Góc nhìn Phật tử

Già và chết

Thứ hai, 16/12/2021 12:40

Khi hành giả sâu sắc nhận chân pháp quán ngay nơi chính bản thân, tự khắc sẽ mang lại nhiều kết quả trên con đường tu tập.

Trong kinh Tương Ưng Bộ tập II, thiên Nhân Duyên, chương I, Tương Ưng Nhân Duyên, phẩm Phật-đà, phần Phân Biệt, có đoạn nói về già và chết: “Và này các Tỳ-kheo, thế nào là già và chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác; bị già, bị yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi. Đấy gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay bộ loại chúng sanh khác; sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể vứt bỏ. Đây gọi là chết. Như vậy, này các thầy Tỳ-kheo, đây gọi là già và chết”.

Qua trích dẫn về sự thật bất tịnh của sắc thân con người, chúng ta có suy nghĩ gì?

Thứ nhất, ước mong đi tìm một con người “bất tử” không già, không chết là một phi lý, đi ngược lại với chân lý uyên nguyên vạn hữu. Đây đồng nghĩa với quan niệm thường còn – hữu ái, tham luyến sự sống trường tồn.

Thứ hai, ước mong chấm dứt sự sống, là không còn gì cả, cát bụi trả về cát bụi vì nhân đã quá nhàm chán, nhờm gớm sự ô uế của thân này; tức là hình thức của chấp đoạn diệt – vô hữu ái, tham luyến sự sống không có sự hiện hữu của xác thân.

Quán thân bất tịnh là một phần nhỏ trong sự quán thân niệm xứ

Quán thân bất tịnh là một phần nhỏ trong sự quán thân niệm xứ

Cảm ngộ về vô thường

Thứ ba, vượt ra khỏi nhị biên của thường – đoạn, người con Phật chân chính mượn thân tứ đại làm phương tiện độ sinh, mong muốn (dục như ý túc) vượt thoát sinh tử, chạm đến bản thể bất sinh bất diệt, trú Niết-bàn với tuyên ngôn bất hủ: “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, kiếp này là kiếp cuối cùng, nay không còn trở lui lại trạng thái này nữa”.

Quán thân bất tịnh là một phần nhỏ trong sự quán thân niệm xứ (Tứ niệm xứ), bên cạnh các pháp quán hơi thở, quán cửu tưởng, quán oai nghi v.v… Khi hành giả sâu sắc nhận chân pháp quán ngay nơi chính bản thân, tự khắc sẽ mang lại nhiều kết quả trên con đường tu tập.

“Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng” là vậy!

“Đời người ngắn ngủi vô thường

Chỉ trong giây phút, chỉ từng sát-na

Thở vào mà chẳng thở ra

Thân người lại hóa thân ma không hồn …

Ai người thức tỉnh hiểu ra

Đừng lo những chuyện xa hoa bên ngoài

Tu tâm sửa tánh dồi mài

Ăn chay niệm Phật ngày ngày công phu

Giữ gìn ba nghiệp tịnh tu

Giới hương thơm ngát thiên thu vẫn còn”…

(TT. Thích Chân Tính)

loading...