Sách Phật giáo
Hòa thượng Giới Đức chia sẻ về tác phẩm 'Thư pháp là gì?'
Thứ hai, 13/01/2024 11:32
THƯ PHÁP, ban đầu, trong từ nguyên hay trong bất kỳ quyển từ điển nào cũng đều giải nghĩa là “phương pháp hoặc cách thức viết chữ”.
Về sau, trải qua thời gian, mỗi nhà mỗi phong cách, mỗi ý khí, mỗi thần thái biểu đạt khác nhau đã tạo nên Cái Đẹp rất đa dạng và rất phong phú từ các con chữ. Thế là “nghệ thuật thư pháp” ra đời.
Tác phẩm Thư pháp là gì? của Nguyễn Hiếu Tín dựa trên cơ sở luận văn Thạc sĩ đã được đánh giá là xuất sắc của Khoa Văn hoá học, Trường Đại học KHXH&NV TPHCM dường như đã đáp ứng đúng lúc, đúng thời cho phong trào “thư pháp Việt” đang thịnh hành và nóng hổi hiện nay. Thư pháp, như vậy, từ truyền thống đến hiện đại, tự thân nó đã nội hàm tính nghệ thuật của một loại hình văn hóa đặc thù. Nó là linh hồn, là sự sống của các con chữ, không giới hạn khu biệt trong thư pháp chữ Hán của người Hoa Hạ cùng các nước đồng văn.
Thật thú vị, bổ ích và có ý nghĩa xiết bao khi tác giả trẻ này đã giới thiệu cho chúng ta một số thư pháp, tuy rất tiêu biểu nhưng đã khái quát được các trường phái thư pháp từ Đông sang Tây. Ngoài Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Hán Nôm Việt,... chúng ta còn có dịp biết đến:
- Chữ Ả Rập khi thể hiện thành nghệ thuật thư pháp, nó mang tính trừu tượng khá cao, khả dĩ lay động tư duy và trí tưởng tượng của người thưởng ngoạn.
- Chữ của các nước Âu Mỹ sử dụng mẫu tự La Tinh cũng hình thành nhiều loại chữ; với đường nét, cấu trúc, bố cục khác nhau; đã tạo nên một loại hình nghệ thuật rất công phu, đa dạng và lạ mắt. Nó mang tính thực tế, ứng dụng; rất đắc cách trong việc trang trí và minh họa...
Tác giả còn có ý nói rằng: “nghệ thuật thư pháp phương Đông” và “nghệ thuật viết chữ phương Tây” dù khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích,... nhưng chúng lại gặp nhau ở Cái Đẹp. Mọi tìm kiếm sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, dù Đông hay Tây, dù hướng nội hay hướng ngoại đều đi về chân trời Mỹ học - cho dẫu khái niệm Mỹ học người ta vẫn đang còn những quan điểm dị đồng khá phức tạp.
Hiện nay, “nghệ thuật viết chữ Việt” từ các mẫu tự La Tinh của chúng ta, rõ ràng “hình” là phương Tây mà “hồn” thì phương Đông. Nếu các “thư pháp gia chữ Việt” đừng cầu kỳ, nắn nót, công phu, kỹ xảo quá – trên từng con chữ – mà chú trọng đến ý, khí, thần nhiều hơn; nghĩa là để tâm trạm nhiên, thư thái, thanh thản, hư tĩnh... cho con chữ trôi chảy tự nhiên, thanh bình, nhất quán... thì chắc chắn “thư pháp Việt” sẽ mang một tầm vóc mới; tuy chưa dám sánh với “thư pháp Hán”, nhưng cũng thể hiện được Cái Đẹp đặc thù của văn hóa phương Đông hướng nội: phụng hiến các giá trị đạo đức, nhân văn, tinh thần hướng thiện và hướng thượng cho con người trước xã hội khoa học trục vật hãnh tiến hiện nay.
Tôi tập viết “thư pháp Việt” đã trên dưới ba mươi năm; tự mày mò, tìm kiếm khá khổ hạnh nhưng vẫn thấy không vừa ý.
Tính nghệ thuật dường như vẫn đang còn chập chờn bay lượn ở phía trước. Một tìm kiếm về tư tưởng, lý luận hoặc một công trình nghiên cứu với nhiều thao tác tư duy, nhiều nguồn tham khảo như thế này là hiện tượng văn hóa đáng được quan tâm, khích lệ, tán thán; vừa tiếp truyền được hơi thở truyền thống của dân tộc, vừa mở đường khiêm tốn cho “thư pháp Việt” bước đi một cách tự tin, vững chãi hơn. Tôi tin là rồi nó sẽ trưởng thành, sẽ thăng hoa một cách ngoạn mục sau nhiều năm lấp vấp, lao chao...
“Lung linh hồn con chữ
Tùng trúc bút gieo văn
Tình thơm thư pháp Việt
Tiêu sái ẩm chung trăng”
Cảm ơn “người bạn trẻ, rất trẻ” đã cho tôi đọc một tác phẩm nghiên cứu công phu mà nếu thiếu nhiệt huyết, đam mê; thiếu thời gian, kiến thức và tế bào não thì không thể làm được. Nó cần cả tâm và trí vậy.
Xin trân trọng và mến yêu giới thiệu đến chư độc giả đang tha thiết với loại hình nghệ thuật viết chữ Việt còn non trẻ của chúng ta: một quyển sách đáng đọc!
Huế, Huyền Không Sơn Thượng
Am Mây Tía
Minh Đức Triều Tâm Ảnh