Góc nhìn Phật tử

Hãy giảm bớt 80% các xung động hàng ngày

Thứ bảy, 27/12/2022 10:06

Phần lớn chúng ta không biết là chúng ta xung động cả ngày, 24 giờ một ngày (tức là ngay trong giấc ngủ) và phần lớn xung động của ta là chuyện rất nhỏ, không đáng kể.

Audio

Phần lớn chúng ta không biết là (1) chúng ta xung động cả ngày, 24 giờ một ngày (tức là ngay trong giấc ngủ) và (2) phần lớn xung động của ta là chuyện rất nhỏ, không đáng kể. Thực sự là ta có thể giảm bớt ít nhất là 80% xung động của mình nếu ta chú ý đến cảm xúc và hành vi của ta một chút.

Các xung động thường trực trong ngày có rất nhiều tai hại. (1) Chúng tạo ra một dòng stress cả ngày cả đêm, hại đến cả sức khỏe tâm trí lẫn cơ thể, (2) tạo ra cá tính của ta là nguời nhiều stress, dễ nổi nóng, dễ gắt bẩn… không tốt trong hành xử với mọi người, và (3) che mờ hẳn con đường tâm linh và sự sáng suốt của trái tim ta.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước hết, hãy lượt qua vài ví dụ xung động.

– Anh chàng xe máy sau lưng vượt lên, lạng ngay trước mặt, sắp quẹt vào xe mình. Mình bực mình lẩm bẩm một câu chửi thề.

– Mua một mớ rau, trả tiền, và bà hàng rau thối lại. Đi một quảng đếm tiền mới khám phá ra là bà ấy thối thiếu 5 nghìn. Lẩm bẩm là bà già bất lương.

– Vào sở thấy anh bạn cùng sở đi ngang, ta “Chào anh ạ”, anh ấy cứ phớt lờ đi như không thấy ta. Ta rất cáu vì anh chàng kiêu căng đó.

– Bảo ông xã đến 5 giờ thì đón. 5 giờ 15 chẳng thấy chàng đâu cả, cũng chẳng gọi điện thọai báo gì. Bực mình, “Chẳng quan tâm gì ai cả!”

– Bảo ông xã quẹo trái đi về đường này cho nhanh. Ông ấy quẹo phải, đi đường tòan đèn đỏ.

– Hồng Nhung hát như đàn bà đẻ rên la, vậy mà con nhỏ cùng phòng này cứ ca cẩm hòai, bực mình điên được.…

Đại khái, nếu bạn ngồi tĩnh lặng khoảng 5, 7 phút, “nhìn” lại các cảm xúc và hành vi của bạn ngày hôm qua, có lẽ bạn sẽ đồng ý với mình là (1) khoảng 80%, 90% các xung động của ta tòan là chuyện lắt nhắt chẳng đáng xung động tí nào và (2) ta bị xung động thường xuyên hòan toàn vì thói quen phản xạ và thường là ta chẳng biết ta xung động.

Các bạn có thể bỏ bớt khỏang 80% xung động của mình và trở thành một nguời hoàn toàn khác—trưởng thành hơn, tĩnh lặng hơn và sáng suốt hơn—chỉ bằng yêu cầu tâm trí mình làm một việc thường trực: Để ý đến các cảm xúc và hành động của mình trong ngày, và nếu đó là xung động thì dằn nó xuống một chút.

Trong các ví dụ bên trên, ta thấy:

– Anh chàng “chạy ẩu” thì mặc hắn, hàng nghìn nguời chạy ẩu cả ngày, hơi đâu mà bực.

– Mất năm nghìn, coi như bà già thối nhầm, ta giúp bà ấy nghèo khổ vậy.

– Anh bạn ta chào có thể đang suy tư gì đó dữ lắm nên chẳng thấy ta trước mặt.

– Ông xã đến trễ, đường đông xe và kẹt xe là chuyện thường, và ông ấy đang lái xe mà, khó gọi điện thọai.

– Mọi đường đều về đến nhà mà!

– Mỗi nguời thích một ca sĩ mà. Hãy tôn trọng ý kiến các bạn. Đừng bực mình vô lý.…

Đại khái là thế. Bạn “nhìn” thấy cảm xúc và hành động của mình khi chúng vừa xuất hiện, và tìm cách dằn cảm xúc xung động xuống và chận hành động lại.

Trong ít nhất là 50% các trường hợp, bạn chỉ cần “thấy” xung động của mình thì tự nó bị dằn xuống và biến mất mà chẳng phải lo dằn hay chận gì cả.

Và nếu bạn giải quyết được các xung động ban ngày thì bạn sẽ tự động giảm các xung động ban đêm trong giấc ngủ, vì đa số các xung động ban đêm là kéo dài của xung động ban ngày.

Lúc đầu thì hơi khó để ta “nhìn” cảm xúc và hành động của ta cả ngày như thế. Chính vì vậy mà nguời ta có pháp Thiền quán để giúp ta. Nếu muốn, mỗi ngày bạn có thể bỏ ra vài phút để “quán” cảm xúc của mình, lúc đang nằm trên giường trước khi ngủ chẳng hạn, không nhất thiết phải ngồi Thiền. Pháp quán này sẽ giúp tâm ta quen với thói quen “nhìn” cảm xúc và tư duy của ta thường xuyên.

Mọi việc về quản lý tâm trí đều khó khăn, nhưng thật sự là không khó khăn mấy nếu bạn chú tâm vào đó, như là bạn chú tâm học toán hay học văn trong trường. Thông thường là việc luyện tâm khó vì chẳng mấy ai luyện tập, chỉ đọc là chính.

Và điều này: Rất nhiều nguời tập Thiền mà chẳng tĩnh chút nào, vì họ quên mất là nửa tiếng tập Thiền là để ta biết cách “quán” chinh ta cả ngày, chứ không phải ngồi Thiền xong là hết chuyện.

Dù sao đi nữa các bạn nên nhớ điều này: Người mà không lo luyện tâm, cứ vậy mà lớn và già, thì như nguời thất học chẳng đến truờng bao giờ. Nhân cách của bạn cũng phải được học hành tập luyện để phát triển tốt.

loading...