Kiến thức

Hiểu đúng về “Phật hóa hữu duyên nhân”

Chủ nhật, 11/10/2023 03:30

Câu "Phật hóa hữu duyên nhân" nói lên lẽ thật chúng ta đang sống chớ không phải tưởng tượng. Trước khi đi giáo hóa, đức Phật dùng thiên nhãn xem hôm nay người nào có duyên với mình, Ngài đi thẳng tới đó giáo hóa.

Nơi nào không có duyên Ngài không đi. Rất tiếc Tăng Ni thời nay không có thiên nhãn, nên nhiều khi đi giáo hóa bị thiên hạ rầy.

Ðó là vì mình không có duyên mà đi đại, đi càn.

Tôi nói vậy để quí vị thấy ý nghĩa của chữ có duyên và vô duyên.

Người học và hiểu đạo Phật rồi, sẽ thấy những điểm rất kỳ đặc.

Như đức Phật ôm bình bát vào xóm làng khất thực, thế thường gọi Ngài đi ăn xin, nhưng Phật nói Ngài gieo duyên với chúng sanh.

Có duyên mới gặp hết duyên khó mà tìm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nếu ai có chút lòng lương thiện, dù chưa biết Phật pháp, thấy Ngài ôm bát tới xin, họ không tiếc một vài bát cơm cúng.

Ðó là họ gieo duyên với Phật rồi.

Khi thấy Phật, chư Tăng, chư Ni tới trước cửa nhà, gia chủ nào không nỡ làm thinh, đem ít thức ăn cúng dường, đó là gieo duyên.

Một lần đức Phật đi khất thực, thấy mấy chú bé đang đùa cát, làm núi chơi bên đường.

Gặp Phật, một chú hốt cát vô cái vùa dâng lên cúng dường. Phật nhận rồi bảo Tôn giả A-nan đem về rải nơi tịnh thất của Ngài.

Vậy mà sau này, lịch sử nói vua A-dục chính là hậu thân của chú bé cúng cát đức Thế Tôn thuở nọ.

Cho nên hai bàn tay của ông nhám như cát.

Ông chính là vị vua hiếu chiến được Phật cảm hóa trở thành một Phật tử truyền bá, mở mang đạo Phật rộng nhất từ trước đến giờ.

Với hành động lấy cát thô dâng Phật của đứa bé, nhưng tấm lòng chân thật nên về sau có phước được làm Vua, gặp Phật và trở thành vị hộ pháp đắc lực nhất.

Như vậy rõ ràng Phật đi khất thực là gieo duyên với chúng sanh.

Nếu cứ ngồi một chỗ, chúng sanh đâu có duyên để đến với Ngài. Nhờ gieo duyên như thế, Ngài độ được vô lượng chúng sanh.

Ðó là ý nghĩa gieo duyên của đức Phật.

Ngài làm hai việc một lúc:

Việc thứ nhất tìm người đã có duyên để độ.

Việc thứ hai người chưa có duyên thì tới để gieo duyên.

Thử hỏi đức Phật hành đạo như thế có tiêu cực không?

Khi đạo Phật truyền sang các nước Á Ðông, nhất là Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, do các bậc vua quan kính trọng đạo Phật nên chư Sư cũng được kính trọng theo.

Có nhiều vị làm tới Quốc sư, tức thầy trong nước, thầy của cả vua. Thầy của vua mà ôm bát đi khất thực thì khó coi quá, vì vậy vua cất chùa cúng đất, yêu cầu các ngài ở yên một chỗ lo việc hóa đạo.

Có đất, các ngài mượn người làm nương rẫy, lấy đó làm kinh tế tự túc tu sống.

Lối sanh hoạt như vậy tiện cho việc tu hành, nhưng không tiện cho việc gieo duyên.

Về sau, tuy Tăng Ni không đi khất thực, nhưng đến ngày rằm hay những ngày lễ lớn, Phật tử đến cúng dường Tam Bảo, đó cũng là một hình thức gieo duyên.Tăng Ni nhận của Phật tử cúng dường là nhận duyên người ta gieo với mình.

Cho nên khi thọ giới Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni rồi, Tăng Ni đắp y có nhiều mảnh nối, tượng trưng cho những thửa ruộng phước mà chúng sanh đã gieo với mình.

Như vậy tinh thần gieo duyên của đạo Phật rất rõ ràng.

Người nào đã có duyên thì Phật và chư Tăng, chư Ni độ trước.

Người nào chưa có duyên thì tìm cách gieo duyên.

Ðã có duyên thì dù xa mấy cũng tìm đến, cho nên chùa chiền không cần phải ở giữa thành thị.

Tuy ẩn mình trên núi rừng, nhưng Phật tử có duyên vẫn tìm tới như thường.

Ðó là tinh thần đặc biệt của đạo Phật.

Ðạo Phật chủ trương người phát tâm tìm đến, chớ không khuyến dụ, không tuyên truyền, không ép buộc.

Chư Sư lặng lẽ tu trên núi rừng, ai tìm tới là người có duyên, nên sẵn lòng hóa độ.

Vì vậy đạo Phật không có tham vọng làm bá chủ nhân loại.

Chúng ta chỉ hướng dẫn, giáo dục người nào có duyên, còn người không có duyên thì họ tự do lựa chọn con đường của mình, cuộc sống của mình.

Qua đó đủ thấy đạo Phật rất tôn trọng tự do của mỗi người, có duyên thì đến không duyên thì thôi.

Ðã có tinh thần đó, chúng ta không nên quan niệm phải bắt mọi người theo đạo Phật, ai không theo đạo mình thì buồn giận người ta.

Buồn giận như vậy có hợp lý không?

Ðó là trái với tinh thần của đạo Phật.

Nên khi qui y cho Phật tử, tôi thường nhắc: Phật dạy Phật tử tại gia phải giữ gìn năm giới, nhưng nếu có một hoặc hai giới nào Phật tử chưa thể giữ được thì cho giữ trước ba giới, những giới sau giữ từ từ.

Phật dạy chúng ta tu là vì thương nên giáo hóa, chớ không phải Ngài muốn tất cả mọi người đều qui hướng về mình.

Người tu theo đạo Phật cần hiểu rõ điều này, không nên bực bội, buồn phiền khi thấy tín đồ đạo Phật không đông như tín đồ các tôn giáo khác.

Tại sao?

Vì đó là duyên mà.

Không duyên thì thôi chớ có gì đâu phải bực bội.

Hiểu như vậy mới thấy đạo Phật hiền hòa vô cùng, không tranh đua, không giành giựt với ai.

Ai cần đến thì mình sẵn lòng, không cần thì thôi, không ép buộc, không nài nỉ.

Ðó là ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân.

Nếu hiểu tinh thần này, quí thầy cô Trụ trì thấy Phật tử chùa mình ít, Phật tử chùa khác nhiều cũng không buồn, vì biết đó là duyên của mỗi vị khác nhau.

Nếu buồn tức vị ấy chưa biết ý nghĩa Phật hóa hữu duyên nhân.

Những thầy cô trước đã gieo duyên với Phật tử nhiều nên bây giờ Phật tử đông.

Những thầy cô trước ít gieo duyên nên bây giờ Phật tử ít, đó là lẽ đương nhiên thôi, có gì phải buồn phiền.

loading...