Trong nước

Giới thiệu kho mộc bản của Phật giáo xứ Huế

Thứ bảy, 10/09/2022 11:07

828 bản khắc gỗ của Phật giáo xứ Huế vừa được giới thiệu, trong đó có Bộ mộc bản Kim Cang bát nhã ba la mật đa tâm kinh khắc dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.

Buổi ra mắt Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Huế chiều 9/9 đã giới thiệu kho mộc bản lớn nhất của Phật giáo xứ Huế với 828 bản khắc gỗ trên hơn 1.300 mặt khắc. Đây là những mộc bản được sưu tập ở các tổ đình và cổ tự danh tiếng xứ Huế như chùa Kỳ Viên, Đức Sơn, Thiền Lâm, Viên Thông, Thuyền Tôn, Báo Quốc, Bảo Lâm, Ba la mật...

Nội dung trên các bản gỗ khắc gồm: Kinh, luật, luận, trước tác, phái điệp quy y, tranh đồ họa cổ. Bộ mộc bản Kim Cang bát nhã ba la mật đa tâm kinh có niên đại năm Chính Hòa thứ 19 (1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đây là bộ ván khắc có niên đại cổ nhất của Phật giáo xứ Huế và miền Trung được tìm thấy thời điểm này.

Mộc bản Phật giáo được trưng bày tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Mộc bản Phật giáo được trưng bày tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Ảnh: Võ Thạnh

Bên cạnh phòng lưu giữ mộc bản Phật giáo, Trung tâm cũng có phòng lưu trữ thư viện gia đình và tủ sách gia đình của các phật tử là nhà nghiên cứu, sưu tập tại Huế hiến tặng. Đặc biệt, gia đình cố phật tử Tâm Đại, Lê Văn Dũng đã hiến tặng toàn bộ tủ sách cùng tư liệu ghi âm Phật giáo Huế trên hệ thống đĩa Akai trước năm 1975 của nhà thu băng Hoa Đàm. Đây là hệ thống tư liệu ghi âm các sự kiện Phật giáo, thuyết giảng, Tụng kinh sám bái của các cao tăng và âm nhạc Phật giáo, bao gồm tân nhạc và lễ nhạc truyền thống.

Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế thành lập. Nơi đây sẽ lưu trữ các văn liệu, trước tác, kinh sách, pháp tượng, pháp khí, mộc bản, tư liệu ghi âm, ghi hình và tư liệu số hóa Phật giáo để phục vụ nghiên cứu Phật học nói chung và văn hóa Huế nói riêng.

Nguồn: VnExpress

loading...