Góc nhìn Phật tử

Hãy cổ vũ thay vì trách mắng

Thứ bảy, 16/08/2023 01:30

Trong kinh Phật có một câu chuyện liên quan đến xe trâu kéo, kể về hai người cho trâu kéo xe lên dốc.

Audio

Người đi trước không ngừng nói những lời cổ vũ cặp trâu đang kéo xe, anh ta nói: “Trâu ơi! Ta biết các bạn rất khỏe, ta tin rằng hai bạn sẽ kéo xe lên khỏi dốc này, hết đoạn đường này chúng ta sẽ cùng nghỉ ngơi cho khỏe, ta cũng sẽ chung tay giúp hai bạn. Nào! Chúng ta cùng đi thôi!”. Kết quả là cặp trâu này đã đi lên khỏi dốc rất nhanh.

Còn người thứ hai lại liên tục đánh trâu, hơn nữa vừa đánh vừa mắng: “Sao các ngươi ngu dữ vậy! Đúng là trâu lười! Ngay bây giờ chúng ta phải lên khỏi dốc này, ta nghĩ dù hai ngươi ngốc nghếch thế nào cũng phải lên khỏi dốc này”. 

Cuối cùng thì cặp trâu đứng im, bất động, cho dù anh ta dùng roi đánh cỡ nào, chúng cũng không muốn đi. Chúng nghĩ rằng, dù sao cũng bị mắng là trâu ngu, lười biếng, leo không qua khỏi dốc, vậy thôi không cần cố gắng nữa.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Tuy đây là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng theo tôi, con trâu thật ở ngoài đời cũng vậy. Con người chúng ta cũng thế, cổ vũ, động viên sẽ tốt hơn nhiều so với trách mắng và sỉ nhục hoặc không được tôn trọng. Nếu như bạn khen ngợi, cổ vũ người khác, họ sẽ hết lòng hết dạ làm việc và cảm thấy được tôn trọng: “Anh đối với tôi tốt như thế, tôi đương nhiên phải nỗ lực”. Còn nếu như ta suốt ngày mắng họ vô dụng, không có tương lai, đương nhiên họ sẽ nghĩ rằng: “Dù sao thì mình cũng chẳng có tương lai gì, vậy cần gì cố gắng?”. Cuối cùng, ngay cả cơ hội để thử cố gắng cũng bỏ qua, không làm.

Có một bạn nữ khi còn độ tuổi trung học, bạn rất thích chơi, người mẹ vì không an lòng cho nên mỗi ngày sau khi tan học, cho dù là tối sớm đều hỏi bạn ấy: “Con hôm nay có đi chơi với bạn trai không?”. Dù cô ấy nói không, người mẹ cũng không tin và bà thường hỏi như thế mỗi ngày. Cô gái liền nghĩ rằng: “Mình có về sớm mẹ cũng hỏi, về muộn mẹ cũng hỏi, chi bằng mình về muộn một tý vậy!”. Cho đến một ngày nọ, người mẹ hỏi: “Nay con đi đâu vậy? Chắc chắn là đi với đám lưu manh rồi, phải không?”. Thật ra, cô gái có về muộn một tý, cô ấy cũng không làm điều gì sai, mà vốn dĩ cô chẳng quen ai lưu manh cả, nhưng vì nói không cũng cho là có, nên từ đó cô thật sự đã đi chơi với nhóm bạn lưu manh. Cho đến khi tự mình hiểu được, phản tỉnh thì mới rời xa nhóm bạn ấy.

Vì vậy, trong quá trình giáo dục con cái, chúng ta không nên trực tiếp nói con không tốt, bằng không rất dễ tạo thành tính tự ti cho con. Bất kỳ việc gì đều nghĩ theo hướng xấu, như vậy sẽ khiến ta người cam chịu số phận, không có chí tiến thủ. Chúng ta cần phải cổ vũ nhiều hơn, khen ngợi con cái nhưng cũng cần có giới hạn nhất định. Không nên tạo sự hiểu lầm cho con khiến chúng kiêu ngạo, không xem ai ra gì, thậm chí biến thành áp lực khác cho con, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển về thân và tâm của con nhỏ.

Bạn có thể nói với con mình rằng: “Hôm nay con làm thật tốt, mẹ cảm thấy rất vui nhưng vẫn có bạn làm tốt hơn con à! Mẹ tin con có thể tiến xa hơn nữa, làm tốt hơn nữa nếu con nổ lực thêm một tý, nhưng mẹ mong con cũng đừng quá miễn cưỡng, con nhé”. Dù bất cứ việc gì đều nghĩ đến điều tích cực, tốt đẹp nhất, như vậy đối với việc giáo dục con cái của các bậc cha mẹ là vô cùng quan trong. Cho nên, vì con cái, vì cha mẹ, vì chính bản thân mỗi ngày chúng ta cần phải tu dưỡng bản thân mình nhiều hơn. 

Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo

loading...