Chùa Việt

Khánh Hòa: Thăm Nghĩa Minh Ni tự mùa Vu Lan Báo Hiếu

Thứ sáu, 16/08/2015 06:53

Nghĩa Minh Ni tự toạ lạc tại số 37 đường  Hoàng Diệu, phường Vĩnh Nguyên thành phố Nha Trang, Khánh Hoà. Chùa do cố Hoà thượng Thích Bích Lâm khai sơn từ năm 1955 (Ất Mùi), lúc bấy giờ Ngài là Tăng giám Trung phần, Viện chủ Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang.

Bàn Tổ Khai sơn Nghĩa Minh Ni tự
Trước đây nơi này là một vùng hoang địa, với bãi cát trắng mênh mông, cỏ dại um tùm. Chỉ có một số gia đình binh sĩ ở trại Gia binh Tây Kết cư ngụ. Lời xưa có nói: “Nơi nào có dân là trong lòng họ có tín ngưỡng”, nên một số gia đình kính tín Tam bảo đã lần lượt về Tổ đình Nghĩa Phương Nha Trang quy y Tam bảo. Phật tử ngày một đông, nên đã thỉnh cầu cố Hoà thượng Thích Bích Lâm ban ân triêm pháp nhũ đặt đá khai sơn xây dựng ngôi chánh điện để thờ Phật với những vật liệu nhẹ, dùng làm nơi cho phật tử ngày đêm đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện.

Ban Hộ tự đầu tiên chùa Nghĩa Minh là những phật tử có nhiều công đức trong việc xây dựng, hình thành chùa như: Phật tử Trương Đối, Cam Viết Sần, Từ Văn Đạo, Dương Vọng, Mai Trung Thuẩn và một số nam, nữ phật tử hộ đạo. Từ khi chùa Nghĩa Minh hình thành, hằng đêm quý Thầy tại Tổ đình Nghĩa Phương đến giảng giải giáo lý, hướng dẫn phật tử tu niệm, tụng kinh, lễ bái.

Năm 1957 (Đinh Dậu), phật tử ngày càng đông, Ban hộ tự phật tử phát nguyện kẻ công, người của, xin cố Hoà thượng Thích Bích Lâm mở rộng chánh điện xây tường gạch, mái lớp ngói khang trang. Nhân lễ Khánh tạ lạc thành, Hoà thượng Thích Bích Lâm đã cử đệ tử trưởng tử là Thượng toạ Thích Trí Hảo, trụ trì chùa Nghĩa Lương kiêm nhiệm Đệ nhất trú trì chùa Nghĩa Minh, để có Thầy hướng dẫn phật tử tu học.
Di ảnh Tổ Khai sơn Hòa thượng Thích Bích Lâm
Trong thời gian từ năm 1958 đến năm 1960, Thượng Toạ Thích Trí Hảo đã xây thêm nhà khách, tăng phòng, nhà linh, cơ sở chùa ngày một ổn định. Năm 1960 (Canh Tý), vì nhu cầu phát triển Phật sự và xây dựng chùa Nghĩa Phước (Lương Sơn), Thượng toạ Thích Trí Hảo phải trở về Vĩnh Lương. Cố Hoà thượng Thích Bích Lâm đã cử Đại đức Thích Trí Đức về Đệ nhị trụ trì chùa Nghĩa Minh.

Vì muốn phát triển sự nghiệp Hoằng dương đạo pháp, Đại đức Thích Trí Đức thỉnh cầu Hoà thượng Bổn sư Thích Bích Lâm vào Sài Gòn học thêm nội điển và ngoại điển để có điều kiện du học tại Nhật Bản, kế thừa Hoà thượng Thích Trí Tâm.

Mùa an cư năm 1961 (Tân Sửu) phật tử nơi đây thỉnh cầu cố Hoà thượng Bổn sư Thích Bích Lâm cử Ni sư Thích Nữ Diệu Nguyện về kế vị Đệ tam trụ trì chùa Nghĩa Minh (lúc đó Ni sư đang là trụ trì chùa Nghĩa Lợi, Cát Lợi).
Toàn cảnh Nghĩa Minh Ni tự 37 Hoàng Diệu Nha Trang
Từ khi nhận nhiệm vụ trú trì chùa Nghĩa Minh, Ni sư Thích Nữ Diệu Nguyện đã nhất y, nhất thuận, luôn tuân theo lời chỉ dạy của Bổn sư đã đem hết tâm trí lo lắng phât sự tại chùa Nghĩa Minh ngày một phát triển. Năm 1962 (Nhâm Dần), nhận thấy trước sân chùa quá hẹp, nên thỉnh cầu cố Hoà thượng Bích Lâm cho dời cổng Tam quan ra sát đường Hoàng Diệu và xây cổng tam quan. Cùng tại thời điểm này, cố Hoà thượng Thích Bích Lâm đã an danh là Nghĩa Minh Ni Tự, tạo điều kiện để Ni chúng thuận duyên tu học và hành đạo.

Năm 1964 (Giáp Thìn), để góp phần vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, nhất là con em phật tử nghèo, không có điều kiện vào học trường công, chùa đã mở các lớp học sơ cấp từ Mẫu giáo đến lớp Ba vừa dạy chữ cho con em, vừa dạy cho các em trở thành người phật tử ngoan hiền. Năm 1967 (Đinh Mùi) Ni sư Thích Nữ Diệu Nguyện đã xây thêm Nhà Tây làm nhà khách, dãy nhà khách cũ làm phòng Ni trú.

Điện Quán Thế Âm phia trước sân chùa
Theo đà phát triển của xã hội, học sinh ngày một đông, năm 1969 (Kỷ Dậu) Nghĩa Minh Ni Tự mở phân hiệu 2 của trường Tư thục Bát Nhã, dạy học sinh từ Mẫu giáo đến lớp 5, do Thầy Trí Bửu làm Hiệu trưởng. Xét thấy con em phât tử ở đây đa số là dân lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh không có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái, chùa đã xây thêm Nhà Ký nhi và cô nhi, nhận trẻ em mồ côi, con em nghèo không có điều kiện đi học, góp một phần nhỏ vào công tác giáo dục thế hệ trẻ.

Thời gian trôi qua, ngôi chánh điện cũ của Nghĩa Minh cũng bị vết thời gian bào mòn mà hư hoại. Để có nơi thờ phụng trang nghiêm, năm 1970 ( Canh Tuất) với sự phát tâm của Ni chúng và phật tử, Ni sư Diệu Nguyện đã thỉnh cầu Hoà thượng Bổn sư Thích Bích Lâm, lúc này Ngài là Phó Viện Trưởng, Viện Hoằng Đạo T.Ư Giáo hội Phật giáo Cổ Truyền Việt Nam, Chứng minh lễ đặt đá Đại trùng tu ngôi chánh điện Nghĩa Minh Ni Tự. Năm 1975 (Ất Mão), miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thanh bình, lòng người thân thiện. Nghĩa Minh Ni Tự cũng phát triển đi lên theo đà phát triển của xã hội.
Đại hùng bửu điện Nghĩa Minh Ni tự Nha Trang
Trải qua thời gian, mọi vật cứ âm thầm theo định luật vô thường “thành, trụ, hoại, không” mà thay đổi, ngôi chánh điện Nghĩa Minh cũng nằm trong quy luật vận hành ấy, ngót nửa thế kỷ đã nhiều lần tu sửa. Để bảo toàn cơ sở hoằng pháp lợi sanh, được sự nhất trí của chư Tôn đức trong môn phong Tổ đình Nghĩa Phương và giáo hội, ngày 19/02/Giáp Thân (2004) khởi công tái thiết Đại trùng tu ngôi Đại hùng bửu điện.

Sau hơn 2 năm xây cất hoàn thành, lễ Khánh tạ Lạc thành được tổ chức trong 3 ngày 03,04,05 tháng 3 năm 2006, nhằm ngày 04,05,06 tháng 2 năm Bính Tuất.

3 năm sau, 2009 (Ký Sửu), Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện, tiếp tục xây dựng ngôi Đông Lang 2 tầng, gồm 6 phòng khang trang, rộng rãi dùng làm nhà khách và  phòng Ni.

Hơn 50 năm đối với một ngôi chùa thật quá trẻ, nhất là Ni tự, nhưng với tấm lòng tất cả vì sự nghiệp tấn dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Mới ngày nào chùa Nghĩa Minh nhất Ni, nhất tự mà giờ đây Ni chúng tại Nghiã Minh có22 vị, có những vị đã tốt nghiệp Cử nhân Phật giáo, có 2 vị đã làm trụ trì chùa riêng. Với một lòng theo Thầy tổ, chẳng nệ tài hèn, trí mọn, đức mỏng, nghịêp dày, như con ong cần mẫn góp mật ngọt cho đời. Như hoa ưu đàm nở, niềm vinh hạnh đã đến với Nghĩa Minh Ni Tự, Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện được tấn phong Ni Trưởng tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, năm 2007. 

Giờ đây nhìn ngôi Nghĩa Minh Ni Tự với ngôi Đại hùng Bửu điện 2 tầng, Phạm vũ huy hoàng, trang nghiêm, đỉnh đạt. Tổ đường cũng là giảng đường rộng rãi để phật tử sớm hôm nghe Ni trưởng khuyến hóa tu trì. Ngôi Đông lang, Tây lang, Nhà khách, khang trang, đẹp đẽ,  thoáng mát. 
Nhà Đông nơi Ni chúng tu học
 Phía trước sân chùa cây Bồ đề cổ thụ gần 100 tuổi, cành lá xum xuê, như chứng tích quá trình hình thành và phát triển Nghĩa Minh Ni Tự,  rợp bóng che mát cả sân chùa, là Tượng Đài Quan Thế Âm Bồ Tát cao trên 4 mét, với gương mặt hiền hoà, bao dung, phóng tầm mắt xa xăm như đem thệ nguyện của Ngài nhìn thấy mọi thống khổ của chúng sanh, nguyện mang  lại bình an, cứu khổ, cứu nạn cho mọi con người miền thuỳ dương cát trắng, đang mê mụi “Cứ tưởng Ta bà là cõi thật. Thế cho nên tất bật suốt bao ngày” hướng về cõi Phật, bỏ dữ làm lành.

Xa xa, nơi góc sân chùa là Nhà Vãng sanh, nơi đã in dấu biết bao phật tử công đức tiên linh, tiền bối,  sau khi quá vãng đã được an vị gần chùa thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”, để sớm tối chư Tiên linh nghe tiếng chuông chùa, cùng tiếng kệ lời kinh, để rồi âm siêu, dương thái.
Nhà Tây Nghĩa Minh Ni tự đang xây dựng 
Sáng ngày mùng 2/07/Ất Mùi (15/08/2015) những ngày đầu của mùa Đại lễ Vu Lan Báo hiếu PL.2559 về thăm lại Nghĩa Minh Ni tự, một niềm vui nữa lại đến với phật tử Nghĩa Minh, tháng 5 vừa qua, Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nguyện đã cho xây dựng lại ngôi Tây lang gồm 18 phòng, 9 phòng tầng trệt, và 9 phòng ở tầng lầu làm nơi thờ công đức tiên linh, phòng khách và phương trượng…khang trang rộng rãi.

Thật đúng là:

“Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa

Thiền môn hưng thịnh do đàn việt hộ trì”.

Trí Bửu

loading...