Đạo Phật trong tim tôi

Giây phút thực tại trong tôi là chánh niệm

Thứ năm, 05/05/2023 10:07

Phật dạy con đường bát chánh đạo (bao gồm tám chi phần: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định) là con đường thoát khỏi mọi khổ đau.

Audio

Trong đó, Chánh niệm nghĩa là ghi nhớ, nhớ nghĩ đúng đắn. Chánh niệm có 2 loại: Chánh ức niệm và chánh quán niệm. Chánh ức niệm là nhớ nghĩ đến quá khứ, những chuyện đã qua một cách đúng đắn. Quán niệm là quán sát hiện tại, và trong kinh Đại Niệm Xứ đã chỉ ra phương pháp hành thiền “quán tứ niệm xứ” (Thân, thọ, tâm, pháp).

Nhờ tu học theo lời dạy của đức Phật mà tôi đã có nhiều thì giờ sống trong thực tại bằng cách thực hành quán tứ niệm xứ. Trước đây, tôi khổ đau vì thường xuyên mắc kẹt trong những trải nghiệm quá khứ hay những lo nghĩ về tương lai. Chúng giày vò tôi đầy đau đớn, tôi không tìm được lối thoát cho chính mình và rơi vào căn bệnh trầm cảm. Nhờ nhiều nhân duyên mà tôi dần dần tìm hiểu đạo Phật và thực hành thiền định. 

“Thở vào ta biết mình đang thở vào, thở ra ta biết mình đang thở ra”.

“Thở vào ta biết mình đang thở vào, thở ra ta biết mình đang thở ra”.

Đến khi lên đại học, tôi may mắn gặp được một giảng viên dạy học phần “Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền”. Nhờ có cô mà tôi dần đi sâu tìm hiểu thiền tuệ, trong đó quán tứ niệm xứ bằng cái nhìn chân thật của Chánh niệm là bước đầu căn bản. 

Thiền tuệ hay thực hành Chánh niệm là phương pháp dễ hiểu và ai cũng có thể bắt đầu thực hành. Vì khả năng cảm nhận thân thể và các trạng thái trong tâm là khả năng bẩm sinh của mỗi con người. Chẳng qua, vì thói quen chú ý đến thế giới bên ngoài quá nhiều và do các năng lượng tham ái cùng với ngã chấp thúc đẩy, nên ta thường bỏ quên cảm nhận thân tâm. Vì quên cảm nhận, quan sát mà ta cứ mãi đau khổ, phiền não kéo dài khi gặp những việc bất như ý. 

Giờ đây chỉ cần ta ngồi lại, bình tĩnh lại cảm nhận những trạng thái đang hiện diện trong thân thể, trong tâm trí. Khi ấy, tự khắc sự rỗng lặng sáng suốt có mặt đủ để ta biết điều gì vừa xảy ra, đang xảy ra. Cái biết đó giúp ta nhìn nhận thực tại khổ đau đang có mặt (khổ đế), nhìn rõ được ta sẽ biết nguyên nhân nó sinh khởi (tập đế). Và khi nhìn thấy nó và nguyên nhân của nó rồi ta sẽ diệt trừ được nó (diệt đế). Để làm được điều đó, ta hiểu rằng chỉ có đi trên con đường Phật dạy (đạo đế). 

Con đường quán tứ niệm xứ này tuy đơn giản, dễ thực hành nhưng trong quá trình đó có vẫn tồn tại những thách thức. Điều này xảy ra cũng do thói quen “tìm cầu quá khứ, chạy trốn thực tại, sợ hãi tương lai” của ta. Vậy làm sao để ta khắc phục chúng?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã chỉ ra phương pháp hiệu quả cho chúng ta. Đó là tập trung vào hơi thở bằng Chánh niệm: “Thở vào ta biết mình đang thở vào, thở ra ta biết mình đang thở ra”. Mỗi khi tâm dẫn dắt ta quay về quá khứ hay tính toán cho tương lai và ta bị đắm chìm, thì hơi thở được dẫn dắt, quan sát bằng Chánh niệm sẽ giúp ta an định lại với thực tại. 

Trở về với thực tại, giúp ta cảm nhận được cơ thể và tâm mình đang thế nào. Sự cảm nhận đó càng sáng suốt và sâu sắc ra sao sẽ giúp ta sinh khởi an lạc và trí tuệ trong ngay giây phút thực tại. 

Đạo Phật đã chỉ cho chúng ta con đường hạnh phúc màu nhiệm, con đường đó không cần được vẽ lên bằng thần thông hay sức mạnh siêu nhiên. Mà nó được ta cảm nhận rõ ràng ngay trong thực tại khi ta có Chánh niệm. Theo tôi, điều đó mới là diệu kỳ nhất khi hạnh phúc chân thật không phải điều gì xa vời. Nó được ta cảm nhận được từ bên trong chính mình. Vì thế, Phật đâu phải ở phương trời xa xôi nào đó. Phật và con đường của Ngài ở ngay trong trái tim tôi, các bạn và chúng ta.

*Bài dự thi được gửi từ tác giả Nguyễn Thị Phượng Quỳnh; địa chỉ: Phố Hà Huy Tập, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang.

loading...