giới, phạm giới là ác… Việc thọ giới tùy thuộc vào vị trí của mỗi người, nếu là Phật tử tại gia thì năm giới, mười giới, còn với Tăng Ni thì số giới nhiều hơn.
Người đã thọ giới mà không giữ hay cố tình phá giới tức là ác, ác với chính mình, ác với đức tin của mình, ác với sự tin tưởng và kỳ vọng của thầy tổ. Cái ác vốn rất nhiều, hễ cái gì không nên làm mà làm là ác, cái nên làm mà không chịu làm là ác. Hễ làm ác thì tự cấu uế, tự đọa, tự mình hại mình. Tóm lại tất cả tự mình, mình làm ác thì mình uế trược, lục đạo ngũ thú cũng tự mình chiêu cảm lấy.
Làm tất cả điều lành
Với người thế gian thì cái thiện cũng hạn hẹp, chỉ cần không giết người, cướp của…, sống hiền lương là đủ thiện. Với người thế gian thì việc sát sinh cũng được pháp luật cho phép, những nghề như mua bán khí giới, rượu, cờ bạc, mại dâm… một số nơi được xem là hợp pháp, là thiện nhưng với đạo Phật thì không cho đó là thiện. Trong đạo thì không sát sinh, trộm cướp, tà hạnh, nói dối, say nghiện mới là thiện; không tham, sân, si, mạn, nghi là thiện. Mở rộng hơn, nâng cao hơn thì: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là thiện. Làm tất cả những điều mà Đức Phật dạy, những điều đem lại an lạc và tỉnh thức là thiện. Chữ thiện trong nhà Phật bao la rộng lớn, phàm những gì đem lại sự thăng hoa, tiến bộ trên con đường thanh tịnh, giác ngộ và lợi ích chúng sinh đều là thiện.
Giữ tâm ý trong sạch
Tâm ý của mình trong sạch hay dơ bẩn là do mình. Không có ai có thể làm cho mình sạch hay dơ được, và cũng không có ai có thể làm cho mình thăng hay đọa được! Sở dĩ tâm mình ô nhiễm là vì sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ngày ngày tiếp xúc với sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà dính mắc, mà chấp thủ. Hễ cái gì, điều gì mà hợp với mình thì yêu thích và tham đắm, còn cái gì ngược ý mình thì sinh chán ghét, cứ như thế mà bao đời cứ yêu ghét chấp thủ trong tâm. Sáu căn của chúng ta có bệnh, bị ô nhiễm nặng vì chấp vào sáu trần.
Ở một bản kinh khác, Đức Phật nói với ngài A-nan: “Này A-nan, không có ai có thể làm cho ông thăng hay đọa; thăng lên hay đọa xuống cũng bởi sáu căn của ông”. Sáu căn của mình nhiễm ô nên làm cho tâm mình loạn động suốt ngày đêm, kể cả lúc ngủ cũng không yên tịnh và cứ thế mà luân hồi lăn lộn từ đời này sang đời khác. Tâm chúng ta bị cấu uế vì tham đắm ngũ dục: tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. Người thế gian ai cũng bị trói buộc trong năm món dục này. Ai cũng để tâm mưu cầu ngũ dục nhưng nào dễ được. Người thế gian dồn hết tâm lực để mưu cầu, tranh đoạt, chiếm hữu năm món dục ấy, càng nhiều càng tốt, không bao giờ biết đủ. Ngũ dục và lục trần khiến con người làm tất cả những điều ác để thỏa mãn sự tham muốn của mình. Chính từ đây mà tâm mình ô uế, dính mắc và cũng chính từ đây mà Đức Phật chế giới luật để giúp con người hạn chế sự ô nhiễm và đi đến thanh tịnh tâm.
Kinh Suy niệm về nghiệp có viết: “Tâm chủ trì, tâm tạo tác, chúng sinh là kẻ thừa tự nghiệp cũng là kẻ tạo nghiệp... Chính mình làm việc ác nên khiến mình uế trược. Chính mình làm việc thiện nên khiến mình thanh tịnh. Thanh tịnh hay uế trược đều do mình, không ai có thể khiến người khác thanh tịnh hay uế trược”. Nhà Phật chú trọng cái tâm, coi tâm là chủ tể, tất cả không ngoài một niệm, ba ngàn thế giới không ngoài một tâm (Thập phương hư không bất ly đương xứ. Cổ kim tam thế bất ly đương niệm).
Thăng hay đọa là do tâm sạch hay dơ, động hay tĩnh, tâm mình tịnh hay uế là do chính mình. Việc trì giới, không làm các điều ác, làm tất cả điều lành là tự tịnh kỳ ý, là tự nhiên thanh tịnh.
Ấy lời chư Phật dạy
Có thể hiểu lời Phật dạy ở đây là lời dạy của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, cũng có thể hiểu là toàn bộ lời dạy của chư Phật ba đời mười phương. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật cũng nói: “Chư Phật thị hiện ra đời cũng vì đại sự nhân duyên để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Tri kiến Phật chính là biết cái thật, bản chất thật của sự vật. Tri kiến Phật biết thế nào là ác để không làm, biết thế nào là thiện nên phải làm, biết làm thế nào để thanh tịnh tâm. Phật nói bao nhiêu kinh điển, dùng bao nhiêu phương tiện tất cả không ngoài dạy người điều phục tâm ý.
Kinh điển nhà Phật có tam tạng đồ sộ, nghĩa lý thâm sâu cao xa dành cho những bậc thượng căn lợi trí. Hàng Phật tử sơ cơ chúng ta chỉ cần giữ được giới đã thọ là tốt lắm rồi. Thật ra, không làm các điều ác, siêng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch thì sơ cơ hay thượng căn cũng cần phải thực hành cả, có trì giới thì mới có định, có định sẽ sinh tuệ, có tuệ mới vượt thoát khổ đau. Sơ cơ hay thượng căn không làm ác, nguyện làm lành, giữ tâm ý trong sạch thì là vâng lời Phật dạy vậy.
Bài kệ ngắn, thể ngũ ngôn dễ thuộc, dễ nhớ, ý nghĩa tưởng chừng đơn sơ nhưng thực hành trọn vẹn thì chẳng dễ dàng tí nào. Bởi thế mà Thiền sư Ô Sào mới cười: “Già tám mươi chưa chắc đã làm xong”.