Đạo Phật trong tim tôi

Học Phật là sự hưởng thụ lớn nhất đời người

Thứ sáu, 26/02/2023 08:51

Thời gian trôi qua thật mau. Thời còn bé, tôi thấy thời gian đi qua rất chậm, tôi còn muốn nó đi nhanh hơn. Nhưng bây giờ lại khác, tôi thấy thời gian đi qua rất nhanh, tôi lại muốn nó đi chậm lại. Như vậy mới thấy cuộc đời thật vô thường.

Và nhờ có sự vô thường, mà khi lớn lên, tôi mới nhận biết bên trong mình có một bản tính tham lam, đòi hỏi. Khi tôi đã có thứ này rồi, tôi lại muốn thứ khác. Khi có thứ đó rồi, tôi lại muốn thứ khác nữa. Nên khi xem phim Quan âm bán cá. Tôi mới để ý đến câu nói của anh chàng Mã Lương: “Con người thường mơ ước cầu mong những gì mình không có”. 

Nhưng rốt cuộc, tôi càng tham nhiều, nó lại chẳng có theo ý muốn của tôi. Mà tôi chỉ chuốc lại sự đau khổ cho chính mình. Không những vậy, tôi lại tạo vô số nghiệp ác khác nữa. Khiến người ta ghét tôi, xa lánh tôi.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Vì mệt mỏi với việc bị người khác ghét, xa lánh và bị nghiệp hành từ thân lẫn tâm. Thân thì bị bệnh tật, tôi đi khám nhưng bác sĩ nói không có bệnh, nhưng tôi lại cứ thấy người mệt, cứ lừ đừ. Tối ngủ thì gặp ác mộng, ngủ không yên. Tâm thì đầy dẫy vọng tưởng, ác niệm. Tôi muốn người ta thương tôi và tôi muốn sửa đổi lại lỗi lầm của mình. Nên tôi đã tìm đọc cuốn sách “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie và ứng dụng nó trong cuộc sống hằng ngày của mình. Nhưng sự thực hành của tôi chỉ khiến người khác ghét tôi hơn. Bởi vì bên trong tôi toàn là ý niệm ác đang hiện hữu và những gì tôi đang làm là kìm nén và còn sự mong cầu (còn tham lam). Sau đó, tôi tìm đọc thêm cuốn sách “Hành trình về phương Đông” của Baird T. Spalding. Hồi đó, tôi đọc trên mạng, thấy người ta viết rằng muốn nhìn thấy vương quốc Shambhala xinh đẹp của các bậc chân tu, thì chỉ có những người thanh tịnh mới thấy được thế giới đó. Mà tôi chưa hiểu chữ “thanh tịnh” là nghĩa gì? Sau đó, tôi mới hướng đến nền văn hóa phương Đông. Trong đó, tôi có tìm hiểu “ba anh em tốt” là Khổng-Phật-Lão. Bởi vì sao tôi gọi là “ba anh em tốt”? Vì tôi nghĩ Khổng-Phật-Lão đều giúp con người hướng đến điều thiện lành, tốt đẹp cho mình và người khác. 

Lần đầu, tôi thực hành theo Nho giáo và Lão giáo. Tôi thực hành theo các hạnh Hiếu-Để-Trung-Tín-Lễ-Nghĩa-Liêm-Sỉ của Khổng lão Phu tử. Và học cách sống hòa hợp với thiên nhiên và không bon chen danh lợi của Lão tử, thông qua phim ảnh và đọc các bài viết trên mạng. Nhưng tôi thấy nó chỉ giải quyết một phần nhỏ sự đau khổ trong tôi. Tôi thấy mình vẫn còn sự đè nén và kìm chế khi thực hành, một mớ vọng tưởng, ác niệm vẫn chưa giải quyết hết. Do tập khí ác tích tập quá lâu, nên khó loại trừ. Lần lần, tôi lấn sang tìm hiểu Phật giáo, tôi mới thấy Phật giáo mới có thể giải quyết rốt ráo sự đau khổ của tôi, nếu tôi có sự ý chí, dũng mãnh, tinh tấn hơn người. Đầu tiên, tôi thực hành Thiền định và tôi tự mình giữ Ngũ giới.

Tôi có tìm hiểu về cuộc đời tu hành của Đức Phật, các vị Bồ-tát, các đời Tổ sư của các Tông phái khác nhau và xem phim về cuộc đời của các Ngài. Tôi học theo và rất khâm phục ý chí cầu Đạo tu hành của các Ngài và hy sinh mạng sống để giác ngộ chúng sanh. Như trong phim Đạt Ma Sư Tổ, Sơ Tổ đã sẵn sàng để lửa thiêu mình để giác ngộ bọn cướp và cả các vị sư trong chùa hiểu được sự vô thường, con người nay sống mai mất không biết khi nào, mau mau tỉnh ngộ tu hành để thoát ly sanh tử, tiền tài là vật ngoại thân, phải biết điều khiển nó chớ để nó sai khiến, mà tạo tác vô số tội lỗi, đến khi chết đi, chỉ có nghiệp đi theo luân hồi. Sau khi xem phim này, tôi hiểu được một chút ít về Đạo lý trong phim. Tôi nhận trí tuệ của mình còn rất kém, chưa đủ để hiểu hết ý nghĩa bộ phim truyền tải. Nên tôi đã xem bộ phim này hơn 20 lần. 

Nhờ Giữ giới và hạn chế tạo nghiệp và làm nhiều phước thiện nên trí tuệ của tôi ngày càng tăng trưởng. Tôi nhận thấy mình không phù hợp với pháp môn Thiền, do tôi thấy mình ngồi Thiền vẫn còn quá nhiều vọng tưởng, ác niệm và vẫn chưa được an lạc. Nên tôi có ý định bỏ Thiền, đi tìm pháp môn khác. May mắn thay, tôi gặp được Cư sĩ Diệu Âm Diệu Ngộ và biết đến pháp môn Tịnh Độ. Lần đầu, tôi có nghi ngờ về pháp môn này, nhưng sau đó, tôi có nghĩ: “Pháp của Phật thì không có gì nguy hiểm cả, không phải Phật độ chúng sanh để thoát khổ hay sao, nên mình cứ niệm thử xem, nếu hiệu quả thì niệm tiếp, không được thì bỏ, chẳng nguy hiểm gì hết”. Và sau đó, tôi cứ niệm như vậy và nhận thấy vọng tưởng và ác niệm trong tâm mình rõ ràng hơn. Như bụi bặm trong không khí, khi bình thường, mình không thấy nó, nhưng khi nhìn vào ánh sáng mặt trời thì mình sẽ thấy nó rõ ràng hơn. Và Pháp của Phật cũng như vậy. Nhờ Pháp của Đức Phật mà tôi thấy vọng tưởng và ác niệm trong tâm mình rõ hơn. Về niệm Phật, một hôm niệm Phật rốt ráo không xen tạp, tôi thấy được một cảnh giới tốt đẹp, tôi nhớ lại lời khuyên của vị hòa thượng hay vị cư sĩ nào đó nói, nếu thấy cảnh giới nào dù thấy Phật cũng không được để ý, lỡ như ma hóa thành dẫn dụ người tu sao, nên tôi chuyển sang tập trung lắng nghe câu Phật hiệu và không thèm để ý đến nó nữa, rồi cảnh giới đó cũng biến mất. Kể từ đó, nhờ có cảnh giới đó, nên tôi có động lực và tin vào pháp môn Tịnh độ hơn.

Giai đoạn đầu, Tín-Nguyện của tôi còn chưa sâu, vì tôi vẫn còn vì tự tư tự lợi (vì muốn được Nhất tâm) và muốn lưu luyến thế gian để ở lại hưởng lạc (do chưa quán sâu sự vô thường). Nhưng vì bị nhiều chướng duyên, nhận thấy cuộc đời nhiều chuyện bất như ý, vui ít khổ nhiều. Và nếu có thuận cảnh, tôi cũng quán thuận cảnh cũng như nghịch cảnh, nay vui mai buồn, không bền, giả tạm. Vì tôi sợ mình phải sống lại cảnh địa ngục trước kia, nên tôi cố gắng niệm Phật tha thiết nhiều hơn. Công phu ngày càng tăng, nhờ niệm Phật trí tuệ ngày càng sáng, tâm thiện của tôi tăng lên và tôi nhận thấy mọi điều rõ hơn. Bây giờ tôi mới hiểu câu “người xấu thì nói mình tốt, người tốt thì nói mình xấu” là như thế nào? 

Tôi nghĩ mình cần phải biết ơn, trung thành và học tập những đức hạnh của Phật, nhờ Phật mà ngoại hình mình sáng sủa, đẹp hơn, nhờ Phật mà mình chuyển được nghiệp và nhờ Phật mà mình tự cho mình sự an lạc, hạnh phúc mà không phụ thuộc vào bất cứ thứ gì bên ngoài. Bởi vì có sự phụ thuộc là còn có khổ. Nên tôi phải cố gắng niệm Phật cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thoát ly sanh tử. Như vậy mới đúng theo nguyện của Phật. Không chỉ Phật A Mi Đà muốn tất cả chúng sinh vãng sanh Tây Phương mà tất cả chư Phật, chư Thánh chúng Bồ-tát,… đều muốn chúng sinh vãng sanh về thế giới tốt đẹp ấy.

Tôi nghe người ta nói rằng học Phật học mới hiểu hết giáo lý của Đức Phật. Nhưng theo tôi nghĩ, chỉ cần học Phật cho thật chắc, khi khai mở trí tuệ thì tất cả giáo lý của Ngài đều ở trong tâm rồi. Hòa thượng Quảng Khâm có nói một câu thật thâm sâu: “Một lý thông suốt, mọi lý đều thấu triệt”. 

Đạo Phật là đạo giáo dục. Đạo Phật trong trái tim tôi.

*Bài viết được gửi từ tác giả Hà Ngọc Bích Trâm; địa chỉ: Thôn Trung Nghĩa – Xã Hòa Ninh – Huyện Hòa Vang – TP Đà Nẵng.

loading...