Góc nhìn Phật tử
Học Phật là thụ hưởng lợi ích tối thượng của đời người
Thứ bảy, 05/10/2022 08:18
Đạo Phật là đạo Trí tuệ, đâu phải như tín ngưỡng dân gian thần quyền lấy “cúng kiếng” cầu xin thần linh để an bài giải thoát. Với trí tuệ, Phật dạy ta nên dùng tâm Thanh tịnh để thấy pháp, chứ không phải lấy hình tướng để so đo.
Mỗi khi người bạn đến chơi, tôi thường hay dẫn lời kinh Phật để nói về đời và đạo. Thấy vậy, người bạn xía ngang bảo: Đạo Phật yếm thế, yếm ly tìm hiểu làm chi cho mệt. Thấy bạn còn xa lạ với đạo Phật, tôi đem lời của Tổ thầy ra nói: Học Phật là thụ hưởng lợi ích tối thượng của đời người, bởi Phật dạy: thân người khó được, Phật pháp khó gặp!
Nghe xong, người bạn bảo tôi cho ví dụ về sự thụ hưởng của Phật pháp đem lại, và tôi không ngần ngại trao đổi:
- Học Phật giúp ta hiểu được Vô thường, hiểu được Nhân quả để mà buông xả không tham luyến cố chấp.
- Học Phật để ta biết chánh tà, để không sa vào ác nghiệp. Đạo Phật chẳng phải xa lạ, khiến chúng ta không thể tới được. Đạo Phât là con đường dẫn ta đến sự an bình, giúp ta nhận ra thật giả để mà vun bồi cái cần vun bồi, và buông xả cái cần buông xă.
Đạo Phật là đạo Trí tuệ, đâu phải như tín ngưỡng dân gian thần quyền lấy “cúng kiếng” cầu xin thần linh để an bài giải thoát. Với trí tuệ, Phật dạy ta nên dùng tâm Thanh tịnh để thấy pháp, chứ không phải lấy hình tướng để so đo. Phật dạy, tất cả những gì có hình tướng đều không thật, đều bị vô thường chi phối, “Duy tuệ thị nghiệp”, cái hằng còn là Thức linh, chân tánh.
Là người sơ cơ học Phật, chẳng e kiến thức hạ liệt, học được chút Phật pháp Tổ thầy dạy, tôi cứ vô tư thật thà mà nói với người bạn mỗi khi bị cật vấn về Phật pháp. Những gì đã trao đổi và đàm đạo về Phật pháp với người còn sơ cơ, nay thành tâm ghi lại theo lối hỏi trả lời. Đây là thể loại truyền thông ngắn gọn dễ hiểu dễ tiếp cận, (khi mà thông tin hiện đại ngày nay đang phát triển đa dạng khó lựa chọn). Để giúp những người bước đầu có duyên đến với giáo lý đạo Phật. Dưới đây là những trao đổi ngắn gọn về Phật pháp với mục đích thiện duyên như thế, mong chia sẻ cùng đạo hữu và bạn đọc trên lộ trình nhận diện, tìm hiểu Đạo Phật.
Hỏi: Phật Giáo là gì?
Đáp: Phật giáo là tôn giáo có khoảng trên 300 triệu tín đồ và khoảng xấp xỉ 10% dân số trên thế giới khải thị giáo lý của đức Phật. Danh từ Phật giáo (Buddhism) phát nguồn từ chữ ‘buddhi’, có nghĩa là ‘giác ngộ’, ‘thức tỉnh’. Phật giáo phát nguồn từ hơn 2.500 năm trước, khi Ngài Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-Đàm) hay Đức Phật, tự mình Giác ngộ vào lúc 35 tuổi.
Hỏi: Có phải Phật giáo chỉ thuần là một tôn giáo ?
Đáp: Đối với nhiều người, Phật giáo không phải là một tôn giáo mà còn có thể xem như là một triết học, hay nói đúng hơn, đó là « một lối sống ». Gọi Phật giáo là triết học, vì danh từ ‘triết học-philosophy’ có nghĩa là ‘sự yêu chuộng trí tuệ’, và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt ngắn gọn như sau :
Sống có đạo đức.
Nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩa và hành động.
Phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.
Hỏi : Phật giáo giúp tôi bằng cách nào ?
Đáp : Phật giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất công và bất bình đẳng trên thế gian, và đáp ứng một phương cách thực hành (tức các pháp môn tu) hay một lối sống để đưa con người đến hạnh phúc thực sự.
Hỏi : Đức Phật là ai ?
Đáp: Ngài Siddhattha Gotama sinh ra vào năm 563 trước Tây lịch, trong một hoàng tộc tại Lumbini, nay thuộc Nepal. Vào năm 29 tuổi, Ngài nhận thức rằng, tiện nghi vật chất và an ninh trong thế gian không bảo đảm hạnh phúc ; vì thế, Ngài đi tìm học các lời dạy, tôn giáo và triết học thời đó, để tìm kiếm chìa khóa đưa đến hạnh phúc. Sau 6 năm học tập và thực chứng Thanh tịnh thiền, Ngài tìm ra con đường ‘Trung đạo’ và giác ngộ. Sau khi chứng đắc, Ngài dùng quãng đời còn lại tại thế gian để truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật – gọi là Pháp, hay Chân lý, cho đến khi Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi.
Hỏi: Tại sao Phật giáo trở nên phổ biến ?
Đáp: Phật giáo ngày càng phổ biến ở các nước phương Tây vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì Phật giáo có những giải đáp cho nhiều vấn đề trong xã hội vật chất hiện đại. Tiếp đến, cho những ai có chú tâm, Phật giáo với một hệ thống giáo pháp đưa đến sự thông hiểu sâu sắc về tâm trí con người và các cách trị liệu tự nhiên, mà các nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới đều công nhận là rất cao cấp và rất hiệu quả, ví dụ pháp môn Thiền là một đơn cử.
Hỏi: Có phải Đức Phật là Thượng Đế không ?
Đáp: Không, Ngài không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố như thế. Ngài là người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.
Hỏi: Đạo Phật hay nói đến Giác ngộ và giải thoát ! Vậy ý nghĩa của những thuật ngữ này ?
Đáp : Giác ngộ là danh từ được dịch nghĩa từ chữ Bodhi của Phạn ngữ và Pali. Nhờ Thanh tịnh thiền, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ Toàn triệt hay còn gọi là thực chứng (tri huệ) Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài thấy được sự thật nơi trái đất này là nói hẹp. Còn nói rộng ra là Ngài thấu tỏ Tam thiên Đại thiên Thế giới của vũ trụ bao la.
Với lòng bi mẫn đức Phật muốn giúp con người và muôn loài duy nhất chỉ một điều đó là Giác ngộ và giải thoát.
-Giải thoát : tức phải hiểu được :
1/ Phật Tánh là gì ?
2/Tánh Người là sao ?
3/ Tu sao thoát ra khỏi sinh tử trầm luân.
-Giải thoát : tức vượt ra ngoài sự luân chuyển của nhân quả và sự cuốn hút của vật lý Âm Dương trong Tam giới, để trở về Phật giới hay còn gọi Niết bàn.
Hỏi : Vô minh cũng là từ hay nhắc tới trong đạo Phật, vì sao vậy ?
Đáp : Vô minh là một lẽ thật của nhân sinh từ vô lượng kiếp. Vì vô minh mà chúng sinh phải luân hồi trong 6 nẻo, tức sống đây chết kia trong vòng tương tục. Để giải quyết vấn nạn này, đức Phật dạy các pháp tu để giải trừ Tam độc (tham, sân, si) hướng tới lộ trình giác ngộ giải thoát. Nhưng thực tế trong vô minh, con người nghĩ rằng mình có thể nỗ lực cho các quan tâm vị kỷ (ích kỷ) của mình, với định hướng sai lầm của lòng ích kỷ tạo ra nguyên nhân ấy. Đức Phật dạy, Bốn sự thật Cao quý (Tứ diệu đế) :
Khổ là một thực tế hiện diện; Nguyên nhân bắt nguồn từ lòng Tham muốn sai lạc; Sự diệt trừ nguyên nhân ấy ;
Bát Chánh đạo, con đường tự tu nỗ lực để tận diệt khổ.
Bát Chánh đạo gồm có : Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định, đưa đến giác ngộ hoàn toàn. Đạo Phật là một ‘cách sống’ không phải là lý thuyết suông, thực hành con đường này là cần thiết để đưa đến giải thoát tự thân là ‘không làm điều ác, học làm điều lành, làm trong sạch tâm ý : đây là lời của chư Phật dạy’.
Hỏi : Phật tử có tôn thờ các thần tượng không ?
Đáp : Những người Phật tử có lòng tôn kính các hình ảnh của Đức Phật, nhưng không tôn thờ, cũng không van xin những điều lợi lạc. Một pho tượng Phật ngồi trong tư thế với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười từ bi, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Lễ lạy tượng Phật là để tỏ lòng biết ơn về các lời dạy sâu mầu của Ngài.
Hỏi : Có phải có nhiều tông phái Phật giáo không ?
Đáp : Có nhiều tông phái trong Phật giáo là vì có những khác biệt về văn hóa và truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, căn bản Phật giáo vẫn không thay đổi, đó là Pháp hay Chân lý.
Hỏi : Đạo Phật với các tôn giáo khác ?
Đáp : Phật giáo là một hệ thống tín ngưỡng có tính bao dung đối với các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Phật giáo chấp nhận các lời giảng đạo đức của các tôn giáo khác, nhưng Phật giáo còn tiến xa hơn, bằng cách cung ứng một mục tiêu dài hạn trong sự hiện hữu của chúng ta, qua trí tuệ và hiểu biết sự thật. Phật giáo chân chính thì rất bao dung và không quan tâm chi đến các nhãn hiệu và tín điều như các tôn giáo khác. Vì vậy, trong lịch sử không bao giờ có các cuộc thánh chiến mang danh hiệu Phật giáo. Cũng vì thế mà những người Phật tử không đi truyền giảng hay cải đạo người khác ; họ chỉ giảng giải nếu được ai hỏi đến. Thực tế này, ngay từ khi còn tại thế đức Phật cũng ngăn ngừa các đệ tử không nên Ngã mạn về đạo của mình.Hỏi : Phật giáo có tính khoa học không ?
Đáp: Khoa học là tri thức được kết hợp thành hệ thống, qua các dữ kiện được quan sát và thực nghiệm và đề ra các định luật tổng quát của thiên nhiên. Cốt lõi của đạo Phật phù hợp với định nghĩa đó, bởi vì Tứ Diệ Đế hay Bốn sự thật thâm diệu, có thể được thử nghiệm và minh chứng với bất kỳ người nào, và ngay chính đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử rằng họ phải thực chứng các lời dạy của Ngài, mà không nên chỉ tin suông. Phật giáo dựa nhiều trên trí tuệ, hơn là lòng tin.
Hỏi : Đạo Phật trí tuệ và khoa học, vậy đạo Phật khám phá ra điều gì ?
Đáp : Theo Tổ thầy và các nhà nghiên cứu rằng : Đạo Phật không phải là triết học, không phải là khoa học và cũng không phải là tôn giáo thuần túy. Song, đạo Phật cũng không phủ nhận triết hoc, khoa hoc, và tôn giáo. Đạo Phật ra đời không phải đề chờ khoa học kiến giải. Từ hơn 2.500 năm trước, Đức Phật đã thấu tỏ Tam thiên Đại thiên Thế giới, bởi Thanh tịnh thiền. Với trí huệ Chân như pháp, Ngài thấu rõ Vũ trụ, vạn vật được phản ánh trong nhiều kinh điển. Và thực tế mới đây, Cơ quan Hàng Không NASA Hoa Kỳ đã chụp được những bức ảnh mô tả về Vũ trụ quan không khác biệt gì so với các cõi Thiên hà và vũ trụ mà Phật giáo phản ánh. Để giúp con người và muôn loài thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi khổ đau, Ngài không nói nhiều về vũ trụ hư vô, bởi điều này không giúp gì cho việc giác ngộ và giải thoát khi con người căn cơ còn hạ liệt.
Bằng thực chứng của mình, đức Phật chỉ nói đến khổ, và phương pháp diệt khổ để chuyển hóa nó thành hạnh phúc. Muốn vậy, Ngài khuyên chúng ta không tạo nghiệp xấu, ác để phải chịu quả báo ở đời sống kế tiếp. Đạo Phật giúp ta khám phá được tiến trình Nhân quả-Luân hồi. Khi hiểu biết toàn triệt, sẽ thấy mình thênh thang trước chuyện sinh tử và sống hân hoan cùng hiện tại.
Hỏi : Vì sao Phật giáo hay nói đến sự chết và tái sinh ?
Đáp : Đạo Phật quan niệm chết không phải là hết, mà chết là thay đổi một kiếp sống nên cũng không có gì đáng sợ lắm, chỉ sợ là ta không biết gieo trồng phước đức mà thôi. Ta sống kiếp này già chết thì chuyển kiếp khác, có thân khác tốt hơn, giống như ta thay một cái áo mới vậy. Đây là Pháp giới Duyên sinh của Phật giáo, và chỉ có tôn giáo này mới có cái nhìn cởi mở về cái chết như thế. Trong giáo lý của mình, đạo Phật còn có Pháp tu ‘niệm chết’. Có nghĩa là ý thức về cái chết để mà buông xả không ‘bàng hoàng’trước cái chết. Như vậy, sẽ giúp cho một tái sinh tốt đẹp hơn ở một đời sồng tiếp theo. Đó là mục đích chăm lo dài hạn, chứ đâu phải chết là thua thiệt, là ‘trắng tay’ như tín ngưỡng Thần quyền vẫn quan niệm chết là hết.
Hỏi : Nghiệp là gì ?
Đáp : Nghiệp hay ‘nghiệp quả’ là một định luật cho biết rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra một hậu quả, có nghĩa là các hành động của ta đều có những hậu quả. Định luật đơn giản này đã giải thích nhiều vấn đề : sự bất công trên thế gian, tại sao có người sinh ra lại có phế tật, có người lại có nhiều tài năng, có người có đời sống rất ngắn ngủi. Nghiệp cho thấy tầm quan trọng về việc tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về những hành động của chính mình, trong quá khứ và hiện tại.
Làm thế nào để thử nghiệm tác động nghiệp quả của các hành động của ta ? Câu trả lời được tóm tắt bằng cách hãy nhìn xem 3 điểm chính :
Ý định đằng sau của mỗi hành động,
Hậu quả của hành động đó vào chính mình,
Hậu quả của hành động đó vào những người khác.
Hỏi: Trí tuệ của đạo Phật là gì ?
Đáp : Trong Phật giáo, Trí tuệ phải được phát triển cùng với Từ bi. Ví dụ trong một thái quá, bạn có thể là một người tốt bụng nhưng khờ dại, và trong một thái quá khác, bạn có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có tình cảm. Phật giáo dạy ta nên giữ thật sự cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả trí tuệ lẫn từ bi. Trí tuệ cao nhất là thấy rõ ràng rằng trên thực tế, mọi hiện tượng đều không hoàn toàn, không thường còn, và không có một thực tế cố định. Trí tuệ thực sự không phải chỉ vì tin vào những gì được dạy, mà phải chứng nghiệm và thông hiểu chân lý và thực tế . Trí tuệ đòi hỏi phải có một tâm ý rộng mở, khách quan, không cố chấp. Con đường của Phật giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhực, mềm dẻo và thông minh.
Hỏi : Từ bi là gì ?
Đáp : Từ bi bao gồm các phẩm hạnh của lòng san sẻ, sẵn sàng an ủi người khác, thiện cảm, chăm lo và ưu tư. Trong Phật giáo, ta chỉ thật sự cảm thông người khác khi nào ta thật cảm thông chính mình, qua trí tuệ.
Hỏi : Hoc Phật pháp có ảnh hưởng gì đến việc học tập ở thế gian ?
Đáp : Học Phật pháp không hề cản trở việc học tập của thế gian. Kiến thức Phật pháp cũng không đối lập kiến thức thế gian. Duy chỉ có khác biệt là, Phật dạy chúng ta nên nhìn thẳng vào nỗi khổ đau của con người để chuyển hóa nó trở thành hạnh phúc đích thực. ‘Duy tuệ thị nghiệp’, đó là lời Phật dạy chúng ta trên con đường tìm về giác ngộ chân lý để giải thoát khổ đau.
Vậy bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy rằng: lời giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta là ở bên trong chúng ta, không phải ở bên ngoài. Ngài nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà phải tự thử nghiệm những lời dạy đó. Như thế, mỗi người tự có một quyết định và chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình. Điều này cho thấy Phật giáo không phải là một tập hợp cố định các tín điều cần phải được thực hiện trọn vẹn. Đây là những lời dạy để mỗi người tự tìm hiểu, học tập và áp dụng theo tình huống riêng của mình- trên lộ trình đến với giáo lý này.