Kiến thức

Hiểu đúng chữ 'pháp'

Chủ nhật, 27/08/2023 09:48

Thưa Thầy, con là một Phật tử trung thành với Tam Bảo, nếu không theo Phật và nghe Thầy giảng dạy, không biết đời con đã đi về đâu. Sự nhiệm mầu của Phật pháp đã cứu con trong những lúc cuộc đời chênh vênh và đầy đau khổ.

Con có một niềm tin kính cẩn và mãnh liệt trong lòng khi nghe Thầy giảng Pháp. Thâm tâm con được an lạc rất nhiều là nhờ niềm tin tuyệt đối đó.

Tuy có niềm tin nhưng con thiếu trí tuệ. Nhờ Thầy giảng giản dị, gần gũi với đời sống con mới hiểu được. Có những từ chuyên môn con nghe đi nghe lại nhiều lần vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. 

Như từ “Pháp” trong “sống thuận Pháp” mà Thầy thường đề cập. Vậy Pháp chính xác là gì? 

Con nghĩ rằng nhiều Phật tử chưa hiểu rõ Phật, Pháp, Tăng là gì nên con mong Thầy giảng giải rõ hơn cho chúng con. 

Con muôn vàn cảm tạ và đảnh lễ Thầy.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Trả lời:

Pháp (Dhamma) có 2 nghĩa chính: 

Lời khai thị của Đức Phật. 

Chân Lý Tự Nhiên của tất cả vạn sự vạn vật. 

Sau khi giác ngộ, Đức Phật tạm dùng ngôn ngữ chế định để chỉ ra nguyên lý đích thực của vạn sự vạn vật, do đó tuy chữ “Pháp” có hai nghĩa nhưng chung quy vẫn bao gồm trong một từ là Chân Lý hay sự thật: bản chất tự nhiên của trời đất. 

Nếu thấy biết đúng và sống đúng Chân Lý, tức sống thuận Pháp, thì giác ngộ giải thoát. Nếu thấy biết sai và sống sai sự thật, tức sống nghịch Pháp, thì phiền não khổ đau. Tất cả chỉ có thế. 

Sau đây là một số từ liên hệ tới Pháp:

Pháp Thực Tánh là tự tánh hay bản chất thực của Vạn Pháp thuộc về Pháp Chân Đế. Pháp Chân Đế cũng có 2 là Tánh Đế là Pháp thực tánh thế gian, và Thánh Đế là Pháp thực tánh xuất thế gian.

Pháp Chế Định là tướng giả lập và ngôn ngữ giả lập vì tiện ích của thế gian, thuộc về Pháp Tục Đế.

Pháp Hữu Vi là những hiện tượng do điều kiện nhân duyên sinh hoặc do chủ ý tạo tác mà thành.

Pháp Vô Vi là những sự kiện không do nhân duyên sinh hoặc không do chủ ý tạo tác mà có.

Pháp Thiện là những hành động, nói năng, suy nghĩ không xuất phát từ tham sân si, không hại mình hại người.

Pháp Bất Thiện là hành động, nói năng suy nghĩ xuất phát từ tham, sân, si, hại mình hại người.

Còn rất nhiều từ liên hệ tới Pháp nhưng con chỉ cần biết đại khái là tất cả những gì mà mắt thấy, tai nghe...ý biết được đều là Pháp, ví dụ như ngay nơi thân, thọ, tâm, cảnh...con cứ chánh niệm tỉnh giác là thấy được sự thật...

loading...